31 tháng 3, 2014

Một số từ dùng sai, xin đừng dùng nữa!



 Có thể bạn chưa biết



                   MỘT SỐ TỪ ĐANG DÙNG SAI,

                   XIN ĐỪNG DÙNG NỮA!

                                                                   Th.s Chử Anh Đào


          Trong đời sống hiện nay, việc lạm dụng các tiếng lóng, biệt ngữ, sử dụng lớp từ tuổi ten, ngôn ngữ mạng…đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

          Bên cạnh đó, với số lượng trên 70% từ Hán- Việt (từ tiếng việt có nguồn gốc Hán) trong kho từ vựng tiếng Việt với đặc điểm trang trọng về mặt tu từ, hàm súc về ngữ nghĩa cũng đã gây không ít khó khăn cho người sử dụng chúng. Bình dân có thể thông cảm, nhưng những người hành nghề chữ nghĩa, các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương tới địa phương mà sử dụng từ không chính xác thì hậu quả thật khôn lường. Ngoài một số trường hợp chuyển nghĩa và biến nghĩa (lãnh tụ: cổ áo và tay áo, quyền bính: cán cân và quả cân, khoái trá: thịt nướng và thịt chiên, hi sinh: con vật tế thần, do dự: tên một con vật, Cộng Hòa: tên người…)  thử liệt kê một số lỗi dùng từ Hán- Việt đang phổ biến:

          - “Cứu cánh” là mục đích, đang được dùng theo nghĩa : phương tiện hỗ trợ.

          - “Quyết liệt” là phá hoại, đang được dùng theo nghĩa: quyết tâm cao, hành động trên cả hăng hái.

          - “Khuất tất” là uốn gối mưu lợi cá nhân, đang được dùng theo nghĩa: mờ ám, không minh bạch.

          - “Mại” là bán; “ Mãi” là mua. Nếu nói: “Công ti đang khuyến mại nhiều sản phẩm “là không đúng.


          - “Trạm” và “xá” mới chỉ có nghĩa nơi chốn, chưa hàm ý chữa bệnh. Cần nói Bệnh xá, bệnh viện, trạm y tế, trạm quân y…

          - “Mạn” là chậm, “Mãn” là tràn đầy. Không thể nói “Viêm xoang là căn bệnh mãn tính.”

          - “Việt” là vượt qua, “vị” là đứng, chỗ đứng. Nhiều trọng tài và người xem vẫn nói không có nghĩa: “Cầu thủ A liệt vị”

          - “Khổ qua” là trái (dưa) đắng. Dân gian có người lại nói thành “hủ qua”, “ổ qua”

          Còn những cách nói “đường quốc lộ”, “cây cổ thụ”, “phòng thư viện”, “sông Hồng hà”, “sông Ia Yun”…là thừa chữ. Cách ngắt nhịp “cẩn tắc/vô ưu” tuân thủ thói quen cân đối của tiếng Việt nhưng lại sai về nghĩa. Cần nói “cẩn/tắc vô ưu” (Cẩn thận tất không phải lo lắng}

                                                                             C.A.Đ


29 tháng 3, 2014

Tiếp viên hàng không



Bỗng dưng mà tôi có hai ông bạn thân đều có con làm tiếp viên hàng không. Một người là bác Trần Mùi, bạn vong niên lớn hơn tôi nhiều tuổi, có con gái làm nghề này đã gần chục năm. Người nữa là Nguyễn Văn Êm, bạn học cùng lớp cấp 3, thì có cô con dâu cũng làm nghề này.
Nhắc đến chuyện này là vì mấy ngày nay, từ vụ xách tay hàng trộm cắp của cô tiếp viên tên Nguyễn Bích Ngọc bị cảnh sát Nhật Bản bắt giam điều tra, báo chí và công luận cả nước đang sôi sùng sục ném đá không thương tiếc vào Vietnam Airlines và đội ngũ tiếp viên của hãng này. Bởi trộm cắp và tiếp tay cho trộm cắp là một hành động xấu, rất đáng lên án. Hành động này khi diễn ra với những người ít học ít hành, nghèo khổ, thiếu giáo dục và tư cách đạo đức kém đã bị xã hội phỉ nhổ, thậm chí sẵn sàng đánh hội đồng cho đến chết (như hành động của những người trộm chó). Nhưng khi nó diễn ra ở một lớp người có học hành đàng hoàng, làm việc trong một môi trường sang trọng, có thu nhập cao, lại thêm cả sự xinh đẹp nữa như tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines thì xã hội rất khó chấp nhận, sự căm phẫn lúc này tăng gấp bội lần,  họ bị lên án và ném đá không thương tiếc là điều khó tránh khỏi. Thậm chí có bài báo còn mỉa mai xem việc xách tay hàng lậu, hàng trộm cắp của các cô tiếp viên hàng không là “một dịch vụ gia tăng” của Vietnam Airlines.
Một phần tôi rất đồng cảm với nỗi bực tức của báo chí và công luận. Nhưng nhiều khi nghĩ lại, tôi cũng thấy báo chí và dư luận hình như đang nóng quá. Mà ở đời, thường thì nóng quá dẫn đến mất khôn.
Thỉnh thoảng gặp bác Trần Mùi cà phê cà pháo, nghe bác kể về cô con gái làm tiếp viên hàng không của bác mà thấy thương. Bác Mùi bảo mọi người chỉ nhìn thấy vẻ hào nhoáng bên ngoài của những cô gái làm nghề này chứ làm sao biết được đằng sau vẻ hào nhoáng, đài các và kiêu sa đó là những ngóc ngách đáng buồn và đầy sự mệt mỏi của họ. Những cô gái làm nghề này phải thường xuyên bay giữa lưng chừng trời ở độ cao hàng chục ngàn mét với áp suất không khí loãng nên rất ảnh hưởng tới sức khỏe, nhan sắc xuống cấp nhanh chóng. Có những cô lấy chồng đã nhiều năm mà chưa có con vì rất khó mang thai. Làm tiếp viên hàng không, khi thiên hạ nghỉ thì mình làm việc càng nhiều. Như con gái bác Mùi vào dịp trước và sau Tết âm lịch, có khi cả hàng tháng trời vợ chồng bác (bà xã của bác Trần Mùi là NSUT Tô Lan Phương) không thấy mặt con gái đâu vì cháu phải bay liên tục. Bù lại một sự an ủi là cứ gần Tết, con gái lại cất công mang theo trên chuyến bay từ Hà Nội vào một cành đào Nhật Tân để bố mẹ được đón một chút xuân Hà Nội giữa Sài Gòn.
Cô con dâu của ông bạn Nguyễn Văn Êm thì may mắn hơn là đã sinh được một thằng cu rất ngộ nghĩnh. Nhưng cũng không phải là không đáng thương khi mới sinh con được 4 tháng đã phải đăng kí bay với Đoàn tiếp viên, bởi có bay thì mới có tiền. Đã làm tiếp viên hàng không, nếu không ở trên trời đồng nghĩa với đói. Vậy là trong lúc người mẹ trẻ thì liên tục bay những chuyến quốc tế như đi Úc, đi Thượng Hải… thả con ở nhà cho anh chồng trẻ chăm theo kiểu đàn ông. Thằng bé thiếu hơi mẹ trông rất tội. Thỉnh thoảng tôi lên Thủ Đức thăm, cô cháu tiếp viên hàng không đem tặng cho mấy chai rượu ngoại mi ni vốn là một phần tiêu chuẩn trong suất ăn đi quốc tế của hành khách không uống nên bỏ lại cho các cô tiếp viên thu dọn. Cháu bảo những chuyến bay đường dài như đi Úc, đi Mĩ rất mệt mỏi, cháu chỉ trông đến lúc được hạ cánh để...ngủ.

  Tiếp viên của Vietnam Airlines trên một chuyến bay Đồng Hới-Sài Gòn

Người ta vẫn nói các tiếp viên hàng không là bộ mặt của hàng không Việt Nam và Hàng không Việt Nam là bộ mặt của quốc gia Việt Nam. Đó quả thực là một gánh nặng đè lên đôi vai những thân hình mảnh mai, liễu yếu đào tơ của các tiếp viên hàng không Việt Nam.
Trộm cắp, tham ô tham nhũng thì ngành nghề nào mà chẳng có. Giáo viên làm nghề dạy học cao quí thế, được cả xã hội gọi bằng thầy mà cũng đổi tiền, tình lấy điểm với học trò; bác sĩ làm nghề cứu mạng sống cho dân mà cũng ngửa tay lấy tiền dân rồi mới mổ, nếu không thì thả mặc cho con bệnh chết; đến như có không ít kẻ làm đến bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên trung ương đảng; ngay cả những cán bộ cao cấp làm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ…mà cũng phạm tội đến mức phải mặc áo tù ra trước vành móng ngựa. Vậy hà cớ gì mà công luận đang trút hết giận dữ lên mấy cô tiếp viên hàng không nhỉ.
Thực tế, chỉ có ở Việt Nam và các nước châu Á, nghề tiếp viên hàng không mới được đề cao đến thế. Chứ như ở Mĩ và các nước phương Tây, nghề này không phải là sự mơ ước của những người trẻ. Ở các hãng hàng không Mĩ (mà tôi đã có lần đi trên những chuyến bay của họ), tiếp viên thường là những người ở tuổi trung lưu, thậm chí là cả những phụ nữ đã lớn tuổi. Đơn giản là những cô gái Mĩ không muốn sống bằng nghề tiếp viên hàng không. Mặt khác, hành khách của hàng không Mĩ và các nước phương Tây sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi được những tiếp viên lớn tuổi với kinh nghiệm sống và sự lịch lãm chăm sóc trong suốt hành trình bay hơn là những cô gái trẻ chỉ biết lo làm đẹp.
Riêng tôi, mỗi lần lên máy bay, nhìn thấy những cô tiếp viên xinh đẹp đứng ở cửa máy bay nở nụ cười tươi: “chào chú ạ” là mọi mệt mỏi trước chuyến bay hầu như tan biến.
Tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines những ngày này đang ở vào cơn bĩ cực về tinh thần. Ai trong đời mà chẳng có lúc rơi vào những cơn khủng hoảng như thế. Xin mọi người hãy nương tay với họ bởi hàng triệu hành khách trên những chuyến bay từ các sân bay đi khắp bầu trời đang rất cần những nụ cười tươi với lời chào thân thiện của họ. 
Đừng vì một vài bông hoa bị héo, thậm chí là bị thối rữa mà ra tay vùi dập cả một cây hoa đang ngan ngát tỏa hương.  
Hãy thử hình dung có một lúc nào đó ta bước lên một chiếc máy bay mà vắng bóng các cô gái tiếp viên hàng không. Lúc đó hẳn là ta không khỏi hoang mang và cả sự trống trải nữa. 

Những chai rượu ngoại mini của cô tiếp viên hàng không là con dâu ông bạn tặng. Thỉnh thoảng tôi lấy cái li đựng đầy đá viên, rót hết cả một chai vào, uống xong cũng thấy tê tê.
   
   Bài đã đăng trên vnexpress.net/ với cái đầu đề bị biên tập rất tào lao: http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/phan-bac-nu-tiep-vien-hang-khong-2971686.html



       

26 tháng 3, 2014

"Cung bậc hồn cha ông"



                                                                  Chử Anh Đào

          Đó là một câu trong bài thơ “Đàn Tơ rưng” của Huy Cận. Nguyên văn:
                             … …
                             Anh bắc qua năm tháng
                             Chiếc cầu phao âm thanh
                             Đời hai đầu mưa nắng
                             Đàn mắc võng tâm tình

                             Mỗi câu em đậm đà
                             Mỗi tiếng lòng anh dội
                             Câu trầm bổng thiết tha
                             Vọng ru lời rừng suối

                             Anh cùng em ta nối
                             Qua trăm núi nghìn đèo
                             Tiếng quê hương vời vợi
                             Như dậy rừng nứa reo

                             Tiếng đá lồng tiếng nứa
                             Cung bậc hồn cha ông
                             Bậc cao như đỉnh núi
                             Bậc trầm hơn đáy sông

                             Đàn nối lòng Đăm San
                             Đàn nối tình Xinh Nhã
                             Nối ân tình đôi ta
                             Tựa lửa bền trong đá.

          Tôi biết bài thơ này từ năm 1976, cùng thời với “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, trong chương trình dạy hát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Sau này tiếp xúc với văn bản, tôi biết thêm bài thơ còn một khổ đầu kể về công việc làm đàn và Huy Cận đề tựa “Tặng Kpa Púi”. Hồi đó sách vở khan hiếm. Tôi phải mượn thư viện trường về hàng trưa ngồi chép “Bài ca chàng Đam San”, “Xinh Nhã”. Ròng rã cả tháng trời như thế. Chép xong thì thuộc luôn. Nhưng trong hai trường ca này không nhắc tới đàn Tơ rưng. Tôi cũng không biết nó là gì, chỉ mù mờ cảm thụ qua lời bài hát. Thật may, các khoa trường tôi đều có các anh chị người Tây Nguyên là “ học sinh miền Nam” theo học. Trong số họ, tôi thân với vài người. Tôi hỏi anh U Đia về đàn Tơ rưng. Anh bảo: Tưởng gì, cái ấy quê tao đầy! (Sau 1977 mới biết anh là người Xơ Đăng, quê ở Đak Ruồng- Kon Rẫy- Kon Tum) Anh giảng giải: Kpa là một họ của người JRai. Còn đàn Tơ rưng thủa xa xưa làm bằng đá. Bây giờ phổ biến làm bằng ống lồ ô (một loại giống cây nứa). Người ta chặt lồ ô về phơi khô rồi dùng dao gọt thành những đoạn từ dài tới ngắn không bằng nhau rồi buộc lại với nhau, để trên rẫy đuổi chim và để người trong chòi rẫy nghe cho vui tai. Âm thanh của nó phát ra nhờ những cơn gió, hoàn toàn tự động. Tự động kia đấy!Mày thấy quê tao ghê gớm chưa? Tôi bảo: Ghê! Bao giờ giải phóng, em nhất định vào quê anh.Trở lại, có những bài thơ hay ở cái tứ, cái tình; lại có bài hay ở câu, chữ (nhãn tự); “Đàn Tơ rưng” hay từ những câu đầu tiên bởi sự liên tưởng, so sánh ngầm rất tài tình và tài hoa hình hài cây đàn với “cầu phao”, “võng”. Cây đàn xuất hiện như một sự an ủi kiếp người qua thời gian và mưa nắng của cuộc đời.
          Qua bàn tay chế tác của các nghệ sĩ dân gian mà những vật liệu thô mộc, gần gũi, tưởng như không làm được việc gì (đá, nứa) đã cất lên tiếng nói. Đó là tiếng của “em”, tiếng của “anh”, của “rừng suối” và cao nhất, bao trùm là “hồn cha ông” ở muôn vàn cung bậc “cao như đỉnh núi, trầm hơn đáy sông”, vượt qua thời gian “năm tháng” và không gian “trăm núi nghìn đèo” để hòa vào tiếng của anh, của em, thành tiếng “ ân tình” bất tử. “ Đăm San” và “Xinh Nhã” là văn hóa truyền thống, tượng trưng cho khát vọng sống và tình yêu từ ngàn xưa của cha ông đã được đàn Tơ rưng “nối” vào “đôi ta” hôm nay. Đàn Tơ rưng như chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại yêu thương được tác giả sử dụng với một so sánh tu từ rất đắt: “Tựa lửa bền trong đá”. Hai đối tượng khác biệt nhưng thân thuộc : “đàn” và “lửa” (ở trong đá) lại có cùng một phẩm chất là: có tự ngàn xưa và trường tồn mãi mãi.
          Vừa qua, một ca sĩ tương đối nổi tiếng thể hiện trực tiếp bài hát này ở Plei Ku nhưng đã hát “đời” thành “đợi” và không hát câu cuối cùng. Tiếc thay!
                                                                            
                                                                               C.A.Đ