Đường Ba Trại ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình là con đường nối Quốc Lộ 1A đoạn gần phía nam cầu Sông Gianh với đường Hồ Chí Minh lên vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Con đường dài hơn 10 km này được ví như một Đà Lạt thu nhỏ vì nó uốn lượn giữa những rừng thông và hồ nước bốn mùa xanh tươi mát mẻ.
Sở dĩ gọi là nghĩa trang Thọ Lộc
vì nghĩa trang tọa lạc trên một đồi thông, thuộc thôn Thọ Lộc, xã Vạn Trạch,
huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi an nghỉ của gần 700 liệt sĩ là
bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ công nhân viên ngành giao thông và dân
công hỏa tuyến đã hi sinh trong trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Ông Lê Văn Cư, quản trang NTLS Thọ Lộc đã 33 năm nay
Trong những năm chiến tranh chống Mĩ, đường Ba Trại là một trong những con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Con đường như một túi đựng bom lớn của không quân Mĩ. Không một ngày đêm nào trên đường Ba Trại không bị đánh phá dưới mưa bom bão đạn. Cùng với đó, dưới những cánh rừng thông Ba Trại là nơi ẩn giấu hàng chục kho vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng, lương thực, thực phẩm và làm trạm trung chuyển tập kết hậu cần cho các chiến sỹ. Con đường Ba Trại ngày nay đẹp đẽ thơ mộng là thế nhưng nửa thế kỉ trước nó đã thấm bao mồ hôi, xương máu của các chiến sỹ thanh niên xung phong, bộ đội đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu. Họ ngã xuống trên mảnh đất Ba Trại và bây giờ, họ mãi mãi nằm lại bên nhau trong Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc.
Đến Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc, bạn sẽ thấy ngút ngàn dưới những bóng thông xanh là những hàng bia mộ liệt sĩ nằm san sát bên nhau như nhắc nhở về một thời đau thương và anh dũng.
Tuy nhiên, người dân địa phương
ở đây ít khi gọi là Nghĩa trang Thọ Lộc mà từ lâu lắm rồi, họ vẫn quen gọi là
Nghĩa trang Đông Dương. Đơn giản vì ở nghĩa trang liệt sĩ này có rất rất nhiều
liệt sĩ là bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh ở bên đất bạn Lào, Campuchia
trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cũng được quy tập về nghĩa trang này. Cách
gọi tên "Nghĩa trang Đông Dương" của người dân Thọ Lộc thật sâu sắc
và càng thêm ý nghĩa.
Từ cổng chính thẳng vào nghĩa
trang, ngay phía ngoài là ngôi đền thờ được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc
truyền thống dân gian rất gần gũi. Đền thờ là nơi dâng hương, dâng hoa
theo nghi thức quốc gia cho anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang này.
Nhìn những những tấm mộ chí ở
Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc, khách viếng thăm sẽ nhận ra đây là nơi an nghỉ của
các liệt sĩ là con em của 25 tỉnh, thành phố hy sinh trong thời kỳ kháng chiến
chống Mỹ. Nhiều nhất là con em của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Hà Nội... Vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay một số liệt sĩ vẫn
chưa xác định dược danh tính, quê quán, đơn vị... Việc các anh, các chị được
quy tụ về đây để hòa vào mảnh đất đã từng cưu mang đơn vị trong những năm chiến
tranh thật là thiêng liêng và ý nghĩa.
Ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ
Lộc, mỗi dịp lễ tết kỉ niệm như ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh
2/9, Tết Nguyên đán luôn ngút ngàn hương khói và hoa tươi của những đoàn cựu
chiến binh, cựu thanh niên xung phong và của những thân nhân liệt sĩ từ khắp
mọi miền quê Tổ quốc tìm về kính dâng và tưởng nhớ.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc có một biên chế cho công tác quản trang. Suốt 30 năm nay, ông Lê Văn Cư được giao làm nhiệm vụ quản trang của Nghĩa trang này. Ông Cư là một cựu chiến binh, nguyên là chiến sĩ lái xe của binh đoàn Trường Sơn trong nhưng năm đánh Mĩ, quê ông ở làng Thọ Lộc. Ngày ngày ông vừa bảo vệ nghĩa trang, vừa chăm sóc hương khói cho đồng đội của mình đang nằm dưới mộ. Ông thấy rất ấm lòng khi được làm công việc thắm đượm nghĩa tình ấy.
Với những đóng
góp và giá trị lịch sử hiển hách, năm 2009, cùng với con đường Ba Trại, ngã ba
Thọ Lộc trong đó có Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc là một trong 15 trọng điểm
thuộc 8 cụm trên tuyến đường Hồ Chí Minh được Chính phủ xếp hạng di tích lịch
sử cấp quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới