25 tháng 12, 2014

Tình hình sử dụng từ Hán - Việt hiện nay

                                                                                         Th.s Chử Anh Đào

          Kho từ ngữ tiếng Việt có một số lượng lớn từ Hán- Việt (khoảng hơn 80%). Từ Hán-Việt là những từ thoạt kì thủy do người Hán- một dân tộc đa số ở Trung Hoa sáng tạo ra. Sau này vì những lí do địa lí, chiến tranh, thương mại, giao lưu văn hóa…mà chúng đi vào đời sống của người Việt, được người Việt “đồng hóa” để phục vụ cho tư duy và giao tiếp. Nhiều từ Hán- Việt đồng nghĩa với từ thuần Việt, nghĩa là nó cùng chỉ một sự vật hiện tượng nào đấy. Nhưng sở dĩ chúng cùng song song tồn tại vì ở phương diện phong cách học, chúng khác nhau ở các sắc thái tu từ. Lớp từ Hán- Việt thường có sắc thái trang trọng, còn lớp từ thuần Việt lại tỏ ra sinh động và dân dã hơn. Thử so sánh một số cặp từ đồng nghĩa sau đây ta sẽ nhận ra ngay điều đó: sơn hà - núi sông, thổ huyết - hộc máu, sặc tiết, phu nhân - vợ, bà xã, khai mạc - mở màn…Trong văn chương có thể so sánh hai nữ thi sĩ với hai phong cách sử dụng hai lớp từ Hán- Việt và thuần Việt rất khác nhau. Người ta ít thấy trong thơ Hồ Xuân Hương những từ kiểu “tạo hóa, hí trường, thu thảo, lâu đài, tịch dương, tuế nguyệt…”. Ngược lại, khó mà tìm thấy trong sáng tác của Bà huyện Thanh Quan những “mõm mòm, toen hoẻn, phập phòm, lắc cắc, chém cha, phau phau, đỏ lòm lom…”vốn dày đặc trong tác phẩm của bà chúa thơ Nôm.
     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ý thức rất cao về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng giàu và đẹp hơn. Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn lớp từ vay mượn (Điều này là không thể, vì vay mượn là một trong những qui luật của các ngôn ngữ). Bác Hồ đã dẫn ra: không ai nói “nữ dân quân” bằng “ dân quân gái”, “du kích” bằng “đánh chơi”, “độc lập” bằng “đứng một mình”…Mục đích của việc giữ gìn đó là dùng từ đúng lúc đúng nơi, đúng đối tượng và gọi đúng tên sự vật hiện tượng cần thông báo kèm theo thái độ của người nói, viết.. Nhưng thực tiễn hiện nay cho thấy việc dùng từ trong đời sống có những vấn đề cần báo động :
 - Lạm dụng ngôn ngữ mạng ở lớp trẻ
 - Lạm dụng tiếng nước ngoài khi không cần thiết
 - Dùng nhiều từ tục, từ bẩn thể hiện văn hóa lùn và tư cách kém cỏi của người phát ngôn.
 - Lạm dụng và dùng sai nghĩa của nhiều từ Hán - Việt.

          Riêng ở vấn đề thứ tư, chúng ta thấy:
1.     Người ta lạm dụng từ Hán- Việt không cần thiết. Phổ biến hiện nay là nói “ phi trường, phi hành đòan, hải ngoại, hi hữu,mãn nhãn, tận mục…”thay cho những từ thuần Việt dễ hiểu “sân bay, đội bay, nước ngoài, hiếm có,no mắt, tận mắt…”
2.     Dùng từ sai do không hiểu nghĩa của từ. Có chương trình thời sự của đài truyền hình trưng ương và địa phương không dưới 5 lần các phát thanh viên đã đọc sai “ khuyến mãi” thành “khuyến mại” (cũng như nhiều người vẫn gọi “gái mãi dâm” thay cho “gái mại dâm”). Trong tiếng Hán “mãi” nghĩa là  mua và “mại” là  bán. Như vậy khi muốn bán được nhiều thứ hàng hóa nào đấy người ta hạ giá, tặng kèm sản phẩm khác thì phải nói là “khuyến mãi”. Và hiện nay cũng có những người phụ nữ mua dâm thì vẫn có thể gọi họ là gái “mãi dâm”.
Tương tự, sau đây là một số từ đang dùng sai phổ biến:
- “Trạm xá”- “trạm” và “xá” có cùng một nghĩa là “nơi ở tạm” chưa có nghĩa là nơi khám và chữa bệnh. Cần nói “bệnh viện, bệnh xá, trạm y tế”
- “Mãn tính” (Vd: Viêm xoang là một bệnh mãn tính.) “Mãn” là tràn đầy; “mạn” là chậm. Cần nói những bệnh phát triển chậm, lâu là bệnh “mạn tính”
- “Cứu cánh”. Nhiều người hiện nay dùng từ này với nghĩa là “phương pháp tối ưu, duy nhất” nhưng “cứu cánh” có nghĩa hoàn tòan khác:  mục đích cuối cùng. Ví dụ: Độc lập, tự do là cứu cánh của cả dân tộc ta.
- “Quyết liệt” có nghĩa là phá hoại, đang được dùng theo nghĩa: quyết tâm cao, hành động trên cả hăng hái.
- “Khuất tất”uốn gối mưu lợi cá nhân, đang được dùng theo nghĩa: mờ ám, không minh bạch
- “Việt vị”. “Việt” là vượt qua, “vị” là đứng, chỗ đứng. Nhiều trọng tài và người xem vẫn nói không có nghĩa là “liệt vị”
- “Yếu điểm”: điểm quan trọng, lại được nhiều người dùng theo nghĩa: nhược điểm, khuyết điểm.
-Sở trường, sở đoản”: “sở” là của mình, “trường”: dài, tốt, “đoản”: ngắn, xấu. “Sở trường”: những điểm tốt, mạnh của mình; “sở đoản”: những cái yếu, chưa tốt của mình. Nếu sếp hô hào: ”Mỗi người cần phát huy hết sở trường, sở đoản của mình” thì mới chỉ đúng tới…một nửa.
Gần đây nhan nhản trên các báo là các kiểu:
- “Phim cổ trang”. “Cổ trang” trang phục cổ xưa.Chả lẽ nói: “ Tần Thủy Hoàng, Hồng lâu mộng, Long thành cầm giả ca, Đêm hội Long Trì…” là những phim trang phục cổ xưa? Chỉ có thể nói “phim về đề tài lịch sử”, phim đề tài cổ”
- “Người đẹp Hoa ngữ”. “Hoa ngữTiếng Hoa. Người ta không đem ngôn ngữ mà ai đó đang sử dựng để gắn với các loại người trước đó. Chẳng hạn: Nguyễn Văn Án là người đàn ông Việt ngữ(!)…
Trên đây là một vài nhận xét nhỏ, bước đầu, xin mạo muội đưa ra để mọi người cùng tham khảo.

                                                                     C A Đ



2 nhận xét:

  1. - Chử tiên sinh và Giáo sư nói tuyệt đúng. Mới lớn, ở thành phố quê hương, cạnh nhà, Ruchung tôi thấy có NHÀ THƯƠNG ĐỒNG HỚI. Đến nay Ruchung tôi vẫn thích gọi BỆNH VIỆN /XÁ là NHÀ THƯƠNG hơn. Tuy mới chỉ là danh xưng, nhưng Ruchung tôi đã thấy trong NHÀ THƯƠNG hiển hiện cả Y ĐỨC lẫn Y THUẬT quyện lấy nhau thật "biện chứng" vậy!
    - Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng như đời người Giáo sư a, nó có đủ SINH-TRỤ-HOẠI-SINH. Chẳng phải người ta gọi ngôn ngữ đang hoạt động là SINH NGỮ sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhất trí. Lập luận của Rục Hùng không những đúng mà còn trúng.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới