Đợt
về quê để thăm và chăm ba tôi bị mệt nặng kéo dài 9 ngày mới rồi của tôi (từ
16-25/10) có lẽ là khoảng thời gian hiếm hoi tôi sống với hai người rất già là ba tôi 95 tuổi, mạ tôi 85 tuổi, để tôi có được những ngày lặng lẽ nhất mà suy tư về cuộc đời. Hầu như tôi chưa về quê vào quãng thời gian này bao giờ.
Trước hết cảm giác dễ chịu nhất để lại trong
tôi những ngày ở quê đó là về một thời tiết đẹp nhất, dễ chịu nhất trong năm của
Quảng Bình. Một khoảng thời tiết sau một mùa hè rực lửa đã đi qua trong khi
một mùa đông giá buốt chưa kịp tới. Ngày nắng nhẹ, đêm mưa phùn nặng hạt. Chẳng
còn gì đẹp hơn và mát mẻ hơn thế. Đã vậy mùa này ở Quảng Bình cá và rau cũng ngon
nhất trong năm. Tôi đi chợ thấy bán một loại cá nhìn hình thù giống con cá măng
nhưng trắng lấp lánh gọi là cá ngứa. Thịt cá ngứa vừa thơm vừa ngọt, đắt hơn cả cá thu, đem nướng
lửa than ăn no mới thôi. Nhưng lấy đâu ra cá ngứa mà ăn cho chán bởi nó rất hiếm.
Có lần tôi với chú em rể đi dạo khắp chợ Hoàn Lão để tìm mua cá ngứa mà thấy
duy nhất một người bán chỉ với 2 con cá
ngứa tươi để trên cái mẹt con con. Tôi phải mua ngay bởi
không có sự lựa chọn.
Căn nhà ba mạ tôi ở Thọ Lộc
Căn nhà ba mạ tôi ở Thọ Lộc
Rồi
rau các loại cũng vào muà ngon nhất mà nhất là đọt khoai lang. Nó cứ mọc dài ra trắng tươi mơn mởn và ăn
thì giòn ngọt như cọng giá. Đọt khoai mùa này rẻ đến mức chỉ cần mua 3 ngàn được ngay một rổ đầy đem luộc lên chấm nước
mắm hoặc xào tỏi thì ăn cho no bụng mới thôi. Vừa ăn vừa nhớ lại những cọng
rau lang già khằng dai nhách nhưng bán đắt hơn cả rau muống ở mấy cái chợ gần
nhà tôi như chợ Sơn Kì, chợ Bà Quẹo trong Sài Gòn để thấy mình đang có những
ngày sung sướng. Chưa nói đọt rau lang mà đem nấu với nấm tràm (lại nhắc đến nấm
tràm, mọi người đọc đừng cho là tôi lại lên cơn hâm với hội chứng nấm tràm nhé)
thì chỉ biết dùng từ ngon nhức nhối để tả về món ăn có một không hai đó. Buổi
chiều ngày trở lại SG tôi mang theo lên máy bay 2 kí nấm tràm với một túi đọt
rau lang vô khoe với vợ con. Vợ tôi đem nấu ngay theo công thức nhà bếp
Quảng Bình, cũng là để chứng tỏ tôi không nói khoác. Và quả là danh bất hư truyền
Quảng
Bình mùa này cũng là mùa đánh bắt và thưởng thức món chim rừng, gọi là con chim nhát vì nó rất
nhát. Chim nhát bay thành bầy hàng trăm con như chim sẻ và to chỉ bằng con chim chiền chiện. Những người nông dân quê tôi dùng lưới làm bẫy đánh bắt được cả từng bầy chim rừng,
vặt lông thui qua lửa than rồi đem ra chợ bán với giá khá rẻ, một con chỉ 5 đến 10 ngàn tùy theo chim to hay nhỏ. Mình mua
về chỉ việc mổ bụng rồi đem nướng lửa than hoặc bắc chảo đổ dầu lên rô ti ăn cứ
dòn tan nghe rau ráu, thịt chim nhát thơm ngon ngọt mềm hơn bất cứ loại thịt nào mà tôi đã ăn. Có hôm mạ tôi để nguyên con đem nấu cháo ăn thì đến cháo
gà ta cũng phải gọi món này bằng cụ.
Chả
thế mà sáng nay lên trường, mấy bạn trong phòng nhìn tôi ngạc nhiên: thầy về quê
chăm ông làm sao mà mập lên nhiều thế. Tôi
phổng mũi: quê tớ mà lị.
Nói
chuyện này tôi lại nhớ hồi năm ngoái ra Vinh họp lớp đại học ghé thăm anh bạn Nguyễn Huỳnh Phán cũng là
con dân Quảng Bình lưu lạc ở Đại học Vinh. Khi nhắc đến bài hát gọi là tỉnh ca Quảng Bình quê ta ơi, PGS toán học Phán triết lí: Ngẫm
ra thì dân QB mình cũng thiệt lạ: Có
bao nhiêu thứ ở trên đời cần phải gìn giữ nhưng lại chỉ hát mãi câu ca giữ lấy những gì mà ta yêu qúi. Vậy còn
lại bao nhiêu thứ khác trên đời mà không yêu qúi thì đem vứt hết đi à... Rồi lại còn nếu ai hỏi vì sao nữa. Giả sử nếu không có ai hỏi vì sao thì cứ lặng im không nói ra à.
...................contiep
Bài tỉnh ca Quảng Bình còn có câu trứ danh này nữa: "Đêm đêm...ngỏng chờ" (chứ không phải ngóng đâu nhé). Đàn ông QB khoẻ thật! Phụ nữ làm dâu QB sướng hi.
Trả lờiXóaHừm, tay triết gia ni rứa mà thâm.
Xóa