4 tháng 3, 2014

Như là cuốn sách về Tây Nguyên

(Đọc “Các bạn tôi ở trên ấy”- Nguyên Ngọc- NXB Trẻ- 2013)

                                                                                Chử Anh Đào

          Tôi mua cuốn sách này trong buổi sáng một ngày đầu tháng 9 năm 2013 ở Nhà sách ngã ba Diệp Kính. Nhưng lần khân mãi không đụng đến vì vô vàn lí do khách quan và chủ quan, tư biện: bận việc, nhà văn là chỗ quen biết, mình cũng ở Tây nguyên gần  bốn chục năm rồi, đã viết, đã đi và sống khoảng 2 phần 3 các xã đồng bào “đặc biệt khó khăn” … 

                                  Bìa sách  Các bạn tôi ở trên ấy

Mãi tới mấy ngày nay mới đọc. Đọc liền một mạch 24 bài, 324 trang như bất kì cuốn sách hấp dẫn nào. Và chợt ngộ ra rằng những gì ta đã thân quen thì thời gian sẽ làm cho chúng trở nên tầm thường, nhàm chán; những gì ta tưởng đã biết kĩ càng sâu sắc rồi thực ra là chưa biết gì cả! Ví như đơn giản một từ “bạn”. Không ít thì nhiều, từ tuổi mẫu giáo đến khi gần đất xa trời ai ai cũng có bạn.. Nhưng “bạn” của người Tây Nguyên thì ở cấp độ nhân văn và chiều kích vĩ đại hơn nhiều: “Đấy là lễ kết nghĩa giữa hai người đàn ông, thường ở hai làng khác nhau…Đối với họ,thiêng liêng nhất, trọng đại trên đời là tình bạn…có được một người bạn qua một lễ kết nghĩa thật lớn là vinh dự cao nhất, được toàn xã hội kính trọng, tạo được uy tín lớn nhất trong xã hội, có tiếng nói trọng lượng nhất…hành vi đẹp nhất trong đời một con người: lao động suốt đời, thật giàu có…để đem cho.” (tr 268,269) Nguyên Ngọc dùng từ “bạn” trong tựa đề cuốn sách cũng theo ý nghĩa đó chăng?
          Các bạn của nhà văn thường có thâm niên tình cảm cả mấy thập niên, có khi già nửa thế kỉ. Họ là những người có tuổi tên, những nghệ sĩ đích thực, những anh hùng nổi tiếng như Đinh Núp, Xu Man, Y Dơn, Hơ Ben, Hrin, A Bốc…Lại cũng có những người bạn lẫn trong dân thường áo vải như muôn vạn thường dân khác: những ông già, bà trẻ chơi đàn Krong Pút ở Kon Plong, Những người đàn ông thổi Đinh Pút trong đêm khuya thanh vắng ở Dục Nhầy,ông lão chỉnh chiêng ở Kong Chơ Ro, người tạc tượng mồ ở Kbang… Họ có những phẩm chất chung là trung thực, không háo danh, không muốn bị ràng buộc, yêu tự do, thủy chung son sắt, gắn bó máu thịt với nơi mình sinh ra cho tới khi xuôi tay nhắm mắt. Cảm động xiết bao những giọt nước mắt của những người đàn ông sau bao năm gặp lại! Họ là những CON NGƯỜI đích thực, viết hoa.

                                   Nhà văn Nguyên Ngọc (Ảnh: từ internet)

          Một người bạn lớn khác của Nguyên Ngọc là Rừng. Những cánh rừng đại ngàn, nguyên sinh giờ dù chỉ còn trong kí ức nhưng bất tử. Nhà văn có rất nhiều phát hiện, minh triết về rừng, về mối quan hệ sống còn, về văn hóa rừng. Có thể nhiều người đã biết. Riêng tôi thích thú nhất là “ ma lực rừng” ( tạm gọi thế).Rừng khiến Đinh Núp đốt lửa trong phòng ở giữa lòng Hà Nội, Hòa Bình; rừng khiến Y Dơn ói ra cái gọi là “rượu” của người Kinh chứ không phải là rượu ghè men lá quê mình do các chị các bà làm ra với lời khấn “…ỉa ra, tụt khố, tụt váy…” bên ghè rượu. Rừng gọi Y Dơn , Hơ Ben từ chối những tước hiệu cao quí “ưu tú”, “nhân dân” (mà họ xứng đáng hàng đầu) do chế độ khoác cho( đã có biết bao nhiêu người “chạy” để có) mà quay về nơi chôn nhau cắt rốn; rừng khiến Đinh Núp gượng gạo, bùng nhùng, ngượng ngập trong cái áo công danh, quyền chức, “anh hùng”, thân xác từ nghĩa trang “Mai Dịch” Plei Ku mà hồn trở về làng làm lễ bỏ mả; rừng khiến Xu Man, Đinh Núp không ở cái nhà tình nghĩa mà chế độ tưởng là thể hiện tính ưu việt cấp cho, lui về căn nhà sàn lượp tượp truyền thống “ như cái lều vịt” sau đó của nghìn vạn năm tổ tiên ông bà.Không những vậy, với bao đứa con của mình, ma lực rừng còn có sức hút ghê gớm với những cá nhân tộc người khác. Gần như ông Thịnh- nhệ sĩ violon Hà Nội; như bố con cựu chiến binh Nguyễn Văn Năm, Nguyễn Văn Nguyên quê Lâm Thao- Phú Thọ; xa như ông Goer Condominas, ông Jacques Dournas bên trời Tây đã tự nguyện dấn thân vì dân tộc hoc, tự nguyện từ bỏ đạo mình đem đi cải cho người ta để bị người ta (văn hóa Jrai) cải lại…Những gào thét, hú hét, những đóng kịch, trình diễn cồng chiêng, lễ hội mà các cơ quan gọi là “văn hóa” đang yêu cầu nhân danh “di sản” không bao giờ là của người Tây nguyên theo nghĩa nguyên thủy của khái niệm này. Với quan niệm của Nguyên Ngọc, văn hóa Tây nguyên là văn hóa rừng; sự hủy diệt hay tái sinh rừng đồng nghĩa với sự tồn tại và phát triển hay sự cáo chung của các tộc người bản địa! Đọc sau những hàng chữ kết luận của nhà văn ở cuối mỗi bài viết là sự trăn trở, đớn đau: “Ở Hà Tam bây giờ đã mua được tượng gỗ rồi. Sản xuất hàng loạt. Cuộc sống đang phát triển?” (tr 36) “ Tôi không biết. Tôi sợ” (tr 73); “Sẽ như thế nào nhỉ? Sẽ đi đến đâu?” (tr 248); “nhớ tiếc một vẻ đẹp” (tr 261) “Chỉ lo sợ. Rất lo sợ” (tr 270)…
          “Các bạn tôi ở trên ấy” không những đơn thuần là những ghi chép bạn bè, những cảm xúc, khám phá về rừng đậm chất văn chương mà còn định hướng cho những người quan tâm tới Tây nguyên về phương pháp nghiên cứu: Đừng nhìn đối tượng từ phía bên ngoài, từ trên xuống vì sự ban ơn hay tò mò mà hãy sống với nó, thực lòng!
          Nghe nói, trong buổi lĩnh giải thưởng cuối năm 2013 tại Hội văn học- nghệ thuật Hà Nội về “Các bạn tôi ở trên ấy”, Nguyên Ngọc bảo, đại ý: Đời viết văn của tôi được giải thưởng từ tiểu thuyết, rồi tới truyện ngắn và bây giờ là…bút kí. Một sự thụt lùi chăng?
          Tôi nghĩ đó là một câu đùa hồn nhiên như các bạn ở “trên ấy” từng nói với Ông miền Cao nguyên yêu dấu./.
                                                                   PK 3.3.14
                                                                       C.A.Đ


2 nhận xét:

  1. Được kết bạn với người nổi tiếng cũng thích ĐH nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cũng như câu;
      Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
      Ta bỗng lớn ở bên Người một chút ... đó mà

      Xóa

Bạn có nhận xét mới