Phê bình văn học của A Đa
Cũng như các loại
thể và chuyên ngành nghệ thuật khác, văn xuôi Gia Lai đã và đang lặng lẽ trong
cuộc hành trình thiên lí của mình với những thành tựu, cơ hội và thách thức
mới.
Về lực lượng sáng
tác, điều đáng mừng mà không phải ở Hội địa phương nào cũng có, là qui luật “tre
già măng mọc”. Những người trẻ sau 1975 như Quốc Thành, Nguyễn Ngọc Hòa, Thu
Loan, Phạm Đức Long, Chử Anh Đào…giờ đây đã “bóng cả cành dài”. Những người tiếp
theo cũng tấp tểnh, cũng “ toan” thành cành dài bóng cả là Ngọc Tấn, Vũ Thu
Huế, Nguyễn Đình Phê, Trương Lệ Hằng, Tùng Chinh…Trong số họ, vẫn có những
người đang “chạy tốt” như Thu Loan, Phạm Đức Long, Ngọc Tấn, Nguyễn Ngọc Hòa. Thu
Loan với “Sương chưa tan làng trăng” (truyện ngắn) Pơ thi (tiểu thuyết; Phạm
Đức Long với “Đời yêu thương” (tiểu thuyết); Nguyễn Ngọc Hòa với “Một mình ra
biển” (tiểu thuyết), “Về làng” (tiểu thuyết); Chử Anh Đào với “Bức tranh vân
cẩu” (truyện ngắn), “Mẹ quê” (tạp văn)…) Số còn lại, hoặc bặt vô âm tín, lâu
ngày mất cả tên, hoặc có nguy cơ trở thành “di sản văn hóa” mà địa chỉ cuối
cùng là tòa nhà bên hông quảng trường Đại đoàn kết. Đáng mừng nhất là sự xuất
hiện kế tiếp một cách tự tin, chững chạc của những Hoàng Thanh Hương, Lê Vi
Thủy, Ngô Thị Thanh Vân, Lê Thị Kim Sơn… Tác phẩm của họ lần lượt và đều đặn
được trình làng, được giải trên các báo và tạp chí chuyên ngành ở trung ương và
địa phương. Trong số này có hai người thoạt kì thủy làm thơ rồi chuyển sang viết
văn xuôi và hình như thích được gọi là “nhà văn” hơn. (Không biết là họ “theo
chân” đàn chị hay vì văn xuôi “hoành tráng” hơn thơ(?!). Tìm mọi cơ hội để đi
nhiều, ráo riết tích lũy kinh nghiệm sống, không bằng lòng với những lối mòn
của mình và của người khác, đau đáu tìm hình thức thể hiện mới là những phẩm
chất đáng trân trọng của những người viết trẻ này! Tin rằng một tương lai lộng
lẫy đang chờ họ phía trước dù còn nhiều gập ghềnh, trắc trở.
Tập truyện ngắn của Chử Anh Đào
Tập truyện ngắn của Chử Anh Đào
Về đề tài, phạm vi
cuộc sống được tác giả quan tâm và phản ánh tuy chưa nói lên được điều gì về
chất lượng tác phẩm nhưng cũng đáng được để những người đang sống và làm việc
trên mảnh đất này quan tâm. Người ta thường ví Tây nguyên như mảnh đất màu mỡ
để nghệ thuật gieo trồng và thu hoạch. Có vẻ, cũng giống như rừng đã cạn kiệt,
đề tài về Tây nguyên ngày càng vắng bóng. Nó còn lại thưa thớt trong các bài kí
của Ngọc Tấn, Vũ Thị Thu Huế, trong một số truyện ngắn của Thu Loan, Hoàng
Thanh Hương và tiểu thuyết “bom tấn” (về đề tài) “Pơ thi”. Tác phẩm rưng rưng
một tấm lòng với đại ngàn xưa hoang dã, thần bí và nhân văn. “Pơ thi” cũng là
lời cảnh báo về sự tàn phá tài nguyên và cái giá phải trả nhãn tiền của nó. Tác
phẩm cũng như là lời vĩnh quyết với một cái Đẹp mà nhanh nhất hàng trăm năm sau
mới có thể phục sinh trở lại.
Đời sống xã hội của
Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang ngập tràn, ngổn ngang các vấn đề
về dân sinh, dân trí. Các chủ trương chính sách của Đảng cộng sản và Nhà nước
về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các
chính sách xóa đói giảm nghèo, trồng rừng, thủy điện, xây dựng nông thôn mới;
vấn đề văn hóa truyền thống; đổi mới và hội nhập, tệ nạn và tội ác…đang rất cần
các nhà văn dấn thân vào cuộc. Nhưng có lẽ đội ngũ người viết đa số sống ở
thành phố, ít có dịp tìm hiểu thực tế, lại cương quyết không sáng tác những tác
phẩm thời vụ, không muốn thành loại nhà văn “nhân dịp” nên sự thưa thớt cũng
là điều thể tất. Chỉ xin lưu ý: đó là món nợ mà chúng ta, chứ không phải con
cháu mai sau, phải trả.
Còn lại, đa phần,
chỉ đọc tựa đề cũng thấy ngay là văn xuôi Gia Lai đang mải mê vấn đề hàng nghìn
vạn năm về thân phận con người. Có điều bây giờ tình huống đã khác, phông văn
hóa đã khác, cách cảm cách nghĩ và cách xử lí nhân tình thế thái của các nhân
vật cũng đã khác xưa, tinh tế và có sức thuyết phục hơn, không phải lúc nào
cũng là những kết thúc có hậu ta thắng địch thua của lối tư duy định hướng, ăn
sẵn của nhiều thập kỉ quá khứ.
Về hình thức thể
hiên. Nhân một lần cà phê tình cờ, có người viết nói với tôi: lâu nay tắc tị vì
không tìm được cách thể hiện mới. Tôi cũng vậy. Thì ra đổi mới là một nhu cầu
tự thân “Vũ như cẩn” là cái gì đó nham hiểm
và đáng sợ nhất với người cầm bút.
Và theo một nghĩa nào đó thì đây là sự kết thúc của chính mình, là “cái mặt
không chơi được” của Nam Cao hơn nửa thế kỉ trước... Gần đây, trong bối cảnh
chung của cả nước, Gia Lai cũng ồn ào, cũng lập ngôn về đủ thứ chủ nghĩa xuất
hiện những năm đầu thế kỉ trước ở châu Âu và giờ bị lãng quên: Hiện sinh, cấu
trúc, đồng hiện, hậu hiện đại…Vài ba người hỏi mượn tôi (nói là để đọc lại) tác
phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, M.Prut, Kapka, G.Mác ket… Tôi chợt
nhớ tới câu của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến: Cái nước mình nó thế. Một cái nước cực
đoan, thoắt cái nhảy ngay từ cực này sang cực khác. Một cái nước adua “thấy
người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Rồi sĩ diện, rồi háo danh, rồi ngộ
nhận… “mấy nghìn năm vẫn trẻ con” – nói như tác giả “Thề non nước”. Ở đây cần
thận trọng vì “dục tốc bất đạt” và nguy cơ cái hay thì không mới còn cái mới
thì lại không hay. Riêng tôi tự nhủ rằng: Chính tác phẩm với cách cảm cách nghĩ
và cách thể hiện hợp lí riêng mới làm nên nhà văn chứ bất kì tín đồ hăng hái
nhất của bất kì chủ nghĩa nào cũng không thể biến một kẻ tầm thường thành nhà
văn được. Một số truyện ngắn của Hoàng Thanh Hương gần đây như “Bóng”, “Làm
lẽ”…thể hiện cách thể hiện mới được người đọc ghi nhận và suy ngẫm.
Cuối cùng, văn xuôi
Gia Lai đang đứng trước một số vấn đề cần giải quyết để tiếp tục phát triển.
Thứ nhất, liên quan
tới sự sống còn là chất lượng tác phẩm. Đành rằng, nói như Nguyễn Trãi xưa “Hoa
thì thường héo, cỏ thường tươi”, thiên tài là thứ trời cho, vô cùng quí hiếm.
Nhưng có một qui luật: công chúng trân trọng quá trình sáng tạo của nhà văn với
sự cô đơn, nhọc nhằn, trăn trở, vật vã nhưng tác phẩm của anh ta có được họ yêu
mến và tìm đọc không lại là chuyện khác.
Thứ hai là phát
hiện, bồi dưỡng người viết dân tộc thiểu số. Không thể tự hào về một nền văn
học địa phương không có tác giả bản địa. Nhưng điều này lại phụ thuộc gần như
tất cả vào yếu tố khách quan. Phó chủ tịch Hội tài năng như VCH, người đã có
công đào tạo nhiều người viết ở thế hệ thứ ba cũng khó mà hoàn thành sự nghiệp
vẻ vang này.
Cuối cùng, trong nền kinh tế thị
trường, lại định hướng XHCN, khi mà tất cả đã thành chợ, chỉ có quan hệ kẻ mua
người bán thì văn chương, nói như Anh Ngọc “Thơ ca ơi người phù phiếm vô cùng”.
Đã có tác giả trong buổi ra mắt sách đã không dám tặng sách, không phải vì keo
kiệt mà sợ…người được tặng… không đọc. Rất cần Hội có những phương cách (như
maketting, quảng cáo, tranh thủ sự hỗ trợ…) để tác phẩm của người viết đến tay
bạn đọc.
PK, 7-10-14
A.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới