24 tháng 7, 2013

Bộ cũng vụng

Vậy là chiều nay đã kết thúc việc chấm kiểm tra cho mùa tuyển sinh 2013.
Khác với mọi năm, chấm kiểm tra chỉ diễn ra khi chấm chính thức đã xong đâu đấy, năm nay cả hai việc chấm gần như diễn ra đồng thời. Tôi được Trường KTL giao phụ trách vụ chấm kiểm tra với một tổ chấm văn khối D rất nghiêm túc và thận trong.
Nhờ đi chấm TS mới thấy ở việc ra đề thi cũng như bản hướng dẫn chấm thi do Bộ GD-ĐT thực hiện có vấn đề dù không nghiêm trọng lắm.
Chẳng hạn Câu 1 phần chung cho tất cả thí sinh (Câu này 2,0 điểm):
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013), Nguyễn Tuân từng nhìn “Sông Đà như một cố nhân”.
Người “cố nhân” ấy có tính nết như thế nào? Cách ví von này có ý nghĩa gì?”
Đọc qua một lần tôi đã thấy cụm từ Người “cố nhân” có cái gì thừa. Thì đó chính là chữ “người” trong Người “cố nhân”. Trong đề thì trên, nếu bỏ chữ “người” đi thì có ảnh hưởng gì đến nghĩa của câu không. Rõ ràng là không. Bởi đã có “nhân” rồi thì thôi “người” là hoàn toàn có thể.
Trong trường hợp này, nếu là người chấm văn cho đề thi trên, tôi sẽ theo thói quen mà phê vào bên lề mấy chữ “dđ vụng” (diễn đạt vụng). 


Đó là chưa nói khi dẫn tên tác phẩm của Nguyễn Tuân  “Người lái đò Sông Đà”  với chữ “Sông” viết hoa, Bộ lại mắc thêm một lỗi chính tả nữa. Chữ “sông” trong tên tác phẩm của Nguyễn Tuân không phải là danh từ riêng và vì thế không tội tình gì mà phải viết hoa nó cả, chỉ cần viết hoa mỗi tên con sông đó - “Đà” là đủ.
Ngay khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi đã gõ vào thanh tìm kiếm của google tên tác phẩm trên của Nguyễn Tuân thì đã cho ra 71.000 kết qủa với chữ “sông Đà” trong đó chữ “sông” không viết hoa.
Xem sang phần Hướng dẫn chấm thi (tài liệu này chỉ có CB chấm thi mới có), cũng ở câu 1 trong đề thi trên, Bộ DGĐT hướng dẫn: “Câu này yêu cầu thí sinh tái hiện lại kiến thức và thông hiểu, lí giải về ý nhĩa của chi tiết Sông Đà như một cố nhân trong tùy bút Người lái đò Sông Đà; cần trình bày ngắn gọn, súc tích.”
Đọc đến phần hướng dẫn này, tôi đã dùng bút chấm thi khoanh ngay vào cụm từ “tái hiện lại” bởi vẫn thấy ở đây một lỗi “Dđ vụng” nữa.  Tái=lại. Vậy đã dùng “tái” thì xin miễn cho chữ “lại”.
Nói Bộ cũng vụng là vậy.  


Không phải là vạch lá tìm sâu nhưng với đề thi, nhất là đề thi tuyển sinh đại học thì không cho phép có những lỗi sơ đẳng như vậy. Nó phải là một chuẩn mực của văn phạm.
Nhưng thôi, cho qua. Vì thi thì cũng đã thi rồi, chấm thì cũng đã chấm rồi.
Cũng như mọi năm, nhờ vụ đi chấm tuyển sinh mà gặp lại nhiều bạn bè đồng nghiệp và học trò cũ. Nhất là gặp lại cái cổng trường đơn sơ giản dị có lẽ là vào hàng bậc nhất trong hàng mấy trăm trường đại học trên cả nước ta. Và đó cũng là cái cổng trường đại học mà tôi thích nhất. Nhìn nó không khác gì cổng của một công trường đang xây dựng.  Nó hoàn toàn khác hẳn với những cái cổng trường bạc tỉ phô trương kệch cỡm mà rỗng tuếch lại sặc mùi tham nhũng của rất nhiều trường đại học, cao đẳng mà tôi đã từng thấy, đã từng bước qua. Tôi nghĩ, với một trường đại học danh tiếng và không kém phần giàu có như Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc ĐH Quốc gia TP. HCM thì không thiếu gì tiền để xây một cái cổng bạc tỉ. Nhưng Trường KT-L đã chỉ làm một cái cổng đơn sơ như vậy bởi cái mà họ cần và đang có chính là chất lượng đào tạo mà rất nhiều đại học bạn phải kính nể và rất nhiều học sinh lớp 12 trên cả nước mơ ước được là SV của Nhà trường.

Nói chuyện này, tôi nhớ một lần xem TV đã thấy một điều khác lạ là ở Đại học Harvard lừng danh thế giới của nước Mĩ thì chẳng những bờ tường không có mà ngay cả cái cổng, dù là đơn sơ như cổng của trường Kinh tế - Luật TP. HCM, cũng không có nốt. 

Đó là một dụng ý sâu xa mà chỉ có những cái đầu tầm Harvard mới có được.  

Tôi kính nể trường ĐH Kinh tế - Luật TP. HCM cũng là vì thế.

                        
      Một tòa nhà rất hiện đại của trường KT-L với cái cổng trường rất giản dị

 

                                    Mặt sau cổng ĐH Kinh tế - Luật nhìn  từ lầu 6


                  Đối diện với ĐH KT-L là khu chế xuất Linh Trung với Samsung Vina

 

  Xem thêm: 

                        http://hatungson.blogspot.com/2012/07/en-hen-lai-lenlinh-trung.html

 

 

 

 

 

 

2 nhận xét:

  1. Lỗi rất đời thường phải không bạn? Đọc nghe rất xuôi tai nhưng lại sai. Đáng trách lại ra đề để chấm văn mới đáng nói. Như kiểu Ngày sinh nhật, Sông Hương Giang, Sông Nhuệ Giang...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mới có cái để nói. Chán thế. Đúng là làm bộ.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới