8 tháng 4, 2019

Bình dân và quý tộc có khi chỉ là một


Hồi nẳm tôi có dịp sang Hong Kong, đi dạo trên những con đường rợp mát bóng cây với những cánh hoa màu hồng nở rực rỡ, nghe anh chàng HDV giới thiệu hoa này ở HK gọi là hoa Tử kinh và được chính quyền HK tôn làm quốc hoa vì sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp hồn nhiên của nó.
Tôi ngắm kĩ thì ra nó chính là loài hoa mà ở miền Nam VN người dân vẫn gọi bằng một cái tên rất dân dã là hoa móng bò. Vì cái lá của nó có hình cái móng con bò nên gọi là móng bò. Đó là một cái tên tượng hình, giản dị và dễ hiểu cứ như xà phòng thì gọi là bột giặt, mì chính gọi là bột ngọt. Hoa móng bò mọc khắp mọi con đường ở Sài Gòn và khắp mọi con đường quê Nam Bộ. Thế mà dân Hong Kong cứ vênh mặt lên tự hào với cái tên nghe rất quý tộc là hoa tử kinh. Vì là quốc hoa, tử kinh có mặt trên quốc kỳ Hong Kong. Người Nam Bộ theo đó cũng lấy làm tự hào vì loài hoa dân dã của xứ mình lại được dân xứ Cảng thơm tôn sùng.
Điều đó khiến tôi có chút ngạc nhiên.
Nhưng chưa hết, ở vùng Tây Bắc nước ta có loài hoa gọi là hoa ban trông y hệt hoa móng bò/tử kinh. Người Tây Bắc nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng cũng rất tự hào về hoa ban. Chính quyền nơi đây còn tổ chức hẳn cả một lễ hội hoa ban và xem nó như một đặc sản của núi rừng Tây Bắc.
Tò mò tôi xem kĩ từ hoa đến lá đến cây thì hoa ban chính là tên gọi khác của hoa móng bò, cũng là hoa tử kinh. Vậy là một loài hoa có 3 tên gọi. Nghe tử kinh thấy sang trọng, nghe hoa ban có vẻ quý phái, nhưng móng bò lại rất bình dân. Nghe nói bên xứ Mông Cổ còn gọi là hoa móng lừa vì lá của nó cũng là hình móng con lừa quen thuộc của họ. Bốn cái tên thực ra đều dùng để gọi một loài hoa. Vậy mà cứ ầm ĩ cả lên.
Ở quê tôi có một loại cây dây leo mọc khắp mọi lối mòn và cả trong rừng gọi là cây ngấy. Cây có gai, lá bứt về phơi khô nấu nước uống thơm nức và chữa được nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp cao. Tôi và lũ trẻ con hồi nhỏ đi sơ tán lại rất thích quả của nó khi chín đỏ hái ăn rất ngọt và ngon. Mặc cho gai cào xước chân tay mặt mũi vẫn vươn hái hết trái chín bỏ vô mồm ăn đến đâu tỉnh táo đến đó. Cái bụng đói luôn sôi sùng sục thì ăn gì mà chả ngon. Quả của nó mọng nước, đầy đặn như một mâm xôi tí hon. Vì thế mà có nơi còn gọi cây ngấy quê tôi là cây mâm xôi. Cũng là một cái tên tượng hình. Từ cây ngấy đến cây mâm xôi là cả một bước tiến dài từ bình dân đến sang trọng.
Thế nhưng cũng từ hồi trẻ con, tôi hay đọc mấy cái truyện ngắn và tiểu thuyết của Liên Xô kiểu như Thép đã tôi thế đấy, Cánh buồm đỏ thắm, Người thầy đẩu tiên… thì thấy các nhà văn Nga hay nhắc đến một loại cây có cái tên rất sang là phúc bồn tử. Sau này tìm hiểu ra thì nó chính là cây ngấy, cây mâm xôi ở VN. Thế mà khi chưa biết cứ nghĩ là quý tộc thượng lưu lắm.
Chưa hết, ở Sài Gòn và cả miền Nam nước ta, đi đâu cũng gặp loài hoa mọc từ cây thân gỗ rất cao to là muồng hoàng yến. Hoa nở vàng rực thắp sáng lung linh mọi con đường thành phố, thắp sáng cả những góc vườn thôn quê Nam Bộ. Nhưng nó là loại hoa có rất nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có cái tên nghe rất Nhật Bản là Ôxaka. Trong lúc ở Lào lại gọi là đọc Khun hoặc gọi ngắn lại là hoa Khun. Còn ở Thái Lan gọi nó là hoa đoọc khun (hai chữ o) và tôn sùng làm quốc hoa. Hôm mới rồi ra Vinh, thấy lão Trung Ngọc Nguyễn đang chăm bẵm một cây đoọc khun mới mọc được gang tay ai đó đem đến cho. Nhìn lão nâng như nâng trứng cái cây quốc hoa Thái Lan bé xíu, tôi bảo ông vô Sài Gòn tôi cho hẳn một xe tải mang về trồng khắp trường ĐH Vinh. Hắn nhìn tôi nghi hoặc. Không lẽ cây hoa quý hóa sang trọng của mình lại là loài hoa bình dân nở khắp trời Sài Gòn.
Thế đấy. Ở đời có khi quý tộc thượng lưu và bình dân giản dị chỉ là một.

Hoa Tử kinh/Móng bò/Hoa Ban

 Ngấy/Mâm xôi/Phúc bồn tử

Muồng hoàng yến/Ô Xa ka/ Đoọc khun/Khun...,


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới