19 tháng 3, 2014

Người kể chuyện rừng



     (Đọc “Pơ thi”, tiểu thuyết của Thu Loan- NXB Đà Nẵng- 2014)

                                                               Chử Anh Đào
         
          Pơ thi là lễ hội lớn nhất trong số những lễ hội về vòng đời của người JRai nói riêng và nhiều dân tộc Trường Sơn- Tây Nguyên nói chung. Người JRai quan niệm: sau khi mất, hồn người chết, tuy đã về cõi A tâu (ma) nhưng vẫn quẩn quanh bên người sống và vẫn có những nhu cầu trần thế khác. Sau ba bốn năm, nếu có điều kiện, gia đình sẽ làm lễ Pơthi (bỏ mả) để vĩnh viễn chia tay với người chết. Từ đây hồn sẽ về cõi vĩnh hằng “Muốn ăn cơm thì hỏi mặt trăng, muốn uống nước thì hỏi các vì sao…” (Lời khấn) Người sống không còn bị ràng buộc gì, sẽ tiếp tục xây dựng một gia đình mới, bắt đầu cuộc sống mới. Pơ thi là lễ hội mang bản sắc dân tộc độc đáo và đậm đà chất nhân văn của người JRai.

                              Bìa sách Pơthi của Thu Loan

          Nhưng tác giả không chỉ đơn thuần phản ánh lễ Pơ thi. Trong tác phẩm còn nhiều lễ hội khác: chọn đất lập làng, mừng sức khỏe, cơm mới, cầu mưa, cúng giọt nước… Có thể nói khái quát: tác phẩm nói về rừng và các số phận liên quan tới rừng. Chính tên các phần (chương) đã nói lên điều đó: “Thiên đường xanh, Biến đổi, Pơ thi, Hoa rừng, Đại ngàn, Nơi không rừng, Tiếng rừng”
          Hai nhân vật chính của câu chuyện là Rơ man Đih và Kpui Lim. Họ sinh ra và lớn lên ở làng Chan. Họ có những phẩm chất tốt đẹp của những con người chân chính: ngoại hình đẹp đẽ, trung thực, mạnh mẽ dũng cảm, tài hoa, hiếu thảo…và một tình yêu vô bờ bến với rừng. Họ yêu nhau say đắm nhưng lại là một kết thúc không có hậu khiến người đọc cảm thương, tiếc nuối. Nói như tác giả, một người từng trải, kinh lịch: Trên đời này, tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra!
          Để lại ấn tượng cho người đọc trước hết là những người ruột thịt trong gia đình Đih. Đó là già Duck. Duck như là cái gạch nối giữa cõi người và cõi thần. Già làng này là người hiểu rừng nhất. Ông luôn tôn trọng, biết lắng nghe, biết ơn và chỉ dạy cho mọi người trong cộng đồng cũng làm thế với Rừng linh thiêng, vĩ đại. Ông tiên lượng được mối quan hệ sống còn giữa người và rừng. Ông ngã xuống và hóa điên khi rừng bị tàn phá, tận diệt.Ông chết mà không nhắm được mắt và lời cuối cùng của Ông là tiếng gọi Rừng thê thiết…Đó còn là bà Mên, ông Duang- cha mẹ Đih- những con người hiền như đất, cả đời lam lũ, khổ nghèo mà bao la một tình thương yêu vô bờ bến với con người.
          Và còn nhiều người khác nữa!
          Nhưng lòng tốt của các nhân vật đã không cứu nổi rừng. Rừng bị lòng tham của con người xứ khác nuốt chửng. Người làng Chan như bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất, bơ vơ, hụt hẫng, tróng chênh, không có căn cứ tồn tại. Làng Chan mang tên mới là “ Thôn 1” với những căn nhà xây giống hệt nhau, không chịu nổi qua một mùa mưa nắng, chơ vơ giữa khối hồng trần không một bóng mát chở che.Ước ao phục sinh rừng trở lại của Đih gần như là vô vọng. Rừng cao su không thể là rừng nguyên sinh! Và cũng vì vậy, ước muốn cuối cùng đơn sơ như nghìn vạn năm trước nay vẫn thế của già Duck về quan tài bằng gỗ, về cồng chiêng… không bao giờ thực hiện được. Dù cuộc sống đang tiến về phía trước với những lợi ích và phương tiện nhân đạo mà một làng truyền thống chưa bao giờ có.

                                                  Lễ Pơ Thi (Lễ bỏ mả) ở Gia Lai

           “Pơ thi” là đầu sách thứ 7 của Thu Loan. Trước đó tác giả đã có những truyện ngắn thành công về đề tài dân tộc (Làng ma, Sương mù, Sáu cặp ngà voi…) Đọc “Pơ thi” người ta thấy ngoài sự am tường về văn hóa, phong tục tập quán JRai còn thổn thức một tấm lòng yêu thương gắn bó, sẻ chia của tác giả với cộng đồng này. Những trang tả rừng hấp dẫn; những nỗi nhớ thương của Đih với mẹ, của ông Duang với vợ, của Đih với Lim thật xúc động. Chúng khiến người đọc liên tưởng, thấm thía và trân quí những gì mình đang có. Bởi hạnh phúc là cái gì khi đã mất đi thì người ta mới thấm thía rằng mình từng đã có nó.

          Tuy nhiên, “Pơ thi” còn sót những hạt sạn nhỏ. Ấy là nơi người JRai sinh sống mà lại gọi suối là “Đak” (suối Đak Ning), gọi núi là “Kông” (Kông Ná) Ngoài phần lớn ngôn từ nghệ thuật còn một số từ ngữ nặng phong cách hành chính, báo chí như “quan tâm”, “quyết định”, “trách nhiệm”, “ảnh hưởng”, “tầm quan trọng”…Có cảm giác chúng rất ngọng nghịu trong miệng của nhân vật. Tất nhiên là mỗi người một “tạng”, một thế mạnh, nhưng để xây dựng nhân vật dân tộc, người viết nên chú ý nhiều tới khắc họa đời sống nội tâm và hành động của họ./.
                                                                             C.A.Đ



                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới