Đây
là lần thứ hai tôi đi từ Sài Gòn – Bình Phước lên Đăk Nông. Lần đầu cách đây đúng
chục năm khi Đăk Nông mới chia tách ra từ
tỉnh Đăk Lăk, năm 2004, là tỉnh có lịch sử tuổi đời trẻ nhất trong 63 tỉnh thành của nước ta. Lần đó tôi đi công tác bằng
xe cơ quan từ SG về lại Quy Nhơn, nghe nói thị xã Gia Nghĩa của tỉnh mới Đăk
Nông đẹp và mát lạnh như một Đà Lạt thứ hai của vùng Tây Nguyên nên thay vì chạy
theo quốc lộ 1, mấy anh em nổi hứng quyết
định đi theo lộ trình SG – Bình Dương – Bình Phước - Đăk Nông - Đăk Lăk – Gia Lai
để rồi từ mấy tỉnh Tây Nguyên đó xuống Bình Định theo ngả đường 19. Gia Nghĩa ngày
mới tách tỉnh để thành thị xã lèo tèo mấy công sở, cả thị xã hầu như không
có lấy một cái khách sạn, nhà hàng cho ra hồn; đường sá chưa được đặt tên… Nhưng
nhìn bao quát tôi vẫn thấy đó là một thung lũng đẹp vẻ hoang sơ và nhất là khí
hậu thì mát mẻ gần giống với Đà Lạt.
Chục
năm trôi qua, Gia Nghĩa bây giờ là một thị xã bề thế với những đường phố rộng thênh
thang đón mấy anh em chúng tôi lúc 16h chiều thứ 6 ngày 3 tháng 10 năm 2014 bằng một cơn mưa như
trút. Thấy bên đường có một khách sạn mang tên Hà Nội, Ngọc bẻ lái cho xe lao
vào. Tôi nói với cô lễ tân: chúng tôi cần một phòng có 3 giường với 1 cái
TV và máy tắm nước nóng. Cô gái cười bảo: các chú yên chí đi. Ở Gia Nghĩa này
chỉ cần thế là đủ bởi điều hòa có cũng bằng thừa. Đêm nằm các chú nhớ trùm kín mền đấy.
Nhận
phòng xong thì mưa tạnh ráo cứ như là chưa hề có cơn mưa nào đi qua. Mặt trời
chiều sau cơn mưa lại tiếp tục tỏa sáng. Đứng trên ban công lầu 3 KS Hà Nội,
chúng tôi ngắm say mê ráng chiều trên thung lũng Gia Nghĩa trong cái mát lạnh
mơn man. Đúng là một Đà Lạt thứ hai của Việt Nam. Chả cần lên Đà Lạt làm gì, chỉ cần đến Gia Nghĩa
cũng tha hồ thích thú.
Ở
Gia Nghĩa Ngọc có một người anh em bà con làm việc ở hội nông dân tỉnh tên là
Sơn. Nghe Ngọc gọi, Sơn chạy xe máy lại
ngay chuỵên trò một lúc rồi mời cả nhóm chúng tôi đi nhậu ở nhà hàng 68. Sơn giới
thiệu nhà hàng này chuyên về các món thịt bê gần giống với các quán bò tơ Củ
Chi ở Sài Gòn nhưng được chế biến theo kiểu Tây Nguyên, nhất là món lòng bò nấu
với măng đắng, cà đắng và rau nhíp rừng của đồng bào dân tộc. Quả là ngon thật.
Mùi vị và cảm giác không thể tìm thấy ở một món ăn nào khác. Đắng mà lại thơm
và ngọt. Ăn xong dư vị cứ thấm mãi trên đầu lưỡi.
Cuối
bữa ăn chúng tôi nói với Sơn là sáng mai sẽ đi tiếp lên Đà Lạt. Sơn bảo nếu đi
Đà Lạt từ Đăk Nông này thì hơn 200 cây số, và chỉ có cách là quay lại gặp đường
20 ở Bảo Lộc. Từ đây lên đó đường rất nhiều đèo dốc e rằng cái xe tải nhỏ hiệu suzuki
với trọng lượng chỉ 600kg đi không bảo đảm. Đường từ Bình Phước lên đây tuy xấu
vì đang sửa chữa nhưng an toàn. Còn đường
từ đây lên Đà Lạt tuy đẹp nhưng không an toàn, nhất là với cái xe chúng tôi
đang đi. Theo Sơn thì chúng tôi không nên đi tiếp lên Đà Lạt nữa. Nghe Sơn phân
tích bằng kinh nghiệm của dân bản địa, cả 3 thằng tôi vô cùng ngần ngại và quyết
định là không đi Đà Lạt nữa. Tôi bảo lần này coi như tập dượt, thế nào chúng ta
cũng sẽ có một chuyến đi Đà Lạt thực sự nghiêm túc. Cả Ngọc và Tình đều nhất
trí cao. Ngọc nói lần sau sẽ lấy cái Mazda để mấy anh em làm lại chuyến Đà Lạt
khác (nhà Ngọc có 2 chiếc ô tô, một chiếc du lịch hiệu Mazda và một cái xe tải nhỏ hiệu Suzuki dùng để lên rẫy). Lần này dù sao cũng chỉ là ngẫu hứng. Có bỏ giữa chừng cũng không sao.
Vậy
là cả sự dừng lại và trở về cũng đạt được nhất trí cao và mau chóng như khi bàn
bạc về sự đi. Chao ôi là cái quyết tâm nặng như gió thoảng của mấy kẻ ham chơi theo kiểu giang hồ
vặt.
Vấn
đề còn lại là biết ăn nói làm sao với anh Thoan đây trong lúc ở Đà Lạt vào giờ
này anh đang mở rộng cửa chờ đón bọn tôi. Tình là người bấm máy. Hắn trình bày
đầu đuôi lí do lí trấu với anh Thoan rất dài dòng. Nào thì là vì sao mà bọn em
quyết định lên Đà Lạt thăm anh. Rồi nào thì là vì sao giờ đang đi ngon trớn lại
quyết định dừng lại ngang xương, chưa lên thăm anh chuyến này được. Mong anh
thông cảm. Anh Thoan nói: Ối trời ơi, vậy mà chiều nay vợ anh nghe nói sẽ có 3
thằng lính cũ của anh lên chơi, bà ấy đã đi mua về cả chục kí gạo, nhốt lại mấy
con gà thả vườn; lương thảo đã chuẩn bị đủ, giường chiếu cũng đã giặt
giũ sạch. Bây giờ chúng mày không lên nữa thì ai sẽ ăn hết chục kí gạo và mấy
con gà cho đây… Tuy nhiên rằng thì là cuối cùng thì anh Thoan cũng thông cảm mà
cho qua khi tôi trình bày với anh là nếu đi sẽ không an toàn lắm cho vụ cái xe
tải nhỏ, bánh chạy lóc cóc ít bám đường đèo dốc. Rồi Ngọc cầm máy nói tiếp là
anh yên chí đi, thế nào bọn em cũng lại lên thăm anh vào một dịp ngẫu hứng gần
nhất. Thôi, cho qua! Cựu chính trị viên phó C20 Thoan gút vấn đề lại như thế.
Chúng
tôi thở phào nhẹ nhõm, kéo nhau về khách sạn ngủ sớm để mai làm nước mã hồi.
Trong
đoàn chỉ có tôi và Ngọc là chưa báo tin về cho vợ biết chúng tôi đang đi Đà
Lạt. Bởi nghĩ là cứ lên đến nơi đã rồi gọi về thông báo cũng chưa muộn, cho các bà ấy ngạc nhiên chơi. Chỉ có vợ
Tình là biết cặn kẽ nhất về chuyến đi ngẫu hứng của chúng tôi. Bởi thế tối hôm
đó khi nghe Tình gọi về báo là sáng mai không đi tiếp lên Đà Lạt nữa mà sẽ quay
về Phú Giáo lại, vợ Tình rất ngạc nhiên. Một lát thì con trai Tình thông báo là
hồi chiều mới bắt sống được trong rừng một con rắn hổ dài cả thước, trưa mai sẽ làm thịt mời bố và hai bác nhậu
chào mừng chuyến đi Đà Lạt hụt trở về.
Tôi
vốn có tâm hồn ăn uống nghe vậy thấy hấp dẫn vô cùng.
Sáng
dậy, cả không gian chìm trong màn sương mù Gia Nghĩa, ăn sáng càfe xong, bọn tôi lên xe lượn một vòng chiêm ngưỡng phố phường
Gia Nghĩa rồi nói lời chào tạm biệt.
Trên
đường về, chúng tôi còn rẽ vào thăm thú sóc Bom Bo, địa danh nổi tiếng trong bài hát rất
hay có từ thời chống Mĩ Tiếng chày trên
sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng.
Riêng
vụ này sẽ có một entry tiếp theo vì cũng khá thú vị.
Hơn 12h
thì về đến sân nhà Tình ở Phú Giáo. Vợ con Tình với một nồi cháo rắn hổ mang hầm đậu xanh
thơm lừng đang bốc khói đón chờ.
Cuộc
đời vẫn dẹp sao dù chuyến đi của chúng tôi tuy chưa đến nơi nhưng vẫn về đến chốn.
Buổi sáng ở Gia Nghĩa với những ngôi nhà thấp thoáng trong rừng cây
Và sương mù bảng lãng
Màn sương mù phủ kín trời Gia Nghĩa. Lúc này đã là 7h sáng
Chào phố phường Gia Nghĩa, chúng tôi về
Buổi sáng ở Gia Nghĩa với những ngôi nhà thấp thoáng trong rừng cây
Và sương mù bảng lãng
Màn sương mù phủ kín trời Gia Nghĩa. Lúc này đã là 7h sáng
Chào phố phường Gia Nghĩa, chúng tôi về
Đúng là: giang hồ rong chơi quên...cả tuổi thất thập đang gõ cửa. Thú vị thật, ha...ha...
Trả lờiXóaỪm. Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với vợ biết đời nào vui.
Xóa