2 tháng 3, 2014

Bước tiến... lùi


Thời tôi đi học cấp 3 thi tốt nghiệp chỉ có 4 môn, nhẹ như lông hồng vậy mà do học hành thi cử nghiêm túc nên trăm đứa thi cũng có vài chục đứa rớt, phải ngồi học lại với khóa đàn em để năm sau thi lại.

Đó là chuyện của mấy chục năm trước.

Thế rồi có kẻ ngứa mồm bảo sao học thì hàng chục môn mà thi tốt nghiệp chỉ có 4 môn, như vậy là làm cho học sinh học lệch học tủ, là coi thường những môn không thi. Ở bên Tây người ta học gì thi nấy, rất công bằng. Ông Bộ Giáo dục nghe có lí liền nâng số môn thi lên thành 6. Chỉ chờ có thế, mấy nhà giáo dục chiến lược và báo chí tung hô rầm trời: Đây là một bước tiến lớn của ngành giáo dục nước nhà, rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên thi 6 môn nhưng do căn bệnh thành tích thâm căn cố đế của ông Bộ nên lũ học trò vẫn đậu gần như trăm phần trăm. Vậy là những kẻ ngứa mồm lại lu loa lên rằng thi cử mà chưa thi đã biết đậu, ai cũng đậu thì thà bỏ quách. Ở bên Tây người ta đã phổ cập cấp 3, bỏ thi tốt nghiệp cấp này rồi, thi làm gì cho tốn thì giờ và tiền bạc của con dân.
Bộ GD nghe rối như canh hẹ. Bỏ thì không dám vì sợ loạn. Bởi học mà không thi thì chỉ có đứa ngu mới học. Nhưng càng tổ chức thi thì càng bị chửi rát tai. Tốt nhất là trở lại như cũ cho đỡ rách việc.

Vậy là năm nay ông Bộ GD vốn sẵn bản tính lơ ngơ như thằng đẽo cày giữa đường, trở lại thi 4 môn như thời tôi đi học cách nay đã mấy chục năm. Nghĩa là sau mấy chục năm tiến bước, giáo dục Vn đã quay về vạch xuất phát của thuở ban đầu. Vậy mà đã không thấy xấu hổ thì thôi, lại còn vênh váo mà cho rằng, đây lại là thêm một bước tiến lớn của ngành giáo dục, là thi cử của Vn đã vươn lên ngang tầm với quốc tế..

Với giáo dục Vn, tiến có nghĩa là lùi.

Cây cầu Long Biên là một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Thời tôi học lớp Một  là từ năm 1961 trong sách tập đọc có một bài thơ giản dị mà đến nay sau nửa thế kỉ đi qua vẫn thuộc nằm lòng:

 Hà Nội có cầu Long Biên

 Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng… 

Cây cầu do người Pháp xây đã 115 năm qua, đến nay vẫn vững vàng cùng lịch sử (Lạ là ở trên đất nước ta, bất cứ công trình kiến trúc nào do bè lũ đế quốc thực dân từ Pháp đến Mĩ xây là đều bền vững với thời gian và đều rất đẹp).
Câu thơ trên làm bừng cháy trong tim thằng nhóc con học lớp 1 là tôi một giấc mơ lớn là mong có ngày được ra Hà Nội để thấy cây cầu Long Biên vĩ đại.

                                Tôi hồi học lớp 1
 

Sau này lớn lên, mỗi lần có dịp ra Hà Nội là tôi đều tìm cớ đi qua cầu Long Biên để thỏa cái giấc mơ thời con trẻ; để được hưởng cái cảm giác mênh mang hoài cổ của một thằng nhà quê ra tỉnh. Thấy tự hào vô cùng.

Vậy mà đùng một cái, lại có một bọn ngứa mồm ở Hà Nội đưa ra dự án tháo dỡ cây cầu lịch sử này chuyển sang một chỗ khác để bảo tồn, lấy chỗ đó xây một cây cầu mới. Nghe mà sôi máu.

Sao lại có cái lũ tham ăn đến mức bạo liệt như thế. Bởi chỉ với một dự án đó thôi nó ăn được những 3 lần: 1 lần tháo dỡ cây cầu cũ, 1 lần dịch chuyển đi chỗ khác xây lại, 1 lần xây cây cầu mới. Đúng là chúng nó làm và nghĩ theo lời câu thành ngữ: Có làm thì mới có ăn.

Tuy nhiên dân tình và công luận đọc thấy ngay tim đen của lũ tham nhũng này nên chửi cho rát tai. Ông thủ tướng Dũng chịu không thấu phải lên tiếng ngay: Không được phá cầu Long Biên.

Vậy là quả bóng được xì hơi. Ông Dũng thủ tướng lại được thiên hạ khen là sáng suốt.

Thế đấy. Cứ xây rồi phá, phá rồi xây … là đất nước tha hồ phát triển. Lạ là khi xây cũng xem là một bước tiến mà khi phá cũng xem là một bước tiến. Lúc nào cũng thấy tiến tiến tiến, chỉ có xã hội là thụt lùi.  


  

      

2 nhận xét:

  1. Lùi một bước tiến... ba bước mà, tuy nhiên cũng phải...từng bước mới đạt ba bước! Báo cáo: " năm nay, chất lượng "đứng lớp" của GS Hà Tùng Sơn đã tiến lên một bước (chưa được ba) so với cùng kỳ năm ngoái"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui chà, tui năm nay chỉ mong đứng được trên lớp như năm ngoái là may lắm rồi anh chung Ru à.. Tuổi tác càng cao sức khỏe càng thấp mà năm nay đứng hơn năm ngoái chắc tui chết sớm.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới