Tôi không tin là có ai đó lại dửng dưng khi Tết đến xuân về. Năm ngoái
có một ông nhà văn còn phát biểu trên TV là ngày Tết thì cũng như ngày thường,
hết 30 đến sáng mùng một rồi kế tiếp mùng 2, mùng 3 thôi. Mọi sự thì cũng như ngày thường, chỉ khác ngày thường là được
nghỉ nhiều ngày hơn. Tôi nghe và cho rằng tay nhà văn này đang có vấn đề về thần
kinh. Có lẽ những ai đang thật vô cùng bất hạnh, hoặc đang ở trong một cơn khủng
hoảng tinh thần cao độ thì mới dửng dưng với Tết, mới không mong Tết. Và như vậy,
những ai không có Tết hoặc dửng dưng với Tết thì thật là bất hạnh.
Với tôi, Tết có một có gì đó rất thiêng liêng và rất lạ không thể cắt nghĩa một cách rành mạch. Dù đã đi
qua 60 năm cuộc đời, Tết vẫn luôn rất mới và thú vị. Hàng năm tôi vẫn náo nức và xúc động khi Tết đến.
Vì thế mà năm nào tôi cũng nắn nót và chuẩn bị đón Tết theo cách
riêng và ý thích của mình.
Với nhà tôi, Tết chỉ thực sự bắt đầu khi chậu bông mai vàng đã được
hạ thổ từ sân thượng xuống và chỉnh chện khoe sắc ở phòng khách. Công việc này
chỉ mỗi tôi làm. Một chậu mai to là khá nặng. Sức yếu nhưng không muốn nhờ vả
thuê mướn ai, tôi làm theo mẹo học mót được của người Bình Định từ hồi còn sống
ở đó. Nhổ cây ra khỏi đất, lấy hết đất ra khỏi chậu. Nghĩa là chậu mai đã được
chia 3 đất ra đất, cây ra cây, chậu ra chậu. Rồi cứ thế thong thả vận chuyển xuống
3 tầng lầu.
Sáng nay trong lúc vợ và con gái đi mua hoa ở chợ hoa đầu mối Đầm
Sen thì tôi đã làm xong công việc nặng nhọc nhất và có ý nghĩa quyết định nhất
cho sự bắt đầu một cái Tết nhà tôi ấy.
Xong việc tôi pha ấm trà độc ẩm và tha hồ thưởng lãm công trình của
mình.
Tết đã thực sự về rồi.
Tết đã thực sự về rồi.
Chợt tôi vẳng nghe từ nhà hàng xóm (tôi có may mắn luôn ở gần
những nhà hàng xóm mở nhạc rất to) bài hát về mùa xuân với câu hát: Mùa xuân ơi! Ta nghe mùa xuân hát bên kia
trời...
Tôi không biết bài hát tên gì và giọng nữ đang hát rất sôi nổi câu
ca kia tên gì nhưng rất hợp với tâm trạng của tôi.
Tuy nhiên ngẫm kĩ lại thì thấy ca từ của bài hát này khí vô duyên
khi Tết đã đến rồi mà mùa xuân vẫn ở mãi đâu đó bên kia trời. Nếu vô tay tôi thì sẽ viết là Mùa xuân ơi! Ta nghe mùa xuân hát bên hiên nhà (thay 3 chữ bên
kia trời bằng bên hiên nhà). Phải là bên hiên nhà mới gần gũi,
gần cả về không gian và thời gian chứ. May mà phần nhạc của bài hát đã gỡ lại làm
cho bài hát vẫn hay, vẫn đi vào lòng người nghe nhất là khi người nghe đó lại là
một kẻ đang ngồi uống trà một mình và ngắm những bông mai vừa hé nở do chính tay lão
giồng được trong căn nhà yên tĩnh giữa một Sài Gòn ồn ĩ sáng 28 Tết .
Đang nghe được vài câu thì nó
(nhà hàng xóm) chẳng hiểu sao tắt phụt ngang xương để cho câu ca Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời cứ luyến
láy mãi trong đầu khiến tôi cứ lẩm nhẩm hát theo mãi. Nó là bài hát gì và do
ai sáng tác nhỉ. Tức quá liền bật máy, vô google sợt cho ra thì thôi. Thì ra đó
là bài hát Nắng có còn xuân của nhạc
sĩ Đức Trí. Tìm được rồi thì mở to hết volume lên nghe cho đã. Uyên Linh hát rất
hay. Những lời ca thánh thót trong sáng long lanh như rót vào tai người nghe cực kì
say đắm:
Mùa xuân ơi!
Ta nghe mùa xuân hát bên kia trời.
Đâu đây tiếng
đàn cầm buông lả lơi
Đâu đây tiếng
đàn tôi nghe tả tơi
Và em tôi,
lung linh giọt sương trắng trong vời vợi
Em biết yêu rồi,
em yêu những chiều ngồi nghe gió rơi…
Hay thế chứ. Ta nghe mùa xuân
hát bên hiên nhà…
Với sự xuất hiện của chậu mai vàng ở phòng khách, Tết đã thực sự bắt đầu ở nhà tôi
Hình ảnh của nó 4 ngày trước còn nụ thế này
Bàn thờ ba tôi ngày Tết. Lần đầu tiên Tết tôi vắng ba
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới