3 tháng 12, 2014

Thư gửi tác giả "Nó và tôi - một thời hoa lửa"



Sáng nay lên Trường, việc đầu tiên tôi mở hộp thư công vụ theo thói quen cần thiết. Hộp thư VHU này thường chỉ là những email công vụ trong nội bộ trường. Nhưng email đầu tiên đập vào mắt tôi là của một bạn học cùng khóa 16 khoa văn ĐH Vinh, hiện đang là GV của trường ĐH Vinh - PGS. Nguyễn Văn Tứ. Email của Tứ đồng thời gửi cho Nguyễn Trung Ngọc, cũng là bạn học đang ở ĐH Vinh (học cùng khóa 16 nhưng Tứ là HS phổ thông đi học, tôi và Ngọc là SV cũ đi lính trở về học tiếp), viết:  
                                     
     Gửi anh Hà Tùng Sơn và anh Nguyễn Trung Ngọc
 ..... Khoảng năm 2010, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với một số quan chức của tỉnh Nghệ An, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lên dâng hương tại Đài Sen, đã nói với những người xung quanh: không chỉ là việc tìm kiếm tên các liệt sĩ mà phải có trách nhiệm tìm kiếm quê quán các liệt sĩ và hỗ trợ việc tìm kiếm phần mộ các liệt sĩ....
             ....Sau lễ kỷ niệm đầy ấn tượng, một người cầm một bộ hồ sơ do một cựu chiến binh từ Sài Gòn gửi ra, nhờ một động đội chuyển đến Nhà truyền thống của Trường để nói rằng: có một sinh viên liệt sĩ vẫn còn chưa được ghi tên vào DANH SÁCH LIỆT SĨ: một trong những hiện vật làm nên giá trị của truyền thống....!
            ...... ""Cõng bạn về quê"; một bài thơ xúc động, chan chứa nghĩa tình đồng đội mà chỉ có những người trọng cuộc mới hiểu....
           ... Tác giả "Nó và tôi - Một thời hoa lửa" cũng là một cựu chiến binh từng là sinh viên lên đường vào những năm 1972....
Đính kèm là 2 file với bài vết của Tứ và bài thơ Cõng bạn về quê.  

Tôi đọc và xúc động suốt buổi sáng. Và đã mail lại cho Tứ như sau:


Thân gửi Nguyễn Văn Tứ!

Rất cảm động vì sáng nay lên trường, vừa mở hộp thư công vụ theo thói quen thì nhận được email của Tứ.

Mình đã đọc hết bài viết của Tứ và bài thơ Cõng bạn về quê của Lý Hoài Xuân. Đọc mà ứa nước mắt.

Mới rồi mình có gửi cho Nguyễn Trung Ngọc 1 bộ hồ sơ liệt sĩ là của 1 cựu SV khóa 10 khoa  văn ĐHSP Vinh, tên là Trần Dôn, là anh trai của người em rể của mình, nhập ngũ 1970, hi sinh 1971 tại Long An. Người LS này hi sinh trong một trận đánh ở Long An. Trận đó quân ta chết rất nhiều. Sau trận đánh, bọn địch canh gác suốt 3 ngày không cho ta lấy xác LS về. Khi bọn địch rút đi, đồng bào ở nơi đó đã đào một cái hầm lớn rồi chôn chung tất cả thi hài LS ta vào  hầm đó (không có quan tài). Người dân đặt tên cho ngôi mộ chung đó là mộ "Bắc bỏ" (nghĩa là những người lính miền Bắc bỏ mạng ở miền Nam), một cái tên nghe nhói cả lòng.

Năm ngoái chú em rể của mình cất công từ Quảng Bình vào Long An để tìm hài cốt LS Trần Dôn về, đã đến tận ngôi mộ chung đó nhưng bó tay vì dưới đó, hầm mộ là hài cốt mấy chục LS trộn lẫn với nhau. Không thể xác định được ai với ai.

Mới rồi về quê Quảng Bình, mình đã nói chú em rể cho mình 1 bộ hồ sơ LS (rất đầy đủ) của cựu SV khóa 10 Khoa Văn ĐHSP Vinh, LS Trần Dôn, nhờ bạn Nguyễn Trung Ngọc gửi cho Phòng Công tác chính trị của Trường ĐHV, để đưa vào hồ sơ LS và phòng Truyền thống của Trường.

Không biết hành trình đó đã kết thúc hiệu quả chưa.

Chúc Tứ mạnh khỏe và thành công trong cuộc sống.

Thân.

P/S: Nếu còn cuốn sách "Nó và tôi - Một thời hoa lửa" cho mình xin 1 cuốn nhé. 


       THƯ GỬI TÁC GIẢ “NÓ VÀ TÔI – MỘT THỜI HOA LỬA”



                                                                   Nguyễn Văn Tứ



                                                  Nghệ An, ngày 23 tháng 8 năm 2013 

                                         

Kính gửi anh Nguyễn Như Thìn, cựu chiến binh của Thành cổ Quảng Trị, tác giả “Nó và Tôi -  Một thời hoa hoa lửa”
Đúng vào dịp Rằm tháng 7, lúc ở các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị và nhiều nơi ở trên đất nước Việt Nam, mọi người đang cầu cho vong linh các liệt sĩ được siêu thoát cõi vĩnh hằng thì em nhận được một trăm cuốn sách “Nó và Tôi -  Một thời hoa hoa lửa” của anh gửi tới! Khi khệ nệ vác thùng sách gần 20 kg lên đến tầng 3 của ngôi nhà nơi em làm việc, người bưu tá hỏi em sách gì nặng thế, em nói qua về lai lịch cuốn sách và anh ấy nói với em “đây là một việc làm thiện tâm”. Em cảm ơn người bưu tá và mặc dù chưa xin phép anh, nhưng đã tặng người ấy một cuốn sách như anh đã mong muốn để được nhiều người đọc hơn!

Kính thưa anh!
Khi đọc cuốn sách của anh, em xúc động thật sự, nhất lại là với em, một em trai của một  liệt sĩ hy sinh ở Thành Cổ Quảng Trị mà hiện nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Chưa lần nào gặp anh, chỉ nhìn thấy anh trong mấy bức ảnh ở cuốn sách, nhưng cảm nhận chung của em về  Nó và Tôi – Một thời hoa lửa” là hiện thực được nói một cách thẳng thắn, một phong cách hài hước mang đậm tính nhân văn.
Đó là sự thật khốc liệt của chiến tranh. “Khánh voi” được anh nói thật một cách trần trụi. “Công tử Hà Thành” cũng vậy, nó làm cho con người đau đớn hơn khi có sự đối lập giữa đầu và cuối câu chuyện. “Một thời máu và và rau”, “Chữ … đói” cũng là sự khổ ải của chiến tranh. Ngay cả câu chuyện nói về bộ phim “Mùi cỏ cháy” cũng đã nói lên sự khốc liệt của chiến tranh: điều mà phim ảnh nhiều lúc cũng cố pha vào một chút tô vẽ nào đó. Thôi thì cũng được, làm dịu cơn đau cho những mất mát, dù là việc làm dịu bằng sự giả dối. Em nhất trí với anh, trong bối cảnh ấy, làm gì có chuyện chơi dế, hát chèo tại Thành cổ,… Nếu đọc những đoạn nói về sự vất vả, nặng nọc của những người lính vác ba lô, súng đạn hành quân mà anh kể lại thì mới biết hình ảnh “ngắt một đóa hoa rừng cài trên mũ ta đi” phải chăng là sự tô vẽ… Tuy nhiên, cuộc sống con người trong bom đạn vẫn có những suy nghĩ về một cây rau dền, về một mùa trồng hai vụ,… Cuộc sống là thế, bản chất của con người là thế!
Dù thế nào đi nữa, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, con người vẫn là con người! “Con gà mái hoa” là kết quả tự nhiên trong quan hệ của con người. … “Trăng mười bảy” là một hiện thực khác của “mảnh trăng cuối rừng”… “Thư tình của người lính  là một thiệt thòi, hy sinh tại hậu phương của người lính khi ra chiến trận… Những câu chuyện ấy làm em nhớ lại bức thư của một liệt sĩ viết trước lúc hy sinh. Đó là liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (hy sinh ngày 2/1/1973), quê ở xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, khóa 13 của ĐH Bách khoa Hà Nội, một người lính đã tham gia chiến dịch 81 ngày đêm ở Quảng Trị. Sự khốc liệc của chiến tranh, khiến cho người lính đã dự cảm về mình trước khi đi vào trận đánh. Đúng vào thời điểm khốc liệt nhất, trước 4 ngày nữa là kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm, ngày 11/9/1972, người lính Lê Văn Huỳnh đã viết thư về cho gia đình dự cảm được điều gì sẽ xảy ra khi mình đi vào trận đánh. Bức thư được tìm thấy ngày 28/10/2002, hiện được đặt trong Bảo tàng Thành Cổ. Bức thư viết trước trận đánh, chưa kịp gửi và luôn bên cạnh người lính cho đến ngày anh hy sinh, là nỗi lòng của anh dành cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới bảy ngày, cho anh trai, chị dâu, cho cha mẹ vợ, cho đứa cháu đích tôn, cho người bạn thân thuở nhỏ và cho bà con lối xóm. Bức thư đã thể hiện bao tâm tư tình cảm, hoài bão, ước mơ đành gác lại phía sau…“Quảng Trị 11/9/1972. Toàn thể gia đình kính thương ... Con viết mấy dòng cuối cùng trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”….  Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời…. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”. Bức thư có đoạn anh dặn người vợ chỉ sống với anh được bảy ngày nhưng đằng đẵng chờ đợi anh hơn mấy chục năm: “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”. …Mấy chục năm sau, theo thông tin của bức thư, đồng đội đã tìm lại được nơi anh nằm lại (ở thôn Thượng Phước, bên cạnh thôn Nhan Biểu) và đưa anh về quê hương để anh “lúc nào cũng ở bên mẹ” như ước nguyện của tất cả những liệt sỹ đã hy sinh ở Thành Cổ và nhiều nơi khác…. “Ta đi suốt cả cuộc đời, Vẫn không đi hết những lời mẹ ru…” (Nguyễn Duy). Những người Mẹ liệt sĩ đã thầm lặng hy sinh những người con của mình cho sự tồn vong của Tổ quốc ấy chưa bao giờ đọc “Người con gái Nam Xương”, nhưng tâm nguyện “con ra trận đợt này, mẹ không mong thành vương thành tướng, chỉ mong sao mang được tấm thân của mẹ trọn vẹn trở về” vốn là bản chất của tất cả những bậc sinh thành ở trên thế gian này!
Một cảm nhận khác khi đọc cuốn sách của anh, đó là hiệu quả của những cuộc tìm kiếm phần mộ liệt sĩ…. Những khốc liệt đó được anh miêu tả chủ yếu sau ngày 23/8/1972 và ở ngoài vùng ven, thế mà cũng đã rùng rợn… Vậy thì những ngày cuối tháng 7/1972, rồi cuộc chiến trong Thành Cổ, những chuyến xuồng trên sông Thạch Hãn bị trúng bom như anh miêu tả,… thì mức độ ác liệt sẽ như thế nào! Dưới sông, đưới đất “còn đó bạn tôi nằm” là tiếng nức nở của những đồng đội của những người đã ngã xuống, liệu thế hệ mai sau có nghe thấy không? Những hồi ức về chiến tranh chưa nói hết những gì đã xảy ra. Cuốn sách “Được sống và kể lại” được giải thưởng văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh của Trần Luân Tín (cựu chiến binh Thành Cổ) mặc dù đã nói rất cụ thể về sự khốc liệt nhưng vẫn chưa nói hết, vẫn không dám trả lời và không trả lời được câu hỏi của đứa con nhỏ “Ba ơi, ngày ấy người ta chôn người chết như thế nào!”. Cựu chiến binh Lê Xuân Tường (em đoán là người được anh nói đến với cái tên LXT ở dòng cuối trang 90 và ở trang 151) nói về đại tá Bùi Đức Ngoan, nguyên Trung đoàn trưởng của Trung đoàn 101 tại thời điểm 81 ngày đêm Thành Cổ:Nhắc đến những trận đánh ác liệt với bao người lính của mình ngã xuống, mắt ông rưng rưng ngấn lệ. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, ông đã mấy lần nhắc lại câu hỏi: “… ngày ấy chúng mày chết nhiều quá, có oán bố không?”. Dường như câu hỏi đó day dứt trong lòng ông như một món nợ của cả một thế hệ đã chiến đấu và hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc. Và cũng chỉ có ở những người chỉ huy như ông nghĩ tới những người lính của mình với tấm lòng phụ tử mới có thể thốt lên những lời như vậy”.
Trước đây, giấy báo tử ghi một dòng “thi hài được mai táng ở nghĩa trang mặt trận”, “mai táng ở phía nam Quân khu 4” là những địa chỉ không thật. Nhưng “những lời nói không thật một cách hợp lý”, một “dòng địa chỉ lịch sử” như cách nói của một cựu chiến binh ở Đông Hà ấy cũng đã làm yên tâm bao nhiêu người mẹ, người bố trước khi nhắm mắt về cõi vĩnh hằng, đã an tâm rằng “thi hài người con thân yêu của mình đã được mai táng tại nghĩa trang”! Có hy vọng gì tìm được thi hài của liệt sĩ, khi một đại đội qua sông Thạch Hãn khi quay về chỉ còn lại hơn chục người, khi một đơn vị trong một ngày thay mấy lần quân, khi một chiếc lọ penicillin của một liệt sĩ được đồng đội chôn cất theo thì bản thân thi hài và chiếc lọ penicillin của người chiến sĩ đã chôn cất đồng đội đến nay vẫn chưa tìm thấy được. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, cựu chiến binh ở Quảng Trị, từng khóc: “Nếu tất cả trở về đông đủ, Sư đoàn ta sẽ thành mấy sư đoàn”. “Một thời hoa lửa” của anh Nguyễn Như Thìn ấy “có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo, có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về, dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây tre…”.  Còn nhà văn Chu Lai, cũng là một cựu chiến binh ở Quảng Trị, đã nói về sự khốc liệt của chiến tranh, rằng chiến tranh là hàng ngày những người lính chôn lẫn nhau nhưng chưa đến lượt mình! Chu Lai “còn sống còn viết về chiến tranh”, đã chọn cuộc chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị làm đề tài để viết : “Vì đó là một cuộc chiến theo tôi khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Số phận con người đẩy tới tận cùng, một ngày/ một đại đội hy sinh. Con số hơn 10.000 liệt sĩ là con số trần trụi, nhưng ở đằng sau nói lên số phận của từng con người trong cái chu vi nhỏ hẹp hơn 2 km. Cũng nói về cái chết nhưng có 2 “mùa”: khô chiến- có xác chết với 7 lần “bay” trong ngày vì bom đạn pháo tơi tả, lần cuối cùng chỉ còn 1 bàn tay; thủy chiến – khi kéo xác lên, mặt đen- vì chỉ ló đầu lên trên mặt nước phơi dưới nắng để quan sát địch, thân người trắng như xác cá- vì ngâm nước lâu ngày. Và cuối cùng thì… Đó là một cuộc chiến đầy bi hùng....”. Bố em đã từng tâm niệm một đôi câu đối trên bàn thờ liệt sĩ khi Ông đã nuôi con trong 20 năm bằng khoai gạo nhưng lại nuôi vong linh của người con liệt sĩ ấy trong hơn 20 năm bằng hương khói: “Bắc Hồ nam Việt, mơ màng  Hồn Ngọc biết về đâu; Địa nghĩa thiên kinh, yên ổn Hình Loan đang tựa đó!”
Trong  cuốn sách, ở trang 78 và 79, anh đã cố gắng đưa sơ đồ mộ chí của người trung đội trưởng Phạm Minh Châu (quê ở Anh Sơn, Nghệ An) vào trang sách… Đó là một hy vọng, một ước mong để cho thế hệ sau vẫn tiếp tục tìm kiếm như một trách nhiệm của hậu thế đối với lịch sử. Vẫn biết anh và đồng đội hằng năm vẫn đến các nghĩa trang ở Quảng Trị để tìm kiếm, để thắp hương, để vuốt ve những ngôi mộ không tên, để châm một điếu thuốc trên lư hương cỡ lớn ở nghĩa trang, để đầm đìa nước mắt trong cái nắng mùa hè của vùng đất Quảng Trị, với mong muốn thế hệ sau sẽ không vô cảm với lịch sử như một cô gái nào đó đã tạo dáng chụp ảnh trên một liệt sĩ. Một cựu chiến binh ở TP. HCM đã bao lần cùng đồng đội tìm kiếm, cầu siêu cho các liệt sĩ ở Quảng Trị; một cựu chiến binh E101 ở Hải Phòng quanh năm luôn có một tâm niệm làm sao kỳ nghỉ hè được vào Quảng Trị để thắp hương cho đồng đội; một cựu chiến binh của E101 khác lúc nào cũng khóc khi mỗi lần đến các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị “Khi sinh Mẹ đặt tên Anh, Binh lửa ác liệt nay thành không tên…”. Đêm 30/4/2007, VTV3 thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca về một dòng sông” ở bờ sông Thạch Hãn: chẳng có nơi nào ở trên trái đất này khi xem các màn pháo hoa rực rỡ nhưng những cựu chiến binh Quảng Trị năm nào cũng đều đầm đìa nước mắt! Bên bờ sông Thạch Hãn có biểu tượng  giọt máu về sự hy sinh của các liệt sĩ thì cũng nên có những biểu tượng về những giọt nước mắt buồn đau của các thân nhân liệt sĩ, biểu tượng về giọt mồ hôi của những đồng đội, những người đang sống đang vất vả tìm kiếm phần mộ liệt sĩ đang nằm đâu đấy trên mảnh đất này để đưa các anh về với đất Mẹ quê hương!
Nhiều câu chuyện của anh đã để lại những trăn trở sau cuộc chiến… “Nó và tôi” là cuộc sống khó khăn của những người lính sau cuộc chiến, cũng là tình bạn cao cả và cảm động. “Người đàn ông kỳ cục”, “Chuyện cổ tích thời @”,… khắc họa chân thực hình ảnh tuyệt đẹp, cảm động của những người vào sinh ra tử có nhau, sau hậu chiến lại đồng cam cộng khổ, mặc dù số phận mỗi người một khác.
Có thể cảm nhận của em khác với cảm nhận của người khác! Tuy nhiên, ở nơi công tác của em, năm 1971-1972, cũng đã có hàng trăm lượt cán bộ, sinh viên lên đường nhập ngũ. Tạm gác bút nghiên, tạm gác giấc mơ trở thành giáo viên tương lai, trong một khu rừng ở nơi sơ tán tại Thanh Hóa, những sinh viên tuổi mới mười tám đôi mơi chỉ biết “Thơ Tố Hữu”, “Thép đã tôi thế đấy”,… đã lên đường nhập ngũ. Và rất nhiều trong số họ đã “mãi mãi tuổi hai mươi” ở một nơi nào đó mà gia đình hiện nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Nhà truyền thống của trường em còn ghi tên hơn 60 liệt sĩ là cán bộ, sinh viên của nhà trường đã hy sinh trong cuộc kháng chiến và đến ngày sóc, ngày vọng, lãnh đạo nhà trường và cán bộ, sinh viên đã đến thắp hương tưởng niệm ở đó. Vì vậy, không phải ngạc nhiên khi sách của anh mới về được nửa ngày, đã được một số tập thể và cá nhân lấy đọc. Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, em đã giới thiệu với một số người. Khi giới thiệu với mọi người, em không nghe ai nói câu “mua và trả tiền” mà chỉ nói “lấy để đọc và xin gửi tác giả…”. Không thể mua được những cuốn sách như thế này, khi nội dung của những cuốn sách ấy đã kể lại sự mất mát, hy sinh của cả một thế hệ.  Anh C lấy một cuốn và nói rằng “người bác hy sinh ở Quảng Trị hiện vẫn chưa trìm thấy phần mộ”. Cô H, cô S lấy sách để đọc và đưa về cho bố mẹ - những cựu chiến binh hoặc thân nhân liệt sĩ - đọc. Anh Đ nói đây là tài liệu tốt cho giảng viên khi giảng dạy môn Chính trị. Anh D khoa Kinh tế đã lấy hơn một chục cuốn với câu nói “rất chia sẻ với anh Nguyễn Như Thìn”. Cô H ở Công đoàn Trường, thầy H ở khoa Giáo dục đã lấy sách cho một số cán bộ của đơn vị mình. Anh T, anh H ở Văn phòng Đảng ủy sau khi lấy sách còn chạy theo em nói rằng “sẽ đưa về cho bố đọc vì bố em cũng là thương binh ở  Quảng Trị”.  Anh C, anh G ở Đoàn trường nói rằng đây là tài liệu quý cho việc giáo dục truyền thống. Phó Hiệu trưởng T (có anh là liệt sĩ ở Quảng Trị) nói lấy thêm một số cuốn nhưng em nói rằng như thế là đủ vì để sách còn dành cho nhiều người được đọc. Anh H ở Hội cựu chiến binh chỉ cần nói sách của cựu chiến binh là đã lấy chục cuốn. Thầy N, thầy T ở phòng Sau đại học, anh D ở khoa Quân sự, anh S ở phòng Quản trị, anh V ở phòng Đào tạo, anh H và anh T ở khoa Lịch sử, anh G ở khoa Hóa,… cũng với những tấm lòng thiện tâm như thế khi cầm cuốn sách của anh! Kể như thế có lẽ cũng dài dòng, nhưng để anh biết rằng, cuốn sách của anh được rất nhiều người ở trường em đón đọc với một thái độ trân trọng, biết ơn những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh! Và đó cũng là sự thành kính của tất cả mọi người đối với “Một thời hoa lửa”!
Kính thưa anh! Bây giờ đã sang ngày 23 tháng 8 năm 2013, đúng ngày mà cách đây 41 năm, ngày 23/8/1972, diễn ra trận đánh ác liệt với sự tổn thất rất lớn của bộ đội ta tại Thành Cổ Quảng Trị như trong sách anh và nhiều cựu chiến binh đã kể! Xin lỗi anh vì em viết hơi dài dòng về những điều anh đã biết, là người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến ấy! Nhưng chắc cũng sẽ không làm phiền anh và những đồng đội của anh! Thầm khấn cầu cho vong linh các liệt sĩ hy sinh ngày 23 tháng 8 năm 1972 và  trong 81 ngày đêm ở Quảng Trị, cũng như các liệt sĩ  đã hy sinh vì Tổ quốc, được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng!
Vẫn đang còn một số sách, em sẽ tiếp tục giới thiệu trong ngày hôm nay! Em xin phép anh được gửi tặng sách cho một số đồng đội của anh nhưng là những người đã giúp em trong hành trình tìm mộ liệt sĩ ở Quảng Trị! Tuy nhiên, chiều nay, em sẽ gửi toàn bộ kinh phí mọi người góp lại để gửi cho anh, dù sách đang còn. Em biết hiện nay ở một nơi thuê nhà trọ nào đó ở Hoàng Mai, anh đang phải chống chọi với những cơn đau do thay đổi thời tiết và khoản kinh phí này để anh thêm vào mua thuốc!
Kính chúc anh được mạnh khỏe, bình an!

                                         Em: NVT

 

                                          
               CÕNG BẠN VỀ QUÊ

                 Với liệt sĩ Nguyễn Hữu Nhơn

May mày vẫn còn
Không bị mối xơi
Không bị lũ cuốn trôi như nhiều đứa khác

Hôm chôn mày, vội vã
Đá tảng chặn nhát xẻng đào sâu
Sợ hoà bình lâu
Đồng đội ngậm ngùi, lo lắng!

Mà hoà bình
Cũng chẳng ai tìm mày
Bao nhiêu việc
Kẻ quên
Người nhớ
Tao cứ tưởng mày đã vào nghĩa trang
Đâu ngờ mày vẫn nằm đó!

Mẹ không còn
Cha không còn
Ở đâu cũng được
Nhưng người yêu mày còn cất giữ ảnh mày…

Thôi thì cứ theo người yêu về quê
Tao bỏ mày vào ba lô
Cõng đi tàu THỐNG NHẤT

Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết
Họ ách lại giữa đường thì khổ nữa mày ơi!

                      Lí Hoài Xuân





 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới