15 tháng 3, 2014

Thanh, bạn tôi



                                                      Chử Anh Đào

          Thoắt một cái, đã ba mươi chín năm chúng tôi xa nhau.
          Tôi với Thanh là bà con trong họ. Ở quê tôi họ Chử có ba nhánh: Chử Lương, Chử Văn và Chử Đức. Ông tổ họ tôi là một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng người Việt. Ngài còn rất nhiều hậu duệ ven sông Hồng, từ Gia Lâm- Hà Nội rồi xuôi về mạn Hưng Yên, Thái Bình…
          Nhưng chúng tôi thân với nhau không phải vì ý thức dòng họ mà vì học cùng lớp, lại cùng yêu thích môn Văn, cùng thích bóng bàn, bóng đá và vẽ vời nhăng nhít. Một phần tuổi thơ chúng tôi là ruộng đồng bờ bãi; là căn phòng u u minh minh đầy sách của chú Thu; là những lần đi ôn và thi học sinh giỏi cấp Tỉnh…Còn nhớ hồi lớp bảy, Ty giáo dục tổ chức thi ở Chu Hóa, cách nhà chúng tôi mười lăm cây số. Thầy Khả hiệu trưởng quê gốc Thái Bình có một cái xe đạp Thống Nhất. Thầy trò dậy từ bốn giờ sáng. Thầy đèo lần lượt ba đứa (có thêm cái Hảo) từng quãng một để cho kịp giờ thi. Tổng cộng lượt đi thôi, thầy đã đạp xe hơn sáu mươi cây số! Một công trạng mà các giải thưởng danh giá không thể nào so sánh được.
          Tôi học trước tuổi, phải khai tăng lên nhưng vẫn thua bạn bè vài ba năm. Lên cấp ba, bọn thằng Chỉnh, Hồng, Minh, Việt, Thanh…lớn vồng lên ra dáng trai cày trong khi tôi đì đẹt ba mươi tư kí, học thể dục xà kép phải có người đỡ lên. Cuối năm 1972, đầu 1973 trường cấp ba Long- Châu- Sa chúng tôi cạnh nhà máy supe phốt phát Lâm Thao, cạnh hai trận địa pháo cao xạ phải sơ tán về Thụy Vân. Vừa đào giao thông hào trú ẩn, Thanh vừa nới: “Tớ đào cái hầm này nhưng chưa chắc đã được ngồi.” Tôi ngạc nhiên: “Hiệp định Pa ri kí rồi mà.” Thanh bảo: “Ông còn ngây thơ lắm”
          Làm xong tờ báo tường cho lớp nhân ngày thành lập Đoàn mà Thanh có bài thơ Noi gương, tôi còn nhớ hai câu: “Từ biệt quê hương chúng tôi lên đường/ Mang khí phách anh hùng Lê Mã Lương” thì Thanh nhập ngũ. Ấy là những ngày trong tiết xuân phân. Trời đang ấm áp bỗng ngoa ngoắt  một cơn lạnh trái mùa. Mẹ Thanh bị suyễn, ho mòn đêm. Bố Thanh ngồi như tượng ở phản giữa tiếp khách. Thanh nắm tay tôi: “Đ. ở lại nhớ học cho giỏi. Sau chiến tranh, nếu còn sống trở về, chúng mình sẽ thành nhà văn.”
          Trên đường vào Nam, Thanh viết thư cho tôi: “Vất vả lắm Đ. ạ. Chưa thấy giặc đâu mà đã có nhiều người ngã xuống vì sốt rét, thằng Hằng dưới Hợp Hải trước khi nhắm mắt gào lên hai tiếng “Mẹ ơi”. Cả rừng chiều chết lặng.
          Đơn vị Thanh cắm chốt ở Thanh An, Chư Prong. Những người sống sót trở về sau chiến tranh kể lại: Đêm trước hôm đánh đồn, như một điềm báo, Thanh đem tư trang vô tư chia hết cho mọi người với niềm tin đây sẽ là trận đánh cuối cùng của cả dân tộc. Ngày mai sẽ là ngày toàn thắng!
          Trận đánh kết thúc lúc 5 giờ sáng. Đối phương bất ngờ. Quân ta toàn thắng. Thanh làm nhiệm vụ cuối cùng là thu dọn chiến trường. Thanh nhảy xuống căn hầm ngổn ngang bao cát. Trong đó có một kẻ bị thương. Thấy nhau, cả hai đều há hốc miệng. Đáng lẽ phải bóp cò thì Thanh lưỡng lự mấy giây. Lưỡng lự vì Thanh là chàng trai trẻ, lại vụng về, lại đa sầu đa cảm. Đối phương đã nhanh tay hơn. Thanh lãnh trọn một quả lựu đạn mỏ vịt. Thanh ngã xuống khi chưa đầy một tuổi quân, khi còn hai mươi tư ngày nữa thì tròn mười chín tuổi.
          Ba năm sau ngày Thanh nằm xuống, tôi vào Gia Lai nhận công tác. Tôi rất hay mơ ngủ gặp Thanh. Lúc thì mẹ cho tiền mua quả bóng da mười ba đồng, lúc thì hai đứa cùng có hai cây bút Hồng Hà mới. Có lần mơ vào Diệp Kính xem phim. Tôi bảo: Thanh ngồi cao lên chứ, mới nhìn rõ màn ảnh. Thanh bảo: nhưng mà tớ đã chết rồi. Chết thì làm sao mà lớn được…Tôi đến Sở LĐ- TBXH hỏi thăm. (Hồi ấy chưa có các nhà ngoại cảm tràn ngập lãnh thổ như bây giờ) Người cán bộ cựu binh nhiệt tình tra cứu rồi chỉ đường: “Nghĩa trang Thanh An- C.L.T- lô 2 hàng 9, mộ thứ 72”
          Giờ Thanh đã yên nghỉ nơi quê nhà. Nghĩa trang liệt sĩ quê tôi nằm cạnh hai cây đa cổ thụ, bên đồng lúa thẳng cánh cò bay. Hương lúa, hương hoa sen năm tháng rì rào hát ru những linh hồn bất tử. Dân tộc tượng hình trong máu xương của muôn ngàn liệt sĩ không tên tuổi như Thanh, bạn tôi.
                                                                                      A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới