Trở
lại với câu chuyện tôi xin nghỉ phép 9 ngày
về quê thăm và chăm sóc ba tôi bị ốm. Câu chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu chỉ
đơn thuần với nội dung như trên. Nhưng đằng sau đó là những nhận thức xưa nay
chỉ có trên lí thuyết mà đến nay tôi mới ngộ ra bằng thực tế.
Nói
ba tôi ốm là không hẳn đúng. Ông cụ sinh năm 1920, năm nay đã 95 tuổi, chỉ mệt và xuống
sức thấy rõ, còn không có bệnh tật gì, đầu óc vẫn minh mẫn tỉnh táo, thấy tôi về
còn muốn giơ tay ra bắt, chỉ có điều là giơ không nổi tay để bắt nữa.
Buổi chiều tôi về cụ đã mệt như thế cả chục ngày. Chỉ nằm yên một chỗ, không tự ngồi dậy
được, ngồi dậy được thì không tự nằm xuống được. Đi lại càng không được. Ăn cháo loãng và uống nước cũng phải đút mà nuốt rất khó khăn, vệ sinh đều tại chỗ. Mấy đứa em tôi làm việc ở quê cắt đặt thay phiên nhau về
chăm sóc cụ. Chú em rể là Bs thì ví von: Ba bây giờ như cây đã kiệt
nước, đang héo dần. Tôi thì thấy cụ đúng là hiện thân của hình ảnh ngọn đèn trước gió.
Tình hình này không biết tắt lúc nào, mà có thể là tắt rất gần. Nhìn cụ, trong
đầu tôi hiện lên ý nghĩ, lo đại sự đi là vừa. Bởi tôi là con trai đầu, là anh cả
của đại gia đình. Tuy nhiên tôi đã không
nói ra với bất kì ai.
Về quê lần này,
tôi mang theo 2 lạng yến sào thứ thiệt của Cần Giờ. Người ta cứ nói yến
sào Nha Trang là tốt nhất nhưng bây giờ trên các con đường của khắp thành phố SG, cửa hàng yến sào mọc lên la liệt.
Không biết đâu là thật với giả. Không khéo bỏ tiền triệu ra lại mua phải miến
dong về chưng lên ăn với đường phèn. May mà tôi biết một cơ sở nuôi yến sào Cần Giờ thứ thiệt, cơ sở này thậm chí còn
nhiệt tình mời tôi về Cần Giờ tham quan nhà nuôi yến và thưởng thức món chè tổ yến của họ. Tôi
đã vui vẻ nhận lời nhưng chưa có cơ hội để về Cần Giờ, mà chỉ mới 2 lần đến nhà
họ ở quận Tân Bình mua tổ yến đem về QB cho ba mạ tôi ăn. Với người mua yến
sào, không chỉ là giá bao nhiêu triệu một lạng mà vấn đề ở chỗ là nó có thứ thiệt
hay không..
Ngay khi đặt
chân vào nhà, việc đầu tiên tôi lấy hộp yến sào ra bảo cô em gái làm các bước
ngâm, nấu cách thủy món chè tổ yến chưng đường phèn.… cho ba tôi ăn ngay. Món này
hầu như ba tôi ăn lần này là lần thứ 2. Còn tôi chỉ biết mua mà chưa ăn bao giờ.
Tối hôm đó sau khi
mấy đứa em đã ai về nhà nấy bàn giao ba lại cho tôi quản lí. Nằm ở cái võng
ngay sát giường ba, nhìn cụ yên ắng trên giường như một thi hài bằng sáp thoi thóp thở, tôi ngẫm nghĩ và thấy ra một việc cần làm ngay là phải viết gấp và sẵn cái điếu
văn chuẩn bị cho tang lễ ba tôi. Nếu để khi sự thể đã xảy ra rồi e không đủ sáng
suốt để viết. Nghĩ vậy, tôi mở cái tủ chè tìm cuốn lí lịch cán bộ của ba tôi được cất rất kĩ trong một cái cặp da ra xem rồi bật luôn máy tính và gõ.
Nói về chuyện viết
điếu văn. Chẳng hiểu sao tôi lại hay dính dáng tới vụ này. Hay là tại con người tôi có tướng viết điếu văn. Không nhớ hết nhưng
có lẽ từ trước đến nay tôi cũng đã từng viết gần chục bản điếu văn cho những
người qua đời là bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp trong trường, trong đơn vị, trong cơ quan. Ngay từ khi vừa tốt nghiệp đại học, phải đi học thêm lớp sĩ quan dự bị 3 tháng. Có anh bạn khoa toán không may bị ốm chết, chỉ huy trường sĩ quan quân khu Bốn khi đó chẳng biết sao đã chọn tôi làm người viết điếu văn đọc trước đám tang của bạn. Lần này rất đặc biệt là tự tay tôi viết cho tang lễ sẽ diễn ra của ba tôi. Đã có người khen tôi viết điếu văn hay. Tôi giải thích là khi cầm bút viết điếu văn cho ai đó, tôi cứ viết như là cho chính cái chết của bản thân mình chứ không phải viết cho người đang nằm trong quan tài. Thế là ra sự tang thương ngậm ngùi thôi.
Tôi cặm cụi gõ
trên laptop một mạch đến hơn 12 giờ đêm thì xong. Giữa đó có dừng lại vài lần lo chuyện vệ sinh tại chỗ cho ba tôi. Cả làng Thọ Lộc chỉ mỗi tôi còn thức. Chốn làng quê đêm khuya im ắng vô cùng. Rồi đóng máy đi ngủ. Những tối sau đó,
khi ba mạ tôi đã ngủ, tôi lại lên võng bật máy ra xem chỉnh sửa lại bản điếu
văn cho thật ưng ý mới thôi. Chừng đâu 3 đêm thì thấy không còn gì phải sửa
nữa. Việc này tôi giấu rất kín không hở môi cho ai biết. Tên của file bản điếu văn
trong Documents tôi đặt tên là Yến sào.
Tối nào cũng vậy,
cứ khoảng 9h là tôi thức cụ dậy, ép ăn cho hết một chén yến sào. Mỗi tối mạ tôi
chưng một hũ sứ đầy rồi chia đôi. Mạ dù không mệt vẫn ăn khẩu phần như ba. Mạ
tôi có ý không muốn ăn để nhường cho ba. Tôi giải thích mạ càng cần phải khỏe
hơn ba. Mạ mà nằm xuống con và cả nhà còn mệt gấp vạn lần. Phải nói quyết liệt thế (mượn từ của đồng chí X) cụ bà mới chịu ăn cho.
Hai lão đồng chí Hà Thuyên và Nguyễn Thị Thắm (ảnh chụp cách đây 2 năm)
Hai lão đồng chí Hà Thuyên và Nguyễn Thị Thắm (ảnh chụp cách đây 2 năm)
Sang đến ngày thứ
3 thì thấy ba tôi ngủ dậy, tự mình chống gậy men tường lần đi ra cái ghế quen
thuộc vẫn đặt ở góc hiên ngồi và gọi tôi lấy nước đánh răng rửa mặt. Hai mạ con
tôi vô cùng ngạc nhiên. Mạ tôi nói đã chục ngày nay có thấy ba mày đòi đánh
răng rửa mặt gì đâu. Rồi cứ thế ba tôi hồi phục từng ngày. Việc vệ sinh cụ cũng
tự chống gậy lần đi ra nhà vệ sinh. Vậy là tôi sướng hung rồi. Chiều chiều mấy
đứa em từ cơ quan chạy về thăm cũng ngạc nhiên và nói anh Sơn mát
tay.
Bà con trong làng
hàng ngày đến thăm cũng vô cùng ngạc nhiên. Ông anh trưởng họ còn kéo tôi ra
sau vườn thầm thì như thể bàn chuyện buôn bạc giả: Mấy bữa ni tụi tao đã tính đến chuyện lo hậu sự cho ông rồi
đó. Nhẹ cả người.
Thực ra tất cả
là do món yến sào. Nhất là với những người xưa nay hầu như chưa dùng yến sào
như ba mạ tôi thì càng rất có hiệu quả.
Ngày tôi hết
phép cũng là ngày cô em gái định cư ở Cần Thơ về thay ca. Tôi ung dung chuyển giao mọi công nghệ chăm sóc
ba cho nó trong đó dặn dò kĩ nhất vụ nhớ chưng yến sào mỗi tối cho cụ ăn.
Riêng bản điếu
văn vẫn lặng lẽ, bí mật tuyệt đối nằm yên trong máy tính theo tôi về lại SG.
yến sào thứ thiệt quả thật công dụng nhỉ bác Sơn ơi :)
Trả lờiXóaNó có công dụng nhất với người hầu như chưa ăn bao giờ như ông cụ mình thôi. Còn nếu có tiền rồi mua ăn quanh năm như mì gói để tẩm bổ thì khi nằm xuống chẳng còn thức gì có thể vực dậy được.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa