4 tháng 3, 2013

Giản dị địa danh Sài Gòn 2

Nhớ hồi mới vô Sài Gòn, một ông bạn đồng nghiệp có nhà ở Gò Vấp hẹn tôi lên chơi. Lớ ngớ thế nào tôi lại đi lạc vô đường Hồng Hà bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất thế là mất luôn phương hướng. Gọi điện thoại xác định lại đường bạn bảo: mày tạt sang đường Bạch Đằng rồi nối vô Nguyễn Thái Sơn, đến ngã ba Chú Ía thì tìm đến Ngã năm Chuồng Chó, đến đó gọi lại tao chỉ tiếp (Chuyến đi chơi đó tôi phải chi mất 12 cú điện thoại mới tới được nhà bạn ở mãi miệt Gò Vấp nơi có con ngõ nhỏ với rặng tre làng còn quê hương hơn cả ngoài quê hương tôi).  
Mà ối trời, địa với chả danh, nghe phát khiếp. Thế nào mà lại là Chú Ía nhỉ. Nhỡ có thằng mất dạy nào nó sửa cái dấu sắc thành dấu hỏi thì có bỏ mẹ không. Rồi lại Chuồng Chó nữa. Tuy nhiên phải nói rằng những cái tên như thế rất kích thích trí tò mò của tôi, buộc tôi phải tìm cho ra ngọn nguồn lạch cơn mặc dù tôi không hề muốn trở thành nhà Việt Nam Cộng Hòa học hay Sài Gòn học gì gì đó như tay đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước mà thực ra là một tay nghị vô Phước điên điên khùng khùng kia.
Tôi theo lời bạn chạy miết dọc Nguyễn Thái Sơn thì gặp một cái ngã năm với ba con đường châu vô Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám. Từ đây đã là đất Gò Vấp, là ranh giới giữa 3 quận Phú Nhuận, Tân Binh và Gò Vấp. Đó chính là ngã ba Chú Ía nhưng thực ra bây giờ đã là một ngã 5 vĩ đại, là đầu mối của con đường vành đai lớn nhất Thành phố là đường Phạm Văn Đồng. Vì thế mà nay gọi là vòng xoay Phạm Văn Đồng. Nhưng còn vì sao gọi là Ngã 3 Chú Ía thì chịu. Về nhà lên mạng lục tìm thì thấy có bài viết của một nhà giáo thời Việt Nam Cộng Hòa tên là Võ Duy Khiết khi viết về Gia Định xưa  nói rằng đó là tên của một thương nhân người Tàu có mở một tiệm buôn bán lớn ở ngay đó nên dân tình lấy tên ông chủ tiệm làm luôn tên gọi của cái ngã ba cho tiện. Vì thế mà có Ngã 3 Chú Ía.
Từ cái ngày đó cũng không ngờ là nay tôi lại hay qua lại cái ngã ba mà thực ra là ngã năm có cái tên rất ấn tượng và dễ nhớ ấy bởi từ cơ sở 1 của trường tôi ở Phú Nhuận lên cơ sở 2 ở quận 12 không thể không đi qua đó. 
Rồi từ cái ngã ba mang tên Chú Ía này di theo đường Nguyễn Thái Sơn, gặp Phạm Ngũ Lão rẽ trái sẽ gặp một ngã 5 mang tên Chuồng Chó. Đó là sự châu tuần của các con đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Oanh, Quang Trung và Nguyễn Kiệm. Có lẽ trong đời học chính tả của mình tôi không nghĩ có ngày lại phải viết hoa hai chữ Chuồng Chó một cách trân trọng và gần gũi như lúc này.
Còn vì sao lại gọi là ngã năm Chuồng Chó thì đơn giản hơn nhiều. Chả là thời Việt Nam Cộng hòa, quân đội Sài Gòn từ năm 1966 đã lập ở nơi đây một trại huấn luyện chó nghiệp vụ với qui mô lớn cho quân đội gọi là quân khuyển (khác với huấn luyện chó nghiệp vụ cho cảnh sát gọi là cảnh khuyển) để cung cấp chó nghiệp vụ cho các đơn vị quân đội đóng khắp miền Nam. Dân Gia Định xưa không gọi là trại chó mà gọi giản dị là chuồng chó. Và dĩ nhiên chỗ cái ngã năm có cái chuồng chó vĩ đại đó được gọi luôn là ngã năm Chuồng Chó.
Tuy nhiên, theo thời gian, cái Ngã năm Chuồng Có ấy bây giờ đã là một ngã 6 nên nó còn đươc gọi là Ngã 6 Gò Vấp. Theo lời ông bạn vong niên của tôi nguyên là luật sư tòa thượng thẩm Sài Gòn mà tôi đã viết trong bài Chuyện vãn ngày vãn chuyện (ở đây)  thì thời trước năm 75, ngã năm Chuồng Chó nổi tiếng là nơi phá nát những đời trai, từ trai lính tráng đến trai sinh viên. Bởi khu trại chó cũng là nơi đóng trại lính nên đĩ điếm tụ họp về đây hoạt động rôm rả ì xèo quanh năm với giá rẻ bất ngờ, rẻ đến mức không chỉ lính tráng cộng hòa mà bọn trai tân là sinh viên các trường đại học ở Sài Gòn thời đó nghèo kiết xác chỉ biết gặm bánh mì với trà đá cũng đủ tiền lên đây kiếm một vài dù cho biết mùi đời.  Vì thế thời trước mà nhắc đến ngã năm Chuồng Chó là nhắc đến một ổ tệ nạn của xã hội Sài Gòn. Nay thì đã khác xưa rất nhiều. Đó là một ngã 6 sầm uất với cửa hàng siêu thị sáng rực và người xe qua lại như nước. 
Tại dọc vỉa hè con đường một chiều Nguyễn Kiệm cũng là nơi nổi tiếng với các mặt hàng lạc xoong rất phong phú từ cái nịt, cái bóp da chỉ dăm ba chục ngàn đến cả những mẹt điện thoại di động, iphone, ipad đủ kiểu thật rởm trên đời. Có lần tôi la cà ở đấy và đã mua được một cái la bàn của lính Mĩ sử dụng từ trước 1975 còn nguyên zin Made in USA với giá chỉ tám chục ngàn đồng.
Tuy vậy cái tên Ngã 5 Chuồng Chó thì đã thành bất tử trong trí nhớ của người Sài Gòn dù trên văn bản giấy tờ vẫn được gọi khác đi là ngã sáu Gò Vấp. 




  Cái la bàn Made In USA mua 80.000 đồng  tại ngã năm Chuồng Chó. 
Khi tôi hỏi  -Giá bao nhiêu? Anh bán hàng nói 120.000. Hỏi nữa: -8 chục bán không? 
 -OK, chú lấy đi. Thế đấy, chỉ với 2 câu trao đi đổi lại ngắn gọn tôi đã có được một 
đồ vật thích thú trong tay. 



       

   .  ...(còn biên tiếp)     

2 nhận xét:

  1. Nhiều cái tên nghe dân dã bạn nhỉ? TT nhớ dạo vào ct SGN, gtruwwocs khi đi đâu cũng lôi bản đồ ra do tìm đường đi rồi cứ thế mà tiến. Cố gắng tìm đường đi dễ nhất dẫu có xa hơn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không những TT mà đến mình bây giờ vẫn thế thôi. Mỗi lần đi nơi nào là lạ , nhất là vùng quận 4, q5, q6 quận 7, q8, q9,... q12... đều phải giở bản đồ ra tra cứu rồi mới lên đường.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới