16 tháng 11, 2021

BAN MÊ XA ĐẤY MÀ GẦN... (Trên báo THANH NIÊN)

 (Đọc tập thơ Về Ban Mê đi anh của Nguyễn Duy Xuân, NXB Văn hóa dân tộc, 2021)

Rừng xa vọng một tiếng hời

Người như lạc giữa một thời xa xăm

Người đi... lòng dạ bâng khuâng

Hồn nương theo điệu chiêng cồng vang ngân

Đó là những câu thơ như một lời đề tựa cho tập thơ Về Ban Mê đi anh vừa mới ra lò của tác giả Nguyễn Duy Xuân, một cây bút quen thuộc của Đắc Lắk.

Là người con của đất Nam Đàn, Nghệ An nhưng số phận cuộc đời đưa đẩy, ngày tốt nghiệp đại học từ năm 1979, Nguyễn Duy Xuân mang ba lô vào Đắc Lắk hành nghề dạy học và cho đến nay, anh đã có đến 42 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ này. 42 năm trong cuộc đời một con người là quá dài, có thể xem là quá nửa đời người và quá đủ để để anh hiểu biết, nhận thức một cách đầy đủ nhất về vùng đất mà anh đang sống. Đó là một xứ sở đất đỏ bazan với những đồn điền cà phê mỏi cánh chim bay, những triền hoa dã quỳ đẹp đến nao lòng, những rừng nguyên sinh giàu có và lắm thác nhiều hồ. Tất cả cứ thế ngày lại ngày ngấm vào cuộc sống Nguyễn Duy Xuân và tạo nên cảm hứng thơ ca cho một giáo viên văn học. Ngoài công tác giảng dạy, Nguyễn Duy Xuân còn say mê viết báo, làm thơ, viết tản văn. Và ở lĩnh vực nào anh cũng gặt hái được những thành công đáng kể. Ngoài những tác phẩm in chung, đến nay, Nguyễn Duy Xuân đã có ba tập thơ in riêng: Giọt nắng cao nguyên (2013), Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi (2016) và Về Ban Mê đi anh. Tập thơ thứ ba của anh gồm 48 bài là những cảm xúc như tiếng lòng của Nguyễn Duy Xuân được chính tay anh chọn lọc trong khoảng mười năm trở lại đây.

Đong đếm như thế để thấy thực ra Nguyễn Duy Xuân làm thơ không nhiều nhưng những lúc ở vào thời điểm mà cảm xúc dâng trào, anh đều có thơ để lại như một dấu ấn kỷ niệm của cuộc đời.

Sống ở Đắk Lắk hơn 40 năm, Nguyễn Duy Xuân hầu như đã đi hết những vùng đất của xứ sở này. Vì thế mà những ngọn núi, dòng sông, con thác, cây cầu... đều hiện diện trong thơ anh. Đọc Về Ban Mê đi anh bạn đọc thấy tần suất xuất hiện của những địa danh, tên gọi nổi tiếng của Đắk Lắk khá dày đặc với những Krông Nô, Krông Năng, Dray Sáp, Ea H’Leo, Buk So... Điều đó khiến bạn đọc ở xa lấy làm hấp dẫn và tò mò muốn được một lần lên với Tây Nguyên.

Đến Đray Sáp nơi dòng thác mù sương nổi tiếng, Nguyễn Duy Xuân đã lột tả được sự hùng vĩ của nó chỉ qua mấy câu thơ:

Âm vang rừng núi

Trắng xóa chân trời

Đray Sáp

Dòng thác ngày đêm cuộn chảy.

(Thác Đray Sáp)

Những câu thơ trên làm ta liên tưởng đến bài thơ nổi tiếng Vọng Lư Sơn bộc bố (Xa ngắm thác Lư Sơn) của Lý Bạch: Nước bay thẳng xuống ba nghìn mét / Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.

Với lối cảm xúc giàu tính hình tượng ấy, khi đến Đắk Buk So, một xã trung tâm của huyện Tuy Đức và cũng là nơi có dòng thác Buk So trắng màu sương khói, Nguyễn Duy Xuân đã có như câu thơ tha thiết về một địa danh nằm giữa chốn rừng sâu:

Đắk Buk So ở giữa rừng

Không đi không biết, không đừng phải đi...

Thác Buk So trắng mặt duềnh

Nét xưa hoang dã bồng bềnh khói sương...

Và anh đã bật ra những câu lục bát trữ tình rất sở trường:

Ai về ai có nhớ không

Câu thơ còn đó, rượu nồng đợi ai

(Đắk Buk So)

Những câu thơ thật là trữ tình và cũng thật là lãng mạn.

Nói đến Đăk Lăk là nói đến cà phê với hương thơm nồng nàn từ hoa đến trái và sự quyến rũ say đắm lòng người của vị đắng trong li cà phê Ban Mê, khiến ai đã một lần nhấp môi là nhớ mãi. Sống giữa khí trời cà phê Ban Mê, Nguyễn Duy Xuân không chỉ hiểu vị thơm ngon của cà phê mà anh còn thấy được cội nguồn đã tạo nên vị thơm ngon của thứ đặc sản này. Đó là sự kết tinh từ đất, từ nắng, từ mưa, từ bàn tay người chăm bón:

Chắt chiu từ đất cay nồng

Hương thơm, vị đắng quyện trong hoa này

Nắng mưa ấp ủ tháng ngày

(Hương cà phê Ban Mê)

Còn đây là hình ảnh những bông hoa cà phê đã được tác giả nhân cách hóa chỉ có ở Tây Nguyên để từ đó trở thành một hình tượng văn học:

Tháng ba

Cà phê vươn mình

Thức dậy

Xõa tóc trắng trời

(Tháng ba Tây Nguyên)

Chính hương vị độc đáo của cà phê Ban Mê đã làm nên nét đặc sắt của xứ sở cao nguyên để níu được chân người:

Ban Mê xa đấy mà gần

Cà phê vị đắng níu chân người về

(Hương cà phê Ban Mê)

Tác giả Nguyễn Duy xuân 

Đọc Về Ban Mê đi anh thấy thơ Nguyễn Duy Xuân có cấu tứ giản dị, trong sáng. Anh không thuộc trường phái rắc rối hóa từ ngữ khi sử dụng câu chữ. Nhiều cây bút trẻ khi làm thơ muốn tạo nên sự khác biệt ở sự phức tạp khi gieo vần và luyến láy chữ nghĩa. Nguyễn Duy Xuân không thế. Ngay cả khi ngoái nhìn lại chặng đường ba mươi năm chung thủy với Tây Nguyên như một sự tổng kết phần đời đã đi qua, anh vẫn rất chất phác trong thể hiện tâm tình với vùng đất đầy nắng và gió và không ít sự khắc nghiệt:

Đất bazan níu chặt đời tôi

Cho tôi hạnh phúc cuộc đời

Đất cao nguyên lồng lộng khí trời

Cho tôi khát vọng làm người tự do

(Ban Mê ngày ấy)

Đó chính là sự biết ơn và tri ân của Nguyễn Duy Xuân với vùng đất Tây Nguyên đã cho anh một cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện. Một vùng đất mà không phải ai cũng bám trụ được và tìm thấy tình yêu cuộc đời trong đó như Nguyễn Duy Xuân:

Bây giờ tóc đã điểm sương

Càng sâu thêm nỗi vấn vương đất này

Đến đây thì ở lại đây

Vượt lên gian khó mà xây cuộc đời.

(Ba mươi năm ấy - Bây giờ)

Có lẽ đó là những lời gan ruột được viết bằng thơ rất bộc bạch của Nguyễn Duy Xuân sau tròn 30 năm và bây giờ là sau 42 năm anh bám trụ và đứng vững để sống và viết giữa Tây Nguyên.

Ít người biết Nguyễn Duy Xuân là con người củ mỉ cù mì, anh sống kiểu của những người năng nhặt chặt bị như con ong cần cù hút nhụy phấn hoa làm mật cho đời, như con kiến cần cù xây tổ ấm. Ở Nguyễn Duy Xuân ít có sự ồn ào khoa trương lập ngôn nhưng lại luôn âm thầm suy ngẫm về cuộc sống, luôn quan hoài đến chính sự và thơ ca, nhiều khi anh thấy tiếc và đau đớn cho sự biến mất của những cảnh đẹp núi rừng do bàn tay tàn phá của con người. Vẻ đẹp của thiên nhiên chính là vẻ đẹp của tự nhiên. Và vẻ đẹp đó cần được bảo tồn nuôi dưỡng chứ không phải là một sự can thiệp, khai thác kinh tế trắng trợn. Thơ Nguyễn Duy Xuân đã có những câu đau đớn, nuối tiếc cho sự mất mát vì tàn phá đó:

Bến Serepốk

Nước sục đỏ ngầu

Bóng dáng đại ngàn

Còn đâu? Trong cổ tích?...

Anh xót xa khi thấy cảnh:

Những chú voi

Đầm mình vượt sông

Lằn lưng

Cõng khách...

(Tháng ba Tây Nguyên)

Đó là những suy nghĩ tích cực mang tính trữ tình công dân rất đáng quý trong thơ Nguyễn Duy Xuân. Chính vì thế mà khi có dịp đến Đray Nur, một con thác nổi tiếng về sự hùng vĩ và vẻ đẹp hoang sơ cách TP Buôn Ma Thuột 25km, anh đã lặng nhìn thác đổ để nghĩ về quá khứ với giai thoại về một tình yêu nhuốm màu bi ai:

chuyện ngày xưa đã thành cổ tích

còn đây dòng thác

mãi ngàn năm hát khúc đại ngàn

(Đray Nur)

Cứ thế, tình yêu của Nguyễn Duy Xuân với Tây Nguyên nhiều khi chỉ là là một con đường mòn ngoằn ngoèo vắt qua sườn núi hoặc là một nét chỉ thêu hoa văn sặc sỡ trên váy người thiếu nữ Ê đê. Cũng vì thế mà có khi chỉ cần một vệt nắng, một chùm hoa cũng khiến cả thành phố Buôn Ma Thuột sáng bừng trong thơ anh:

Muôn vàn ngôi nhà tỏa nắng

Thành phố nở trắng

Những chùm hoa

(Buôn Ma Thuột sáng nay)

Được sống và viết giữa thủ phủ cà phê cao nguyên, ngòi bút của Nguyễn Duy Xuân trở nên nồng đậm chất liệu trữ tình. Những câu thơ anh viết về thành phố Buôn Ma Thuột cứ da diết như một lời mời gọi thiết tha bạn bè về với nơi anh đang sống khi màu hoa cà phê đang nở trắng trời và những cô gái Ê đê căng đầy nhựa sống:

Anh hãy về Buôn Mê Thuột quê em

Thành phố cao nguyên tuổi còn trẻ lắm...

...Về quê em nghe giai điệu cồng chiêng

Vọng buôn xa chiều Ban Mê nắng đỏ

Hoa cà phê bung trắng trời trong gió

Tỏa hương thơm ngan ngát phố phường

(Về Ban Mê đi anh)

42 năm sống và viết, hơn 60 năm cuộc đời đã đi qua là cả một chặng đường mà tác giả Về Ban Mê đi anh đã phấn đấu không mệt mỏi để có được những thành quả mà anh gặt hái hôm nay. Bút lực vẫn dồi dào, tinh thần vẫn còn nhiều phấn chấn, hi vọng Nguyễn Duy Xuân sẽ tiếp tục cống hiến cho đời những vần thơ căng tràn nhựa sống, yêu đời và yêu người như những gì chúng ta đã thấy trong tập thơ mỏng và giản dị này.

HTS

Link XB: 

https://thanhnien.vn/ban-me-xa-day-ma-gan-post1393794.html?fbclid=IwAR2bFbqtDMCagcysua4VWbe1SemLKUFYviU6xmep5EEhb4Xwb2WQKNG_PJQ

 

1 nhận xét:

  1. Link XB: https://thanhnien.vn/ban-me-xa-day-ma-gan-post1393794.html?fbclid=IwAR2bFbqtDMCagcysua4VWbe1SemLKUFYviU6xmep5EEhb4Xwb2WQKNG_PJQ

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới