20 tháng 10, 2014

Một người bệnh

                                                                              Chử Anh Đào
                              
          Cũng như những người có tự trọng, ông không thông báo cho bạn bè biết mình nằm viện. Bẵng ba ngày không gặp, một chiều, lão Bạch nói ông M nhập viện, tiểu đường mức 3 (!), đang ở phòng A2, tầng 5, Bệnh viện 3C…Tôi nhắn tin “Sao ở cao thế?” Ông hồi âm, nhại một bài Bút Tre: “Khi xưa ta ở trên trời/ Vì không uống rượu trời đày xuống đây/ Xuống đây phải uống cho say/ Tiểu đường huyết áp lại bay về trời. Ở tầng 5 để thăng cho tiện.” Tôi thầm nghĩ: những người lạc quan là những người sống dai lắm, còn lâu thần chết mới gọi đến.
          Chiều hôm sau, chúng tôi ra thăm. Vừa tới cửa phòng, ánh mắt ông bừng sáng vài giây. Ông lồm cồm xuống giường, vừa bước ra cửa vừa xua tay rồi rít, giọng thì thầm như kẻ trộm chia của: “Các ông xuống tầng trệt đợi tôi. Tôi thay đồ rồi ta gặp nhau ở đó.”
          Ông bận lại bộ quần áo đời thường, chẳng còn dấu hiệu gì của một người bệnh. Thú thật khi nãy thấy ông trong bộ pirama màu trứng sáo nhàu nhĩ, không “ quần áo trắng một màu tinh khiết” như buổi anh Trỗi ra pháp trường, tôi tưởng ông bị nặng và ái ngại cho ông lắm. Ông hồ hởi thông báo: “Ta ra gần đây. Bên kia đường thôi. Tôi mới phát hiện một quán thịt cầy Phú Thọ hay lắm.” Đúng là đồng khí tương cầu. Thảo nào có những loài cách cả nghìn cây số vẫn ngửi được mùi nhau.
          Yên vị, ông kể: “Tháng rồi, đang khỏe mạnh tự nhiên thấy người mệt mỏi tới mức không muốn đụng chân đụng tay vào việc gì. Sút năm kí. Đêm đi tiểu bốn năm bận. Tới bệnh viện to nhất tỉnh khám và xét nghiệm; người ta bảo là u xơ tiền liệt tuyến. Vợ khóc hu hu. Uống thuốc theo đơn bác sĩ cả nửa tháng vẫn không thuyên chuyển. Tuần trước, nhân ra thăm ông sui bị ốm, gặp bác sĩ quen, kể lại sự tình. Ổng động viên khám và xét nghiệm lại. Té ra là đái tháo đường typ 2, chỉ số 17,5. Họ bắt nằm viện ngay vì với lượng đường trong máu như vậy thì có thể biến chứng suy thận, suy tim, mù mắt, cụt hết ngón chân ngón tay bất cứ lúc nào. Họ thông báo: cái giường nằm trong cùng đang để trống là của một ông tiểu đường, lái xe ở công ti T, biến chứng, vừa “chào thân ái và quyết thắng” hôm kia. Thú thật, tôi sợ lắm. Và nghĩ  chỉ những lúc đau ốm mới thấm thía sức khỏe quí như thế nào. Được cái đội ngũ y bác sĩ ở đây cực kì tốt. Họ thay nhau chăm sóc ngày đêm. Ai khám xong còn lưỡng lự, họ lôi tuột vào điều trị thay cho mệnh lệnh nhân đạo nhất. Bác sĩ chủ nhiệm khoa còn giới thiệu và ưu tiên cho tôi cả thuốc lẫn xi lanh đặc trị, mỗi phát chích thẳng vào bụng ba trăm nghìn đồng…Chỉ mỗi tội các cháu thực tập, chúng cứ đè nghiến tay mình ra mà chọc, lệch ven, thâm tím hết cả lên đây này…”
          Tôi thông báo bệnh này ở nước ta là 25%. Cứ mười người đang đi đang nhậu ngoài kia thì có hai vị rưỡi đang bị tiểu đường. Rồi ra tha hồ mà lập hội lập hè. Rồi hỏi ông, vậy nằm đây đã ba ngày, kín tiếng thế, đã ai tới thăm chưa? Ông bảo: đúng là thế giới phẳng. Công to nhất thuộc về ông “dư luận viên” mà sáng nào cũng cà phê cùng nhau. Thì ra trong đời không phải chỉ có phụ nữ đi buôn, mà đàn ông cũng buôn dưa lê, nhiều khi lại “lời” hơn cả các đấng quần thoa. Vậy là tất cả các ban ngành đoàn thể tổ dân phố từ mặt trận, người cao tuổi, cựu giáo chức, khuyến học, câu lạc bộ sáng tác thơ văn…tới đồng nghiệp cũ, học snnh cũ, đồng hương đồng khói…lũ lượt tới thăm. Lúc cao điểm phải xếp hàng, dài từ lầu ba tới lầu năm, cứ như “vào lăng viếng Bác”.
          Tôi nghĩ: mọi người yêu mến bởi lối sống, đức độ của ông đã đành nhưng vẫn tò mò hỏi sao người ta đi thăm đông và kịp thời đến thế. Ông bảo: “ Thì tôi cũng ngạc nhiên. Hỏi thì tay “dư luận viên” trả lời:  Có gì đâu. Em bảo ông M nặng lắm, giai đoạn cuối. Bệnh viện sắp cho về. Chắc người ta hiểu “cho” là “chê rồi”. Nghĩa tử là nghĩa tận mà lại.
          Nâng li rượu mời hăng hái một cách quá mức bình thường, ông bảo: “Nhưng bình tĩnh lại thì sống chết có số. Các ông tới thăm là tôi mừng rồi, khỏe lại như bình thường. Cái anh tâm lí quan trọng lắm. Nào, chúc mừng! Âu cũng là một cái cớ hợp pháp để ta bù khú với nhau. Nói thật, không cho ai biết là cương lên vậy thôi. Chứ khi đã nằm một chỗ thì cần đến tình người vô cùng. Tình người như ngọn lửa. Nó nâng niu, sưởi ấm và nâng đỡ con người khi nó cô đơn và yếu đuối nhất; khi nó ăm ắp những nuối tiếc, mong muốn và khát khao.”
          Chiều dần cạn trong chai rượu để nghiêng. Chúng tôi rôm rả tới mức vài người khách bàn bên ý tứ nhìn sang. Bỗng ông có điện thoại. Rồi “A lô, con hả. Nói mẹ và cả nhà ăn cơm đi. À. Không phải mang ra cho bố. Bố đang bận tiếp khách.” He he!
                                                                   PK 20.10.14

                                                                        C.A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới