Chử Anh Đào
Hình như tuổi già đã về? Còn hình như gì nữa! Sự từng trải làm nên cái nhạy cảm, đọc được dự báo thời tiết. Ví như, dẫu còn lác đác những hạt mưa sót nhưng khi một vài nụ dã quì đã ấp úng trong vòm lá bên những vạt đồi ngoại ô, khi dăm ba cành lá xạc xào khẽ run lên trước một làn gió đông thám báo, khi mấy con giun đất mò lên trong đêm định mệnh, oằn mình không kịp chui vào hang để rồi bị ánh nắng buổi sáng se lạnh nhưng dữ dội thiêu đốt, khi những mảng rêu vốn xanh mướt nơi góc sân, bờ tường đã kịp đổi sang màu vàng úa và cong lên từng mảng…ấy là lúc mùa khô bắt đầu. Còn những dấu hiệu phổ thông không chừa một ai nữa. đó là sự biếng ăn biếng ngủ, toàn thân nhức mỏi, tay chân cứ thừa ra như của đi mượn, thấy cái Đẹp không còn háo hức, không còn liên tưởng bậy bạ nữa. Già thật rồi!
Nhưng có một thứ quyết không già trong ông. Đó là tình yêu nghề nghiệp. Ông làm nghề giáo, ở một trường thuộc hệ đại học, đào tạo những người sau này cũng sẽ làm thầy giáo. Đành rằng lời chém gió của ông Bộ trưởng “ đến năm 2010 các thầy cô giáo sẽ sống được bằng lương” đến giờ vẫn bay bổng một thứ “ hiện thực xã hội chủ nghĩa” vớ vẩn tận đẩu tận đâu, ông vẫn yêu nghề. Đành rằng nghề giáo trong một hoàn cảnh xã hội có nhiều nhiễu nhương, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn thì nó không còn thanh sạch như hàng nghìn năm về trước, như lời của đại thi hào dân tộc “ viên ngọc trong đá không còn giữ được bộ mặt thật nữa rồi”.Ở trường ông, hiện tượng hù dọa, trấn lột tiền sinh viên trong các kì thi học phần, tốt nghiệp; rồi gạ gẫm quà cáp nhân các ngày lễ tết, tự ý bỏ giờ, ra chậm vào sớm… không phải là không có. Nhưng đó chỉ là những “ con sâu” dứt khoát không thể là toàn bộ gương mặt nhà trường nơi có đảng bộ nhiều năm liền “ trong sạch vững mạnh”. Và ông vẫn yêu nghề.
Hơn nữa, ông lại dạy văn. Môn văn, với ông như là một tôn giáo mà ông là một tín đồ sẵn lòng tử vì đạo. Trước hết, nó cải hóa ông.Từ một thanh niên mới lớn ngông nghênh chỉ thích làm nghề lái xe hoặc họa sĩ, nhà văn để được bay nhảy, đi đó đi đây, khi vào khoa sư phạm thì đầu ra ắt hẳn là thầy giáo dạy văn. Theo thời gian, ông ngày càng yêu thích bộ môn mình dạy, kể cả những năm tháng khốn khó nhất mà vẫn bỏ một phần tư tháng lương ra mua sách.( Thời ấy, thuốc lá và sách là những thứ ông mua chịu được ở ngã ba Quang Trung- Phan Bội Châu) Ông khao khát truyền lại những cái hay cái đẹp của các tác phẩm văn chương tới học trò bằng cả nhiệt huyết có pha chút Đôn-ki-hô-tê của mình vì cứ khăng khăng nghĩ rằng môn văn là một trong những cơ hội tốt nhất để người ta thành một người tử tế. Những nỗ lực của ông được đền đáp phần nào, thể hiện ở chất lượng những lứa học trò sau khi ra trường mà ông đào tạo; ở sự ghi nhớ và biết ơn của họ với thầy giáo của mình…Có lần, người con dâu cũng là giảng viên một trường cao đẳng khác hỏi: “ Ba có mệt không ba?” Mặt ông ngời lên ánh rạng rỡ và kiêu hãnh: “ Không con ạ. Vì sinh viên còn thích học và ba còn thích dạy.” Quả vậy, thời gian và tuổi già không thể ngăn trở được lòng yêu nghề của ông!
Nhưng lí do lại đến từ một phía khác, không ngờ. Vài ba năm trở lại đây tình hình không còn như vậy nữa. Theo chỗ ông biết, ở các nước tiên tiến như Nga, Mĩ, Nhật…khoa học càng phát triển, mức sống càng cao thì tỉ lệ các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các cấp học phổ thông càng nhiều. Việt Nam thì ngược lại. Người ta đổ xô đi các ngành thương nghiệp, kinh tế, ngân hàng, ngoại ngữ, tin học…- những cái ngành có thể hái ra tiền mặc dù sau khi ra trường , xin việc vào chúng không dưới đôi trăm triệu…Cùng với sự phát triển của công nghệ nghe nhìn, tâm lí thực dụng của xã hội, quĩ thời gian sống của mỗi cá nhân ngày càng trở nên gấp gáp; rồi không phải không có những thầy cô giáo coi dạy học là một nghề( tất nhiên rồi) và dạy văn cũng như dạy toán, lí, hóa. sinh; rồi những tai họa từ cái gọi là “ cải cách giáo dục”, môn văn với các bài văn mẫu, tác phẩm văn chương như một chỉnh thể tinh thần tinh vi phức tạp bậc nhất bị coi là tôm cua ếch nhái đem cắt rời từng bộ phận để mổ xẻ, phân tích đánh giá…môn văn bị thất sủng. Người trắng trợn thì bĩu môi cho sự khinh miệt tràn ra ngoài, kẻ tế nhị hơn thì lặng lẽ quay mặt. Chất lượng dạy- học văn như buổi chợ chiều mà trường ông không là ngoại lệ. Chất lượng đầu vào ngày một thấp. Sinh viên ra trường trừ ngành tiểu học, mầm non ra, còn lại, cơ hội việc làm rất ít. Ông đã gặp những sinh viên văn mà mình yêu quí vì kết quả học tập của họ, sau khi ra trường phải đi bưng bê trong các tiệm ăn, phải đi làm nhân viên tiếp thị bia rượu, thuốc lá cho các đại lí trong thành phố- công việc dành cho những người chưa cần học hết bậc tiểu học. Những khi đó thầy- trò đều ngượng ngùng, ái ngại vì sự quan tâm giúp đỡ nhau đã ở ngoài tầm tay với. Riêng ông còn là cảm giác như người có lỗi.
Sáng nay cũng vậy. Ông lên lớp ba tiết sau. Kẻng báo, ông bước vào lớp. Lổn nhổn kẻ đứng người ngồi, phải nhắc mới đứng dậy chào thầy. Thỉnh thoảng ông dặn họ: đứng dậy chào là nội qui, là để thể hiện sự tôn trọng và quan trọng là để ổn định tổ chức giờ học, nhưng họ rất hay quên. Lớp vắng tới một phần ba, chưa kể mấy sinh viên mượn cớ lên thư viện đang chạy lạch bạch như vịt ngoài sân kia. Không có khăn trải bàn . Không có khăn lau bảng . Ghế giảng viên cáu bẩn, bụi băm. Dưới kia là những ánh mắt vô hồn hoặc lơ đãng thi nhân nhìn ra ngoài khung cửa sổ lớp học có mây trắng nhởn nhơ bay, hôm nay trời đẹp lắm như trong thơ của nhà thơ lá cờ đầu thơ ca cách mạng Việt Nam , là những khuôn mặt vô cảm. Uể oải kẻ ngáp, người nằm vật lên bàn, kẻ nói chuyện riêng, người alô điện thoại em đang học, hẹn chút nữa gặp ở nhà trọ…Ông là người nhạy cảm. Chỉ một ánh nhìn thôi mà đã có thể buồn cả tuần, cả tháng. Huống chi bây giờ…Lại chợt nhớ lời cổ nhân: Tiên trách kỉ… Không! Ông đã là giáo viên giỏi cấp tỉnh ngay từ năm sau mới ra trường. Lại có cơ hội đi học nâng cao kiến thức. Lại vẫn nguyên vẹn một tấm lòng. Ba mươi bảy năm nay chưa hề lên lớp muộn giờ. Nghiêm cẩn tới từng chi tiết về y phục, cử chỉ và lời nói. Không phải tại mình…Vậy là bao nhiêu cảm hứng, thiện ý bay đi mất. Cái gọi là lương tâm nghề nghiệp, “ một bộ phận không nhỏ” cũng theo đó mà “ cho em theo với.”
Về nhà, người con dâu thấy thần sắc của ông, hỏi: “ Ba mệt lắm phải không? Con pha nước cam cho ba nhé.” Nó nói xong rồi quay xuống nhà dưới. Tội nghiệp con bé! Nó tưởng li nước cam của tình phụ tử sẽ tưới mát tâm hồn, làm tan chảy nỗi buồn về những hoa trạng nguyên cuối mùa trong ông./.
PK.26.2.13
Hy vọng vào những mùa hóa trang nguyên sau
Trả lờiXóaCũng mong là như thế. mùa này coi như vứt.
XóaAnh HTS ơi! đọc xong thấy buồn sâu cho cả bao nhiêu thế hệ.
Trả lờiXóaKo buồn mới lạ.
XóaKhi nào về hưu thì ngồi viết sách.
XóaKhi nào về hưu thì kiếm thêm chân dạy văn ở 1 trường tư thục nữa. nghiệp chướng rồi mà chị GM.
XóaLại vào đây gửi vài lời cho bạn đỡ bùi ngùi.
Trả lờiXóachúc bạn ngày mới vui nhé.
Cảm ơn chị GM đã chia sẻ.
Xóa