15 tháng 5, 2017

Phủ Thủ tướng cũng tào lao

Sau mấy năm đi lính thời chống Mĩ tôi được chính phủ tặng thưởng cho 2 tấm huy chương. Một Huy chương Kháng chiến chống Mĩ và một Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Nói vẻ vang nhưng tôi thấy cũng chẳng vẻ vang gì cho lắm bởi đó là thứ huy chương theo niên hạn, miễn hoàn thành nhiệm vụ sau 3 năm đi lính thời chiến tranh mà không bị kỉ luật gì thì ai cũng được tặng. Mỗi Huy chương có một tấm bằng do Thủ tướng Chính phủ kí và một giấy chứng nhận kèm theo. Hai cái bằng thì từ khi chuyển vô SG nhà cửa cũng rộng rãi nên tôi treo ở chỗ vẫn ngồi làm việc cho có vẻ ấm cúng như là một kỉ niệm thời trai trẻ; 2 cái Giấy chứng nhận thì cất trong một cái cặp cũ kĩ đựng những giấy tờ cần thiết như bằng cấp các loại… chứ hầu như chưa bao giờ tôi đọc xem trong đó viết những gì bởi ngoài cái danh dự tinh thần rất mờ nhạt ra thì nó cũng chưa mang lại lợi lộc vật chất gì cho tôi.
Nói cho đúng ra thì cái bằng HC Kháng chiến tôi có dùng đến một lần khi foto nó để lên Bảo hiểm Xã hội quận nhằm hưởng chế độ bảo hiểm y tế 100% mà không phải cùng chi trả 5% khi khám và điều trị bệnh ở bệnh viện.
Mãi gần đây nhân dịp ngày 30 tháng Tư tôi và Nguyễn Quang Ngọc ghé Biên Hòa thăm đồng đội là Thưởng CCB C20 E266 cùng sư đoàn 341 thì Thưởng hỏi 2 thằng tôi là các ông đã làm chế độ tham gia hoạt động chiến đấu trong vùng mặt trận B2 (miền Đông Nam Bộ) là vùng mà quân đối phương đã sử dụng chất độc hóa học chưa thì tôi tròn mắt lên ngạc nhiên: Thế à, có cái chế độ đó à. Thưởng nhìn tôi như nhìn một người từ trên giời rơi xuống: Người ta làm và hưởng chế độ cả chục năm nay rồi ông ơi (từ năm 2003). Nếu tính mức trợ cấp thấp nhất 1.150.000đ/tháng đem nhân với 12 tháng rồi nhân tiếp cho 13 năm thì tôi đã mất một khoán kha khá rồi.
Trời, vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng ông nào bị dính chất độc da cam, vợ không sinh được con hoặc đẻ con ra bị quái thai què quặt thì mới được hưởng chế độ đó chứ.  Ai dè chỉ cần bị một trong 7 nhóm bệnh trong đó có căn bệnh tiểu đường là đã được hưởng đều đều hàng tháng một khỏan trợ cấp nho nhỏ rồi. Gì chứ tiểu đường thì tôi bị thường xuyên cả chục năm nay rồi, mà lại bị nặng nữa là khác. 10.0 cơ mà. Mà không chỉ riêng tôi, hai thằng bạn thân C20 F341 của tôi cùng ở SG là Quang Ngọc và Lê Đình Nguyên cũng không biết thông tin gì về mấy vụ quyền lợi này.
Vậy là tuần trước, theo hướng dẫn của Thưởng tôi lên Ủy ban phường hỏi để làm về chế độ hiển nhiên này. Cô nhân viên ở bộ phận người có công sau khi hỏi tôi câu: Sao mấy lâu nay chú không làm, người ta làm hết từ lâu rồi. Thì tôi có biết gì đâu, nhờ cô giúp tôi nhé. Thế rồi cô nhân viên lấy ra một bộ mẫu hồ sơ hướng dẫn tôi về làm thành 4 bộ như nhau, khi nào xong thì mang lên nộp cho cô. Từ Phường sẽ lên quận, từ quận sẽ lên Thành phố. Khâu cuối cùng là ra Hội đồng Giám định y Khoa TP. Sau đó là… tiền. Có thế chứ. Có tiền là sướng rồi.
Thấy cũng không rắc rối lắm nên tôi về bắt tay vô làm hồ sơ ngay. Việc đầu tiên là foto công chứng mấy cái giấy chứng nhận Huy chương tưởng như sẽ không bao giờ cần đến. Gì chứ công chứng thì quá đơn giản. Tôi foto xong mang lên phường công chứng. Cậu nhân viên công chứng phường sau khi liêc mắt qua phán ngay: Hai tờ giấy chứng nhận này không công chứng được chú. Sao vậy cháu. Nó xòe tờ giấy chứng nhận HC kháng chiến ra nói: Đây chỉ là bản y sao, mà đã là bản sao thì theo quy định là không công chứng được, luật qui định chỉ công chứng từ bản gốc. Xòe tiếp tờ Giấy chứng nhận HC Chiến sĩ Vẻ vang ra nó phán luôn: Còn cái này thì chỉ có con dấu mà không có chữ kí của nơi cấp là Phủ Thủ tướng, cũng không thể công chứng được. Chú thông cảm.
Thông cảm cái con khỉ.
Tôi lấy hai tờ giấy chứng nhận ra xem kĩ thì đúng thế thật. Tờ chứng nhận HC Kháng chiến to bằng khổ A4  giấy đen thui thui như cứt chó in roneo đúng là bản y sao từ một Quyết định của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí cấp HC Kháng chiến cho cùng một danh sách gồm 389 ông là cán bộ thuộc Bộ Giáo dục trong đó có tên tôi. Rồi Trường ĐHSP Quy Nhơn là nơi tôi giảng dạy khi đó sao y ra một bản trao cho tôi, nó đúng là cái Giấy chứng nhận sao y. Còn Giấy chứng nhận HC Chiến sĩ vẻ vang chỉ nhỉnh bằng 3 ngón tay khép lại ở trên góc đề là Phủ Thủ tướng, bên dưới có dấu của Phủ Thủ tướng còn nguyên màu mực đỏ nhưng không hề có chữ kí của ai cả. Sao cái tay chánh văn phòng Phủ thủ tướng hồi đó nó không kí vô đây cho tôi nhỉ.  
Rõ là oái oăm. Được lúc tôi hăng hái nhiệt tình đi làm chính sách chế độ thì chính chế độ nó lại dội cho mình gáo nước lạnh thế này. Ai dè Phủ thủ tướng mà cũng tào lao thế. Cấp Giấy chứng nhận Huy chương cho người ta mà cũng không thèm kí tá gì ráo trọi. Nản thế.
Vậy là tôi ôm mớ giấy tờ về nghĩ cách khác. Cách đó là tháo hai cái bằng xuống đem foto ra cũng công chứng được. Cái bằng dù sao cũng còn oai hơn cái giấy chứng nhận.
Chẳng biết vụ này rồi có đi đến đâu không. Chỉ biết rằng vào thứ 6 tuần trước, cô nhân viên Bộ phận người có công đã thu nhận xong mớ hồ sơ của tôi với lời dặn: Có gì cháu sẽ gọi lại chú sau.   

Tờ Quyết định bằng giấy nứa đen thui thui in roneo lem nhem, sản phẩm của thời bao cấp XHCN

Quyết định của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí cấp HC Kháng chiến cho cùng một danh sách gồm 389 cán bộ thuộc Bộ Giáo dục trong đó có tên tôi từ năm 1985. Rồi Trường ĐHSP Quy Nhơn là nơi tôi giảng dạy khi đó sao y ra một bản trao cho tôi, nó đúng là cái Giấy chứng nhận sao y. 

Sau mấy năm đi lính với quân hàm Hạ sĩ, có mỗi cái Giấy chứng nhận HC Chiến sĩ vẻ vang chỉ nhỉnh bằng 3 ngón tay khép lại ở trên góc đề là Phủ Thủ tướng, bên dưới có dấu của Phủ Thủ tướng còn nguyên màu mực đỏ vào ngày 6 tháng 4 năm 1987 nhưng không hề có chữ kí của ai cả. Sao chánh văn phòng Phủ thủ tướng hồi đó nó không kí vô đây cho tôi nhỉ. 
Đó là chưa nói việc từ năm 1976 tên nước VN đã được đổi từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa XHCN Việt Nam rồi vậy mà trên cái giấy chứng nhận này 11 năm sau (1987) cơ quan Phủ Thủ tướng vẫn ghi là VNDCCH. Ẩu hết chỗ nói.




  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới