30 tháng 7, 2013

Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

Lời khai mạc Hội lớp Ngữ văn K2 ĐHSP Quy Nhơn
Kỷ niệm 30 năm ra trường
Hội An, 27-7-2013
                                                                                                                                                             Nguyễn Văn Lập (Trưởng Ban tổ chức)


         Kính thưa quý Thầy cô giáo,
Thưa tất cả các bạn thân mến!

Về hội ngộ hôm nay với những mái tóc đã hoa râm, những đôi mắt đã nhiều năm mang kính tuổi, hơn 50 sinh viên của 2 lớp Ngữ văn khóa 2 Trường ĐHSP Quy Nhơn được gặp lại nhau sau 34 năm gặp nhau trên giảng đường đại học. Chúng ta vinh dự biết bao khi được đón tiếp Thầy Nguyễn Thanh Minh, Thầy Hà Tùng Sơn, đại diện cho những Thầy Cô giáo kính yêu của Khoa Ngữ văn, những người đã trực tiếp giảng dạy chúng ta những kiến thức căn bản nhất ở bậc đại học. Chúng ta cũng rất hân hạnh được đón tiếp anh Thái Minh Hoàng, một cán bộ văn phòng khoa, rất tận tụy và có nhiều kỉ niệm gắn bó thân thiết với sinh viên hai lớp chúng ta trong những ngày gian khổ nhất của giai đoạn giữa của thời bao cấp 1979-1983.

Chúng tôi rất cảm động với sự có mặt của những người thầy, người bạn từ hàng trăm, hàng nghìn cây số đã tụ họp về đây hôm nay để chúng ta có dịp ôn lại những dấu ấn khó phai mờ của một thời gian nan khổ luyện. Chúng tôi rất hân hoan gặp lại các bạn từ nhiều vùng miền của đất nước cũng đã vượt qua mọi trở ngại để có mặt hôm nay, được cùng nhau tay bắt mặt mừng và hàn huyên tâm sự sau 30 năm không hề được gặp hoặc có gặp được nhau nhưng rất hiếm hoi.




Cuộc hội ngộ này lẽ ra sẽ được tổ chức tại TP Quy Nhơn, nơi chúng ta đã trải qua 4 năm học tập rèn luyện, với đầy đủ ý nghĩa của nó. Nhưng, đặc biệt năm nay, chúng ta đã nhất trí chọn Thành phố di sản thế giới Hội An - Quảng Nam, với sự giúp đỡ tổ chức của bạn Đinh Hài phối hợp với bạn Nguyễn Văn Nam, làm nơi gặp gỡ đầu tiên của thời kỳ mà chúng ta luân phiên tổ chức họp lớp ở các địa phương khác nhau. Có thể sắp đến sẽ là Phú Yên, hoặc Khánh Hòa, hoặc Quảng Ngãi…

Xin thay mặt Ban tổ chức Hội lớp, tôi xin nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của quý thầy cô và tất cả các bạn hôm nay.

Cũng nhân ngày 27-7, xin trân trọng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ, các thương bệnh binh, gia đình những bạn của lớp chúng ta có thân nhân là thương binh, liệt sĩ 

Thưa thầy cô và các bạn,

Kỳ lạ thay, mới nhập trường đó mà đã nay đã gần 35 năm. Cuộc sống đã trôi đi không bình lặng đối với mỗi một đời người trong quãng thời gian đó. Biết bao đói no, thăng trầm, vinh nhục, sướng khổ, biến thiên trong sự nghiệp và cuộc sống của từng gia đình mỗi người. Vượt lên trên hết, cái đáng quý là chúng ta vẫn đang sống, đang làm việc, đang vẫn luôn để tâm tưởng nhớ về bạn bè chung lớp, vẫn luôn tìm đến nhau để sẻ chia trong những lúc vui buồn.

Trong những giờ phút hội ngộ này, chúng ta hãy thành tâm tưởng nhớ đến những thầy cô và bạn bè đã vĩnh viễn lìa xa chúng ta:
Xin tưởng niệm Thầy Trần Văn Thận, nguyên PHT, dạy môn chuyên đề                         về Truyện Kiều.
Xin tưởng niệm Thầy Nguyễn Văn Giai, nguyên Chủ nhiệm Khoa, dạy môn Văn học Nga Xô viết.
Xin tưởng niệm Thầy Huỳnh Văn Trứ, nguyên Bí thư Chi bộ Khoa, dạy môn Hán Nôm.
Xin tưởng niệm Thầy Nguyễn Khánh Nồng, nguyên Giáo viên chủ nhiệm lớp Văn 2A, dạy môn Ngữ pháp TV và Chuyên đề Chữa câu sai TV.
Xin tưởng niệm Thầy Bùi Văn Lợi, nguyên chủ nhiệm lớp Văn 2A, dạy môn Văn học Việt Nam hiện đại.
Xin tưởng niệm bạn Trần Một, Nha Trang, cán bộ lớp Văn 2B, mất đã hơn 10 năm tại Hoa Kỳ.
Xin tưởng niệm bạn Ngô Thị Lộc, Quảng Ngãi, cựu sinh viên lớp Văn 2A đã ra đi lúc vẫn còn độc thân, xuân sắc.
Xin tưởng niệm bạn Lê Công Tòng, cựu sinh viên lớp Văn 2B, qua đời tại Quảng Nam-Đà Nẵng.
Và mới đây nhất, một bạn vừa qua đời tại Quảng Ngãi, chúng tôi xin thành tâm tưởng niệm bạn Huỳnh Vân Hà, cựu sinh viên lớp Văn 2A.  Trong dịp kỉ niệm 35 thành lập khoa và trường vừa qua, các bạn 2 lớp đã được gặp mặt Huỳnh Vân Hà lần cuối cùng tại Quy Nhơn, đã được bày tỏ tình cảm và sẻ chia về tinh thần lẫn vật chất cho Hà. Tiếc là Hà không thể chờ được để dự họp lớp lần này như mong muốn của Hà.

Gần một trăm sinh viên của 2 lớp Ngữ văn Khóa 2 tham dự chương trình đào tạo những năm 79-83 đầy gian khổ nhưng rất đáng nhớ ấy, theo tôi đó cũng là một sự dấn thân. Chúng ta đã quy tụ về Quy Nhơn để học tập từ nhiều vùng miền trên cả nước, từ Bắc, Trung, Nam, có nhiều bạn đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, có bạn đã từng là cán bộ những năm đầu mới giải phóng. Chúng ta đã chấp nhận khó khăn vô vàn của thời bao cấp, vượt qua nó và có chút ít đóng góp cho xã hội, cho cuộc sống gia đình riêng của mình, tự hào với sự thanh bạch của bản thân, của nghề mình. Đã có những tấm gương vượt qua tai ương để khẳng định mình như trường hợp của bạn Nguyễn Ngọc Hưng, nay là một cây bút thơ tài năng, hội viên Hội nhà văn VN. Đã có những đưa đẩy của cuộc sống khiến cho không ít bạn đã phải chuyển ngành nghề: có người kinh doanh, có người làm công ty doanh nghiệp đến chức Tổng giám đốc, có người vào lính nay đã lên hàm đại tá, có người đã định cư ở nước ngoài, có người mất tích trên đường vượt biển, có người làm đến vụ trưởng, trợ lý cho UV Bộ chính trị, có người là tỉnh ủy viên, giám đốc, trưởng phó phòng, làm VIP ở một số UBND và HĐND cấp Tỉnh, thành phố. Còn đa phần các bạn khác vẫn theo nghiệp phấn trắng bảng đen, hầu hết ở các trường THPT, Trường Chính trị, Trường Trung cấp, Cao đẳng Nghề, CĐSP và Đại học. Một số bạn vẫn còn trong ngành giáo dục nhưng đã chuyến sang làm công tác quản lý, Chánh VP, trưởng phó các phòng ban của các sở GD, phòng GD và các trường ĐHCĐ. Về sự phấn đấu vươn lên trong khoa học, xin thông báo với thầy cô là trong lớp đến nay đã có 10 người đạt học vị thạc sĩ , 4 người đạt học vị tiến sĩ và có một số bạn khác vẫn có dự định đi học lên nữa dù đã vào độ tuổi U60. Một số bạn thuộc diện CB đi học nay đã đến tuổi “rửa tay gác kiếm” trong một vài năm tới.

            
                                   Ảnh rút từ: http://tuongngo.vnweblogs.com

Thưa thầy cô và các bạn,

Quên sao được những năm tháng bộn bề gian khó của thời sinh viên. Chúng ta đã biết thế nào là đói và rét, cái đói của thời còn ăn độn “bánh xe lãng tử” và mì lát, khoai lang. Cái đói của những ngày sướng rơn vì được mấy chị bếp tặng cho miếng cơm cháy. Quên sao được những quán ăn khuya như chè bà Thọ, bánh tai vạt bà Tư Ú, quán cà phê Bà Già, quán bánh xèo vỉa hè bà Báu…Chúng đã góp phần làm dịu đi những cơn đói sau giờ tự học ở khu nội trú OB của anh chị em 2 lớp chúng ta.

Quên sao được cảnh tẳm giặt chung ở giếng nước đầu hồi OB , cảnh nhà vệ sinh xuống cấp đến mức nhiều bạn nam, đa số là CB đi học, phải đi “làm quận công” (ủng lia tia) ở ngoài bãi biển eo Nín thở từ 4-5g sáng. Chúng ta đã nhiều lần bị rận rệp, bị “đàn ta lư” (tức ghẻ ruồi- tiếng Nga gọi là ghe roi-anh hùng)) và bọn “hắc lào” tấn công không thương tiếc. Đã có lúc khu nội trú phải tổ chức ra quân phản kích lũ rệp hút máu SV. Chúng có biết đâu chính những SV này đã từng hiến máu nhiều lần cho thương binh nặng từ chiến trường K (đưa về Quân y viện C13) và đã từng được đặc cách kết nạp Đoàn ngay sau đó.

Quên sao được những ngày tưới rau xanh bằng phân bắc, bán cho nhà bếp rồi được ăn lại những thứ rau xanh ấy. Phân bắc càng nhiều, rau càng xanh, lớp càng được bình bầu xếp loại thi đua cao. Quên sao được những ngày lao động Nam Tăng, thầy trò cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhau cả tháng ở Khu sản xuất. Phá rừng, đốt rẫy, trồng mì, trồng lang, làm lán trại, chặt cây làm củi bán cho trường. Có tiền, thỉnh thoảng cả lớp lại được cải thiện bằng một bữa ăn tươi.

Quên sao được những phong trào mà hai lớp chúng ta đã tham gia hoặc tự đề ra để thực hiện: trang trí phòng học cho toàn trường, phòng ở sạch đẹp, đi lao động Vĩnh Kim, Đồng Hào, đi viết ký tại Trà Bồng, Vĩnh Thạnh… Trong đó có phong trào văn nghệ với vở kịch để đời “ Con cáo và chùm nho” do thầy Nguyễn Văn Giai, CNK,đạo diễn, đã từng đem đi biểu diễn ở vài nơi. Chắc các bạn không quên những diễn viên chính: Đinh Hài trong vai Ê dốp, Hứa Mỹ Hạnh trong vai  Klêa, Bảo Vân trong vai Xan tuýt, Ngô Đình Chiến trong vai A ga na tôt , Đào Kim Phụng trong vai Mê li ta, và Bùi Đức Lục trong vai A bi xi nhi. Quên sao được những tiếng đàn khuya trên hành lang nội trú của Quốc, của Bảo Vân, của Nam . Quên sao được những giờ thể dục với tài năng xà đơn, xà kép của bạn Đinh Hài, những giờ tiếng Việt làm văn của thầy Nồng với trích dẫn “ cái bí hiểm của cha nàng” (lẫy nỏ thần An Dương Vương) trong bài Hứa Mỹ Hạnh, “hóa đá hay hóa ngọc, hóa gì cũng hóa cả mà thôi”(dị bản Mỵ Châu-Trọng Thủy) trong bài của Sơn cận. Và quên sao được tất cả những kỉ niệm đáng khóc đáng cười khác nữa của riêng từng người, từng đôi, từng nhóm bạn…

Quên sao được những thầy cô giáo thỉnh giảng những năm đó. Cô Hoàng dạy VHPT, thầy Lê Trí Viễn, dạy VHVN trung đại, thầy Hoàng Tiến Tựu – VHDG, thầy Lê Văn Chửng- LLVN, thầy Nguyễn Sĩ Cẩn- VHVN trung đại, cô Bích Hải- VHTQ, thầy Trần Ngọc Thêm – NPVB, thầy Lê Hoài Nam- chuyên đề Thanh Tâm Tài Nhân, thầy Cù Đình Tú – Phong cách học, thầy Phan Trọng Luận – Giáo học pháp Văn và nhiều thầy cô giáo khác. Chúng ta may mắn và tự hào vì đã từng được học nghề với những cây đa cây đề ấy. Chúng ta mang ơn tất cả những thầy cô giáo trong ngoài khoa đã trang bị cho chúng ta những kiến thức có giá trị để làm nền cho suốt 30 năm qua.

Một điều cho đến nay vẫn khắc khoải trong lòng nhiều người là: quan điểm đánh giá con người lúc ấy hơi quá bônsêvich, việc nhìn nhận đánh giá đạo đức của sinh viên hơi quá cứng nhắc, có phần ấu trĩ, đã làm đứt gánh giữa đường và chậm tiến độ học tập của một số bạn. Giờ nhìn lại rõ ràng là khoa, trường, BCS lớp lúc bấy giờ đã có một số sai lầm đáng tiếc, nhưng sai lầm ấy có tính lịch sử cụ thể của nó. Không ai có thể cưỡng chống lại được.

Chúng ta tự hào là trong những năm tháng vô cùng khó khăn đó lớp chúng ta là tập thể đầu tiên của trường được vinh dự nhận Bằng khen Tập thể học sinh XHCN do TƯ Đoàn trao tặng vào năm 1980, góp phần quan trọng cho truyền thống của Trường ĐHSPQN trong thời kỳ đầu thành lập.



Thưa quý thầy cô và các bạn

Đã ở vào lứa tuổi 50 có bạn đã gần 60 đã đến lúc “tri thiên mệnh”, chúng ta đã thu hoạch được gì trong hơn nửa đời qua? Chúng ta đã làm được một số điều, chúng ta đã gây dựng nên một gia đình, chúng ta đã đóng góp phần xứng đáng của mình cho xã hội, chúng ta đã ngụp lặn trong bể đời sống để tận mắt nhìn thấy phần nào cái màu xám của lý luận và màu xanh mãi mãi của cây đời. Và chúng ta có thể rút ra được một kết luận là tình bạn của chúng ta là rất đỗi thiêng liêng. Không phải ngẫu nhiên mà đấng tạo hóa đã xui khiến gần 100 con người chúng ta từ khắp nơi về sống với nhau 4 năm dưới mái trường ĐHSPQN. Chúng ta đã có duyên với nhau, và điều đó đã dắt dẫn chúng ta gặp nhau, quan tâm đến nhau trong những năm qua, đã khiến chúng ta gặp nhau hôm nay tại TP di sản thế giới Hội An này, và chính cái duyên đó sẽ tạo điều kiện cho chúng ta gặp nhau những lần khác nữa trong tương lai.

Thay mặt BTC, tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy cô và các bạn đã thu xếp công việc và thời gian để đến dự buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này. Xin đặc biệt cảm ơn bạn Đinh Hài TUV, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, bạn Nguyễn Văn Nam, Giám đốc 1 doanh nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức tiếp đón mọi người hết sức chu đáo và trọn vẹn nghĩa tình. Xin cảm ơn 5-star Palm Garden Resort đã hỗ trợ tổ chức thành công buổi gặp mặt hôm nay. Chúc quý thầy cô và các bạn sức khỏe và hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn.


                                  Trưởng BTC Nguyễn Văn Lập (bên trái)  


                                 Cựu thư kí khoa Thái Minh Hoàng


                        
    Thầy Nguyễn Thanh Minh tại nơi đón tiếp, Riverside Impression Homestay Villa. 


                               Hồ bơi tuyệt đẹp của resort Palm Garden.


                                  Và thảm cỏ đẹp như mơ
  


                                 Dãy Villa của Palm Garden.. 


                         Với bãi biển rất đời người


28 tháng 7, 2013

Họp lớp chủ nhiệm

Thoạt đọc cái đầu đề có thể nhiều người không hiểu. Xin giải thích ngay, lớp chủ nhiệm có nghĩa là cái lớp học mà ngày xưa tôi không chỉ có vô đó dạy mà còn làm GV chủ nhiệm của lớp. Cái ngày xưa đó cách nay đã tròn 30 năm và nay tập thể cựu SV Ngữ văn khóa 2 ĐHSP Quy Nhơn ấy tụ tập nhau lại để họp lớp kỉ niệm 30 năm ngày ra trường. Nơi họp mặt là Hội An. Các cựu SV nguyên là cán bộ lớp như Lập, Miên... trong BTC  gọi vô với lời mời hào phóng: K2 bọn em đã lo cho thầy hết mọi thứ, thầy thu xếp ra dự nhé. 
Tôi vui vẻ nhận lời. 


Xuống Đà Nẵng lúc 15h30 chiều thứ 6 ngày 26/7, tôi được BTC đón về thẳng Hội An.
Một chương trình hội ngộ ngắn gọn nhưng kín mít những nội dung vui chơi, gặp gỡ đầy ý nghĩa.
Ngay chiều hôm đó tôi đã chứng kiến một cuộc châu tuần đầy ắp tiếng cười với những cái đập tay, ôm nhau chặt không thể chặt hơn tại Riverside Impression Homestay Villa. Rất nhiều người trong khóa học này từ ngày ra trường đến nay mới gặp lại nhau, không cảm động sao được.
Tôi đã dự nhiều cuộc họp lớp, nhưng phải nói rằng cuộc này là hoành tráng nhất. Cả ngày hôm sau là một chương trình du lịch, tham quan Cù Lao Chàm, rồi ra Hòn Chồng tắm biển, ăn hải sản.
Chiều lên cano về Cửa Đại nghỉ ngơi ở một nơi cực kì sang trọng là resort 5 sao Palm Garden.
Lại tắm biển với nằm dài trên bãi cát ngắm hoàng hôn Cửa Đại. Và tại nơi này tối hôm qua mới chính thức diễn ra những nghi thức của cuộc hội ngộ cùng với một tiệc buffet hải sản nướng ngon không thể ngon hơn. Tôi vốn thích ăn đồ nướng, nhất là hải sản nướng nên có thể nói đó là một đại tiệc.
Nhưng điều đọng lại sâu xa ở cuộc gặp mặt của lớp SV K2 này là những phát biểu thắm tình bè bạn. Đã có những giọt nước mắt lăn dài trên má khi nhớ về những bạn bè đã đi xa; có nhiều nhất là những tiếng cười giòn tan của các SV khi họ nhắc lại những kỉ niệm xưa ở khu kí túc xá OB trong ĐHSP Quy Nhơn 30 năm về trước. Từ chuyện buồn sang chuyện vui, hết chuyện nọ xọ chuyện kia cứ như là những câu chuyện dài bất tận không bao giờ dứt khiến tôi cũng vui lây và đôi lúc nghĩ mình cũng như là SV trong lớp này chứ không phải là thầy chủ nhiệm. Đúng là nói như trong câu thơ của Chế Lan Viên:
Những chuyện buồn buồn lại thấy vui vui
Những chuyện vui vui lại nghe nhơ nhớ.
Mà thực ra thì khoảng cách giữa tôi với SV khóa 2 này cũng không nhiều nhặn gì. Năm 1979 khi họ tựu trường ĐHSP Quy Nhơn thì cũng năm đó tôi vừa tròn 25 tuổi, tốt nghiệp đại học Vinh được phân công về dạy và cử làm chủ nhiệm lớp. May lắm tôi chỉ hơn những SV trẻ nhất của khóa 2 này 5-7 tuổi là cùng; thậm chí nhiều SV của K2  là những cán bộ đi học như Bảo Vân, Đinh Hài, Nguyễn Văn Lập, Mai Hữu Thu, Trần Thanh Phương… cũng sàn sàn tuổi tôi, có người còn hơn tôi vài ba tuổi. 
Thực sự tôi coi lớp SV khóa 2 này như bạn bè mình.

Ảnh: http://tuongngo.vnweblogs.com

Về họp mặt được mời phát biểu, tôi rất lấy làm cảm động bởi phải đi qua cả một chặng đường dài đến 30 năm, tôi mới lại có cơ hội được nói trước tập thể văn K2. Chỉ có điều khác là 30 năm trước, tôi còn là một GV trẻ, tóc xanh và chưa vợ lại mới chập chững vào nghề; nay thì… tóc đã bạc trắng mái đầu với không biết bao nhiêu là thăng trầm và xê dịch trong cuộc sống. Có điều lạ là trong suốt khóa học 4 năm của lớp văn 2A có đến mấy thầy làm chủ nhiệm thì nay, trừ tôi ra, còn lại những người khác đều đã về với thế giới bên kia. 
Tôi xem đó là một sự may mắn của cuộc đời mình.
Sáng nay rời Hội An chia tay K2, đi một vòng bắt tay và ôm hôn mọi người, tôi lại mong có dịp được trở về với họ.
Trên đường về lại SG, tôi vẫn như nghe vẳng bên tai tiếng nói cười ấm tình bè bạn, thắm nghĩa thầy trò của những cựu SV ngữ văn K2.
Không bao lâu nữa, sang cuối tháng 8 này tôi cũng sẽ đi Vinh họp lớp đại học kỉ niệm 34 năm ngày ra trường. Để rồi tôi cũng lại được sống với những cảm xúc  của thuở học trò như họ.

   
                                        Nơi đón tiếp 


                                      Nơi nghỉ ngơi và tổ chức cuộc gặp


Trưởng BTC - cựu lớp trưởng 2A Nguyễn Văn Lập (thứ 3 từ trái sang) cùng các cựu SV khác trong BTC như Đinh Hài, Bảo Vân, Mai Hữu Thu, Mai Xuân Miên... đều rất bận rộn


                               Cựu SV Kim Tân rất chăm thu hình


                                     Trò Lập và thầy 2 Minh (cựu phó khoa)


            Căn nhà giản dị trong resort Palm Garden nơi ở của tôi và lão 2 Minh.


              Sáng nay dậy, ra biển ngụp lặn về, tôi nằm đung đưa trên cái võng này


            Còn lão 2 Minh khoan khoái ngồi trước cửa nhấm nháp cafe rít thuốc lá


 Rồi lão mặc đồ đẹp vào và bảo mày bấm cho tao 1 kiểu thật hoành tráng. Tính lão này thế, thích hoành tráng.


                              Bấm luôn cho em Thu Hương lớp A một kiểu làm kỉ niệm


                                   Về lại Sài Gòn và hẹn ngày tái ngộ

       

24 tháng 7, 2013

Bộ cũng vụng

Vậy là chiều nay đã kết thúc việc chấm kiểm tra cho mùa tuyển sinh 2013.
Khác với mọi năm, chấm kiểm tra chỉ diễn ra khi chấm chính thức đã xong đâu đấy, năm nay cả hai việc chấm gần như diễn ra đồng thời. Tôi được Trường KTL giao phụ trách vụ chấm kiểm tra với một tổ chấm văn khối D rất nghiêm túc và thận trong.
Nhờ đi chấm TS mới thấy ở việc ra đề thi cũng như bản hướng dẫn chấm thi do Bộ GD-ĐT thực hiện có vấn đề dù không nghiêm trọng lắm.
Chẳng hạn Câu 1 phần chung cho tất cả thí sinh (Câu này 2,0 điểm):
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013), Nguyễn Tuân từng nhìn “Sông Đà như một cố nhân”.
Người “cố nhân” ấy có tính nết như thế nào? Cách ví von này có ý nghĩa gì?”
Đọc qua một lần tôi đã thấy cụm từ Người “cố nhân” có cái gì thừa. Thì đó chính là chữ “người” trong Người “cố nhân”. Trong đề thì trên, nếu bỏ chữ “người” đi thì có ảnh hưởng gì đến nghĩa của câu không. Rõ ràng là không. Bởi đã có “nhân” rồi thì thôi “người” là hoàn toàn có thể.
Trong trường hợp này, nếu là người chấm văn cho đề thi trên, tôi sẽ theo thói quen mà phê vào bên lề mấy chữ “dđ vụng” (diễn đạt vụng). 


Đó là chưa nói khi dẫn tên tác phẩm của Nguyễn Tuân  “Người lái đò Sông Đà”  với chữ “Sông” viết hoa, Bộ lại mắc thêm một lỗi chính tả nữa. Chữ “sông” trong tên tác phẩm của Nguyễn Tuân không phải là danh từ riêng và vì thế không tội tình gì mà phải viết hoa nó cả, chỉ cần viết hoa mỗi tên con sông đó - “Đà” là đủ.
Ngay khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi đã gõ vào thanh tìm kiếm của google tên tác phẩm trên của Nguyễn Tuân thì đã cho ra 71.000 kết qủa với chữ “sông Đà” trong đó chữ “sông” không viết hoa.
Xem sang phần Hướng dẫn chấm thi (tài liệu này chỉ có CB chấm thi mới có), cũng ở câu 1 trong đề thi trên, Bộ DGĐT hướng dẫn: “Câu này yêu cầu thí sinh tái hiện lại kiến thức và thông hiểu, lí giải về ý nhĩa của chi tiết Sông Đà như một cố nhân trong tùy bút Người lái đò Sông Đà; cần trình bày ngắn gọn, súc tích.”
Đọc đến phần hướng dẫn này, tôi đã dùng bút chấm thi khoanh ngay vào cụm từ “tái hiện lại” bởi vẫn thấy ở đây một lỗi “Dđ vụng” nữa.  Tái=lại. Vậy đã dùng “tái” thì xin miễn cho chữ “lại”.
Nói Bộ cũng vụng là vậy.  


Không phải là vạch lá tìm sâu nhưng với đề thi, nhất là đề thi tuyển sinh đại học thì không cho phép có những lỗi sơ đẳng như vậy. Nó phải là một chuẩn mực của văn phạm.
Nhưng thôi, cho qua. Vì thi thì cũng đã thi rồi, chấm thì cũng đã chấm rồi.
Cũng như mọi năm, nhờ vụ đi chấm tuyển sinh mà gặp lại nhiều bạn bè đồng nghiệp và học trò cũ. Nhất là gặp lại cái cổng trường đơn sơ giản dị có lẽ là vào hàng bậc nhất trong hàng mấy trăm trường đại học trên cả nước ta. Và đó cũng là cái cổng trường đại học mà tôi thích nhất. Nhìn nó không khác gì cổng của một công trường đang xây dựng.  Nó hoàn toàn khác hẳn với những cái cổng trường bạc tỉ phô trương kệch cỡm mà rỗng tuếch lại sặc mùi tham nhũng của rất nhiều trường đại học, cao đẳng mà tôi đã từng thấy, đã từng bước qua. Tôi nghĩ, với một trường đại học danh tiếng và không kém phần giàu có như Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc ĐH Quốc gia TP. HCM thì không thiếu gì tiền để xây một cái cổng bạc tỉ. Nhưng Trường KT-L đã chỉ làm một cái cổng đơn sơ như vậy bởi cái mà họ cần và đang có chính là chất lượng đào tạo mà rất nhiều đại học bạn phải kính nể và rất nhiều học sinh lớp 12 trên cả nước mơ ước được là SV của Nhà trường.

Nói chuyện này, tôi nhớ một lần xem TV đã thấy một điều khác lạ là ở Đại học Harvard lừng danh thế giới của nước Mĩ thì chẳng những bờ tường không có mà ngay cả cái cổng, dù là đơn sơ như cổng của trường Kinh tế - Luật TP. HCM, cũng không có nốt. 

Đó là một dụng ý sâu xa mà chỉ có những cái đầu tầm Harvard mới có được.  

Tôi kính nể trường ĐH Kinh tế - Luật TP. HCM cũng là vì thế.

                        
      Một tòa nhà rất hiện đại của trường KT-L với cái cổng trường rất giản dị

 

                                    Mặt sau cổng ĐH Kinh tế - Luật nhìn  từ lầu 6


                  Đối diện với ĐH KT-L là khu chế xuất Linh Trung với Samsung Vina

 

  Xem thêm: 

                        http://hatungson.blogspot.com/2012/07/en-hen-lai-lenlinh-trung.html

 

 

 

 

 

 

13 tháng 7, 2013

Chắc là con ba



Đang bữa cơm trưa, vợ tôi kể chuyện sáng nay đi chợ mua rau, thấy cô bán rau giao cho đứa con gái chừng 5 tuổi một rổ trái cây ngồi bên cạnh và dặn: Ai mua thì con bán 20 ngàn 1 kí nhen. Con bé nói lại: Sao đắt dzậy, bán rẻ chút đi. 
Cả nhà tôi nghe rồi cười thú vị. Bởi đó chính là sự hồn nhiên trong sáng của trẻ con, thứ mà càng lớn lên con người ta càng bị mất đi.
Con gái lớn bình luận: Con bé đó chắc con ba. Vợ tôi bảo: Không con thì cũng cháu ba mày.
Con gái út nghe vậy chỉ cười tủm. Tính con bé này thế, rất kiệm lời.
Tôi ớ ra. Vì sao phe đa số của nhà tôi lại gán con gái chị bán rau ngoài chợ Sơn Kì cho tôi. Giả sử tôi mà có con rơi thì cũng rơi ra ở trường đại học hoặc đài truyền hình là những nơi tôi đã có hàng chục năm làm việc chứ làm sao lại rơi ra ở ngoài chợ là môi trường xa lạ với tôi nhất.
Mãi lúc sau tôi mới tự hiểu ra. Ý là vợ con tôi lâu nay vẫn kết cho tôi cái tội chuyên mua đắt bán rẻ.  Tỉ như mua cái gì của ai cũng sợ mua rẻ của người ta; bán cái gì cho ai cũng sợ bán đắt cho họ. Bởi tôi thấy nếu làm ngược lại, mua rẻ bán đắt,  là có lỗi với thiên hạ.
Gần đây nhất tôi đã bị vợ con kiểm điểm vì cái vụ cho thuê nhà. Chả là có cái căn hộ bỏ không, đem cho thuê. Cả nhà đã thống nhất giá cho thuê là 4 triệu/tháng. Gặp bên cho thuê là hai vợ chồng trẻ với thằng cu con dễ thương nhìn dáng cũng không dư dật gì. Anh chồng cứ ấp a ấp úng muốn vợ tôi bớt cho vài trăm. Thấy hoàn cảnh bên thuê cũng tội và cũng có lí tôi phán luôn: Thôi, cô chú bớt cho các cháu 300, còn 3 triệu 7/tháng. Cặp vợ chồng trẻ nghe vậy sướng rơn lấy giấy bút ra kí hợp đồng thuê luôn 2 năm. Tôi đế thêm: Vậy là khôn đấy. Các cháu kí luôn hai năm, cô chú có muốn tăng giá cũng không được.
Bên thuê cười rạng rỡ như bắt được của còn vợ tôi lườm tôi như kẻ thù.
Về đến nhà còn bị hai con gái xúm vô nhắc nhở là lần sau mấy vụ tiền bạc ba không được lên tiếng, để mẹ quyết định. Vẫn biết thế nhưng nếu tôi không vội lên tiếng thì vợ tôi sẽ kiên định mức 4 triệu thì tội cho người ta. Người mà phải đi thuê nhà để ở là người nghèo rồi. Giúp họ chút đỉnh cũng tốt mà.
Với tôi, đó là lỗi đã thành hệ thống.
Mấy năm trước, có cái nhà ở Qui Nhơn, muốn bán tỉ mốt, nhưng ngồi nói chuyện với người mua tôi lại thay mặt họ bớt đi cho cái mốt để còn lại bán tròn 1 tỉ. Bởi vậy mà nói chưa xong họ đã đồng ý mua liền, làm giấy tờ đặt cọc ngay.
Có cái xe máy đã cũ muốn bán để thay xe mới, vợ tôi bảo 10 triệu thì bán được. Gặp người mua trả 9 triệu rưỡi, tôi bán luôn rồi bỏ thêm 500 tiền café ăn sáng cho đủ 10 triệu đưa cho vợ.
Đang mở cửa cổng, thấy cái xe đạp với người bán chổi với đủ các loại chổi đi qua ngân nga: Ai chổi không… Thấy tôi chăm chú nhìn, chị bán chổi dừng lại: Chú mua cho con 1 cái nhé. Tôi đang cần 1 cái quét lá cây trên sân thượng nên hỏi luôn: Cái này bao nhiêu. 35 ngàn chú, chổi tốt đấy, bền lắm. Mua xong cầm vào vợ tôi bảo: mấy con mụ đi bán rong là điêu toa lắm, chổi này ngoài chợ chỉ 30 ngàn là cùng. Ông chỉ dư tiền cho chúng nó.
Đại khái chuyện mua đắt bán rẻ của tôi là thế. Và vì thế mà tôi có thêm đứa con rơi là cô bé 5 tuổi con người bán rau ngoài chợ.    

       

8 tháng 7, 2013

Về quê ăn giỗ

Thứ bảy mới rồi là ngày giỗ bà nội tôi. Trước đó cả tháng ba tôi gọi vô bảo: Cả đời ba chưa thấy con về giỗ ông bà bao giờ, lần này giỗ bà nội con về thử một lần nhé. Tôi ngẩn cả người. Đúng là từ bé đến nay, tôi chưa hề một lần dự đám giỗ ông bà tôi thật. Vậy là dịp này tôi quyết chí về dù công việc ở nhiệm sở mà tôi chịu trách nhiệm đang lúc bời bời. Đám giỗ diễn ra vào thứ 7 nhưng đường về quê tôi chỉ tuần 3 chuyến bay, chuyến về rơi vào thứ 5, chuyến trở lại rơi vào thứ 2, có muốn về sát nút cho đỡ mất thì giờ cũng không được. Vậy là cả đi lẫn về mất 5 ngày.  Sáng thứ 5 tuần trước về quê, sáng nay mới vô lại được SG.

Không hẹn mà gặp, ba mẹ con cô em gái tôi sống ở Cần Thơ tranh thủ dịp hè cũng về quê ăn giỗ và ở lâu thăm cha mẹ lại bay cùng chuyến. Chiều thứ 4 cả 3 mẹ con lên SG ở chơi ngủ lại nhà tôi, sáng dậy cùng ra Tân Sơn Nhất. Thật là dịp vui hiếm có. Về đến nhà ba mạ tôi vui hơn cả Tết.

Ở quê tôi ăn giỗ vào buổi trưa. Vì thế cả nhà từ sáng tinh mơ đã dậy nấu nướng. Riêng tôi được mạ tôi giao nhiệm vụ cắt tiết và vặt lông 5 chú gà trống choai, một việc mà đã vài chục năm nay tôi không còn làm. Khi 5 chú trống choai đã khỏa thân sạch sẽ thì cái lưng tôi cứng đơ ra, tưởng như không đứng thẳng lại được nữa. Lần đầu tiên tôi được thực tế câu “nhà có đám” là như thế nào. Tất cả có 5 mâm. Con cháu trong nhà mất 3 mâm, 2 mâm mời bà con trong họ và hàng xóm láng giềng. Cụng li rôm rả vô cùng.

Sáng nay đi, ba tôi tiễn ra ngõ còn dặn: Tháng 8 tới là giỗ ông nội, con về lần nữa nhé. Ôi trời. Con xin ba. Mạ tôi thì nói: ba dặn vậy thôi, khi nào con rảnh thì về chơi, không nhất thiết phải nghe đâu.

Ba tôi năm nay đã 94 tuổi, mạ tôi 84 – những cái tuổi sóng sánh còn hơn cả bát nước đầy, chín còn hơn cả chuối chín cây. Tôi nghĩ thầm: nội chuyện tuổi tác của 2 cụ cũng đã đủ cho tôi bất thình lình phải về quê lắm rồi, cứ gì phải có đám giỗ ông bà nội nữa.
Ra đi vừa vui vừa ngùi ngùi. Không dám ngoảnh lại.  Hễ có dịp là tôi lại về không cứ gì đám giỗ.

                                                Ba mẹ con cô em gái ở TSN
              

80 phút sau nhìn xuống đã thấy Đồng Hới qua ô cửa. Tôi không biết cây cầu nhìn thấy từ trên cao này là cầu Dài hay cầu Nhật Lệ


             Đồng Hới đây rồi. Chụp cho ba mẹ con cô em gái một kiểu làm kỉ niệm 


                                             Thêm kiểu nữa


Anh em cậu cháu tôi trở về quê trên chiếc Airbus A321 của hãng Cambodia Angkor Air. Lần đầu tiên tôi đi trên một chiếc máy bay của Campuchia


                              Về tới nhà rồi. Vẫn cổng ngõ với ngôi nhà xưa cũ.


                 Vườn tiêu năm nay mạ tôi thu hoạch khá, được cả chục triệu đồng


                               Ban thờ đã sẵn sàng cho ngày giỗ


   Phòng ngủ ba mạ tôi đơn sơ nhưng vẫn có điều hòa nhiệt độ để chống chọi với gió lào


Thằng cháu con cô em út chưa đầy 24 tháng tuổi. Phía sau là ba tôi với góc đọc báo quen thuộc và tờ Nhân dân trên tay. Trong nữa là bé ô sin đang dọn dẹp.


                                 Góc bếp quen thuộc của mạ tôi


Chú mực 4 mắt, dù mỗi năm tôi chỉ về 1 lần nhưng chỉ mới bước chân vào ngõ nó vẫn nhớ vẫy đuôi chào


                                       Ô sin 18 tuổi cao 1m nên có tên là Còi