Chử Anh Đào
V. NHỮNG QUÁN
“MỘC TỒN”
Là
nói cho văn vẻ thế. Mặc lòng, dù ai dè bỉu chê bai, gọi những thực khách món
này là quân dã man, mọi rợ, dù ai tôn bái lên thành “quốc thực” (như quốc hoa,
quốc phục, quốc tửu, quốc chim… ra) thì tôi vẫn khăng khăng tin rằng từ mấy
nghìn năm trước và cả hàng nghìn năm sau nữa, thịt chó đã và sẽ mãi là đệ nhất
thực đơn của tâm hồn Việt..
Plei
Ku có rất nhiều loại quán này với tên gọi cực kì phong phú. Đơn giản là “Chó”
cộng với tên ông chủ. Ví dụ…Thôi, không ví dụ nữa kẻo có người cho là cạnh
khóe, “chơi” nhau. Có quán nói lái, chơi chữ kiểu “Cây còn”, “Mộc tồn”, “Cờ
tây”. Có quán như một tiếng reo phát hiện
“A! Đây rồi” tựa nhà bác học cổ đại phát minh ra định lí khi đang tồng
ngồng trong bồn tắm. Gần đây có quán lấy cái sự hiển nhiên hàng nghin năm làm
thương hiệu: “Thịt cầy thui rơm” (Có ông đi qua nghiêng ngó lẩm nhẩm đọc rồi
bĩnh một câu: “Chó không thui rơm thì thui bằng cái lông l. mẹ mày à?”. Lạy
giời, xin cụ bớt giận. Chó bây giờ người ta “khò” là chủ yếu đấy ạ). Và cũng
như phở, một số quán kèm theo chữ “gia truyền” cho vinh danh tông tổ…
Đĩa "mộc tồn" quốc hồn quốc túy
Đĩa "mộc tồn" quốc hồn quốc túy
Nói
gì thì nói, như nơi sinh của các vĩ nhân và phó thường dân là giống nhau, quán
thịt cầy là nơi hội tụ thượng vàng hạ cám. Từ giáo sư tiến sĩ, thầy giáo, nhà
văn nhà báo, những người đang thực thi lập pháp và hành pháp tới các bác nông
dân chân lấm tay bùn, xích lô xe thồ đều có thể tập hợp nhau chung một bóng cờ
là những quán cầy sập xệ, bình dân, để rồi tửu nhập ngôn xuất chém gió tung
trời.
Là dân gốc Bắc thì thịt cầy là mặc định (trừ một số
người đang ăn mê mải, thăng quan tiến chức, vợ dựng ngay tượng Phật trong nhà,
cấm bền vững, quyết tu cho đặng). Đành rằng mỗi quán có một vài món ngon nổi
trội như hấp của Minh, dồi Chung, nướng Nhật Tân…nhưng nhóm chúng tôi đến quán
không hẳn là như vậy.. Chúng tôi có những “địa chỉ văn hóa” với những tiêu chí
riêng. Ấy nhất là sự thân thiện, đồng cảm của chủ nhà. Sau nữa là “không gian
chó” từ bàn ghế, chỗ ngồi tới sân bãi, cỏ cây, phải rất … chó. Mấy chục năm,
chúng tôi gắn bó với ba quán cầy sau đây:
Thứ
nhất là quán ông Hạnh, trước thuê ở Võ Thị Sáu, sau dời về Đồng Tiến gần Chiều
Chiều. Hạnh quê gốc Quảng Bình, đuổi Pháp quá đà, có cái tên ái nam ái nữ nhưng
gương mặt và tính cách rất đàn ông. Quán này các món nhạt nhòa. Chỉ được cái
chủ biết tính khách, uống hết mình với khách, nhiều hôm say trước cả khách.
Vào, không cần gọi món mà trăm lần y cả trăm, ông bưng ra đĩa nướng, nhựa mận
và múc chân cho Ngọc, “hộp số” cho Muôn và đuôi cho tôi. Ăn nhiều tới mức các
món sở trường ấy đã thành ca dao tục ngữ: “M. cặc, Ng. ống, Đ. đuôi/ Ăn xong
M. hỏi cái b. nó đâu”. Lam lũ, lùi xùi với quanh năm áo mai ô và khăn mặt vắt
vai là thế mà ngày cưới con tôi, ông diện hẳn bộ đồ vét màu hoàng yến,đánh vật
với cái chân bị tật và cái nắng, ngược dốc Lò bò, hãnh diện bước vào hôn
trường, mắt ngời sáng, đầu ngẩng cao, tóc bồng bềnh thi sĩ. Cái đẹp toát ra từ
tâm hồn ông- một tâm hồn biết hân hoan trước niềm vui của người khác.
Tiếp
theo là quán ông Sĩ đường Nguyễn Du. Ông nói tiếng Bình Định. Vợ người Long An.
Trước 75 làm ở cơ quan kĩ thuật. Mười hai năm sau học tập cải tạo, ông về mở
quán thịt cầy. Đầu tiên các món ngọt lịm vì đường, còn món mận, xương đẫm đặc
nước cốt dừa Nam bộ. Nhiều người góp ý nên thời gian sau quán ông cũng vừa lòng
các thượng đế Bắc- Trung- Nam. Ông quí chúng tôi vì là đồng hương của vợ ông,
ăn nhậu không khắt khe, đòi hỏi hoặc chê bai, lại can ngăn được mấy cuộc đại chiến
giữa các bàn nhậu. Quí tới mức, hôm nào đến sớm, các món chưa xong, ông lấy đồ
ăn cơm của nhà như cá rô kho tộ, thịt heo luộc, canh chua…cho các chú tạm dùng
trước. Tới mức ông hứa với tôi: “Nếu được đi diện H.O, người đầu tiên tôi tặng
quà là chú.” Nhưng ông đã không kịp thực hiện lời hứa ấy. Thiên đường của chủ
nghĩa tư bản thối nát không có chỗ dành cho ông. Ông mất vì bệnh gan. Còn nhớ
buổi chiều cuối Chạp, đang ngồi quán Mịch thì thằng con ông bước vào mếu máo: “Anh
Thân (tên con ông Mịch) ơi, ba em mất rồi.” Chúng tôi bỏ dở cuộc nhậu, theo
chân đứa con về nhà. Ông mất từ hai giờ chiều hôm trước. Giờ đã là năm giờ
chiều hôm sau. Đúng 27 tiếng. Ông nằm đấy, thanh thản, trên môi vương một nụ
cười đôn hậu. Cái nụ cười như đã bỏ qua và tha thứ cho tất cả. Tôi cúi xuống
hôn lên trán ông và lấy cái khăn musoa mới mua hôm qua phủ lên mặt người đã
khuất.Thế âu cũng là trọn kiếp người, kiếp quán. Quán đóng cửa vĩnh viễn. Tôi
chợt ngộ rằng: Thì ra nhiều khi người ta mua bán gì đấy không hẳn chỉ vì mặt
hàng mà phần đa là vì người bán.
Cuối
cùng là quán mà chữ Hán có bộ “nhật” và bộ “nguyệt”. Tạm dịch ra là “Sáng”, nằm
ven quốc lộ 19, gần Nghĩa trang liệt sĩ. Chủ quán quí chúng tôi vì tôi đã có
bốn năm học ở quê lão. Chỉ cần nhắc lại một lời rao xe ngựa ở ga Đồng Quang: “Ai
Đồng Bẩm, Chùa Hang, Gia Sàng, Thịnh Đán, Cán Đức đây” là lập tức đã thành anh
em một nhà. Quán này nổi tiếng với món hấp luôn hôi hổi nóng vì để trong nồi
cơm điện. Mắm tôm Thanh Hóa thứ thiệt. Bỏ thêm ít ớt, ít bột ngọt, vắt chanh
vào, đánh lên là thơm ba hàng xóm, nhức mũi. Nước miếng ứa ra đầy miệng. Nổi
tiếng hơn nữa là cô vợ trẻ hơn chồng hàng chục tuổi, xinh đẹp như diễn viên
múa, luôn bận đồ thun càng làm cho chùm nho còn xanh mãi. Có lần tôi mời hai
ông khách ở Hà Nội vào. Họ là những trí thức hạng nặng, nguyên khí quốc gia. Thường
trực trên gương mặt họ là vẻ nghiêm trang đạo mạo của kẻ đi ban phát và khai
sáng. Thế nhưng khi cô chủ quần thun, áo pun màu nước biển, tóc búi cao để lộ
cổ cao ba ngấn trắng ngần của Thị Kính, bưng đồ ra thì một ông hói tận đỉnh đầu
giơ tay vuốt tóc như chim Thiên Đường khoe mẽ; còn ông kia rớt cả đũa mắm tôm xuống
cái quần ka ki trắng mới thay như Lưu Bị khi xưa được Tào Tháo khen là anh hùng
trong thiên hạ./.
C.A.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới