Chử
Anh Đào
Ngày xưa có một cậu bé, khác với chúng
bạn cùng trang lứa, hễ buông sách vở ra là chơi bi, đánh khăng đánh đáo, câu
cá, bắt chim hoặc vặt trộm ổi, táo vườn nhà người khác, cậu hay lặng im ngồi
một chỗ, lúc thì đưa mắt mơ màng nhìn về dải mây trắng vắt qua dãy Tam Đảo mờ
xa cuối chân trời, lúc lại buồn buồn vô cớ về những câu ca dao từ nghìn năm
trước. Tỉ như: Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?
Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay; Rồi mùa toóc rã rơm
khô/ Bạn về xứ bạn biết mô mà tìm?…Lại nữa, cũng như bao nhiêu đứa trẻ
khác, khi mùa hạ tới, cậu cũng háo hức chờ đón những cơn mưa đầu mùa để được
cởi phăng quần áo mà tung tăng chạy nhảy hoặc nằm ngửa trên sân gạch, hứng cho
no những mát ngọt của muôn ngàn hạt mưa từ trời ban tặng.Chợt bên nhà hàng xóm
vọng lại lời ru: Trời mưa bong bóng phập
phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? Cậu nhìn những bong bóng trên sân, cái
lâu nhất cũng trôi chừng một mét rồi tan biến. Sao chúng mỏng manh dễ vỡ? Người
mẹ sao nỡ dứt con mà đi với kẻ khác? Còn đứa bé kia? Nó sẽ sống với ai, sống ra
sao khi không có mẹ chăm bẵm, chở che trong những ngày tháng tới? Bao giờ trời
tạnh? Ngổn ngang bao nhiêu là câu hỏi mà không được trả lời. Lòng trĩu nặng…Rồi
cậu cũng lại buồn theo một hướng khác. Những buổi tối mùa đông, cuộn tròn trong
lòng bà nội ấm áp, cậu lẩm nhẩm đọc thuộc lòng đoạn thơ trong sách giáo khoa: “Cháu là em bé phương xa/ Theo anh vệ quốc xa nhà từ lâu/ Cháu qua sông Đuống sông
Cầu/ Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài/ Qua bao vực thẳm sông dài/ Giúp
anh vệ quốc đánh loài thực dân…” Trong tâm trí cậu, nhân vật “cháu” kia
thực sự là người anh hùng vĩ đại. Các từ “phương xa”, “ xa nhà”, “vực thẳm
sông dài” cứ rưng rưng và các địa danh vang lên hùng tráng, kích thích trí
tưởng tượng, mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu của thế giới chưa biết. Day dứt
nhất là câu hỏi: cùng một lứa tuổi mà sao mình may mắn, còn người khác lại vất
vả, khổ nhọc, hi sinh? Người bà thắc mắc vì đứa cháu nội cứ trằn trọc, mãi không
chịu ngủ trong vòng tay ấm áp của mình.
Có lẽ ám ảnh suốt đời là những con
cóc, hay nói chính xác hơn là một nửa những con cóc.Hồi ấy là năm học lớp sáu.
Cô L dạy sinh vật hay nhờ học sinh bắt cóc cho cô làm thịt chữa bệnh còi xương
cho cậu con trai. Một buổi chiều cậu chứng kiến cuộc hành quyết trong sân khu
tập thể giáo viên. Cô L thản nhiên và lần lượt chặt lấy phần đùi cóc. Những con
cóc còn từ lưng trở lên và hai chân trước khó nhọc rướn ra khỏi pháp trường,
kéo theo ruột gan phèo phổi và máu trên nền đất nện như một bức tranh trừu
tượng gồm những đường của tử thần và tận cùng đau đớn.
Ám ảnh suốt đời nữa là nước mắt con
chó mà cậu yêu mến. Lần ấy nó ốm. Ông chủ cũng đã vái tứ phương chữa chạy.
Nhưng có lẽ cũng như kiếp người, nó có số. Gần mười giờ sáng một hôm định mệnh,
đang nằm rũ ở tấm bao tải góc thềm, nó cố lết ra chỗ ông chủ đang cật lực quay,
xách nước. Khoảng mười mét thôi. Nhưng mười mét với một sinh linh sắp từ giã
cõi đời là vô cùng cực nhọc và đòi hỏi một nghị lực phi thường biết chừng nào.
Không có tình thương vô bờ bến thì khó lòng vượt qua được. Nó tắt thở trong khi
những giọt nước mắt vẫn lăn ra…
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Theo thời gian, được sống, được học
hành, tâm trí cậu trĩu nặng lên mãi không thôi vì những cơ khổ bần hàn, những
oan uẩn của kiếp người. Một buổi chiều trong tiết thanh minh bên nấm mồ vô chủ
lạnh tanh hương khói không kẻ đoái người hoài một nhân vật tài sắc vẹn toàn với
“Lòng đâu sẵn mối thương tâm/ Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa” bên cạnh
đứa em bất tài và vô tình cười nhạo chị, cười nhạo nỗi đau của người khác: “Vân rằng chị cũng nực cười/ Khéo dư nước mắt
khóc người đời xưa”. Cũng như hóa thân vào nhân vật mà tác giả Truyện Kiều
đã thổn thức với nàng Tiểu Thanh nước người, sống hơn nhà thơ ba trăm năm về
trước: “Ta cũng thấy mình ở trong nỗi oan lạ lùng của khách hào
hoa phong nhã”
Rồi cũng lại là một buổi chiều mùa
đông giá rét trong “Một đám cưới” của Nam Cao, trong “Bên kia sông Đuống” của
Hoàng Cầm, có mẹ già “bước cao thấp bên
bờ tre hun hút/ Có con cò trắng bay vùn vụt/ Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?” Và lão Hạc, người nông dân bần cùng
nhưng còn sạch sẽ nhất trong số những nhân vật nông dân đang trở thành Chí Phèo
trong các truyện ngắn của Nam Cao. Nhà văn đã miêu tả nhiều tiếng khóc, kiểu
khóc, nhưng dứt khoát cậu không quên được, suốt đời cái hình ảnh “Những nếp
nhăn trên mặt lão co dúm lại, ép cho nước mắt chảy ra” và câu nói của Lão “Tôi
ngần này tuổi đầu mà còn đi lừa một con chó.” Rùng mình trước tiếng khóc của
nhân vật bé Thảm (không rõ cha, mẹ sinh em một tuần rồi đem về cho bà rồi bỏ
đi) trong “Côi cút giữa cảnh đời” của nhà văn họ Ma: “Em Thảm hay tủi thân
lắm. Em khóc nhiều hơn những đứa trẻ khác. Em khóc suốt cữ, và tiếng khóc cũng
khác những đứa trẻ khác. Có khi đang ngủ, tự nhiên em múm mím môi, rồi nhếch
miệng hự hự mấy tiếng rất ảo não. Em mang nỗi ấm ức xót xa trong kí ức non nớt
của em. Bà bảo em nhớ mẹ, em tủi phận đấy. Và đêm nào cũng vậy, không ít hơn
một lần, đang ngủ bỗng dưng bừng thức với tiếng khóc dỗi hờn kéo dài khoảng gần
một giờ đồng hồ. Khóc vì đói thì chỉ cần cho em ăn là em nín. Vì rét thì ủ thêm
chăn cho em. Vì nóng thì bế em ra sân cho thoáng. Còn vì tủi thì dỗ thế nào em
cũng không nguôi.”
Ngoài các kênh phim truyện ngoại quốc,
cậu rất chú ý tới mục “Nhắn tìm đồng đội” ở truyền hình và mục “Tấm lòng nhân
ái” trên báo “Dân trí”, xót thương cho những người trai mười chín, đôi mươi
ngã xuống trên chiến trường để những người khác, trong đó có bản thân được
hưởng cuộc sống yên bình hôm nay; xót thương cho những đứa trẻ mắc bệnh hiểm
nghèo hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, thơ dại không biết nương tựa vào đâu.
Có thể có người sẽ nói: Ồi dào, chuyện
sách vở chữ nghĩa lăng nhăng, thương vay khóc mướn. Hãy nhìn vào cuộc đời thật
đi. Ối chuyện đau lòng. Vâng, đúng vậy! Những chuyện đau lòng vĩ mô tầm vóc thế
kỉ, tầm vóc dân tộc quốc gia đại sự thì cậu không dám nghĩ tới. Đập vào mắt cậu
hàng ngày và vẫn nguyên vẹn cảm xúc ban đầu là chập choạng những buổi chiều
những người đàn bà lam lũ mua bán đồng nát ngược gió đi về ngoại ô. Chắc họ cồn
cào đói và bóng họ liêu xiêu như quyết vượt lên thân phận khốn khó. Cũng trong
những buổi chiều ấy là bóng những người bán vé số, bóng người phụ nữ trẻ tay
cắp nón mê, tay khư khư ôm đứa con trước ngực như sợ ai giằng mất lầm lũi đi về
phía bóng đêm. “Nhà họ ở đâu? Ai đang đợi họ? Họ đã sắp về tới chưa?” là những
câu hỏi thường trực trong đầu cậu…
Không phải chỉ với con người, ở loài
vật, cậu cũng nhận ra những điều mà người khác không để ý. Ánh mắt của các con
chó trong lồng sắt trên đường người ta chở tới tiệm nhậu; ánh mắt của những chú
bê bên lò giàn hỏa thiêu chứa đựng rất nhiều thông tin, cảm xúc. Những ánh mắt
ấy như muốn nói rằng: chúng không có tội gì, chúng không muốn chết, chúng muốn
được sống, thậm chí rất có ích cho con người, con người hãy thương xót và ai đó
cứu chúng với … Những ánh mắt như lời năn nỉ, như lời buộc tội với con người!
Nhưng trời thì cao và đất thì dày lắm.
Thế mà đã gần sáu mươi năm rồi đấy.
Cậu bé ấy giờ đã thành ông ngoại. Xem phim, đọc sách hay gặp một số tình huống
trong đời, nhân vật vẫn ứa nước mắt. Nhưng phải quay đi chỗ khác lén lau vì sợ
cháu con nhìn thấy, bảo là ông hâm, ông lẫn rồi. Trong người ông lão vẫn có một
đứa trẻ con!
Lời
bình: Riêng chuyện này thì lời của cụ Mạnh Tử từ mấy nghìn năm trước tới
giờ vẫn đúng. Cụ nói: “Trắc ẩn chi tâm Nhân chi đoan dã” (Lòng xót thương cho
kẻ khác gặp hoàn cảnh không may là đầu mối của điều Nhân vậy!). Thánh Toma cắt
nghĩa rằng:lòng thương xót là nhân đức lớn nhất trong mọi nhân đức. Ngài nói: “Lòng thương xót tự bản chất là lớn nhất trong mọi nhân đức, vì tất cả các nhân
đức khác đều xoay quanh nó.” Cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ những người gặp hoàn
cảnh éo le hơn mình luôn là biểu hiện cao của nhân tính, là cội nguồn của những
điều đẹp đẽ trong đời sống.
PK
.12.14
C.A.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới