2 tháng 3, 2013

Giản dị địa danh Sài Gòn 1


Hôm Tết xem thời sự VTV thấy PTV Minh Khuê khi đọc đến tin Tp.HCM khởi công xây dựng cầu vượt Lăng Cha Cả trên đường Cộng Hòa (khá gần nhà tôi và ngày nào đi làm tôi cũng qua lại vòng xoay này), chị PTV dày dạn kinh nghiệm này đã rất ngắc ngứ khi phát âm mấy âm tiết Lăng – Cha – Cả.  Tôi nghe mà rất thông cảm bởi dân Hà Nội cũng như dân Bắc nói chung thường quen với những địa danh chữ nghĩa sang trọng chứa đầy ý nghĩa sâu xa, trong lúc ở miền Nam mà nhất là Sài Gòn, các địa danh rất đời thường và giản dị.
Chả thế mà mới hôm Tết đây thôi, một nhóm bạn học của tôi tụ tập ăn Tết ở nhà một anh bạn thân ở Đại học Vinh đã chuyền tay nhau điện thoại thăm hỏi tôi. Câu đầu tiên tôi nghe được là: Chào ông bạn ở Bà Quẹo. Chả là nhà tôi ở Bà Quẹo, tên của một trong 5 bà vợ nổi tiếng của ông Lãnh binh Thăng mà có lần tôi đã viết trong bài Sài Gòn lắm bà (ở đây). Tôi biết là các bạn tôi ở ngoài Bắc nói với tôi thế chẳng phải là coi thường gì tôi vì tôi sống ở một nơi có tên gọi chẳng có vẻ chữ nghĩa gì mà chỉ là vì họ rất khoái với những địa danh nghe lạ tai và ngồ ngộ như thế.
Sài Gòn trước 1975 từng được mệnh danh là Hòn ngọc viễn đông, một thành phố hiện đại và lớn nhất Việt Nam, nổi tiếng trên thế giới với vẻ đẹp lộng lẫy sừng sững bên bờ biển Đông. Nhưng Sài Gòn cũng là thành phố có những địa danh vô cùng chân chất rất hợp với tính cách của người Sài Gòn – Gia Định xưa nay mà mỗi khi nghe đến ta thấy vô cùng dễ mến và gần gũi, tịnh không có một chút xa lạ nào.
Trở lại với địa danh của vòng xoay Lăng Cha Cả ở trên, có lẽ ai đến Sài Gòn cũng ít nhất có một lần đi qua vì nó nằm ngay trên cửa ngõ của sân bay Tân Sơn Nhất, từ sân bay TSN ra không thể không đi qua Lăng Cha Cả; nhưng hẳn không phải ai cũng biết vì sao vòng xoay này có cái tên đó và nghĩa của nó là gì.
Lăng Cha Cả chính nơi có ngôi mộ của vị giám mục người Pháp tên gọi là Bá Đa Lộc,  tục vẫn gọi là "Cha Cả", tức Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine. Vị Giám mục này mất năm 1799  trong trận đánh trên sông Thị Nại ở thành Qui Nhơn, Bình Định.   Vua Gia Long lúc ấy rất trọng vọng ông nên đã đưa về Sài Gòn an táng ở chỗ có vòng xoay ngày nay. Từ vòng xoay mang tên Lăng Cha Cả, đi xuyên qua công viên Hoàng Văn Thụ rẽ trái là vào sân bay Tân Sơn Nhất, đi thêm chút nữa là tới trụ sở cũ của Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa nay là Bộ tư lệnh quân khu 7, rẽ phải theo đường Nguyễn Văn Trỗi là thẳng về dinh Độc Lập. 
Khu lăng mộ của Cha Cả là một di tích lịch sử xuyên suốt các chế độ từ thời phong kiến nhà Nguyễn sang thời Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên đến tận năm 1980 thì bị chính quyền hiện tại giải tỏa, san bằng. Di hài của Giám mục Bá Đa Lộc được hỏa táng và tro cốt giao lại cho tổng lãnh sự Pháp đưa về quê ông ở Pháp.  Chỉ còn lại cái bùng binh mang tên ông.


  Vòng xoay Lăng Cha Cả  (ảnh từ internet)
 (còn tiếp)   

10 nhận xét:

  1. Dù sao đó cũng là một di tích lịch sử, không hiểu sao ta lại phải di dời. Cũng như khu mộ Mạc Đỉnh Chi Sài Gòn, tại sao phải di dời nhỉ? Trong khi ở Pháp, nghĩa trang của họ cũng nằm ở ngay trong thành phố. Còn ở ta, tại sao lại di dời xóa sạch đi.., ta có thể cứ để đó, để cho những di tích lịch sử còn tồn tại với thời gian.

    Đây cũng chỉ là ý tưởng của riêng tôi thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Yên tâm đi chị GM. Kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục sẽ bị tương lai bắn lại chúng bằng đại bác.

      Xóa
  2. Đọc bài của HTS mới hay đó là mộ của Bá Đa lộc! Cám ơn nhé! Ngày xưa người ta hay đặt tên ông này mụ nọ những người có khi rất bình thường chẳng có công trạng gì cả nhưng vì ở đó có mái lều của họ phải không bạn? Vi như Cầu Mụ Kề, Đồng Ông Hy... ở Đồng Hới...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chân lí nhiều khi nằm ở điều giản dị nhất. Mấy cha nội chuyên hô khẩu hiệu là thứ rỗng tuếch.

      Xóa
  3. Mình thich những địa danh đơn giản do người dân đặt, ví dụ như chợ Bà Chiểu, cầu Ông Lãnh, bến Nghé, ngã tư An Sương... mà những người con xa xứ sẽ nhớ da diết về quê hương mình, rồi vì yêu những lịch sử 'nhỏ' đó, họ sẽ yêu lịch sử lớn.
    Thân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nha Gom La Bang VN@: Cảm ơn bạn đã đồng cảm. Đúng là như thế. Và tôi ghét những cái gì phô trương, đao to búa lớn.

      Xóa
  4. 1. Địa danh (còn gọi: tên địa lí ) là tên vùng, tên sông núi, tên các đối tượng địa hình khác nhau, tên nơi cư trú, tên hành chính, tên chợ, cầu, đường… được con người đặt ra như một ký hiệu ngôn ngữ để định danh các hoàn cảnh địa lý này, trước hết nhằm phục vụ sinh hoạt của cộng đồng. Thoạt đầu, địa danh được đặt võ đoán, hoặc bởi ý tưởng của một cá nhân nào đó, chỉ để phân biệt địa danh này với địa danh khác, nên không cần ý nghĩa, hoặc không phải ai cũng hiểu ý nghĩa (Trạng, Ba Đa, Cúp Cúp...,các địa danh HTS rất quen thuộc). Về sau, con người "hay chữ" dần lên, lại sống có tổ chức, có ban bệ, có phát triển, nên đã "giao" thêm cho địa danh chức năng khác nữa là gửi gắm tâm trạng, giáo dục văn hoá lịch sử... Theo đó địa danh mới có tên những người có công, anh hùng, sự kiện lịch sử...gánh vác những thông tin về tinh thần, văn hoá, xã hội, lịch sử, ngôn ngữ và chính trị.
    2. Do đó, ở địa phương nào có những người có công, anh hùng, sự kiện lịch sử...xứng đáng thì người ta sử dụng để đặt địa danh, bất kể tên đó là "nôm" hay ""chữ" vậy. Bất cứ đâu cũng đang tồn tại các địa danh nôm (na) và ngày càng trở nên thân thương chứ không riêng gì Tp HCM. Chẳngậhn ở Hà nội: Hàng Thùng, Hàng Mắm, Hàng Da, Kẻ Sặt, Láng...
    3. Quảng Bình có nhà báo, nhiếp ảnh gia Bùi Đình Tuý (Người Cảnh Dương) được đặt tên cho một đường phố và một cây cầu Ở SG đấy. HTS làm một entry riêng về địa danh đặc biệt này đi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhát trí với lập luận hùng hồn của Ruchung ở (1) và (2). Riêng (3) thì hãy đợi đấy, tui cũng đã nuôi ý định đó rồi nhưng phải viết bài bản hơn để còn đăng báo ...QB nữa.

      Xóa
  5. Một thời để nhớ, đất nước phát triển nên những địa danh này không còn giữ được những nét của một thời anh hùng nữa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đunbgs thế, cứ được 1 cái thì sẽ mất đi 1 cái. Qui luật của cuộc sống và của lịch sử mà

      Xóa

Bạn có nhận xét mới