21 tháng 12, 2014

Đỗ Xuân Ngôn và Lê Thị Bạch Cát



Chiều nay tôi sang quận 7 thăm căn hộ mới mua của Lê Văn Ngọ, bạn học cùng lớp đại học thời 12A – K2. Ngọ sau khi rời ghế GĐ Sở GD-đào tạo Nghệ An để về hưu hồi tháng 4 năm nay, đã kịp dịch chuyển vào SG, dù chỉ mới dịch được một nửa. Vậy là tôi lại có thêm một nhóm bạn học nữa để vui chơi bù khú, nhóm bạn từ thời khóa 12 trước khi đi lính.
Cuộc hội ngộ này còn hai bạn nữa là Đào Thủy và Ngân Nghi Lộc cùng tham gia. Bốn tên bạn học cùng lớp sôi nổi ăn những món ăn do Hiếu vợ Ngọ nấu, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển để rồi cuối cùng lại nhắc đến những người bạn đã khuất, trong đó có Đỗ Xuân Ngôn, học lớp 12B, quê Thanh Hóa, đi lính cùng đợt với tôi, ở cùng đại đội C20, F341. Ngôn hi sinh trong trận đánh Xuân Lộc, khi mà đường giải phóng đã đi được 99,99% (chứ không phải là “mới đi một nửa” như ông Tố Hữu nói). Và ngày giải phóng thì đã rất cận kề (chỉ còn khoảng một tuần nữa là quân ta tiến vào Sài Gòn).  
Mặc dù là liệt sĩ thứ thiệt nhưng trong danh sách 74 cán bộ, sinh viên là liệt sĩ chống Mĩ của Trường Đại học Vinh, từ trong phòng truyền thống đến trong các kỉ yếu đều không có tên Ngôn.  Cách đây 5 năm, sau dịp kỉ niệm 50 năm thành lập Trường ĐHV và Khoa Văn, Nguyễn Trung Ngọc, bạn học cùng lớp và cùng nhập ngũ một đợt với tôi và Ngôn hiện dạy ở ĐH Vinh thấy xót xa cho Ngôn quá đã tìm mọi cách lặn lội nhiều nơi để có đủ bộ hồ sơ liệt sĩ đưa tên Ngôn vào bảng vàng lịch sử của Trường. Tuy nhiên mãi gần đây, theo Ngọc thì hình như vụ này vẫn chưa có hồi kết, nghĩa là tên của Liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn vẫn chưa có trong bảng vàng truyền thống của trường. Điều này khiến Ngọc, tôi và những bạn bè khác của Ngôn chưa yên lòng...
Tàn cuộc chơi ở nhà Ngọ, tôi về nhà đã 21h, mở hộp thư thì thấy email của Nguyễn Văn Tứ gửi từ ĐHV vào.
Email Tứ viết:
 .... Chiều nay, có việc, em vào Trường, lên Đài Sen thắp hương nhân ngày mồng một âm lịch và ngày 22.12.
....Những năm em đang còn làm hành chính, những ngày lễ này thường có quần áo, mũ, giày bộ đội.....(nay thì không thấy-HTS)
... Việc ấy, tùy theo quan niệm của mỗi người....
Chúc sức khỏe anh Sơn nhân ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam ... 

                                    Hiện tại


                                    Trước đây...

Kèm theo thư, Tứ gửi cho tôi 3 tấm hình chụp từ Đài sen tưởng niệm trong phòng truyền thống ĐHV. Trong đó có khung hình trang trọng ghi công Lịệt sỹ Đỗ Xuân Ngôn.
Vậy là đã rất ổn. Cảm ơn Tứ. 
Nguyễn Văn Tứ trước đây làm TP.HCTH của ĐHV, nay là PGS. PTP Sau đại học của Trường. Tứ đã có sự nhiệt tình và cả trách nhiệm để đưa được tên LS. Đỗ Xuân Ngôn vào bảng vàng truyền thống của Nhà trường. Thay mặt những bạn bè khóa 12, thay mặt những đồng đội của Đỗ Xuân Ngôn, xin cảm ơn Tứ. 


Ngoài hình ảnh tấm bằng ghi công của Đỗ Xuân Ngôn, Tứ còn gửi cả khung hình của LS. Lê Thị Bạch Cát. Cô Lê Thị Bạch Cát là cô giáo dạy thể dục của Trường ĐHSP Vinh. Vào những năm đầu mới thành lập tổ Gv thể dục ít người nên được ghép sinh hoạt chung với cán bộ giảng dạy khoa văn. Vì thế mà có lúc cô Lê Thị Bạch Cát còn được tính vào danh sách liệt sĩ của Khoa Văn. 



Ngày nay, nếu bạn gõ tên Lê Thị Bạch Cát vào thanh tìm kiếm của google sẽ cho ra 763.000 kết quả chỉ trong vòng 0,22 giây. Nội dung như sau:
Trích: “ SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
   TÓM TẮT THÀNH TÍCH CỦA LIỆT SỸ, NHÀ GIÁO
NỮ BIỆT ĐỘNG THÀNH: LÊ THỊ BẠCH CÁT”


- Họ và tên:
Lê Thị Bạch Cát

- Bí danh: Sáu Xuân

- Quê quán: Nghi Thuỷ - Nghi Lộc - Nghệ An

- Năm sinh: 1940

- Ngày mất: 5 - 5 - 1968

- Chức vụ đã kinh qua: Quận uỷ viên, Bí thư Quận Đoàn 2 (nay là Quận1)

- Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng

- Khen thưởng: Huân chương kháng chiến hạng nhất.

- Anh hùng LLVTND

Thỉnh thoảng xuống quận 11 theo hướng vòng xoay Lê Đại Hành đi về hướng bệnh viện Chợ Rẫy, tôi lại có dịp thấy tấm bảng tên đường và được đi trên con đường mang tên Lê Thị Bạch Cát, người Gv duy nhất của Đại học Vinh được vinh dự đặt tên cho một đường phố ở một quân trung tâm Sài Gòn. Cô Lê Thị Bạch Cát đã chiến đấu và ngã xuống ở tuổi 28 khi cô chỉ huy đơn vị biệt động thành Sài Gòn trong trận đánh vào cơ quan cảnh sát địch vào ngày 5 tháng 5 năm 1968 ở khu vực gần bến Bạch Đằng, Quận 1.  Sau ngày hết chiến tranh, cô đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND 
Ở Cửa Lò Nghệ An còn có một ngôi trường mang tên cô, Trường THCS Lê Thị Bạch Cát
Những cái tên như Đỗ Xuân Ngôn, Lê Thị Bạch Cát… đã  thành tên đất nước.




2 nhận xét:

  1. Tuyệt quá! Vậy là thêm một lần nữa chúng ta yên tâm vì đã đưa được bạn về trường. Mấy năm nay mình áy náy quá. Ngôn ơi! bọn mình luôn ở bên bạn. Hứa với bạn sau tết này bọn mình sẽ về Hậu Lộc quê bạn thăm nhà, thăm những người thân...Sơn hãy báo cho Phương biết chuyện này với.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Yên chí. Bọn tớ đã bàn bạc đâu vào đấy cả rồi.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới