Nhàn đàm
“ĐỂ LÀM GÌ?”
Chử Anh Đào
Chiều cuối năm, gió lạnh hun hút thổi.
Người đi đường không còn hằn lên những lam lũ thời bao cấp chưa xa nhưng ai
cũng hình như tê tái, nỗi niềm. Quanh bàn cà phê Gốc Nhãn, người ta nói đủ
chuyện trên trời dưới đất. Trực tiếp là thời tiết. Năm nay sao mà lạnh kéo dài?
Miền núi phía Bắc đầy tuyết rơi. Một khung cảnh thiên nhiên kì thú. Đã có bao
bức ảnh đẹp. Lương mãi giờ này chưa có. Năm nay chơi gì, mai hay đào, lũa rễ cây
hay độc bình thủy tùng… Y không góp chuyện nhưng trào dâng một nỗi xót xa. Chao
ôi, đổ lỗi cho cái khác thì dễ lắm. Lạnh là do thủng tầng ozôn, do hiệu ứng nhà
kính, do biến đổi khí hậu, thậm chí do suy thoái kinh tế, do các thế lực thù
địch… Y lại khăng khăng nghĩ lạnh là do rừng đã bị phá hoàn toàn. Lũ lụt, người
ta xả “đúng qui trình” nhưng dân chết sai cách cũng là do rừng bị phá… Công
cuộc chặt phá mấy mươi năm cơ bản hoàn thành thì tiếp theo là đào bới. Giá mỗi
gốc cây cũng từ dăm trăm tới cả mấy chục triêu. Hãy đợi đấy! Rễ chúng mày có
sâu bao nhiêu, uống nước nguồn xa cả ngàn cây số cũng không thoát nổi tay chúng
ông. Không biết sau đào bới còn là gì nữa đây? Còn thiên nhiên kì thú ư? Chỉ là
với dân nhà giàu rửng mỡ. Hãy nhìn những em bé Hmông chân trần trong tuyết,
không quần, phong phanh một tà áo, mặt mày nứt toác, bụng dính lưng, cầm cập
run trong buốt giá. Rồi trâu bò vật nuôi, rồi lương thực hoa màu… Năm nay và vài
năm nữa đói là cái chắc!
Chiều đã cạn. Chuyện đã vãn. Người
ngồi bên cạnh hích cùi chỏ vào y: “Này, ông nói một câu gì đi chứ”. Y buột
miệng: “Sẽ kiếm một tờ giấy A3 viết chữ “Mã” thư pháp”. Một người trong nhóm,
cái người mà trong một thời gian dài y đã coi là rất thân, lại “cùng cánh văn
nghệ” với nhau, chỉ mỗi tội con đàn cháu đống, quanh năm quần quật vắt mũi bỏ
miệng, chợt hỏi: “Để làm gì?”
“Để làm gì?” Vài ba chục năm trước
cũng đã có người ngạc nhiên và thắc mắc hỏi y câu ấy. Đó là thời gian y mới ra
trường, làm việc cùng cơ quan với đội ngũ cán bộ miền Bắc tăng cường. Họ nghèo
khổ lam lũ nên đói thì đầu gối phải bò. Họ tìm đủ cách, lợi dụng mọi cơ hội để
có thể kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương chết đói: tăng gia sản xuất bán thực
phẩm cho bếp ăn tập thể, sửa chữa tân trang, mua đi bán lại xe đạp, xe máy,
đồng hồ, quạt điện, ra đi ô… Không có quyền trách họ. Một người như ông Khang
cũng ngồi cả buổi sáng tỉ mẩn sửa đài kiếm vài chục bạc không thể hình dung nổi
người cũng ngồi cả buổi sáng là y để chép lại, kí họa vẽ vời chân dung các nghệ
sĩ để rồi sau đó ai thích thì cho. Theo ông, y là loại người mộng mơ, không
thiết thực, vớ vẩn, điên rồ ở một thế giới khác.
Phải công nhận đời nhiều nhẽ lắm.
Nhưng những lời buột miệng, những nhận xét rút ra của những người đã qua thiên
ma bách chiết, qua trăm đắng ngàn cay khiến kẻ ta phải suy ngẫm lại. Đành rằng
là quan niệm. Nhưng y còn một cái phao nữa. Y nghĩ tới các nghệ nhân dân tộc
thiểu số ở Gia Lai. Những nghệ nhân chỉnh chiêng, đánh chiêng, nhảy múa, đan
lát, thổ cẩm, tạc tượng mồ… Họ chưa hề bao giờ “làm” nghệ thuật, “diễn” nghệ thuật.
Họ đang sống thực lòng đấy! Cảm hứng như thần linh “nhập” vào họ và họ thể hiện
sự hay cơn cao hứng đó. Nó một đi không trở lại. Họ không ý thức đó là hàng hóa
để rồi buôn bán nó kiếm lời.Nhưng niềm đam mê và sung sướng của những nghệ sĩ
tự thân này trong sáng tạo là vô bờ bến, không có một thứ gì trên đời này có
thể đổi chác, mua bán được.
Vậy thì hãy tôn trọng những cách cảm,
cách nghĩ, lối sống riêng của mỗi người.
Nhưng thật không may gặp buổi cà phê
buồn, không biết cất nó vào đâu./.
C.A.Đ
24.1.14
Có những đam mê khi đã ngấm vào thân thì không bỏ được!
Trả lờiXóaCái gì mà đã đam mê có trời mà bỏ. Bởi đó là cái nghiệp.
Xóa