3 tháng 2, 2015

Pleiku - kí ức...3

                   III. CHỢ
                                                      Chử Anh Đào

          Có người cho rằng chợ là nơi tập trung văn hóa vật chất và tinh thần của một địa phương. Vì vậy muốn hiểu vùng đất mới nào thì đến ngay chợ của nó. Tô Hoài kể đến đâu Nam Cao cũng tìm đến chợ, thậm chí còn tỉ mẩn ghi lại giá cả các mặt hàng. Nhà thơ khác khẳng định đi chợ, nhất là chợ tết thì được một bữa tiệc no mắt, no tay.
          Plei Ku có rất nhiều chợ vệ tinh ở Hội Phú, Trà Bá, Yên Đổ, Chư Á, Biển Hồ, Ia Kring… Chợ trong bài này là “chợ mới”.Hồi mới vào Plei Ku, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: sao có người cứ kèm theo từ “mới”? Chợ mới Plei Ku. Đi chợ mới. Sau tìm hiểu mới biết, xưa trung tâm PleiKu chỉ vỏn vẹn khu đường Lê Lợi, Quang Trung, Phan Bội Châu bây giờ mà trung tâm là Diệp Kính. Những năm đầu thập kỉ 60 thế kỉ trước, nghe nói cọp còn về tới Đài phát thanh- truyền hình bây giờ. Những người ở đường Trần Quang Khải có việc xuống khu ấy gọi là “xuống phố”. Và gọi “chợ mới” được xây dựng những năn 57, 58 thế kỉ trước là để phân biệt với “chợ cũ” (chợ Nhỏ) đường Lê Lợi bây giờ. Bây giờ vẫn tiếp tục thắc mắc vì tên chợ đổi thành “Trung tâm thương mại Plei Ku”. Ở mọi miền đất nước cũng như toàn thế giới, nhiều cái tên gắn với lịch sử và trở nên bất tử mà bất kì chế độ xã hội nào cũng không được phép, không dám sửa đổi vì nó sẽ bị coi là sự xúc phạm. Thì hiện đại, đổi mới đến đâu vẫn là những “chợ Viềng”, “chợ Khau Vai”, “chợ Đầm”, “chợ bà Định” đấy thôi. Chuyện có thật, sau khi đổi tên chợ, ông bạn tôi ở đường Hoàng Văn Thụ, để phản đối,đã quát thằng con trai: “Mày ra Trung tâm thương mại mua hẳn cho tao một bó rau muống”(!)


        Trung tâm thương mại Plei Ku, hậu thân của chợ Pleiku (Ảnh: Internet)

          Chợ mới Plei Ku thời bao cấp kể cũng vui. Ngoài kẻ mua người bán chính thống trong chợ còn là một “chợ” khác ngoài chợ, tập trung tấp nập ở phía Nguyễn Thiện Thuật- Hoàng Văn Thụ. Ấy là chợ giời. Ở đây bán tất cả các thứ cần mua và mua tất cả các thứ cần bán, phong phú gấp vạn lần các mặt hàng của mậu dịch quốc doanh, bách hóa tổng hợp của nhà nước đường Hùng Vương và Hai Bà Trưng. Tham gia chợ này là đủ các tầng lớp, đủ loại người. Mua bán cứ lấm lét như quạ vào vườn ngô chỉ sợ công an, trật tự, quản lí thị trường bắt. Tôi cũng là một thành viên tích cực. Thường mặt hàng của tôi là tem phiếu, đường, sữa và sách báo cũ. Những lần đầu còn ngượng ngùng, đỏ mặt như đang làm việc gian dối, tiếp tay cho con buôn. Thời gian sau thì đã mặt dạn mày dày rồi, thậm chí còn có mối mua quen, cầm đầu toán cán bộ giáo viên đi mua bán…Không bao giờ quên được là lần bán bộ đồ vét của Thái bên Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột sang thỉnh giảng hết tiền và lần bán đôi giày mới đóng. Người mua nheo mắt ranh mãnh: “Liệu có ai đòi lại không đấy?” Công Lâm bạn tôi hồn nhiên và nhanh nhảu: “Không không. Cán bộ giảng dạy mà.”
          Một đối tượng khác tham gia chợ là đồng bào dân tộc. Tôi đã viết: “ Những người mẹ Jrai bán khỏa thân, chân trần, hàng dọc đi vào phố/ Đường nhựa thênh thang cũng chỉ lối mòn/ Trong bình minh ban mai bóng các mẹ đổ thành bao nhiêu dấu hỏi…” Hàng hóa phổ biến của họ là củi, măng, rau các loại. Người mua thì vừa mua, vừa quát vừa như ăn cướp. Người bán lặng lẽ cúi đầu, chỉ gật hoặc lắc. Khi đi thì trĩu nặng. Khi về những chiếc gùi nhẹ bồng ít bỏng ngô, da heo, lòng lợn…Hỏi: “Nao pá?” Các mẹ chỉ cười cười. Những nụ cười như xát muối vào lòng tôi.
                                                                   C.A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới