13 tháng 3, 2014

Bỗng dưng đọc thơ



Tháng 3 này đối với tôi hình như là tháng của bạn bè cũ hồi K12. Tuần trước anh Mậu Đàn mới từ Long Hải lên chơi, đầu tuần này thì Ngân Nghi Lộc từ Đà Lạt xuống Sài Gòn nuôi cháu rồi gọi, tối qua thì Lê Văn Ngọ cũng là bạn học lớp 12A từ Vinh vô. Ngọ hiện đang là GĐ Sở GD & Đào tạo Nghệ An, mỗi lần vô SG dù ngồi xa hay gần, sớm hay muộn cũng đều ới tôi đến. Tối qua chúng tôi ngồi với nhau tại quán Việt phố trên Lê Quý Đôn đến 10 giờ đêm mới chia tay. Sáng nay xong công việc Ngọ ghé lại trường tôi rồi tôi khép cửa phòng làm việc đưa Ngọ cùng đến nhà Đào Thủy chơi. 
Nghĩ cũng vui, mới cuối tuần trước anh Mậu Đàn đưa tôi đến nhà Đào Thủy thì lần này tôi lại làm người dẫn đường đưa Ngọ đến nhà Đào Thủy.  Thời gian của Ngọ  rất vội, chỉ chưa đầy 2 tiếng bởi 11h hắn đã phải có mặt ở sân bay để về lại Vinh rồi. 

 Phút ngẫu hứng của Lê Văn Ngọ tại đình làng Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An dịp họp mặt bạn bè lớp 12A hồi tháng 8 - 2013

 Vậy là cả 3 tên bạn học cùng lớp 12A lại ngồi quanh bàn ăn trong bếp nhà Đào Thủy, uống nốt chai vang đỏ Argentina hôm trước tôi và anh Mậu Đàn uống chưa hết. Thủy còn tranh thủ vừa tám chuyện tào lao vừa nấu cho tôi với Ngọ mỗi tên một tô phở bò để ăn thay cho bữa trưa luôn.
Nhắc lại kỉ niệm hồi tháng 9 năm 72 tôi cùng 12 bạn nam trong lớp chia tay Thủy và Ngọ lên đường ra trận, Đào Thủy nói ngày đó Sơn và các bạn đi rồi, bọn mình ở lại học thấy trống trải vô cùng, lớp học rộng hẳn ra, những chỗ ngồi của các bạn cứ như là vẫn còn để trống.
Nghe Đào Thủy nói vậy tôi lìền chợt nhớ đến một bài thơ mà đối với tôi là rất hay vì rất hợp với tôi, một bài thơ mà tôi chỉ đọc có vài lần là thuộc luôn từ hồi năm 71 đó đến giờ.
Vậy là trong lúc Ngọ nhấm nháp li rượu vang, trong lúc Đào Thủy đang hí hoáy nấu phở, tôi đọc ngay một khổ thơ theo  ý câu chuyện đầy kỉ niệm mà Thủy vừa kể lại:


…Nó đi để lại cái chỗ ngồi

Giờ  ra chơi bạn bè ghé qua một chút

Thầy giáo khi giảng bài nhìn vào chỗ đó

Thấy trang giáo án mình ý nghĩa lớn lao hơn…


 Đào Thủy nghe tôi đọc liền hỏi, thơ nào vậy. Thơ của Bùi Công Minh đấy. Rồi tôi đọc tiếp cho hết bài thơ.
Đó là bài thơ Người ra trận của Bùi Công Minh. Bài thơ này có thể nhiều người không biết, và nếu có biết cũng chưa hẳn đã để ý, chưa hẳn đã thích, nhưng với riêng tôi thì hay lắm, bởi nó như cứ vận vào tôi từ bấy đến giờ. 
Bùi Công Minh làm bài thơ Người ra trận vào cuối năm 1971, khi đó ông là một cán bộ giảng dạy trẻ của Trường ĐHSP 1 Hà Nội. Một hôm ông bước chân vào một lớp học đlàm  tiết kiểm tra thì chợt thấy có nhiều chỗ ngồi bị bỏ trống. Ông hỏi và lớp trưởng đứng dậy báo cáo. Thì ra đó chính là chỗ ngồi của những SV năm thứ 2 khoa văn vừa ra trận. Thầy giáo Bùi Công Minh đã rất xúc động mà viết nên bài thơ Người ra trận và gửi đăng trên báo Văn nghệ . 
Tôi biết và thuộc bài thơ từ trên số báo Văn Nghệ đó. 

NGƯỜI RA TRẬN

(Tặng các bạn sinh viên mùa này ra đi)

                                Bùi Công Minh
 
Nó đi rồi, bè bạn chẳng ai quên
Vắng nó, thiếu một giọng cười vang trong lớp
Con gái bảo con trai hay nghịch,
Với nó, chỉ thấy con trai hay cười


Nó đi để lại cái chỗ ngồi

Giờ  ra chơi bạn bè ghé qua một chút

Thầy giáo khi giảng bài nhìn vào chỗ đó

Thấy trang giáo án mình ý nghĩa lớn lao hơn

Giận thì giận nhưng thương thì thương
Cái lúc đang buồn,
sao mà cứ đùa hoài thế nhỉ
Nhớ buổi tiễn đưa hôm ấy
Nó đến tận nơi
chìa tay ra bắt
Con gái đứa nào mắt cũng cay cay
Một tay ấm bàn tay, một tay che mặt
Chỉ để cái miệng cười, mà giấu đi đôi mắt
Trời vẫn nắng loà, lại lấm thấm mưa bay...


Cuộc họp chi đoàn như cũng có nó về đây
Nhoẻn miệng cười tươi lại say sưa cao giọng
Hết "Bước chân Trường Sơn" lại đến "Ra tiền tuyến"
Nó lại mê "Bài ca người săn máy bay"

Mấy tháng đi xa, đã hai lần thư
Nó viết ở một nơi nghe lạ tai nhưng quen lắm
Cả lớp học cứ bâng khuâng theo dõi tin chiến trận
Xem băng đạn đầu nó nổ có giòn không

Quyển giáo trình ấm tay nó suốt mùa đông,
Nó trao bọn con trai, con trai chuyền qua con gái
Phần việc chưa xong, nó giao lại đấy
Mùa hạ mùa đông, dù đêm dù ngày
Con trai học gấp hai, con gái học gấp hai
Bởi có nó thay cho lớp mình ngoài mặt trận 
Ngày mai trở về chiến thắng
Nó lại đọc tiếp trang giáo trình đọc dở hôm nay 


Mở quyển sách trên bàn mỗi buổi sớm mai
Ai cũng thấy nụ cười người ra đi trìu mến
Sau những dòng chữ vịn vai nhau ẩn hiện
Là dấu chân những người lính trên đường

Nghĩ về người ra đi, ai cũng thấy
Ánh mắt ngời gương mặt chiến công.

                                     BCM - 1971

Khi đọc bài thơ Người ra trận tôi đang học năm thứ nhất. Thỉnh thoảng đang giờ học tôi lại lẩm nhẩm những câu thơ rất thật mà cũng rất hình tượng văn học:

Sau những dòng chữ vịn vai nhau ẩn hiện
Là dấu chân những người lính trên đường


 Tôi rất thích cách dùng từ của tác giả Bùi Công Minh: những dòng chữ vịn vai nhau ẩn hiện...

Một bài thơ có thể hay với người này không hẳn là phải hay với người khác, bởi mỗi người đọc một hoàn cảnh, một tâm trạng. Riêng tôi sao cứ thấy thương thương tội tội cái nhân vật "nó" trong bài thơ, một bạn SV cũng như mình mà phải đứt gánh học hành giữa chừng để ra trận đánh nhau. Không biết bạn ấy có sống sót để có ngày trở lại với ngôi trường, với bạn bè nữa không nhỉ.
Ấy vậy mà không lâu sau đó, khi vừa lên năm thứ 2, tôi lại trở thành nhân vật "nó" trong Người ra trận của Bùi Công Minh . 
Có điều lạ là sau khi chia tay các bạn trong lớp để nhập ngũ, trở thành "nó" thì tôi lại không thấy tội cho nhân vật "nó" nữa mà ngược lại, tôi lại thấy nhớ thấy thương các bạn trong lớp đang ở lại, ngày ngày cắp sách lên giảng đường. Tôi cầu mong mình đừng bị chết để có ngày trở lại trường đại học, gặp lại bạn bè xưa.
May mắn thay, ông Trời cũng thương tôi nên đã cho tôi thỏa mãn cái ước mong đó. Và kể từ ngày trở lại trường sau chiến tranh, gặp lại bất cứ bạn bè cũ nào tôi cũng vui mừng xúc động, muốn gác công việc sang một bên để đi chơi với bạn.
Bùi Công Minh, tác giả của bài thơ Người ra trận sau này chuyển về sống và làm việc ở Đà Nẵng. Ông có một bài thơ nữa cũng rất hay là bài Ngày và đêm  được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc và đặt tên là Hành khúc ngày và đêm, một ca khúc rất nổi tiếng mà hình như ai đã hành nghề dạy học ở nước ta cũng thích nghe và thích hát.
Bùi Công Minh cũng từng tham gia quân đội, từng có chân trong Ban thường vụ thành ủy, làm đến chức Chủ tịch Ủy ban mặt trân Tổ quốc, Trưởng ban tuyên giáo Tp. Đà Nẵng. 
Tôi tin rằng dù có làm quan chức VIP đến đâu, Bùi Công Minh vẫn là một nhân cách đáng kính, một con người có tâm hồn. 
Đơn giản bởi ông là tác giả của Người ra trận. 
  

 Ăn xong tô phở và uống xong li rượu nhà Thủy, nhìn đồng hồ thì đã 10 rưỡi, Tôi đi với Ngọ ra Tân Sơn Nhất vừa kịp 11h. Hú vía. Suýt nữa thì trễ. Bởi sân bay này đang nằm trong tình trạng nâng cấp thắt chặt an ninh ở cấp độ 1 kể từ sau vụ chiếc Boeing 777 - 200 trên chuyến bay MH370 của Malaysia mất tích một cách bí ẩn đã 6 ngày nay. Việc làm thủ tục trước khi bay bị kéo dài, không đến sân bay sớm rất dễ bị trễ chuyến..

            Từ phải sang: HTS, Nguyễn Trung Ngọc, Lê Văn Ngọ, Phan Thị Nga... (8-2013)



8 nhận xét:

  1. Mừng cho anh có anh bạn Ngọ làm quan bự ra trò.Thôi thì bạn bè một thời để nhớ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã là bạn bè dù có làm đến thủ tướng thì vẫn là bạn thôi.

      Xóa
    2. Vấn đề là thằng bạn cũ nó tìm đến mình chứ ai nghĩ gì đến giám đốc giám điếc gì chứ! Bạn Nga nói hay thiệt.

      Xóa
    3. Nặc danh22:12 @: ĐÚNG THẾ.

      Xóa
  2. Thời 70, 80 ấy tớ đọc nhiều lắm mà không biết bài thơ của BCM đâu đấy. S. giữ được bài thơ hợp với tụi mình quá. Tuyệt lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ này sau khi đọc được trên tờ Văn nghệ (mượn của bạn nào đó trong lớp 12A đọc chứ hồi đó tớ làm gì có tiền mà mua báo Văn nghệ) thích quá liền chép vô sổ tay. Cuốn sổ này khi đi B phải hủy không được mang theo nhưng bài thơ NRT thì mình thuộc làu rồi. 42 năm đã trôi qua...

      Xóa

Bạn có nhận xét mới