Chử Anh Đào
Ở
một phương diện nào đó, kí ức là những cái đã qua, thuộc về quá khứ của một
người, một cộng đồng trong các quan hệ xã hội và tự nhiên. Kí ức là tiềm thức,
như những vỉa quặng lấp lánh, như cánh đồng cỏ khô mà chỉ cần trong đời sống
hiện tại có một cái cớ liên tưởng nào đấy, như một que diêm xúc tác, nó sẽ bùng
cháy lên lập tức.Kí ức trộn lẫn vui buồn, hờn giận, nhớ thương, nuối tiếc. Có
những kí ức mà nhớ tới đã ấm cả lòng. Lại có những thứ mà hễ chạm vào “chỉ
muốn ho” (chữ của Hoàng Trần Cương)…
Tôi nhớ có lần nguyên bí thư tỉnh ủy
Nguyễn Tuấn Khanh hỏi một người bạn văn nghệ: “Ông ở Plei Ku bao lâu rồi?” “
Thưa, gần ba chục năm ạ.” “ Vậy thì phải coi là người bản địa rồi. Cái sự ấn
tượng vùng miền nhiều khi vô lí”. Tôi còn nhiều hơn người bạn sáu, bảy mùa mưa.
Thế mà đã ba mươi tám năn rồi đấy. Trẻ măng hai mươi tuổi, đầy nhiệt huyết máu
me giờ “chợt đâu bóng cả cành dài”. Thử hình dung xem, một người đã từng sống
ở Plei Ku, giờ đang ở Lạng Sơn hay Mũi Cà Mau mà chợt nghe đâu đó vẳng lại
tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Tơ rưng thì bạn có nổi gai gà lên không? Hoặc bất
chợt gặp ai đó khoe đã từng công tác ở Phố núi thì ắt hẳn là thành tri âm tri
kỉ! Thế nào cũng phải làm một chầu cho đã, không say không về. Tôi biết ở Cố đô
còn thành lập hẳn một “ Hội những người Huế từng công tác tại Gia Lai” Họ chủ
yếu là những giáo viên, thầy thuốc, nhà báo, nhà văn…Hội này sinh hoạt đều đặn.
Và hay nhất là nghe tin có người Plei Ku ra Huế, họ lập tức có mặt đông đủ,
hừng hực khí thế “ ăn sống nuốt tươi” thượng khách ngay. Lại hay nhất nữa là họ
chỉ chờ có dịp, có cớ là báo cáo vợ con vù lại vào “ chiến trường xưa” thăm bạn
hữu.Hăng hái như ông nguyên phó chủ tịch, phó bí thư thành phố Huế, năm ngoái
cơ quan cũ chưa kịp mời đã đặt sẵn…vé máy bay. Chuyện thật trăm phần trăm đấy.
Thì ra năm tháng đã khiến người ta thổi hồn vào nhau, vào ngọn cây, góc phố làm
cho chúng “mang tính người” để xa rồi còn nhớ nhung đeo đẳng suốt cuộc đời.
Những kí ức kiểu này sâu nặng và tỏa sáng, thời gian không xóa nhòa và tiền bạc
không thể nào mua nổi.
Một góc Tp. Pleiku ngày nay
Một góc Tp. Pleiku ngày nay
Tôi còn nhớ như in cái giây phút đặt
chân xuống Plei Ku. “Tôi một giây đời đã nhỏ xuống Plei Ku” như câu thơ của
Nguyễn Đỗ, bạn tôi. Đấy là khoảng ba giờ
chiều một ngày cuối mùa mưa tháng chín. Bến xe liên tỉnh ( gần bến Đức Long bây
giờ) hoang vắng, nhớp nháp, bời bời cỏ đuôi chồn. Bầu trời nguyên bản một màu
mây xám chì, sũng nước và rất thấp. Thấp tới mức tưởng nếu cầm cây gậy thọc lên
là nước sẽ tuôn trào. Chiếc xe Jep lùn chở chúng tôi dọc đường Hùng Vương rẽ
vào Ty giáo dục ở đường Trần Hưng Đạo. ( Trước 1975 là đường Hoàng Diệu và
đường Trịnh Minh Thế) Dọc đường là lác đác dăm ba đồng bào dân tộc không mặc đủ
áo quần và dẹp như tranh của các họa sĩ. Họ
đi hàng dọc, lầm lũi còng lưng gùi rau, củi, ngược gió vượt dốc. Thi
thoảng, những chiếc xe lam chở người
hoặc chở hàng, pô nổ to hết cỡ và mịt mù khói cũng kiên nhẫn bò lên. Dưới ô dù
hoăc bên trong tấm áo mưa mỏng là những bộ đồ hoa phụ nữ. Họ đi xiên xiên như
những hạt mưa. Đúng là sức mạnh thời trang.
Sau bảy lăm thì toàn thể phụ nữ Hà Nội mặc đồ ngủ đi ra đường- điều mà
trước đây chưa từng có. Nhưng thôi, nói như Nam Cao, cái gì mãi rồi cũng thành
quen. Đó là chuyện sau này.
Phòng khách Ty giáo dục là cái hội
trường kê tạm mấy giường cá nhân. Bảy tân cử nhân chúng tôi được ăn nghỉ ba
ngày chờ tổ chức phân công lại.( Trong quyết định của Bộ thì tất cả về trường
Trung học sư phạm Gia Lai- Kon Tum, nhưng mới “ giải phóng”, ngành thiếu giáo
viên, cần đi nhiều trường khác nữa). Vẫn mưa lai rai. Thỉnh thoảng chiều ửng
nắng. Chúng tôi thả bộ quanh các con phố. Thời ấy, chỉ vài ba dãy phố chính là
có nhà tầng. Còn lại là nhà xây cấp bốn hoặc phổ biến hơn là nhà thưng gỗ. Đa
phần là lô xô mái tôn cũ, xám u uẩn như ngói prô ximăng của những làng HMông
phía bắc. Cái màu tôn ám ảnh ấy còn xám xỉn thêm vài chục năm nữa mới có được
thành phố như hiện nay.
Plei Ku, đúng như lời một bài hát “đi
dăm phút đã về chốn cũ”. Nếu lấy Bưu điện làm trung tâm thì cơ bản bốn phía gọi
là phố là qua ngã ba Hoa Lư một đoạn, đài phát thanh, đường Lí Thái Tổ tới
Trường Đảng, ngã ba Phù Đổng. Chấm hết! Đêm về, cả thị xã chìm trong biển mây
mù. Ánh trăng vàng vọt, lờ mờ trên những ngọn thông cổ tích. Ngỡ như thông từ
lưng chừng trời rơi xuống. Nhiều thông nhất là đường Hùng Vương, phía Kiểm lâm
bây giờ. Rồi đến đường Trần Hưng Đạo, khu Bệnh viện cũ, Sở Văn hóa, Bảo tàng
Gia Lai ( Nay thuộc khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết) Những cây thông đứng đấy,
lặng lẽ, trầm mặc như đã hàng trăm năm tuổi, như chứng nhân của thị xã từ thủa
khai sinh, qua nương dâu bãi bể, như nhân cách ngay thẳng của đồng bào bản địa,
lại tràn trề một tâm hồn nghệ sĩ, trữ tình và đa cảm, vi vu hát trong chiều
lộng gió hoặc khâu nắng vào cao xanh trong những ngày trời quang mây tạnh…
(
Còn nữa)
C.A.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới