22 tháng 1, 2014

Thơ và lời bình



                                           

                                             NĂM MỚI

                                                Chử Anh Đào

                   Mùa xuân trốn ta về núi
                   Hay ta trốn núi về đây
                   Nhìn dòng sông người cuộn chảy
                   Mủi lòng vương vất sương bay

                   Mở cửa ra là có khách
                   Đóng vào khách vẫn ới ơi
                   Nhà chật không còn chỗ trốn
                   Dằn lòng ló mặt ra thôi

                   Mang về một cành đào núi
                   Trồng ngay cạnh cái tủ tường
                   Hồn đào thoát xác bay mất
                   Khinh khao đào cười trong gương

                   Nhìn rõ mặt mình béo tốt
                   Hỡi ôi xuân núi đâu rồi
                   Tức mình cầm ngay chai rượu
                   Dốc tràn lên mặt lên môi
                                      ( Võ Sa Hà- VNQĐ xuân Giáp Ngọ)

          Võ Sa Hà họ Ngô, gốc Kinh Bắc nhưng đã ba đời ở núi, vùng non nước Cao Bằng. Nhìn tướng Anh,người ta khó có thể phát hiện dấu vết của một liền anh Quan họ thanh lịch đến ẻo lả. Cao to lực lưỡng, ăn sóng nói gió, nghĩ sao nói vậy, không che đạy hoặc vòng vo tam quốc. Và đặc biệt là cái sự “ ăn” rượu đến no thì thôi của Anh. Tôi không ở núi, tôi ở thành phố, mà sao cứ ám ảnh một nỗi buồn bơ vơ xa vắng trong câu thơ của Võ Sa Hà: “ Mùa thu ấy cuối cơn mưa buồn lắm/ Em cùng tôi dời núi xuống đồng bằng”. Núi non, rượu, sơn nữ…chảy tràn trong các sáng tác của Anh với âm điệu gần thì nồng ấm, thân thuộc như chính máu thịt mình; xa thì buồn thương, nhung nhớ, có cảm giác bị nhấc bổng khỏi mặt đất, không còn lí do, căn cứ để tồn tại. Đó cũng là tư tưởng của bài “ Năm mới” trên đây.
          Với tác giả- người đang là giảng viên Ngữ- Văn Đại học Thái Nguyên thì mùa xuân, tết, năm mới chỉ có thể có ở quê Cao Bằng mình thôi. Hai câu hỏi ở những câu thơ đầu thể hiện sự bàng hoàng, thảng thốt. Mức độ ấy gia tăng bởi người đứng bên ngoài cuộc để “ nhìn dòng sông người cuộn chảy” mà mủi lòng, mà tê tái, mà “ vương vất” sương khói nơi  xa ngái quê nhà.
          Ba khổ thơ tiếp theo được trình bày trong một không gian hẹp là căn nhà ngỡ như là tổ ấm, với cung cách tiếp khách kì lạ: “ đóng cửa”, “ trốn”, “ dằn lòng”; Cành đào núi lạc lõng và vô duyên “ cạnh cái tủ tường”, hồn thoát xác bay về núi, chỉ còn là tử thi đào. Ngày tết người ta kiêng nói tới sự chết chóc nhưng cành đào núi của tác giả thì đúng đã là như vậy! Nhà thơ đã xa lạ với ngôi nhà của mình và tột cùng là xa lạ với chính bản thân mình, chán, gớm cho cả chính mình ngay cả khi “ nhìn thấy mặt mình béo tốt”. Câu thơ tiếp theo như một lời than, một tiếng khóc: “ Hỡi ôi xuân núi đâu rồi”. Hành động “ tức mình cầm ngay chai rượu” là sự phản ứng tất yếu, kém hiệu quả, không thể xóa được nỗi cô đơn, nuối tiếc, xót xa…Thế là tan một năm mới vì không được sống cùng xuân núi. Cũng chi tiết cầm chai rượu đó mới đúng là Võ Sa Hà. Đọc câu thơ, tôi mỉm cười và không thể nào quên cái buổi trưa mùa thu Hà Nội mười bảy năm trước, khi hai thằng đánh bệt bên quán cóc vỉa hè khu tập thể ĐH Bách khoa mà “ ăn” rượu tới no thì thôi.
                                                                   PK 21.1.14
                                                                          C.A.Đ

2 nhận xét:

  1. Mở cửa ra là có khách
    Đóng vào khách vẫn ới ơi
    Nhà chật không còn chỗ trốn
    Dằn lòng ló mặt ra thôi
    Chứng tỏ tác giả là một quan to nên lắm người đến biếu quà tết đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó là điều mà các thi nhân nhiều khi cũng hay cường điệu và thi vị hóa sự việc thôi.
      Thế mới gọi là tâm hồn nghệ sĩ.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới