Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
là hai câu thơ nổi
tiếng trong bài thơ Không tôi nào nữa yêu em của nhà thơ Nga
vĩ đại ở thế kỉ thứ XIX Mikhail Iurjevich Lermontov.
Hai câu thơ nói lên sự linh thiêng của đền
đài miếu mạo khi nó thực sự đi vào cõi tâm linh của con người như một niềm tin
vào tình yêu bất diệt. Đó không phải là sự mê muội mù quáng mà là lòng tin vào
đấng siêu nhân được người đời suy tôn dựng lên như một lẽ tự nhiên. Dĩ nhiên ở
bên cạnh những pho tượng đổ, những ngôi miếu vắng ấy không bao giờ có sự xuất
hiện những cái hòm công đức há miệng nuốt tiền như một sự ăn xin, một sự cướp
giật lòng sùng bái đầy ích kỉ của đám con nhang đệ tử ngày ngày lũ lượt đến chùa
xì xụp vái lạy để mưu cầu danh lợi.
Ấy là tôi đang muốn nói đến những hằng hà sa
số các đền chùa, tượng phật các loại đã và đang được dựng lên trên khắp đất
nước ta, cái sau to hơn cái trước, nếu cái trước là to nhất vùng miền thì cái
sau phải to nhất nước, cái sau nữa phải to nhất Đông Nam Á, cái sau sau nữa
phải to nhất châu Á… cứ thế cho đến ngày tất yếu sẽ có cái chùa hoặc tượng to
nhất thế giới.
Vào cái ngày chưa lâu khi khu chùa Bái Đính
to nhất Đông Nam Á được khánh thành ở Ninh Bình bởi tiền của được đổ ra từ hầu
bao của một tay trọc phú đang được đảng và nhà nước Vn tung hô là một doanh
nhân thành đạt, tôi nghĩ ngay thế là nước ta lại có thêm một địa chỉ buôn
thần bán thánh vĩ đại nữa rồi. Và quả nhiên ngay sau đó ngày ngày người người lũ
lượt kéo nhau đến thả tiền vào hàng trăm hòm công đức được bày ở khắp nơi để xì
xụp khấn vái mưu cầu danh lợi cho riêng mình. Tay trọc phú càng giàu lên trông
thấy trên sự mê muội tham lam và ngu xuẩn của người đời. Hôm trước có ông đồng
nghiệp ra đút tiền khấn vái ngoài đó về hồ hởi khoe rồi tư vấn cho tôi là ông
nên đi một chuyến, hên lắm ông à. Tôi thì sổ toẹt vào cái đám chùa chiền phật
tổ quốc doanh ấy.
Chùa BĐ, một ngôi chùa quốc doanh của bọn trọc phú; xây ra để hốt bạc khách thập phương; nơi thờ phụng linh thiêng có cần lớn nhất Đông Nam Á như thế này không.
Kẻ ăn cắp tiền bạc của cải của người khác là
lưu manh. Kẻ ăn cắp lòng tin của con người là lưu manh của lưu manh. Ngu muội
đến mức bị đám lưu manh đội lốt đầu trọc lừa đảo là ngu muội của ngu muội.
Ngày hôm qua đọc tin và xem hình ảnh về pho
tượng phật với quy mô lớn nhất miền Bắc qua ba năm xây dựng ở miền quê lúa Thái
Bình nghèo khó sau khi đã tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng thu được từ sự mê muội của
người dân bị sụp đổ như bom dội, tôi nghĩ đấy chính là sự linh ứng quả báo nhãn
tiền của thuyết giáo nhà phật. Xây tượng cho to, đặt thật nhiều hòm công đức để
kinh doanh, không đổ mới lạ. Đức Phật tổ Như Lai đâu có chỉ dạy đệ tử như thế
bao giờ.
Điều lạ lùng là hình như càng ngày sự mê muội
của dân chúng nước ta càng lan rộng. Từ chỗ chỉ những người ít có cơ hội học
hành như nhân vật thím Tường Lâm trong truyện ngắn Lễ cầu phúc, hay
như nhân vật Nhuận Thổ trong truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn
mới mê tín dị đoan thì ngày nay, cái sự mê tín ấy đã lan rộng đến cả tầng lớp
có học, tầng lớp được xem là trí thức, nhất là một bộ phận tầng lớp quan chức
to nhỏ các loại đang ngày đêm mưu cầu danh lợi. Làm gì cũng coi bói, đi đâu
cũng coi ngày. Mất của coi bói, được của cũng coi bói. Đau ốm thập tử nhất sinh
coi bói, khỏe mạnh trở lại cũng coi bói. Con thi đại học rớt coi bói, con thi
đỗ đại học cũng coi bói. Cách đây mấy năm, mẹ tôi ở quê đã hơn 80 tuổi bị ốm
nặng đến mức đi nằm bệnh viên bị BS trả về nói là hết thuốc chữa rồi, cho bà về
nhà để đi cho thanh thản. Mấy cô em tôi cuống lên thương mẹ nên vô tận Huế coi
bói một ông thầy nổi tiếng. Ổng phán cái rụp: không quá 21 ngày nữa là mệ đi.
Tôi nhận được điện hoảng quá liền mua vội vài lạng yến sào về thăm mẹ gọi là có
chút báo hiếu của thằng con bất hiếu suốt đời ở xa cha mẹ. Mẹ tôi lần đầu tiên
ăn yến sào nên rất công hiệu, cụ khỏe lại sau ba ngày và vẫn sống khỏe mạnh
minh mẫn cho đến hôm nay. Thấy mẹ tôi khỏe lại một cách không thể ngờ, mấy đứa
em ngạc nhiên lắm không biết lí do vì sao lại đi coi bói một ông thầy cúng khác
cũng rất nổi tiếng ở trong huyện. Ông thầy cúng này trạc tuổi 40, tóc cắt ngắn kiểu đầu đinh với đôi mắt láo liên giảo huyệt toát lên vẻ gian xảo, đi xe hơi tự
lái lấy như một tay chơi chính hiệu. Ông bày lễ cúng rồi phán: mệ còn sống được
đến 9 năm nữa mới đi. Phán xong ông ta đút 700 trăm bạc vô túi rồi lên xe hơi
nổ máy phóng đi chỉ sau chưa đầy 60 phút hành nghề (trong lúc tôi đi dạy nếu là
ở trường đại học công lập của nhà nước cũng chỉ được 60 nghìn đồng cho 60 phút
hao hơi rát cổ trên bục giảng). Mẹ tôi năm nay đã 85 tuổi. Vậy theo lời tay
thầy cúng phải đến năm 94 tuổi cụ mới thăng. Tôi nghe mừng hết lớn. Chợt thấy
thương mấy đứa em tôi học hành cũng đã nhiều, khôn ngoan cũng đã lắm, sắc sảo
cũng không vừa mà sao cứ để cho mấy tay thầy cúng gần xa lừa đảo mãi thế. Tiền
cho con đi học thì lúc nào cũng kêu thiếu mà tiền cúng cho thầy cúng thì lúc
nào cũng đủ. Thậm chí lão thầy cúng ra giá 700 nghìn, các em còn cao hứng
thưởng thêm thầy 300 nghìn nữa cho tròn một triệu. Tôi ở xa về, nghĩ nước xa
không cứu được lửa gần, trăm sự chăm nuôi cha già mẹ yếu đều trông nhờ cả vào
mấy đứa em trai em gái, em dâu em rể ở quê nên chỉ biết im lặng, không nỡ lên
tiếng làm mất lòng và tình cảm anh em. Thực bụng, tôi chỉ mong đám thầy cúng
tào lao thiên đế trên đời này biến hết cho xã hội được trong lành.
Nói chuyện đâu xa. Ngay trong nhà tôi mới năm
ngoái đây thôi, vợ tôi nghe lời mấy bà bạn hay đi lễ chùa với câu có thờ có
thiêng có kiêng có lành nên hàng tháng cứ đến cữ ngày rằm mùng một lại đến một
ngôi chùa ở gần nhà bỏ tiền vô mấy cái hòm công đức (một ngôi chùa nhỏ bé của
phường nhưng có đến mấy cái hòm công đức) rồi đứng chắp tay nghe một ông thầy
chùa tụng kinh gõ mõ. Đi được vài tháng chợt thấy ở mỗi hòm công đức đều có một
nhà sư đứng cạnh nhìn lom lom và nhắc nhở những người đi lễ chùa đừng quên bỏ
tiền vô đủ 5 hòm công đức đặt khắp các gian chùa, lại còn nói rõ là đừng cúng
tiền lẻ loại mệnh giá một, hai nghìn đồng. Cúng tiền lẻ nhà chùa đếm mệt và
không thiêng. Tại sao ngôi chùa nào cũng
la liệt hòm công đức thu đầy tiền tươi thóc thật của những dân chúng mê muội như nhân vật thím Tường Lâm trong truyện ngắn Lễ cầu phúc của Lỗ Tấn. Trong lúc các
nhà thờ công giáo không hề có mấy cái hòm đó. Cũng là tôn giáo mà khác nhau một
trời một vực, một bên thì đàng hoàng văn minh, một bên thì lừa đảo vô lương
tâm. Nhận thấy rõ cái bản chất lợi dụng đức tin vào nhà phật, lại thêm sự kinh
doanh thần thánh sặc mùi tiền bạc của nhà chùa, vợ tôi lặng lẽ chấm dứt sự đi
lễ ngay sau đó.
Than ôi là sự mê muội của những con người
khôn ngoan. Và than ôi là sự thức tỉnh của những con người tưởng đã có lúc mê
muội. Pho tượng phật to nhất miền Bắc xây 3 năm chưa xong đã đổ cũng là phải
lắm. Hi vọng nó sẽ là một sự thức tỉnh cho những kẻ buôn thần bán thánh và thức
tỉnh luôn cho cả những ai còn mê muội, gi gỉ gì gi cái gì cũng cúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới