31 tháng 1, 2014

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Ngọ 2014

Như thường lệ, sáng nay mùng một Tết cúng kiếng rồi ăn xong, nhằm giờ hoàng đạo, tôi cùng bà xã hướng thẳng đường hoa Nguyễn Huệ mà tiến. Mới đó mà đã 5 năm rồi, tôi gắn liền với ăn Tết Sài Gòn nói chung và với đường hoa Nguyễn Huệ nói riêng. Với lại có lẽ Tết Sài Gòn mà không lên đường hoa thì cũng chẳng biết đi đâu. Không lẽ lại đi Sở thú với Dinh Độc Lập nữa.
Cảm nhận chung là đường hoa năm nay thưa hoa hơn mọi năm (và rõ ràng là càng năm sau đường hoa càng thưa hoa hơn năm trước). Sự dàn trải của chủ đề là một cách khôn lỏi của những người thiết kế và đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí cho đường hoa. Bởi trong đường hoa thì sự tốn kém nhất là hoa, nếu thưa hoa sẽ thưa tiền. Cái lợi cho nhà đầu tư rất rõ. Đó là điều đầu tiên khiến tôi giảm sự thán phục với đường hoa ở Thành phố giàu nhất nước này.
Thứ nữa khiến tôi không thích là cái cách diễn đạt cho tên gọi của chủ đề đường hoa năm nay: Thành phố HCM, thành phố tôi yêu. Sao không nói luôn là Tôi yêu thành phố HCM cho rồi. Vừa ngắn gọn vừa rõ nghĩa. Không lẽ bây giờ tôi yêu một cô gái tên XYZ rồi nói: Cô gái XYZ, cô gái tôi yêu thay vì nói Tôi yêu cô XYZ.
Tuy nhiên có thể xem 2 điều trên là do tôi vạch lá tìm sâu mà đưa ra lời phê phán như vậy. Điều bao trùm vẫn là một đường hoa năm con ngựa sinh động và hấp dẫn bởi bố cục và sắc màu của tự nhiên hoa lá.
Cũng như thường lệ, năm nay tôi vẫn bắt đầu thưởng ngoạn đường hoa Nguyễn Huệ từ cái đuôi của nó ở phía bến Bạch Đằng. Có điều dù là đầu đuôi gì thì cũng vẫn là hình ảnh nổi bật của những chú ngựa đang phi nước đại, rất mạnh mẽ và sung sức.
Kí sự Đường hoa năm nay gồm 2 phần.

Phần Một- HOA:


Tôi bắt đầu từ cái đuôi của đường hoa với cặp song mã đang tung vó ra bến Bạch Đằng 


                                      Cầu hoa


                                                   Thương xá TAX






                               Có cả đụn rơm bên tòa cao ốc 



                              Cùng dàn bầu hồ lô trĩu quả



                                          Ruộng lúa bên rặng tre làng



                                Đủ cả bánh chưng bánh tét



            Bụi chuối này rất giống cảnh trong vườn nhà ba mạ tôi ở làng Thọ Lộc



                         
                                  Tổ chim toộc roộc



                               Ngựa và hoa



Phần Hai- NGƯỜI: 

Hai ông bà dân Tây này đang chăm chú chụp cái đồng hồ có múi giờ Berlin. Có lẽ họ là người Đức và đang rất thú vị khi bắt gặp một chút quê hương giữa Sài Gòn.


                                 Một gia đình Tây trên đường hoa


                              Rất ngộ. Đây là tấm hình tôi thích nhất hôm nay.



 Ở cái đầu của đường hoa với 5 chú ngựa đang kéo cỗ xe thời gian này, muốn chụp riêng cho bà xã một kiểu cũng không được.



                      
Cảnh chen chúc chụp hình ở vị trí hấp dẫn nhất đường hoa. Người này chụp chưa xong người khác đã nhảy vô. Cuối cùng là chụp ráo. Đây mới là cái đầu của đường hoa (ngang bên hông Thương xá Tax).


                              Thường thì tôi chụp cho đối tác vẫn đẹp hơn...



                                             ...khi đối tác chụp cho tôi 




     Ở khuôn hình này có lẽ bà xã tôi quí đất quận 1 hơn là tôi nên chụp đất là chính



     Bên cuốn sách về Đại tướng khi tạt sang đường sách cạnh đường hoa 





         HOÀNG SA TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIÊT NAM. Tôi like mạnh cho bìa sách này



   Vì thế mà tôi kính cẩn đứng ngay vào chân cột mốc chủ quyền Đảo Trường  Sa


                        Cả nhà tôi đều rất khoái trẻ con

Vậy là tôi đã xong việc khai bút (đúng ra là khai laptop) đầu Xuân. Chúc bạn một cái Tết Giáp Ngọ thật nhiều niềm vui và may mắn.
     Xem  thêm: http://hatungson.blogspot.com/2013/02/uong-hoa-nguyen-hue-tet-quy-ty-2013.html

29 tháng 1, 2014

Lại rỗi

Nghỉ Tết ở đất Sài Gòn là nghỉ theo đúng nghĩa đen của chữ nghỉ. Hầu như chẳng có việc gì đáng kể để mà làm. Bởi thế mà gặp người nào hỏi câu Tết SG sao thì ai cũng đưa ra nhận xét: Tết Sài Gòn chán ngắt. Chẳng thế mà cả tuần nay đã có hàng triệu người ùn ùn kéo nhau rời SG về quê ăn Tết dù tàu xe ngày Tết là cả một sự đày ải, bỏ lại sau lưng một Thành phố lúc nào cũng sôi sùng sục đang trải nắng vàng ươm. Một bộ phận không nhỏ khác (mượn lời anh tổng Trọng) không về quê thì cũng đã và đang tính đường lăm le đi du lịch đâu đó cho đỡ chán. Sáng nay tôi chở bà xã lên Tân Định mua giò chả Như Lan, lượng xe cộ lưu thông trên đường đã vắng đi phân nửa. Đi về cứ thênh thang. 
Hôm nay đã là 29 Tết, với tôi việc quan trọng nhất là thỉnh cho được chậu mai từ trên sân thượng xuống đặt ngay ngắn ở phòng khách. Cả cây lẫn chậu cũng cỡ 5 chục kí, tôi mà bê một cách đằng thằng xuống thì thế nào cũng sụm luôn cái xương sống và đi Thống Nhất ăn Tết trong tư thế nằm là cái chắc.
Nhưng tôi đã có mẹo hay học được từ hồi ở Bình Định nên vụ này đã thành chuyện nhỏ. 
Đó là cái lần cách đây đã hơn chục năm, tôi và con gái cũng vào một chiều 29 Tết ngồi chờ tàu ở ga Diêu Trì, Bình Định để về quê ăn Tết, thấy những người buôn mai từ Bình Định ra Hà Nội bán họ nhổ hết cây mai ra khỏi chậu chỉ còn trơ rễ, khiến cho chậu đi đằng chậu, đất đi đằng đất, mai đi đằng mai. Sau khi đưa được lên tàu họ lại cho mai vào chậu rồi đổ đất lên, đâu lại vào đấy như thường. Công việc tưởng như nặng nhọc lại thành ra nhẹ nhàng vô cùng.
Bài học lỏm từ những người buôn mai Bình Định ấy tôi đã học rất thuộc và áp dụng rất thành công đã 5 năm nay kể từ khi chuyển từ BĐ vào sống ở SG. Sau khi đã lấy hết đất ra khỏi chậu, nhổ cây và gọt cho hết đất, từ sân thượng xuống phòng khách tôi chỉ mất 3 chuyến. Chuyến đầu đưa chậu xuống, chuyến 2 đưa đất xuống khỏa luôn vô chậu, chuyến 3, chuyến cuối cùng, nhẹ nhàng xách cây mai xuống cho vô chậu. Nhắm nhe chỉnh sửa tí chút là hoàn tất. 
Khi phòng khách nhà tôi đã tràn ngập không khí Tết với sự xuất hiện của chậu mai vàng, tôi trở thành... thất nghiệp. Chả còn việc gì để làm nữa, tôi chỉ còn mỗi việc là kê cao gối mà ngủ.
(Sau Tết lại áp dụng theo qui trình ngược lại để chuyển mai lên sân thượng, dĩ nhiên là không giống với cái qui trình khốn nạn của mấy thằng thủy điện xả lũ vào dân).
Cây mai Tết nhà tôi năm nay cũng tạm được. Hoa lộc sum sê (chứ mai Tết mà chỉ có nụ không có lộc thì vô duyên lắm, tôi đi ngoài phố thấy bán toàn loại mai chi chít nụ mà không có lấy cái lộc nào, dân SG dễ tính mỗi ông mua một chậu đem về trưng ở phòng khách coi như cho xong một việc). Dáng cây mai nhà tôi hồi còn ở Bình Định thì cũng được lắm nhưng sau mấy năm vào tay tôi chăm bón cứ vun vút lên như rau muống, chẳng ra cái dáng dấp gì nữa. Kệ. Miễn nó trổ bông đúng Tết cho là may rồi.
Những ông bạn Bình Định là dân chơi mai nói với tôi rằng, mai là giống rất đỏng đảnh, khó chiều như một cô gái vừa đẹp lại vừa chảnh. Vì thế chơi mai phải có ít nhất trong tay từ 3 đến 5 cây thì đến Tết mới chắc chắn có được ít nhất một cây để chơi Tết. Vậy mà tôi vốn liếng chỉ nhõn có 2 cây nhưng chục năm nay, năm nào cũng có ít nhất một cây, thậm chí có năm có đủ cả 2 cây cùng trổ bông đủ cho tôi chơi Tết. Có năm nó còn trổ bông tưng bừng đến mức ông hàng xóm nhà đối diện phải hỏi cây mai nhà bác gắn hoa giả đấy à (Trời, tôi thà chết còn hơn là chơi hoa giả. Chẳng có thì thôi, đến hoa mà còn giả thì trên đời này có cái gì là thiệt nữa). Nói may hơn khôn là vậy. 

                                   Từ sân thượng đã chỉnh chện ở phòng khách



                                  Dáng dấp tuy không còn đẹp...



                                 Nhưng hoa lá nụ sum sê. Tôi thích thế.    


                                Cộng với nhiều cành thành ra là Hoa - Lá - Cành


Mai này sẽ nở đến mùng 10 mới hết và khi đó nó sẽ ngược lại  lên sân thượng. Năm nào cũng thế. Hết mùng mới hết Tết.


Trong lúc đó thì bà xã cũng đã đơm xong mâm ngũ quả. Cầu - Dzừa - Đủ - Xài - Sung. Năm mới đến cũng chỉ mong có thế. Tính tôi vốn khiêm tốn và giản dị (y như ông Cụ ở Ba Đình). 


Tết năm nay khui hộp bộ bình trà của anh bạn Nguyễn Huỳnh Phán tặng hôm gặp nhau ở Vinh để tiếp khách


       Cờ cũng đã thượng trên ban công. Bây giờ chỉ còn kê cao gối mà ngủ.



Bạn văn ở Bình Định



Có một bài thơ nhỏ viết về An Nhơn đã lâu, đã đăng và nhận nhuận bút cũng vài lần, vậy mà các bạn văn ở Văn Nghệ Bình Định vẫn ưu ái đăng lại trên số tạp chí Xuân Giáp Ngọ này. Hôm bữa nhà thơ Mai Thìn gọi điện báo cho biết như vậy. Sáng nay thì cả tạp chí biếu và nhuận bút cùng đến một lúc.

Đó là cái tình của bạn văn ở Bình Định vậy. 

 Tạp chí Văn nghệ Bình Định số Xuân Giáp Ngọ với cái bìa rất nhã


       Hay dở sao không biết, cứ được đăng báo là mừng.

CHIỀU THỊ XÃ

Có một thị trấn nhỏ sau một đêm thức dậy bỗng ngỡ ngàng thấy mình thành thị xã. An Nhơn đấy. Ngày 30 - 3 - 2012 họ đã làm lễ to để kỉ niệm 37 năm ngày giải phóng và nhân thể ăn mừng lên ngôi thị xã. Cũng đã có một số đặc san VNAN ra đời.


Tháp cổ chiều loang  nắng
Tôi đi trong con phố bình an
Thị xã giấu nhà em bên hẻm nhỏ
Tôi tìm về hình bóng của ngày xưa

Như trôi vào hoang hoải mờ xa
Thị xã mới và những con đường cũ
Những tên đất, tên phường thân thuộc
Em ở đâu sao nỡ để anh tìm
 
Tôi vẫn đi về phía chiều em
Chiều Thị xã An Nhơn nắng ngời trên đỉnh tháp
Đàn én mỏng chao trên mái vắng
Thành Đồ Bàn mây trắng ngẩn ngơ trôi

Chiều An Nhơn chiều khuất bóng em
Tôi như lạc giữa con đường cũ
Nghe thảng thốt câu bài chòi vọng đến
Thị xã hào hoa Thị xã anh hùng
 
Những đền đài có thể sẽ hóa bùn
Những phố phường một ngày mai sẽ khác
Nhưng còn mãi trong tôi một chiều em Thị xã 
Ánh hoàng hôn lấp loáng quê nhà
                                                    Tân Sơn Nhì, 2012








24 tháng 1, 2014

Để làm gì


 Nhàn đàm
                             “ĐỂ LÀM GÌ?”
                                                Chử Anh Đào

          Chiều cuối năm, gió lạnh hun hút thổi. Người đi đường không còn hằn lên những lam lũ thời bao cấp chưa xa nhưng ai cũng hình như tê tái, nỗi niềm. Quanh bàn cà phê Gốc Nhãn, người ta nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Trực tiếp là thời tiết. Năm nay sao mà lạnh kéo dài? Miền núi phía Bắc đầy tuyết rơi. Một khung cảnh thiên nhiên kì thú. Đã có bao bức ảnh đẹp. Lương mãi giờ này chưa có. Năm nay chơi gì, mai hay đào, lũa rễ cây hay độc bình thủy tùng… Y không góp chuyện nhưng trào dâng một nỗi xót xa. Chao ôi, đổ lỗi cho cái khác thì dễ lắm. Lạnh là do thủng tầng ozôn, do hiệu ứng nhà kính, do biến đổi khí hậu, thậm chí do suy thoái kinh tế, do các thế lực thù địch… Y lại khăng khăng nghĩ lạnh là do rừng đã bị phá hoàn toàn. Lũ lụt, người ta xả “đúng qui trình” nhưng dân chết sai cách cũng là do rừng bị phá… Công cuộc chặt phá mấy mươi năm cơ bản hoàn thành thì tiếp theo là đào bới. Giá mỗi gốc cây cũng từ dăm trăm tới cả mấy chục triêu. Hãy đợi đấy! Rễ chúng mày có sâu bao nhiêu, uống nước nguồn xa cả ngàn cây số cũng không thoát nổi tay chúng ông. Không biết sau đào bới còn là gì nữa đây? Còn thiên nhiên kì thú ư? Chỉ là với dân nhà giàu rửng mỡ. Hãy nhìn những em bé Hmông chân trần trong tuyết, không quần, phong phanh một tà áo, mặt mày nứt toác, bụng dính lưng, cầm cập run trong buốt giá. Rồi trâu bò vật nuôi, rồi lương thực hoa màu… Năm nay và vài năm nữa đói là cái chắc!
   Chiều đã cạn. Chuyện đã vãn. Người ngồi bên cạnh hích cùi chỏ vào y: “Này, ông nói một câu gì đi chứ”. Y buột miệng: “Sẽ kiếm một tờ giấy A3 viết chữ “Mã” thư pháp”. Một người trong nhóm, cái người mà trong một thời gian dài y đã coi là rất thân, lại “cùng cánh văn nghệ” với nhau, chỉ mỗi tội con đàn cháu đống, quanh năm quần quật vắt mũi bỏ miệng, chợt hỏi: “Để làm gì?”
          “Để làm gì?” Vài ba chục năm trước cũng đã có người ngạc nhiên và thắc mắc hỏi y câu ấy. Đó là thời gian y mới ra trường, làm việc cùng cơ quan với đội ngũ cán bộ miền Bắc tăng cường. Họ nghèo khổ lam lũ nên đói thì đầu gối phải bò. Họ tìm đủ cách, lợi dụng mọi cơ hội để có thể kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương chết đói: tăng gia sản xuất bán thực phẩm cho bếp ăn tập thể, sửa chữa tân trang, mua đi bán lại xe đạp, xe máy, đồng hồ, quạt điện, ra đi ô… Không có quyền trách họ. Một người như ông Khang cũng ngồi cả buổi sáng tỉ mẩn sửa đài kiếm vài chục bạc không thể hình dung nổi người cũng ngồi cả buổi sáng là y để chép lại, kí họa vẽ vời chân dung các nghệ sĩ để rồi sau đó ai thích thì cho. Theo ông, y là loại người mộng mơ, không thiết thực, vớ vẩn, điên rồ ở một thế giới khác.
          Phải công nhận đời nhiều nhẽ lắm. Nhưng những lời buột miệng, những nhận xét rút ra của những người đã qua thiên ma bách chiết, qua trăm đắng ngàn cay khiến kẻ ta phải suy ngẫm lại. Đành rằng là quan niệm. Nhưng y còn một cái phao nữa. Y nghĩ tới các nghệ nhân dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Những nghệ nhân chỉnh chiêng, đánh chiêng, nhảy múa, đan lát, thổ cẩm, tạc tượng mồ… Họ chưa hề bao giờ “làm” nghệ thuật, “diễn” nghệ thuật. Họ đang sống thực lòng đấy! Cảm hứng như thần linh “nhập” vào họ và họ thể hiện sự hay cơn cao hứng đó. Nó một đi không trở lại. Họ không ý thức đó là hàng hóa để rồi buôn bán nó kiếm lời.Nhưng niềm đam mê và sung sướng của những nghệ sĩ tự thân này trong sáng tạo là vô bờ bến, không có một thứ gì trên đời này có thể đổi chác, mua bán được.
          Vậy thì hãy tôn trọng những cách cảm, cách nghĩ, lối sống riêng của mỗi người.
          Nhưng thật không may gặp buổi cà phê buồn, không biết cất nó vào đâu./.
                                                                             C.A.Đ

                                                                              24.1.14



Hết việc rồi



Đến 15h chiều nay, ngày làm việc cuối cùng của năm quý tỵ 2013, thì quả là tôi đã hết việc rồi, không còn gì để làm nữa. Mọi người đều đã thực sự nghỉ Tết từ cuối buổi sáng sau khi dán niêm phong hết các loại phòng. Chỉ còn lại tôi với tổ bảo vệ. 
Sau khi đi tầm soát một vòng khu vực trường, đến lượt tôi cũng chào các anh trong tổ bảo vệ để ra về.
Phải 15 ngày sau nữa hết đợt nghỉ Tết mới trở lại trường.
Hòa vào dòng người hăm hở lao đi trong những ngày còn lại hiếm hoi của cuối năm cũ trên con đường Âu Cơ quen thuộc vô cùng náo nhiệt, chợt thấy bâng khuâng.  
Ai nói bỏ cái Tết ta đi với bao nhiêu lí do văn minh tiến bộ để dân Việt ta hòa nhập cùng ăn tết tây với nhân loại nhưng tôi thì không đồng ý tẹo nào.
Đằng nào thì cũng một cuộc đời, chẳng việc gì mà phải vội. Thậm chí người ta còn kêu gọi mọi người hãy cố mà sống chậm lại nữa là khác. Hà cớ gì lại bỏ cái Tết ta đi. Nếu bỏ đi thì tôi còn đâu những giây phút bâng khuâng sau khi rời cổng trường và đi chầm chậm trên đường Âu Cơ chiều nay.
Về đến nhà tôi lại lên sân thượng chăm chút cho 2 chậu mai Tết. Mới vặt lá hôm rằm đó mà nay một cây thì nụ đã chi chi chít, một cây thì đã cho ra hoa vàng rực đón Tết sớm.
Đứng trên sân thượng nhìn những chuyến bay chứa đầy hành khách cất cánh từ Tân Sơn Nhất hối hả xé gió xuyên mây lao đi 4 phương trời, lòng tôi lại thấy nao nao.

Một trong hai cây mai ăn Tết sớm. Cây này cho loại hoa 5 cánh vàng sậm rất đẹp lại có hương thơm nên dân Bình Định gọi là hương mai.





23 tháng 1, 2014

Vẫn việc cuối năm



Sáng nay khi đến với hơn 60 SV không có điều kiện về quê phải ở lại SG ăn Tết xa nhà trong một chương trình mang tên "Vui Tết xa nhà" có đủ bánh tét, bánh chưng, giò chả, dưa hành, củ kiệu và cả phong bao lì xì, tôi đã nói SV rằng: Các bạn cũng chẳng nên lấy đó làm buồn phiền lắm, bởi trong đời mỗi con người cũng nên có ít nhất một lần được trải nghiệm cảm giác ăn Tết xa nhà. Đó sẽ là một cảm giác rất lãng mạn mà những người đang về quê ăn Tết với gia đình sẽ không bao giờ có.
Hãy hình dung vào một đêm 30 Tết, ở thời khắc giao thừa, một mình ta nằm trong căn gác trọ nghèo vô cùng yên tĩnh giữa một thành phố đông đúc đến hàng chục triệu con người, một mình ta lặng lẽ đón cả một mùa xuân tới.
Chính bản thân tôi trong đời ở tuổi 18 đôi mươi như các bạn, cũng đã từng có 4 cái tết trải nghiệm cảm giác này. Đó là những năm tôi rời trường đại học đi lính. 
Chỉ sau cái Tết này thôi, tôi tin rằng các bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều.    


                              Hình ảnh: Sáng nay với những SV ở lại SG ăn Tết xa nhà. Tại Cơ sở Âu Cơ VHU.
                                 Tại Cơ sở Âu Cơ - VHU




                              Hình ảnh: Sáng nay tại VHU- Âu Cơ

Với hơn 60 SV không có điều kiện về quê, ở lại SG ăn một cái Tết xa nhà. 


                                  Trao giấy khen


                       Cùng vui chơi