23 tháng 12, 2014

Văn Cao với "Mùa xuân đầu tiên"


                                        Chử Anh Đào

     Cùng với Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Cao vừa là nhà thơ, vừa là nhạc sĩ. Vì vậy, nếu tách ca từ ra khỏi bài hát thì đấy là một bài thơ hoàn chỉnh. "Mùa xuân đầu tiên” là một ví dụ:
          Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

          Mùa bình thường mùa vui nay đã về

          Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

          Với khói bay trên sông

          Gà đang gáy trưa bên sông

          Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn

          Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

          Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

          Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

          Nước mắt trên vai anh

          Giọt rơi ấm đôi vai anh

          Niềm vui phút giây như đang long lanh



          Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao

          Trong xuân vui đầu tiên

          Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên

          Một cuộc đời êm ấm

          Từ đây người biết quê người

          Từ đây người biết thương người

          Từ đây người biết yêu người

         

          Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

          Mùa bình thường mùa vui nay đã về

          Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

          Với khói bay trên sông

          Gà đang gáy trưa bên sông

          Một trưa nắng thôi

          Hôm nay

          Mênh mông
   Mùa xuân 1975 nước nhà thống nhất, đã có nhiều ca khúc hay, kịp thời ca ngợi Tổ quốc, lãnh tụ: “Như có Bác trong ngày đại thắng” của Phạm Tuyên; “Đát nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà; “Bài ca thống nhất” của Võ An Di; “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách...Một năm sau đó Văn Cao mới viết bài “Mùa xuân đầu tiên”(Trong khi tác giả đã viết “Tiến về Hà Nội”từ năm 1949, trước ngày giải phóng Thủ Đô 5 năm.Âu cũng là lẽ thường của công việc sáng tạo nghệ thuật). Như tựa đề, tác phẩm có tới chín lần nhắc tới “mùa xuân” và bốn lần định ngữ “đầu tiên”. Mở đầu và kết thúc tác phẩm là hình ảnh quen thuộc: con chim én.Mùa xuân đã được nhân hoá để “theo én về”. Mùa xuân về trước hết trong một không gian tự nhiên vừa cổ điển vừa dân dã, thân thuộc: khói bay trên sông và tiếng gà gáy trưa bên sông.Nhưng câu thơ ở cuối khổ thứ nhất đã xuất hiện con người: "Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”- Con người ở phương diện tinh thần cao quí chứ không phải con người vật chất với mùa xuân của những lễ hội chè chén say sưa!

                                   NS Văn Cao

          Khổ thơ thứ hai, tác giả đồng nghĩa thời khắc thiêng liêng của một năm với con người: mùa xuân- chim én và người mẹ- đàn con. Đó là mùa xuân đoàn tụ sau bao năm trường xa cách để chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc. Đây là điều nhạy cảm và thấm thía nhất với mỗi người Việt Nam. Niềm vui đoàn tụ được thể hiện bằng những giọt nước mắt ấm sáng, long lanh ( Xa nhau không hề rơi nước mắt, nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt-  câu thơ của một tác giả khác)
          Mùa xuân đem đến cho con người những gì? Tác giả không nói thẳng ra đây là mùa xuân đầu tiên của tự do, độc lập, của nước nhà thống nhất. Mùa xuân phải đổi bằng biết bao xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam mới có được.Mùa xuân đâu tiên đem lại cho con người cái giá trị thiêng liêng cao quí nhất:
          Từ đây người biết quê người
          Từ đây người biết thương người
          Từ đây người biết yêu người
Những câu thơ “như ngậm nhạc trong miệng”,ngân nga mà sâu lắng xiết bao!Những câu  thơ nâng đỡ trong hănh trình trở thănh Con Người trong mỗi người.
          “Mùa xuân đầu tiên” không có những từ ngữ tân kì mà chỉ là những lời mộc mạc, đọc lên, hát lên ai cũng biết, ai cũng hiểu. Cùng với "Thiên thai”, "Suối mơ”, "Trương Chi”, "Bến xuân”...tác phẩm “Mùa xuân...” có những căn cứ để trở thành bất tử.
                                                                                                                                    
                                                          CAĐ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới