Năm 2010, sau 22 năm làm việc ở Đài PTTH Bình Định, tôi nộp
đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Tôi sinh 1954, đúng ra thì phải làm việc 5 năm nữa
mới đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2015. Tuy nhiên, vợ con đã vào hết Sài Gòn, căn
nhà Qui Nhơn đã bán, căn nhà Sài Gòn cũng đã mua, công việc làm mới
trong SG cũng đã xin được, chả có lí do gì để tôi ở lại Qui Nhơn nữa.
Thấy
tôi nộp đơn xin nghỉ hưu sớm, nhiều người ngạc nhiên, nhất là những đồng nghiệp
cùng cơ quan. Họ nghĩ tại sao tôi lại xin nghỉ việc sớm thế, trong lúc cái ghế
tôi đang ngồi dù là rất bé bỏng chắc chỉ ngang với chức tiểu đội trưởng trong
quân đội cũng đang là niềm mơ ước của không ít người.
TP.
Quy Nhơn nhỏ như cái móng tay, chuyện gì xảy ra ở đâu mọi người cũng biết. Đó
là đặc điểm của dân tỉnh lẻ. Huống chi tôi, sống ở Qui Nhơn 31 năm (từ 1979 đến
2010) lại làm 2 công việc mà nhiều người biết là giảng dạy ở khoa văn ĐHSP Qui
Nhơn và Đài Truyền hình Qui Nhơn, nên đi đâu gặp ai cũng hỏi: Nghe nói ông xin
nghỉ việc à. Dù tôi đã trả lời giải thích cặn kẽ là nghỉ vì như thế… như thế…
nhưng không ít người vẫn tỏ ra nghi hoặc: hay là cha này bất mãn vì làm TP hơn
20 năm mà không được lên chức. Hơn 20 năm ngồi nguyên ở một cái ghế, làm nguyên
một công việc có lẽ cả tỉnh BĐ chỉ có mỗi tôi. Nhưng nói thực đó là công việc
mà tôi rất lấy làm thích thú và có nhiều hưng phấn. Bất mãn, không là cái chắc.
Mà bất mãn vì cái gì chứ, trong lúc cái công việc mà tôi đảm nhiệm khá tròn vai
đã mang lại cho tôi nhiều thứ cả vật chất lẫn tinh thần.
Chỉ
có một lí do duy nhất là tôi muốn vô Sài Gòn, nơi tôi đã có một thời được sống
thời trai trẻ và rất muốn sống cuối đời ở đó. Chỉ có vào SG tôi mới được trở lại
với nghề dạy học.
Tôi
gửi đơn xin nghỉ việc từ tháng 2/2010. Nghỉ theo chế độ của Nghị định 132 của
CP. Nghỉ theo chế độ này nghĩa là chấp nhận mình không đủ điều kiện về năng lực
và sức khỏe để làm việc, phải tự nhận có 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ mặc dù
lương hưu vẫn đủ % như khi nghỉ tròn 60 tuổi, lại được thêm 100 triệu đồng trợ
cấp nghỉ hưu sớm mà nếu đủ 60 tuổi mới nghỉ thì không có khoản phụ cấp này. Khi
đó tôi đã là BTV chính bậc 7. Có làm thêm 5 năm nữa thì lương tôi vẫn thế. Nghỉ
cho khỏe.
Cứ
tưởng xin làm mới khó, xin nghỉ thì dễ, ai dè cũng khó quá trời. Giám đốc Đài
thấy tôi đưa đơn thì thông cảm mà kí ngay vì anh ta quá hiểu hoàn cảnh và ý
thích của tôi. Nhưng trên UBND tỉnh và Sở Nội vụ thì không dễ vì họ quá biết
tôi. Ai chứ tay Sơn này mà nói sức khỏe yếu và trình độ làm việc kém thì ai tin
được... Tuy nhiên tôi quen với 1 sếp cao nhất UBND tỉnh và đã nhờ giúp đỡ. Cuối
cùng có cái hẹn hẹn sẽ có quyết định và tiền trợ cấp vào tháng 12/2010.
Nhưng
tôi không đủ kiên nhẫn đợi đến hết tháng 12 vì từ 1/7, trường ĐHVH đã có quyết định
tiếp nhận tôi vào làm việc. Tôi lại nói với giám đốc đài xin nghỉ trước 6
tháng, tưởng sẽ nghỉ không lương GĐ vẫn để tôi được hưởng lương đến ngày có sổ
hiu. Anh bạn GĐ này phải nói là rất tử tế với tôi chứ mà gặp thằng bụng dạ hẹp
hòi thì tôi đã nghỉ theo chế độ không lương rồi. Vậy là 6 tháng cuối năm 2010,
hàng tháng tôi ăn lương 2 nơi, một ở SG và một ở QN. Tuy nhiên chuyện này chỉ
có tôi, giám đốc, TP Tổ chức và TP Kế toán - Tài chính biết, cả cơ quan, cả mấy
chục nhân viên phòng tôi đều không biết.
Tháng
6/2010 có 30 ngày. Tôi quyết định rời Đài BTV, chia tay đất Quy Nhơn - Bình Định
vào ngày 29 bằng ô tô vì có nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh không đi máy bay được. Một
ông bạn là chủ một doanh nghiệp taxi (taxi Hương Trà) biết tôi chuyển hẳn vô
Sài Gòn đã làm một bữa liên hoan chia tay và cho tôi một chuyến xe 4 chỗ với lời
tuyên bố hào hiệp: Ông muốn đi mấy ngày cũng được. Ai nói mấy ông doanh nghiệp
chỉ biết có tiền.
Đúng
5h chiều 28/6, tôi gọi người phó của mình, một cô học trò khoa văn cũ sang
phòng làm việc của tôi và nói: Dù tháng 12 mới có quyết định nhưng hôm nay là
ngày làm việc cuối cùng của thầy ở Đài, thầy giao lại cho em chìa khóa và căn
phòng làm việc với nguyên vẹn trang thiết bị. Kể từ ngày mai em thay thầy quản
lí phòng. Tôi cũng yêu cầu cô không nói chuyện này cho ai biết cho đến khi tôi
rời hẳn khỏi Đài. Tính tôi không thích ồn ào.
Rồi
tôi tắt hết thiết bị điện, nhẹ nhàng khép cánh của phòng lại ra về cứ như là
ngày mai tôi sẽ có chuyến công tác như thường lệ đi đâu đó chứ không phải là
chuyển hẳn vào Sài Gòn.
Hai
ngày 29 và 30/6/2010, tôi một mình với anh tài xế vi vu trên cung đường Qui Nhơn
- Sài Gòn. Trên đường đi tôi ghé Tuy Hòa, Nha Trang chào các bạn đồng nghiệp;
ghé nhà bạn học Lê Trọng Minh ở Ninh Chữ ăn hải sản, tắm biển và ngủ lại một đêm
ở đó. Sáng hôm sau chở luôn cả hai bố con Lê Trọng Minh vào Sài Gòn thi đại học.
5 giờ chiều 30/6 tôi đã hội ngộ với vợ con ở Sài Gòn, để lại sau lưng 31 năm sống
và lập nghiệp tại Quy Nhơn – Bình Định.
Sáng
1/7/2010, đúng 8h, tôi bước vào Trường ĐHVH nhận nhiệm vụ.
Từ
đó cho đến nay, 9 năm đã trôi qua, tôi nghỉ hưu mà cứ như chưa nghỉ hưu, vẫn miệt
mài làm việc và đi dạy ở một số trường đại học bạn, không chỉ ở Sài Gòn mà cả ở
miền Đông và Tây Nguyên.
Có
lẽ rồi tôi sẽ phải xin nghỉ đi làm hẳn, nghỉ hưu lần thứ hai, vì nhiều lúc đã
thấy mệt mỏi, nhất là trong người lại mang căn bệnh đường huyết cao khá nguy hiểm.
9 năm bươn chải sống ở Sài Gòn có thể đã quá đủ cho ước muốn được sống và làm
việc ở thành phố mà tôi đã có rất nhiều kỉ niệm thời trai trẻ vào năm
1975.
P/S:
Ngày 30/12/2010, tôi trở lại Bình Định 3 ngày để nhận quyết định chính thức nghỉ
hưu theo chế độ 132. Đến lúc đó Đài PTTH và Phòng BTCT cũng như bạn bè thân thiết
ở Qui Nhơn mới mở tiệc chia tay dù tôi đã thực sự chia tay từ trước đó 6 tháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới