9 tháng 2, 2015

Chiêu tuyết cho dê

                                                          Chử Anh Đào

          Con dê là một biểu tượng văn hóa của phương Đông lẫn phương Tây từ nghìn xưa.Tuy nhiên, trong đời sống văn học nghệ thuật Việt, từ văn học dân gian tới văn học viết, dê có số “phiếu tín nhiệm” thấp, chịu nhiều tai tiếng.
          Ngay câu chuyện ngụ ngôn vỡ lòng:Dê trắng dê đen qua cầu đã dạy người ta bài học biết nhường nhịn, đừng như hai nhân vật trong chuyện mà chuốc lấy hậu quả chẳng hay ho gì.Trò chơi dân gian “bịt mắt bắt dê”phổ biến cũng bị lợi dụng. Người ta chế giễu: “Giả vờ bịt mắt bắt dê/ Để cho cô cậu dễ bề… với nhau”. Sau đây là tục ngữ, thành ngữ, ca dao về con vật này:
-         Cà kê dê ngỗng: lan man, không mục đích, hiệu quả.
-         Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng.
-         Bán bò tạu ruộng, mua dê về cày: việc làm không thích hợp.
-         Dương chất, hổ bì: mùi vị là dê (nhưng là) da hổ.
-         Treo đầu dê, bán thịt chó: nội dung không đúng với hình thức, lừa đảo.
-         Dê xồm ăn lá khổ qua
        Ăn nhiều sâu róm chết cha dê xồm
-         Tuổi Mùi là con dê chà
         Có sừng có gạc râu ra um sùm
-         Bươm bướm mà đậu cành bông
         Đã dê con chị lại bồng con em
-         Phượng hoàng đậu nhánh sa kê
         Ông thần ổng hổng vật mấy thằng dê cho rồi
 (Các từ “khổ qua”, “um sùm, bông, ổng, hổng” cho biết 4 câu ca dao trên có nguồn gốc Nam bộ. Từ “dê” ở hai câu sau đã chuyển loại thành tính từ để chỉ những ham muốn và hành động tính dục quá mức bình thường).



          Trong văn học viết, tình hình cũng không khá hơn. Với “Hịch các tì tướng”, Trần Hưng Đạo đã dùng từ” “dê chó” cùng với “cú diều” để chỉ sứ nhà Nguyên: “Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Hồ Xuân Hương mắng bọn học trò dốt và ví chúng như “ong non ngứa nọc”, “dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”. Nguyễn Gia Thiều mượn tích “dương xa” vua Tấn Võ Đế bên Tàu hàng đêm cưỡi xe dê vào cung cấm. Các cung tần mĩ nữ đã dùng lá dâu non để dụ dê, mong nhà vua gần gũi và mây mưa với mình.Trái với số đông, người cung nữ trong “Cung oán ngâm” của tác giả họ Nguyễn khao khát một tình yêu đích thực: “Phải duyên hương lửa cùng nhau/ Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào”. Những nghĩa sĩ Cần Giuộc trong văn tế của cụ Đồ Chiểu đội đất nước ông bà lên trên hết, thà một mất một còn với quân xâm lược: “Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó”. Tố Hữu gọi bọn giặc trong “Bà má Hậu Giang” là “một toán quỉ” và miêu tả ngoại hình của chúng: “Mắt mèo hoang, mũi chó, râu dê”…
          Trở lại, trong đời sống, dê là con vật hiền lành, dễ thương, nhanh nhẹn, thông minh; có nhiều đóng góp cho con người về tín ngưỡng, tôn giáo, nhận lấy đau khổ để cứu chuộc cho con người, thậm chí được phong thần trong thần thoại Hi Lạp…Xưa nay, sữa dê, thịt dê là thức ăn bổ dưỡng. ( Dân ta còn dùng xương để nấu cao sơn dương) Người La Mã cổ lấy da dê làm bùa. Áo, giày, túi đựng nước, bìa sách…làm bằng da dê sẽ trở thành “ hàng hiệu” quí giá. Còn sức mạnh vô song của dê đực trong việc duy trì nòi giống thì phải cảm ơn Tạo hóa, cảm ơn Mẹ tự nhiên vĩ đại.
          Vĩ thanh
1.     Từ dê nói sang chuyện người. Tôi có một ông bạn. Ông này ăn thịt cầy bền vững, tháng hai lần, mỗi lần mười lăm ngày, chấp cả rằm, mồng một. Ăn tới mức lá mơ nhìn thấy hắn phải héo; còn khoản “hò kéo pháo” thì dê cụ gặp hắn phải quì hai chân trước xuống chào. Chuyện lá mơ xảy ra khi đi trại Nha Trang, lúc vào nhà ông bạn họa sĩ chuyên nặn gốm Chăm. Chuyện dê cụ ra lệnh cho cả đàn quì chào sư phụ khi phát hiện hắn ngồi trên ô tô trước mặt diễn ra ở Ia Nhin, trên đường vào thủy điện Ia Li.
2.     Lẩu dê đặc sản Ninh Bình của Thi Mong ở số 10, hẻm Trần Phú ngon cực nhưng tôi không tới, phần vì chỗ thân quen, chủ nhà đãi không lấy tiền nhưng quan trọng hơn là tôi thề không bao giờ ăn thịt đồng loại.                                                                            

                                                                                 C.A.Đ


1 nhận xét:

  1. Khá khen tính trung thực của tác giả:
    "Lẩu dê đặc sản Ninh Bình của Thi Mong ở số 10, hẻm Trần Phú ngon cực nhưng tôi không tới, phần vì chỗ thân quen, chủ nhà đãi không lấy tiền nhưng quan trọng hơn là tôi thề không bao giờ ăn thịt đồng loại. "
    Không nên mời tác giả đến nhà chơi: Bởi tin bạn mất bò/Tin học trò mất của quý

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới