1 tháng 11, 2013

Nguyễn Văn Chương đã về mãi với xứ Đoài mây trắng lắm…

Xa Bình Định, xa Nguyễn Văn Chương đã lâu, hôm nay vào weblog của nhà thơ Mai Thìn được biết Nguyễn Văn Chương do bị tai biến nặng đã từ trần lúc 16h ngày 27/9/2013 (tức ngày 23 tháng 8 năm Quý Tỵ), hưởng thọ tròn 70 tuổi, tôi thảng thốt cả người.  Bởi hồi ở Qui Nhơn, anh và tôi vẫn thường gặp gỡ chuyện trò với nhau về cuộc sống, về văn chương. Vậy mà nay con người mang cái tên đậm màu Văn Chương như một cái nghiệp vận vào thân ấy, đã ra đi. Nhớ anh, người con của Xứ Đoài, Hà Tây cũ, tôi nhớ một câu thơ anh từng viết về quê hươngmình: Quê ở xứ Đoài mây trắng lắm.
Cách đây 5 năm, vào năm 2008, khi anh kí tặng tôi tập Thơ Nguyễn Văn Chương, cuốn sách có giá trị như một toàn tập thơ anh, tôi đã có bài viết về anh và tập thơ dày dặn này:


Sinh năm Quý Mùi, 1943, tính đến 2008 Nguyễn Văn Chương đã bước sang tuổi 65; nhưng nom anh vẫn còn phong độ và sung sức lắm. Chính vì thế mà tôi lấy làm ngạc nhiên khi anh tự mình làm một cuộc tổng kết khá hoành tráng cho chặng đường thơ hơn bốn mươi năm  của mình.  
Tôi đã đọc thơ Nguyễn Văn Chương khá nhiều, từ thơ cho thiếu nhi như Tiếng gọi vịt cho đến rất nhiều thơ cho người lớn như các tập Cỏ biếc, Đêm huyền diệu; Từ thơ trữ tình như Lục bát yêu đến thơ tự sự như trường ca Làng... Ở đâu tôi cũng thấy sự đằm thắm của Nguyễn Văn Chương với một cái nhìn đầy yêu thương về con người, về cuộc sống. 
Cầm cuốn Thơ Nguyễn Văn Chương còn thơm mùi giấy mới trên tay, tôi vô tình lật trúng bài in ở cuối phần V: Tình yêu nỗi nhớ, tôi như bị hút vào những câu lục bát da diết một niềm yêu từ thuở xa xăm: 
        Rượu thu cất tự nỗi buồn
Đắng cay chua mặn mãi còn ruổi theo
        Cất từ lệ trái tim yêu
Bao niềm sướng khổ, bao nhiêu lụy phiền 
       Và anh xin uống cạn em
Để lên nước chúa thì quên lối về 
Dù đã bôn ba qua nhiều chặng đời vất vả gian truân, trong đó có 15 năm làm lính của sư đoàn 308, cuộc đời và con người Nguyễn Văn Chương cũng lận đận long đong lắm. Biết Nguyễn Văn Chương đã lâu, tôi có cảm giác anh chưa có lấy một ngày sướng, một ngày thanh thản. Dù sống giữa gia đình với nhà cửa, vợ, con, cháu đề huề nhưng hình như Nguyễn Văn Chương vẫn thường để cõi lòng hướng về những nơi ngày xưa xa lắm. Và có lẽ vì thế mà khác với những người thuộc giới thơ văn bây giờ là hay ồn ào với những bia rượu, ngôn từ to tát, Nguyễn Văn Chương thường lặng lẽ, trầm tư như một người đứng ở bên lề cuộc sống.  
Thơ Nguyễn Văn Chương cũng vậy. Từ ngữ không đại ngôn mà dễ hiểu; câu chữ ít triết lý để ra vẻ thâm nho mà thường giản dị, rất đời thường. Cái đơn giản của chất lính như cũng ngấm cả vào thơ anh. Đó là những câu thơ chân thật, dễ đi vào lòng người.  
Các cây bút trẻ ngày nay không biết là vô tình hay hữu ý, thường muốn kiêm luôn cả nhà tư tưởng. Vì thế mà thơ họ thường cao siêu, trừu tượng, theo kiểu nói vậy mà không phải vậy.
Nguyễn Văn Chương thì khác hẳn. Thơ Anh đã đi từ những cái rất to tát như lòng yêu nước, tình yêu quê hương, tình cảm lứa đôi, tình đồng chí, đồng đội thành những câu chữ giản dị, ai đọc cũng có thể hiểu ngay được: 
          Sông Cầu như trôi ở trước hiên nhà
          Trăng kỳ ảo, mạn thuyền ai ngồi tựa
          Non nước xinh cho lòng anh đến ở  
          Trong mỗi lời quan họ mãi đằm sâu
                             (Em hát quan họ) 
Những câu thơ thật như không thể thật hơn. Và tình tứ như không thể tình tứ hơn.     

                              
                           Nhà thơ Nguyễn Văn Chương (1943-2013) 
Cầm trân trọng cuốn Thơ Nguyễn Văn Chương trên tay, tôi hỏi anh mà cứ sợ mất lòng: Làm cuộc "Tổng kết" này rồi anh định không đi tiếp đời thơ nữa à, chả nhẽ anh gác bút như hiệp khách gác kiếm? Anh cười: Thì có ai cấm mình đâu.
Thế đấy. Sau Thơ Nguyễn Văn Chương, chắc chắn sẽ còn những thơ Nguyễn Văn Chương khác. Anh sẽ vẫn làm thơ nữa như con chim thì phải hót, cây thì phải nở hoa, đâm chồi nảy lộc vậy.  
Lạc bước trong rừng thông cổ sơ
Trời xanh không gợn chút sa mù
Chiều chưa nhạt nắng mà se lạnh
Chớm hè như đã dẫn vào thu

Xuống thấp lên cao - lũng tiếp đồi
Đường như biển sóng vỗ triều vui
Trung tâm rừng núi, nhìn không núi
Chỉ thấy bao la bốn phía trời...
                     (Thoáng chốc Pleiku) 
Tôi lại hỏi Nguyễn Văn Chương: Rồi sẽ có cuốn Văn Nguyễn Văn Chương nữa chứ? Anh cười hiền lành: Thì rồi cũng phải có chứ. 
Đó là điều tất yếu. Vì Nguyễn Văn Chương cũng là cây văn xuôi quen thuộc trong giới cầm bút nước nhà với những tập Hoa mai đỏ, Chuyện làng văn, Cảm nhận dọc hành trình... 
Con người văn chương quê ở xứ Đoài mây trắng lắm ấy vẫn còn mơ mộng và vất vả với văn chương nhiều lắm.  
                                                    Qui Nhơn, 2008


1 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới