23 tháng 12, 2014

Nhớ bạn Đỗ Xuân Ngôn

Lê Quang Phương: 
Thân gửi hai bạn Nguyễn Trung Ngọc và Hà Tùng Sơn!
                                   Thọ Xuân, ngày 22 tháng 12 năm 2014
 Phương có vài lời với hai đồng đội đây!
 Đỗ Xuân Ngôn ở cùng tiểu đội với mình và Nguyễn Trung Ngọc. Mình và Ngôn cùng tổ tam tam. NTN còn nhớ ngày ấy trong rừng biết bao điều đáng nhớ. Nhưng riêng chuyện này bây giờ mình mới kể lại trong “Nhớ bạn Đỗ Xuân Ngôn”
 Đêm ấy trung đoàn E270 (F341) chúng mình, ba lô để lại, chỉ đeo vũ khí chạy từ rừng qua sông La Ngà rồi qua những đâu không biết và cũng không nhớ. HTS vẫn ở đại đội trinh sát sư đoàn C20. Ngôn, và NTN mình không nhớ là đơn vị nào. Chỉ nhớ đêm đó trăng non nhưng rất sáng, trời mùa xuân, tháng 4 năm 1975 trong xanh dưới trăng đêm, thấy được cả vài cụm mây như những cái nón rách bung bông. Do những giọt sương trên lá cây ngọn cỏ phản chiếu mà trăng sáng được như vậy. Trăng đêm ấy sáng rờn rợn cho đến bây giờ nhớ lại mình vẫn không quên được.
 Không phải hành quân mà chạy. Đứa nào rớt cứ rớt. Mà Không biết có đứa nào rớt không. Tầm 1-2 giờ sáng trận đánh bất ngờ diễn ra. Bất ngờ là đối với mình. Trận này mình không nhớ ngày, nhớ địa danh… Đại đội mình không phải đánh. Mà nằm bên làn đạn sẵn sàng đợi lệnh. Cùng một quả đồi, mình nằm ở chân đồi bên này còn đơn vị của Ngôn chiến ở bên sườn đồi kia. Tiếng đơn vị Ngôn (giọng Thanh Nghệ Tĩnh) hô và tiếng đối phương hô nghe rõ mồn một. Trận đấy mình nhận ra Ngôn. Đây cũng là điều kỳ lạ trong chiến tranh. Khi huấn luyện cùng tổ tam tam, nằm ngủ cạnh nhau. Đi ăn cùng nhau. Hành quân cùng nhau, mặc nhầm quần áo nhau thường xuyên…nên mình với Ngôn, trong lúc cận kề cái chết có giao lưu với nhau bằng trường sinh học. Mình phân biệt được tiếng trung liên Ngôn bắn. Cái cách bắn súng đó chỉ Đỗ Xuân ngôn mới có. Ngôn lầm lì ít nói, kiên cường. Ngôn hy sinh dũng mãnh và thực sự Anh Hùng, chúng mình tự hào về Đỗ Xuân Ngôn. Đối phương rút. Quân mình chôn cất tử sĩ. Trăng xanh loét rùng rợn và mình nghe trong tiếng gió, lúc này im ắng lắm, giọng Ngôn “Ngôn chết Ngôn chết… Ngôn bắn trung liên” và đại đội mình truyền tin Người bắn trung liên đó là Ngôn.… Ngôn kiên cường lắm.  Sự lạ kỳ là cả đại đội mình lúc đó chỉ riêng mình biết Ngôn
 Hôm nay đọc được bài Sơn, lại gặp Ngọc đi mà không vào được nơi cần vào. Xem được ảnh của phòng truyền thống… biết Ngôn bị trường bỏ quên. Thấy ảnh chụp trước có đồ lễ mà hôm nay không ai bày biện gì mà thương cho một thời…  
 Đây là nhật ký của mình về Ngôn. Viết vội, nhớ đâu viết đấy. Nếu không viết thì như là người có lỗi và khó mà viết vào lúc khác.

               Tại Đài sen tưởng niệm trong Nhà truyền thống Đại học Vinh

Nhớ bạn Đỗ Xuân Ngôn
                             Lê Quang Phương
Ngôn ơi!
Đã bốn hai năm.
Cùng chung tiểu đội
Tao với mày một tổ tam tam.
Khỏe ngang nhau
Vật tay không thằng nào thắng
Vật nhau chưa đứa nào thua
Tuổi đôi mươi chúng mình dư sức
Cơm bộ đội
lúc nào cũng đói
Quần áo hôi bằng nhau
Mặc nhầm
thường thôi

Những lúc bên kia đồi
Đồng đội hô: - Xung phong
Chúng ta cùng thét vang
 -Giệt - Giệt…
Tiếng mày đanh như thép
Cả A10 cùng hô
Cả B3 cùng hô
Cả đại đội cùng hô
Giữa rừng sâu đêm ấy
Còn vọng đến bây giờ

Và cho đến bây giờ
 tao còn nghe mày thở
 khi mày nâng khúc gỗ
 nặng
 cùng tao làm hầm
khi mày đỡ bao gạo
trên vai đồng đội yếu hơn mày
lưng áo vằn khoang muối
Ngôn ơi!
 thấy mày cười.

Vào trận mỗi đứa một nơi.
Đêm ấy trăng mới vượt ngọn đồi. Trăng non tháng. Trăng nhô. Trăng mùa xuân. Không tuổi rờn rợn ngời.
 Rầm rập quân binh. Cả trăm cây số. Hối hả.
 Súng nổ
Đạn bắn ngang sườn. Tiếng nện chân vụt tắt. Lửa đầu nòng. Lửa réo. Lửa đạn bay.
Liên hồi.
Đoàn binh nín thở. Đợi lệnh. Bên sườn đồi. Rộ lên súng nổ.
Bên sườn đồi. Dố lên -  ầm vang. Giệt – Giệt. Tiếng đanh như thép.
Có mày rồi Ngôn ơi!
Súng nổ vít đầu người.
Đạn bay, cỏ cây nhịn thở, địch ta nhìn rõ mặt nhau.
Thấy trong lửa: Thằng Ngôn bắn đấy!
         Tiếng trung liên nhịp đôi -  Nhịp ba
 Chỉ có nó
Thấy trong lửa
 thằng Ngôn bắn đấy.
        Tiếng trung liên nhịp đôi -  nhịp ba
Ngôn ơi tao nín thở
Tiếng trung liên bỗng rộ từng hồi!
 biết cấp lắm rồi
 đối phương quét trả
Tiếng trung liên không còn nhịp nữa
 réo từng hồi
 Nhận ra mày mà tao không được lệnh. Nhận ra mày mà không được chia lửa Ngôn ơi!

Nhiều lần ao ước phải chi được học văn để viết về chiến tranh cho nhanh cho dễ.
Mới thoáng đó thôi đằng đẵng trôi ơi bóng hình đồng đội.
Trên mũ mày còn viết ba chữ  “NHỚ TRƯỜNG VINH” tao thêm vào “VỜI VỢI”
Trường Vinh ơi có nhớ mày không
Trường Vinh có Đài Sen nhưng bỏ quên Đỗ Xuân Ngôn bây giờ tao mới biết.
Lúc hành quân khi vào trận mày luôn xông phía trước
Trở về trường Vinh kẻ sau rốt là mày.
Phòng truyền thống trường Vinh sáng nay -  ngày 22 tháng 12 không mở cửa.
Mấy thằng choa lại nhớ thương mày.
(Liệu choa có hâm chập không đây – những thằng già hay khóc)
Chữ tao viết ra vô cùng nặng nhọc
Là nước mắt lọc ra từ máu
Là thắt đau chắt ra từ tim
Như lúc nghe tiếng trung liên
Nhịp đôi
nhịp ba
của mày mà tim tao thắt
Như tiếng trung liên của mày
 rộ lên rồi tắt
như cuộc đời trai trẻ
như sức vóc đôi mươi
đang ngời ngời
tắt
 Ngôn ơi!

 Nếu thời gian có trôi ngược lại
 Ta vẫn tiếp tục cuộc chơi
 Và vẫn viết lên vành mũ trái
“Yêu em ở mái trường Vinh càng yêu càng gắng sức mình bạn ơi”
Lại vật nhau hùi hụi
Cho quên đi nỗi buồn tê tái
Viết lên vành mũ là vậy
Nhưng nào yêu ai, ai yêu
Để rồi một đi không trở lại
Để rồi  mãi mãi một đời trai
Có cần chi tượng đài hương khói
Ta nhớ nhau đồng đội Ngôn ơi!

22-12-2014
LQP




8 nhận xét:

  1. Đã mấy lần nước mắt mình rơi trên bàn phím vì đọc bài của Phương rồi đấy. Mình có một bức ảnh chụp chung với Ngôn mấy lâu nay tìm mãi chưa được. Định nhìn lại nó một tí trong dịp 22/12 này. Giờ đọc Phương tự nhiên như thấy Ngôn trước mặt, rõ mồn một...Từ lâu mình không sao quên hình ảnh 2 thằng Ngôn và Phương cứ vật nhau huỳnh huỵch không thằng nào chịu thua (Có lẽ là 2 thằng khoẻ nhất tiểu đội). Định đưa bài thơ của Phương gửi vào phòng truyền thống ĐH Vinh, tác giả đồng ý chứ? Tuy nhiên, phải "biên tâp" lại mấy chữ (P. xem lại sẽ thấy ngay thôi). Thể chế CS mà!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi nào Ngọc gửi cho Tập san ĐHV hoặc khoa văn nó đăng bài này nhé.

      Xóa
  2. Mình chỉ muốn đưa vào phòng truyền thống như là một kỉ vật về liệt sỹ. Sơn nghĩ thế nào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng được nhưng ở Phòng truyền thống thì chỉ là kỉ vật, không ai có dịp đọc. Nếu được in vào một tập san thì vẫn hiệu quả hơn.

      Xóa
  3. Mình viết " Nhớ bạn ..." trong một đêm.Viết xong trong lòng thanh thoát. Đi uống rượu cả ngày. Rượu cay mà mình uống thấy ngọt. Về lủ khủ vì rượu mà lòng vẫn vui, rồi ngủ hai ngày nay, bây giờ mới mở Blog HTS ra và đọc thấy lời hai bạn. Biết hai bạn ân tình thủy chung với đồng đội mà mình cùng tổ tam tam, vào trận lại chứng kiến Ngôn kiên cường dũng mãnh như lời truyền tụng ngày ấy "...lính trẻ mà nhịp DKB cự phách..." nếu không chia sẻ những kỷ niệm với nhau và trước nhất là để nhớ về Ngôn, đồng đội của chúng mình thì không thể yên lòng được. Kỷ niệm còn nhiều nhưng thật khó viết ra. Việc biên tập như thế nào và đăng ở đâu là tùy hai bạn vì đồng đội chung mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiều nay minh đã găp Mai Tư, hiệu phó ĐH Vinh gửi lại bức thư của P. Rồi. Có lẽ họ sẽ đưa vào phòng truyền thống hoặc đăng một kỉ yếu nào đó

      Xóa
  4. Mình đọc tin của NTN rồi điện cho Nguyễn Văn Phát ngay. NV phát học K10 Văn, đi bộ đội với tụi mình, là lính trinh sát sư đoàn 341, cùng A với Hà Tùng Sơn..Phát quê Hậu Lộc, Hiệu trưởng PTTH Hậu Lộc, nhà cạnh nhà ĐỖ XN. Phát cũng bất ngờ vì ĐXN là người sau rốt về Đài sen . Cảm ơn các thầy trong ban Giám hiệu trường Vinh đã lập Đài sen. Có trường ĐH nào làm được như thế này nữa không nhỉ? Phát bảo khi nào các bạn ra viếng ĐXN thì điện trước, quê ĐXN có rượu Chi Nê nổi tiếng. Nhớ ra rồi đem rượu Hậu Lộc về dâng lên Đài sen. Trước là cung thỉnh mời đồng đội thượng hưởng như bài khấn của thầy Hiệu trưởng năm ấy, sau là mời nhau thụ lộc. Chào các bạn!

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới