Lê Quang Phương
Theo báo Vnexpress, thứ năm 2/10/2014, có bài:
Điểm số không phải để phát triển năng lực học
sinh'.
Tiếp theo là những dòng sau:
“Trong buổi đối thoại trực
tiếp với giáo viên tiểu học chiều 1/10, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm
Ngọc Định nhấn mạnh, điểm số chỉ là động cơ bên ngoài chứ chưa giúp người
học ý thức được việc đến trường là để phát triển bản thân.
Bỏ chấm điểm
thường xuyên ở bậc tiểu học / Phụ huynh
mừng, giáo viên băn khoăn khi bỏ chấm điểm tiểu học”
Trước hết cần nói ngay
rằng chỉ những phụ huynh nào vô tâm hoặc mù chữ mới mừng việc không chấm điểm
tiểu học thường xuyên.
I
Chúng ta
cùng đọc lại đoạn này của bài báo:
-Trong buổi đối thoại, nhiều giáo viên băn
khoăn việc một số thầy, cô phải đứng 20 lớp thì không thể kham nổi việc viết
nhận xét cho gần 1.000 học sinh. Chia sẻ những vất vả có thể đến với người dạy,
Vụ trưởng Phạm Ngọc Định nói, những đổi mới nếu tốt cho học sinh thì cần được khuyến
khích. Dù "dạy 500 hay 1.000, 3.000 học sinh, thầy cô vẫn cần quan tâm,
đánh giá từng em. Nếu giáo viên không biết, không hiểu học trò thì tình cảm
thầy trò sẽ có tồn tại và thầy cô quan tâm giúp đỡ học sinh thế nào?", ông
Định nói.
Quê tôi
vẫn lưu truyền câu chuyện kể rằng: Có một mụ địa chủ cường hào ngày xưa, sai
con ở ra đồng cấy lúa vào ngày trời đông giá rét. Mặc có người can ngăn rằng
trời thế này người cũng chết huống hồ là lúa. Sáng mai bụng đói, áo tơi váy
đụp, nước cóng chết tôm chết cá, gió lạnh đồng trống thổi tốc váy vào háng, cắt
da cắt thịt, con ở run rẩy thò chân vào bùn rồi vội rút lên ba lần bảy lượt
không lội xuống được, đành ngồi ôm nhau cho đỡ lạnh và chờ mặt trời lên mới
xuống cấy. Trong đám con ở cũng có đứa nịnh hót chạy chọt về báo. Mụ cường hào vội ra đồng, tay lấy đòn
gánh thọc xuống bùn, miệng hét: “Lạnh chi
cóng chi, lội xuống mà cấn đi, cấn cho chụm thẻ, kín chân má lại. Không cấn
xong ruộng ni, trưa chớ mò viền mà hốc, quân hay ăn nhác mần…”.
Bữa đó có
đứa ở chết cóng thật. Còn ruộng lúa nhà cường hào thì ra xuân phải bừa trang đi
cấy lại.
Giật mình nhớ chuyện xưa để mà đối chiếu sự tương
đồng của từng câu:
“Dù dạy 500 hay 1.000, 3.000 học
sinh, thầy cô vẫn cần quan tâm, đánh giá từng em” = “Lạnh chi cóng chi, lội xuống mà cấy đi, cấy
cho chụm thẻ, kín chân mạ lại”
Và:
“Nếu giáo viên không biết, không hiểu học trò thì tình cảm thầy trò sẽ
có tồn tại và thầy cô quan tâm giúp đỡ học sinh thế nào?" = “Không cấy
xong ruộng ni, trưa chớ mò viền mà hốc, quân
hay ăn nhác mần…”.
Đọc hết bài báo, thấy có
những lời nhận xét sau:
- Rất
hay, rất đúng nhưng chỉ đúng trong điều kiện tiêu chuẩn. Chẳng hạn lớp có ít
học sinh và kinh tế thì vững vàng. Nếu lớp có 50 học sinh với 1 cô giáo thì có
thánh cũng chịu. Nếu cứ ép Gv thực hiện thì kết quả sẽ vô cùng tệ hại. Bệnh
hình thức, đối phó lại lan tràn. Sao các giải pháp cứ đề ra như trong chốn hư
vô thế?
Trung - 4 giờ trước
-..Vì vậy, nếu không căn cứ
vào điểm số qua các kỳ kiểm tra và thi học kỳ thì không thể đánh giá đúng về
năng lực học tập của học sinh. Phụ huynh chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT xem lại
việc ban hành và áp dụng Thông tư nêu trên.
Bửu Hồng - 3 giờ trước
- Đánh giá như thế 1 tiết
học được mấy Hs chứ?
nguyễn Minh sang - 4 giờ trước
- Bác
Định ơi bác làm ơn xuống dạy lớp đi rồi bác thấy cái khổ của GV...
Vy - 3 giờ trước
Không
dám ví ngài vụ trưởng với địa chủ cường hào ngày xưa nhưng nói ngài quan liêu
không hiểu giáo viên tiểu học phải làm việc như thế nào với 3000 học sinh như
ngài nói.
II
Trở lại
với bài báo, lại có đoạn:
- Để việc nhận
xét của các giáo viên không bị trùng lặp, ông Định cho rằng cần gắn lời nhận
xét vào từng bài làm cụ thể của học sinh để đối chiếu với chuẩn kiến thức, kỹ
năng, giữa bài làm với mục tiêu đặt ra. Ví dụ tập viết chữ “A”, học sinh lần
đầu có thể viết được nhưng vẫn nghiêng, cô giáo nhận xét: “Em đã viết được chữ
A nhưng nét thẳng còn nghiêng”. Khi em đã viết đẹp hơn lời nhận xét của cô cũng
khác.
Và lời nhận xét của đọc giả thanh chu
- Ví dụ tập viết chữ “A”,
học sinh lần đầu có thể viết được nhưng vẫn nghiêng, cô giáo nhận xét: “Em đã
viết được chữ A nhưng nét thẳng còn nghiêng”. Em này đang tập viết chữ A thì làm sao đọc được lời phê của cô?
thanhchu - 3 giờ trước
Chỉ cần
một sự phản biện này của bạn Thanh Chu cũng cho ta thấy ngài vụ trưởng sai rồi.
Qủa thật
ngài không hiểu học sinh tiểu học.
III
Nói thật đọc cái thông tư này thấy buồn và cười
(không muốn nói là ngớ ngẩn).
Thứ nhất: Xưa nay chúng mình đi học được các thầy các cô
lúc thì xoa đầu, lúc lại lấy thước gõ gõ cạnh xuống bàn (rõ hãi nhé!) cùng lời
khen hoặc nhắc nhở rồi thầy cô cho 9 hoặc 10 hoặc cho nợ… thế là sướng rơn
người. Cho điểm thường xuyên là một phép quy chiếu mà tụi nhóc 6 – 7 – 8 tuổi
sẽ hiểu ngay là được, khá, giỏi hay kém và chúng sẽ có tương tác tức thì ( hớn
hở, buồn, tủi thân, khóc, lầm lầm lì lì…). Bởi vì ở mẫu giáo nó đã biết các con
số rồi. Phiếu bé ngoan cũng là một dạng quy chiếu kết quả “cháu lên ba cháu đi
mẫu giáo” một ngày, một tuần của trẻ mầm non và nó vui mừng khoe phiếu cho ông
bà cha mẹ. Cho điểm thường xuyên đúng lúc, đúng chuẩn đã tạo động lực cho trẻ
phát triển nhân cách. Không hiểu ngài vụ trưởng hiểu thế nào là động lực bên
ngoài và động lực bên trong . Hình như ngài dùng từ chưa chuẩn và lỗi về tư duy,
về ngôn bản(!?); cái này để các chuyên gia Tiếng Việt đánh giá như đánh giá sự
trùng lập trong cụm từ “Dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa
giáo dục phổ thông”
Thứ hai:
Cứ đọc kỹ các điều 6,7,8,9 trong thông tư và đối chiếu với Điều lệ trường Tiểu
học quy định nhiệm vụ của giáo viên thì thấy thông tư thực ra chả có cái gì mới
cả. Được mỗi cái mới là không cho điểm thường xuyên thì lại sai và thể hiện sự
quan liêu, vô tâm vô tình của thông tư. Xin trích tại điều 7 và điều 8 của TT
như sau
Điều 7 2. Giáo viên đánh giá:
a) Trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục
tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học,
giáo viên tiến hành một số việc như sau:
- Quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình và
từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh theo tiến trình dạy
học;
- Nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc
viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa
làm được; mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo
các thao tác, kĩ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động của
học sinh
Điều 8. Đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát
triển năng lực của học sinh
1. Các năng lực của học sinh được hình thành và phát
triển trong quá trình học tập…
a) Tự phục vụ, tự quản: thực hiện được một số việc phục vụ cho sinh hoạt của
bản thân như vệ sinh thân thể, ăn, mặc;…
2. Hàng ngày, hàng tuần, giáo viên
quan sát các biểu hiện trong các hoạt động của học sinh để nhận xét
Cứ hình
dung xem, cô giáo tiểu học, bằng phương pháp sư phạm thực hiện nhiệm vụ trên
lớp nếu không dùng con điểm cho nhanh cùng với nói lời nhận xét mà lại đi nhìn
( quan sát 500, 1000, 3000 em- Như
ngài vụ trưởng nói) rồi lấy bút, mở phiếu ghi “Em đã viết được chữ A nhưng nét
thẳng còn nghiêng”; thì giáo viên
tiểu học của ta chắc làm việc gấp 20 lần người Singapore rồi. Cứ cho mỗi lớp học đúng chuẩn dưới 35
chú nhóc đi.
Chú thì ngoan hiền ngáp vặt, chú thì láu cá tò mò cái bánh ăn dở trong
cặp bạn, chú lại thưa cô bạn í tè ra quần, và v.v…Thì phải ghi sao nhỉ. Chắc là
lấy vội vở của trò ra rồi nhận xét: “ Con tè không đúng chỗ, nhớ phải xin
phép…” và cứ thế thầy cô giáo đi từ em này đến em khác và ghi “ bánh là của bạn
nhớ nhé, đừng nhìn mà mất lịch sự”… Như vậy ai, xin hỏi ai làm nhiệm vụ tạo
“động lực bên trong”. Dứt khoát một buổi đứng lớp phải có tối thiểu 3 giáo
viên. Một cô lo kiến thức. Một cô lo trật tự. Một cô lo đánh giá thường xuyên
kịp thời.
Thông tư đã ban hành rồi, lời nói hùng hồn như
gió như mây đã tứ mã nan truy rồi. Phải ép phải quản phải làm thôi “Dù "dạy 500 hay 1.000, 3.000 học sinh, thầy cô vẫn
cần quan tâm, đánh giá từng em.”
Và tất
nhiên sẽ có sự dối trá, đối phó, để có thành tích báo cáo xã hội đồng tình, dư
luận đồng thuận.
Xin đừng
ngồi phòng lạnh mà cải cách giáo dục. Xin đừng đi nước ngoài rồi hớt cái váng
trên mặt nước của người ta mà đem về rán trong chảo nhà. Việc học hỏi người để
mà vận dụng phù hợp vào nước nhà chứ không phải bắt chước ấu trĩ quên đi nền
tảng văn hóa, trình độ con người và điều kiện Việt Nam.
Thưa rằng
giáo viên tiểu học bây giờ chẳng ai dại mà chết rét như con ở ngày xưa, nhưng con
em nước Việt thì không thể sang xuân bừa trang đi mà cấy lại.
Thưa quan chức giáo dục ! Học trò không phải
là chuột bạch như nhiều người nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới