16 tháng 11, 2021

NGƯỜI ĐẢNG MỘT THỜI

                                           Tác giả Nguyễn Trung Ngọc

Nhìn bức ảnh ngôi nhà ở dưới, có thể bạn rất khó hình dung đây là nhà của một cán bộ cấp tỉnh về hưu cách đây cũng chưa phải là quá lâu. Tôi biết căn nhà này lần đầu tiên cách đây chừng mươi năm. Đấy là vào một buổi chiều muộn tôi đưa bạn mình – Hà Tùng Sơn – từ Vinh về Đồng Hới họp lớp rồi ghé qua. Ngôi nhà của Ba Mạ Sơn dựng lên ở quê cha đất tổ Thọ Lộc (Bố Trạch) từ ngày ông bà nghỉ hưu sau suốt một đời đi theo “cách mệnh”.

Khi xe chúng tôi lăn bánh đến đỉnh dốc con đường Mĩ đậu lại để vào ngõ thì mặt trời mùa hè đã xuống khuất ở rừng thông phía sau nhà. Sơn giải thích với vợ chồng tôi, con đường đi xuyên qua làng gọi là “đường Mĩ” vì đấy là con đường được làm bằng tiền của người Mĩ trả ơn dân làng đã tìm cho họ hài cốt mấy phi công bị bắn rơi trong chiến tranh. Nắng nóng ở cái rốn gió Lào Quảng Bình thiêu đốt tận khi mặt trời đã tắt khiến cho căn nhà thấp nhỏ nóng hầm hập như cái chảo rang. Cũng may, phía sau và xung quanh nhà là cả một vườn cây rậm rạp vẫn giữ được màu xanh mát dù có bị gió làm cho tơi tả đi nhiều.

Cái ấn tượng nhất với tôi khi lái xe đi lên con dốc vào nhà là hàng cây hoa Trạng nguyên đỏ chói trước nhà. Sơn bảo, dãy Trạng nguyên đó ông bố Sơn trồng từ hồi mới về cất nhà ở mảnh đất này. Cả nhà đã quây quần đông đủ để đón cậu cả từ Sài Gòn ra. Sơn không bay về Đồng Hới mà thẳng ra Vinh để chơi với chúng tôi một hôm rồi kết hợp một chuyến cùng nhau chuyện trò không ngớt suốt quãng đường từ Vinh vào tận bờ Nam giới tuyến thời Trịnh – Nguyễn. Vui không tả hết.

Ngôi nhà của ông phó giám đốc sở “đời cũ” (phó trưởng ty) về hưu quá bình thường nên dễ làm cho khách đường xa như vợ chồng tôi lúc đó thấy gần gũi và ấm cúng hơn. Lần đầu tiên mà Ba Mạ và các em Sơn đón vợ chồng tôi thân tình như đã từng quen biết lắm. Thuở chiến tranh, đóng quân ở đất lửa Quảng Bình khá nhiều, tôi đã được những Bà Mẹ nơi đây đùm bọc, yêu thương như con đẻ: Nhường góc nhà tốt nhất cho ở; dành giường tốt cho nằm; nhiều bữa ăn còn bưng đến cho tô canh, bát cà để bữa cơm lính thêm “dễ nuốt” (Mạ bảo vậy). Vì thế, bước vào ngôi nhà chưa bao giờ đến mà sao tôi thấy như quen thuộc tự bao giờ. Và, khi Mạ Sơn cùng các em reo lên từ trong nhà bước ra sân đón chúng tôi với những lời chào hỏi thiệt thà “rất Quảng Bình”, tôi đã cay xè nơi khóe mắt: “Trời ôi! Tận ngoài Vinh mà chở Sơn về đây. Chắc nốt chuyện đi mô chớ. Đi xa rứa có doọc khôông?”

Mấy năm rồi tôi không còn Bố Mẹ. Tự nhiên tôi như thấy dâng trào thứ tình cảm gia đình thân thiết quá mà cũng thiêng liêng quá. Mạ Sơn là một người phụ nữ đẹp, rất phúc hậu. Dáng cụ dong dỏng cao, miệng cười rất tươi và rất hiền. Đã có nhiều bà mẹ của bạn bè, gặp rồi tôi cứ vương vấn mãi một lòng yêu kính, một sự tôn thờ vượt ra ngoài tình cảm riêng tư. Mạ Sơn là vậy. Tôi chỉ nói với hắn: “Mạ mi là một Người Mẹ tuyệt vời!” Chủ quan thế, tôi đã biết gì về cụ đâu. Hoàn toàn chỉ là sự cảm nhận cảm tính. Thú thật, có những nhược điểm ở con người HTS, sau khi gặp Mạ hắn, tự nhiên tôi coi nhẹ và bỏ qua được hết. Tôi lập luận bằng lí lẽ của trái tim: Một Người Mẹ như thế phải sinh ra những đứa con tử tế!

Nhưng nhân vật trung tâm hôm nay tôi nói đến là ba Sơn. Ông ốm nằm đã nhiều ngày nay. Ở tuổi 92, đã đến lúc ông phải hư hỏng bộ phận gì đó trong cơ thể để rồi đi theo ông bà tiên tổ. Nghe tiếng chúng tôi về, ông rời khỏi giường ra đón con trai và bắt tay chào khách. Thấy ông xuất hiện, cả hai vợ chồng tôi đều ồ lên khi nhìn hai bố con Sơn giống nhau như lột. Sơn kể với tôi, dân làng vẫn bảo rằng: Nhà mình có hai ông Thuyên, chỉ khác nhau ở mái tóc: Ông Thuyên bố tóc trắng hơn ông Thuyên con. Và họ vẫn quen gọi “Ông Thuyên con” và “Ông Thuyên bố”. (Ba Sơn tên là Hà Thuyên).

Sau mấy câu thăm hỏi vợ chồng tôi ân cần, ông ngồi xuống chiếc ghế salon da cũ kĩ đã sờn và rách góc đặt ở hành lang. Dưới chân, một chú Mực hiền lành trông đã rất già nằm gác mõm vào đôi dép của ông chủ. Rồi ông giục mấy cô con gái dọn mâm ra trong khi ngồi nói chuyện với con trai và vợ chồng tôi thêm mấy phút ở cái bàn uống nước nhỏ bên cạnh. Tôi nhận ra, tuy sắc mặt vẫn hồng hào nhưng giọng nói của ông cụ đã méo đi vì ốm yếu và cụ đã thở rất nhiều khi câu chuyện kéo dài.

Khi cơm đã dọn ra, cụ giục mọi người vào mâm và gọi cô con gái mang cho mình suất ăn riêng. Thì ra đã mấy ngày rồi cụ không ăn cơm được nữa. Đến bữa chỉ húp tí cháo hay chút ít yến sào do con cái mang về. Ăn xong chén yến sào, cụ vào giường nằm nghỉ để chúng tôi mặc sức chúc tụng, nói cười râm ran bên mâm cơm gia đình ấm cúng.

Tôi đã gặp ba Sơn một lần khi còn học đại học. Ngày ấy, ông đi công tác ghé qua thăm con được mấy phút. Sơn rủ tôi tiễn ông ra chiếc xe con đậu ở sân trường. Trở về tôi còn rưng rưng hãnh diện vì thằng bạn có bố được xe con đưa đón. Nhưng thời ấy, tôi chẳng có ấn tượng gì hơn ngoài chuyện ông cụ xách chiếc cặp da bước lên chiếc com măng ca đóng cửa rụp một cái rồi vút đi như một vị chính ủy. Sau này, khi đã thành “người lớn”, tôi mới biết chú ý đến những góc khác của cuộc đời người bố bạn mình.

Sơn kể với tôi: Hồi cải cách, khi đang là cán bộ nòng cốt của huyện Bố Trạch, cụ Thuyên từng bị bắt với người anh ruột để chờ “xử lí” với tội danh “Quốc dân đảng - con địa chủ giàu có trong vùng” dù ông là đảng viên cs từ năm 1944 và khi đó đang là thường vụ huyện ủy. Khi “tòa án nhân dân” sắp mang cụ ra hành quyết thì có điện ở trên về yêu cầu thả hai người, cho về làm nông dân cày cấy. Sửa sai, ông được phục hồi chức phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trong danh dự rồi được điều lên tỉnh làm phó trưởng ty lâm nghiệp Quảng Bình (phó giám đốc sở sau này). Năm 1959, cả nhà ông phó ty chuyển đến sống ở thị xã Đồng Hới, bên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ở đây, nhiều lần gia đình phải chia xẻ đi sơ tán nhiều nơi do chiến tranh ác liệt.

Đến tuổi về hưu, năm 1980, cụ Thuyên vẫn cùng vợ con sống ở đất thị xã. Nhưng rồi không thích sự ồn ào, đua chen nơi phố thị, sang 1981, ông trả nhà cho tỉnh rồi đưa cả gia đình về quê sinh sống. Xung quanh chuyện này, có một chi tiết vui đáng kể: Một lần “ông Thuyên con” về thăm nhà, “ông Thuyên bố” tâm tình: “Ba về xây cất nhà ở đây trước, sau này về hưu Sơn về với Ba Mạ. Sống ở nông thôn trong lành, yên tĩnh có khi còn thọ thêm được mười năm”. “- Con thì khác Ba ạ! Về đây, bỏ mất mảnh đất quá đẹp ở thị xã Đồng Hới bên bờ Nhật Lệ, có khi ngược lại, con bớt mất mười tuổi…” Anh chàng “tùa trời” đã thể hiện sự bất đồng với ba trong việc chọn nơi “an cư” như vậy.

Trong chuyện này, hình như thế hệ cụ Thuyên thường nghĩ rất giống nhau. Bố tôi năm 1967 đưa cả nhà di cư từ Đức Thọ lên Hương Sơn. Vì là đv – Chủ nhiệm HTX, ông để cho dân làng chọn những mảnh vườn đẹp trước, “anh chủ nhiệm” còn lại đám đất cuối cùng sát tận bìa rừng. Thời ấy có đủ các loài thú dữ như Hổ, Voi, Lợn lòi…quấy phá rất đáng sợ. Ông động viên và giải thích với vợ con: “Mình là Chủ nhiệm mà không gương mẫu, chỉ muốn giành chỗ tốt thì ai ở chỗ chừa lại ấy. Có đôi tay, chúng ta sẽ làm nên tất cả!”. Lớp cán bộ - đảng viên thời ấy có cách nghĩ riêng của họ. Và, chẳng có hiện thực nào mà không hợp lí. Chỉ là sau này – “Những người cs mới”, đã không thể hiểu được, tại sao một phó giám đốc sở (phó trưởng ty) như cụ Thuyên lại chỉ về hưu với hai bàn tay trắng. Có mảnh đất ở thành phố cũng vứt nốt mà đi.

Chúng tôi cơm nước xong thì vừa lúc trời nhá nhem. Sơn chủ động giục vợ chồng tôi đi tiếp vào Đồng Hới. Cả nhà hơi ngạc nhiên khi chúng tôi không ngủ lại. Sơn giải thích với Ba Mạ: “Con xuống Đồng Hới có cuộc họp”. Tôi nhận ra một nét thoáng buồn trên khuôn mặt người bố già của Sơn nên vô cùng ái ngại. Bọn con cái chúng tôi bây giờ đi đâu phải có phòng điều hòa mới ngủ được. Thì cũng chẳng có gì sai nhưng giá như…chúng tôi biết thấu hiểu hơn nhẽ đời, biết san sẻ nhiều hơn những mất mát hi sinh mà thế hệ đi trước mình đã chịu…

Ba Sơn cố gắng ngồi dậy chia tay chúng tôi. Ông cố tỏ ra không mệt mỏi: “Hai cháu đi vội quá, chẳng kịp nghỉ ngơi gì. Sơn đi rồi có quay lại với Ba Mạ nữa không?” “- Có chứ Ba! Xong việc con sẽ về. Con còn ở nhà lâu” – Anh chàng “tùa trời” cứ nói vậy nhưng không biết có nghĩ tới đó là lời hứa với người cha đã đến lúc mong từng ngày được ở bên con cháu?

Năm 2009, một e kíp do Nhà văn Nguyễn Thế Tường chủ trì của đài PT-TH Quảng Bình có làm một phóng sự về “Đôi vợ chồng có 125 tuổi đảng” (cả hai ông bà cộng lại). Đoạn phim ngắn, đơn giản của một đài nhỏ địa phương chưa nói được gì nhiều nhưng từ đó người tinh anh có thể thấy được một gia đình, một đôi vợ chồng già đã sống, “hoạt động” bình dị không thể bình dị hơn; Đáng kính và…đáng thương của đất Quảng Bình trong mấy chục năm khói lửa, gian khổ vào hàng nhất cả nước khi ống kính cứ hướng mãi vào những giấy khen, bằng khen, những huân huy chương, những tấm ảnh lãnh tụ treo trong căn nhà gỗ thấp nhỏ nơi quê cha đất tổ mà ông bà đã sống sau cuộc đời “làm quan” chốn thị thành.

Còn bao nhiêu chuyện để kể, để nói về một “lão đồng chí”, một thế hệ đã làm nên những điều kì lạ. Có thể bọn trẻ hôm nay lấy làm khó hiểu, thậm chí là khó chịu, nhưng lập luận của tôi là thế này: Đạo đức con người ta thật không dễ định tính, nó còn tùy thuộc thời đại, tùy thuộc bao nhiêu yếu tố nhân sinh. Nhưng, xét đến cùng, người có đạo đức phải là người giàu đức hi sinh, dám nhận lấy về mình phần mất mát, biết dành cho đồng bào, đồng loại cái họ cũng cần như mình. Người bố của bạn tôi, ông Hà Thuyên, là một mẫu người như vậy. Dù suýt nữa, trong ccrđ, ông đã phải bỏ mình vì một bản án của công – nông.

Đọc hết những dòng này, xin các bạn nhìn lại bức ảnh về ngôi nhà, ngẫm thêm, liên tưởng…để chúng ta thấm hơn một thời kì lịch sử./.

Bạn, Nữ Luyến, Luyện Trịnh và 102 người khác
102 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới