26 tháng 11, 2013

Cuốn sách không dễ đọc

Cá thì ai chẳng ăn hàng ngày. Thậm chí như nhà tôi có thời gian bà xã còn tổ chức chiến dịch bài trừ thịt để tăng món cá trong các bữa ăn, vì nghe nói ăn cá có nhiều cái lợi còn ăn thịt thì có thể chết sớm vì mắc nhiều chứng bệnh, nhất là mấy bà hàng thịt ngày nay chuyên trò tẩm ướp đủ thứ hóa chất khiến ăn một miếng thịt vô người cũng có nghĩa là nhập thêm vào cơ thể một lượng hóa chất độc hại không gây cho ta cái chết ngay tắp lự nhưng sẽ có một cái chết từ từ. Vì thế mà ăn cá vừa ngon bổ lại rẻ, chỉ thiếu nước vừa ăn cá vừa hô cá muôn năm. Có hôm nhà tôi mua cả một con cá diêu hồng to còn sống tung tăng bơi lội trong chậu nước nhìn đẹp long lanh như một con cá cảnh mà chỉ hết có 30 ngàn. Tôi ngắm con cá rồi thầm nghĩ: Sao mà rẻ thế nhỉ. Nếu tôi mà nuôi hoặc bắt được con cá như thế này thì có ai trả 100 ngàn tôi cũng không bán. Bởi để có được một con cá trên mâm, nhất là giống cá biển chắc phải là kì công lắm. Đấy, ông nào giỏi cứ ra biển bắt về một con cá trích to bằng 2 ngón tay đi, tôi mua cho 100 ngàn.
Điều này càng đúng hơn khi tôi được đọc cuốn Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định (*) do hai tác giả là Trần Xuân Toàn và Trần Xuân Liếng biên soạn. Đọc mới thấy hóa ra nghề bắt cá thật lắm công phu.
Này nhé, trước khi đi biển phải nắm bắt được tình hình thời tiết. Ngư dân Hoài Nhơn chỉ cần nhìn qua bầu trời là biết sắp có mưa hay gió: Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa. Khi ra biển thì tùy theo vùng mà đánh bắt kiểu gì, khơi hay lộng. Ngay trong đi lộng cũng đã thấy phức tạp với những câu kiều, câu thẻo, câu nhỏ, câu chạy, câu tay, câu cuộn… đọc mà hoa cả mắt. Rồi lưới, rồi ghe xuồng, cái nào cũng đủ các chủng loại.



Cuốn sách còn cho người đọc biết thêm về những tín ngưỡng, lễ hội và những điều kiêng kị trong nghề biển của ngư dân Hoài Nhơn. Phần này  mang nhiều đặc điểm của văn học dân gian – Folklore nhất, và đây chính là thế mạnh của tác giả sách này. Vì thế mà cũng là chương được viết rất thành công, mang lại sự hấp dẫn cần thiết cho người đọc.
Hoài Nhơn là huyện địa đầu phía Bắc của Bình Định có chiều dài gần 30km bờ biển với những làng biển nổi tiếng. Trong đó nổi tiếng nhất là làng biển Hoài Hương. Những năm sống ở Bình Định tôi đã có mấy chuyến công tác  về Hoài Hương. Được ăn món hải sản ngon nhất thế giới mà ở nhiều làng biển khác không có, đó là bộ lòng của con cá vĩ đại gọi là cá ngừ đại dương. Nó trông giống hệt con cá ngừ thông thường nhưng sống ở vùng nước biển ngoài khơi xa cách bờ hàng trăm hải lí và sâu hàng ngàn thước nên gọi là cá ngừ đại dương, có nơi còn gọi là cá bò gù. Mỗi con dài cả thước rưỡi, nặng cỡ năm chục kí. Bộ lòng cá ngừ đại dương phải 5-6 người ăn sặc sừ, khi ăn cứ dòn dòn sật sật, thơm và ngon lạ lùng, nhất là khi đi kèm với chai rượu gạo nút lá chuối nữa thì quên luôn đường về là cái chắc. Ăn vào đâu sướng đến đấy, chỉ no chứ không có chán. Đời tôi có lẽ không bao giờ có lại một dịp như thế nữa bởi bây giờ sống xa Hoài Nhơn quá.
Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định là một cuốn sách không dễ đọc và không thể đọc nhanh. Tôi vốn đọc sách khá nhanh, vậy mà phải đọc dần dà đến 3 tuần mới xong. Tất cả chỉ là do những kiến thức trong sách mới lạ với tôi quá, dù đó là của ngư dân Hoài Nhơn xưa.
Cuốn sách đã cho ta thấy để trường tồn với lịch sử, người Hoài Nhơn nói chung và ngư dân Hoài Nhơn nói riêng từ ngàn xưa không chỉ đã rất cần cù mà còn rất thông minh và sáng tạo. Chẳng thế mà từng có thời huyện này suýt trở thành thủ phủ của Bình Định. Đó là đóng góp có ý nghĩa nhất của các tác giả từ Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định.
Cuốn sách do vậy là một nguồn một tư liệu quí cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này.

(*) Tác giả Trần Xuân Toàn - Trần Xuân Liếng, NXB Thời đại, Hà Nội, 2013



  




4 nhận xét:

  1. Ngày xưa chẳng biết ông baj già có đi nơm không? Chứ nhà mình thì chỉ mình với ông già đi nơm là may còn ông anh rể, thằng em thì đi suốt đêm với cả làng mà vẫn về oi không. Thế mới biết bắt được con cá không phải dễ!
    cá nục HN bán 40K, 35K một ký! Thương cho Ngư dân quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế. Đọc sách này thấy thương ngư dân, nhất là lại thường xuyên bị giông bão và bọn bành trướng ba tàu khủng bố, cướp bóc nữa.
      TT nên ăn nhiều cá vào nhé.

      Xóa
  2. Cảm ơn thày về bài giới thiệu sách. Đúng là một cuốn sách không dễ đọc, vì thuần thúy chuyên ngành, với hàng loạt thuật ngữ mới lạ.Nhưng đọc xong bài giới thiệu của thầy, em là tác giả, bỗng dưng lại muốn đọc lại sách của mình, vì thầy giới thiệu hấp dẫn quá. Cảm ơn thầy nhiều nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quan trọng là mình cũng thấy sự thú vị ở cuốn sách của Toàn, dù rất khó nhằn.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới