II. MÁI
TRƯỜNG XƯA
Chử
Anh Đào
Trước 1975, Plei Ku đã có các bậc học
từ tiểu học tới phổ thông trung học, tất nhiên là những tên gọi khác, cả công
lập và tư thục. Đó là những trường Nam tiểu học, xưa có thầy Briu làm hiệu trưởng,
dám đánh lại cả người Pháp( khu vực trường chuyên Hùng Vương bây giờ), trường
Bồ Đề(nay là THCS Nguyễn Huệ), trường Prime (trường Nguyễn Văn Trỗi), trường
Minh Đức(PTTH Lê Lợi)…Nhiều người đứng tuổi và thành đạt từ năm mươi trở lên
đang sống ở Plei Ku rất tự hào đã từng là học sinh những trường này.
Buổi chiều sau ngày vào Plei Ku, chúng
tôi lang thang từ chợ đường Trần Phú rẽ sang đường Hùng Vương, tới 24 thì gặp
ngay một ngôi trường. Đập vào mắt là cái cổng thật đẹp bằng đá rửa, nổi bật
trên nền xanh là trang nghiêm dòng chữ trắng: “ Trường trung học sư phạm Gia
Lai- Kon Tum”. Trong khoảng sân trường là sân bóng rổ. Hàng thông uy nghi với
thấp thoáng phía sau những ô cửa kính lớp học… Chúng tôi đứng ngoài cổng ngắm
nghía và thầm ao ước được về dạy ở trường này. Ước là thế! Nhưng tôi hơi buồn
và hoang mang bởi chiều qua xuống xe, một ông nhìn như cán bộ tổ chức đã chỉ
tay vào tôi và chiếu tướng: “Đồng chí đi cắt tóc ngay.” (Hồi ấy người ta cấm
loại thời trang bị coi như là “ tàn dư văn hóa thực dân”. Cổng các công sở,
ngoài tên cơ quan còn một bảng sơn đỏ, chữ vàng to tướng “Không tiếp những
người tóc dài, quần loe”)
Vậy mà ngày sau, Ty công bố quyết
định, tôi và một người nữa về trường sư phạm. (Tôi đoán do lí lịch tốt, hẳn
rồi, kết quả học tập ghi trong học bạ và giấy chứng nhận tốt nghiệp. Những thứ
đó đã cứu tôi.) Số còn lại về sư phạm mẫu giáo, cấp III Plei Ku, cấp III Ayun-
Pa. Cô Lan, cán bộ văn phòng Ty, liên lạc trên R về, mượn cái xe đạp chở giùm
va li của hai người tới nhiệm sở mới. Đấy là cơ sở của trường Tuyên Đức- một trường
tư thục của người Tàu, được xây dựng xong năm 1974 (sau này ở các phòng còn
nguyên bảng chữ Tàu và ngổn ngang những tranh sơn mài sơn thủy hữu tình, cánh
buồm thuận gió, mã đáo thành công… Những dãy ghế kê ở hội trường đóng theo kiểu
ghế trong các nhà nguyện…) Hiệu trưởng Đỗ Sương vóc người nhỏ nhắn, bận chiếc
áo len cổ lọ màu đà tiếp chúng tôi ở phòng Ban giám hiệu (Ông là học sinh miền
Nam, tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1967, đi B, hoạt động trên rừng, sau 1975 về
thành phố). Ông thân mật nhưng lên lớp, đặt nhiều hi vọng vào chúng tôi. Ông nói
đại ý: từ miền Bắc XHCN vào, là hạt giống đỏ, là cánh tay của Đảng, cần gương
mẫu và cố gắng. Chúng tôi dạ ran. Sau đó ông kêu: “Anh Bốn đâu?” Một tiếng “dạ”
vang dội suốt hành lang và sau đó một người đàn ông ngoài ba mươi bước vào. “Anh bố trí, dọn dẹp phòng cho các thầy cô giáo mới”. Lại “dạ” nữa…Sau này tôi
mới biết anh Bốn làm bảo vệ, trước đi lính Cộng hòa. Nghĩa là “ngụy”, là “giặc”
theo cách người ta nói hồi ấy. Tôi chỉ thắc mắc: vốn là “giặc” mà sao ảnh rất
hiền. Suốt ngày đầu nghiêng nghiêng, thỉnh thoảng nhếch nụ cười nửa miệng cam
chịu. Trong trường cũng có vài người trong bộ máy cũ lưu dung làm hành chính,
tạp vụ mà nhìn không khác mấy ông nông dân đồng bằng Bắc bộ là mấy. Có khác
chăng là ở tư cách, thái độ làm việc đầy tự trọng và tinh thần trách nhiệm của
họ…Anh Phát, anh Đạt làm tiếp phẩm nhưng đã có công khai hóa cho chúng tôi về
xe máy, về nhạc Trịnh và các ca khúc tiền chiến của Văn Cao, Đặng Thế Phong,
Đoàn Chuẩn, Từ Linh… và những thú vui trần thế khác.Cả những cô cấp dưỡng, phục
vụ cũng thế. Họ cởi mở nhưng một mực lễ phép, tốt chân thành (Không cá mè một
lứa, dân chủ quá đà như nhiều quan hệ bây giờ). Sáng sáng họ đem bánh mì và nước
sôi đến tận từng phòng. Tới bữa ăn họ ngầm quan sát xem các thầy cô có ngon
miệng không? Cần đồ dùng lặt vặt, nhân tiện đi chợ họ mua gùm… Tết đến, các
thầy cô Bắc vào, ở lại, cô Năm, thím Tụng làm mứt đem cho. Ngoài kia chỉ có mứt
quốc doanh toàn tập, bao trùm là những hạt lạc rang bọc trong lớp vỏ mì trắng
mà trẻ con hay gọi là “trứng chim”. Còn đây thì đủ loại. Bắt mắt nhất là món
mứt dừa nhuộm phẩm xanh đỏ tím vàng. Bánh in, bánh bông lan…Lòng người sưởi ấm
và nâng đỡ nhau trong những thời khắc nhạy cảm. Quí hóa biết chừng nào!
Ngoài khu trung tâm là giảng đường và
các phòng ban hành chính, trường còn hai khu nội trú A (Trung tâm ngoại ngữ
đường Cù Chính Lan) và B (Trường Hùng Vương) cùng tường rào với trại giam (xưa là trung tâm cải huấn). Đêm đêm thỉnh thoảng lại đì đòm tiếng súng và chát
chúa những quả vông đồng rơi xuống mái tôn như lựu đạn. Nghe mãi mà vẫn giật
mình.
Bây giờ thì không còn hệ “trung học
sư phạm” nữa. Đào tạo giáo viên để dạy cấp tiểu học cũng ở trình độ cao đẳng ba
năm, là một khoa của trường cao đẳng sư phạm Gia Lai ở 126- Lê Thánh Tôn, đồi
42, phường IaKring, thành phố Plei Ku. Mái trường xưa đã hoàn thành sứ mệnh
lịch sử, vĩnh viễn ra đi, nhưng nó còn hôi hổi trong kí ức nhiều người.
C.A.Đ
(
Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới