Tôi
nghe tin dữ mà bàng hoàng. Vậy là một trong những người Thầy mà tôi ngưỡng mộ đã
đi mãi rồi sao.
Thầy
Nguyễn Cảnh Phức quê ở Nam Đàn, Nghệ An, là Thầy dạy Hán Nôm cho lớp đại
học của tôi với những Nguyễn Trung Ngọc, Nguyễn Duy Xuân... Học tiếp lên cao học, Thầy lại dạy tiếp Hán
Nôm cho tôi và Chử Anh Đào... Dù dạy cả đại học và cao học, ngoài tấm bằng đại
học, Thầy không có học vị tiến sĩ hay học hàm PGS, GS như nhiều giảng viên khác
nhưng cả đám học trò chúng tôi rất ngưỡng mộ Thầy, coi thầy như một vị đại sư
bởi học vấn uyên thâm của Thầy. Không có từ ngữ gì mà thầy không biết. Thầy như
một pho từ điển sống của lớp cao học 6 chúng tôi hồi ấy.
Nhớ
nhất là cứ sau mỗi buổi lên lớp, Thầy luôn dành 15 phút cho tiết mục mà Thầy đặt
tên là Bạn hỏi chúng tôi trả lời (không hề giống mục Dân hỏi bộ trưởng trả lời vô thưởng vô phạt nghe đến phát bực của vê tê vê tẹo nào nhé). Trong
15 phút quí báu đó, chúng tôi hỏi Thầy về bất cứ từ ngữ đông tây kim cổ nào mà mình không giải
nghĩa được hay còn hiểu một cách tù mù. Mà tiếng Việt ta thì thiếu gì từ mình
vẫn nói hằng ngày nhưng khi cần cắt nghĩa cụ thể thì bí rì rị. Vậy mà chúng tôi
hỏi tới đâu Thầy giải nghĩa cứ là vanh vách tới đấy. Tôi và bạn bè trong lớp phục
lăn Thầy.
Nhớ
nữa là những hôm làm bài dịch, Thầy đưa ra những bản Hán Nôm in đến mấy trang roneo.
Chúng tôi dịch thì ít đoán mò thì nhiều. Nhiều từ bí dịch không được đoán không
ra bèn làm bộ hỏi Thầy đây là chữ gì ạ, Thầy in mờ quá em đọc không ra. Thầy
cười hóm hỉnh: Có mà đầu óc các anh mờ thì có chứ tôi in mấy khi mờ. Chịu khó
suy nghĩ sẽ sáng ra đấy. Thầy nói vậy mà chúng tôi chẳng ai thấy tự ái hay giận hờn gì Thầy vì quả thực càng học lên cao càng tự thấy đầu óc chúng tôi cũng có những vùng mờ.
Bây giờ, trong đầu tôi có được những chữ gì một phần chính là nhờ cách dạy chân phương mà hiệu quả thiết thực của Thầy hồi đó.
Bây giờ, trong đầu tôi có được những chữ gì một phần chính là nhờ cách dạy chân phương mà hiệu quả thiết thực của Thầy hồi đó.
Sau
này ra trường, chúng tôi lại đi làm thầy và luôn nhớ về Thầy. Nhiều bạn đã viết
bài về Thầy, tấm gương sáng đầy giản dị mà tôi không bao giờ quên. Xin đăng lại
đây hai bài của Nguyễn Duy Xuân và Chử Anh Đào viết về Thầy Nguyễn Cảnh Phức
như thắp một nén hương thơm tưởng nhớ Thầy.
Cầu
mong Thầy được an giấc ngàn thu.
Thầy
tôi
Nguyễn
Duy Xuân
Kính
tặng thầy Phức, cô Tứ
Biết
thầy từ lâu nhưng mãi đến sau này khi vào Đại học Vinh tôi mới được gặp thầy.
Đó là một buổi chiều mùa đông sau khi nhập học xong, cữ vào dịp cuối tháng mười
một tây, thằng bạn cùng làng bên khoa Toán đến kí túc xá rủ tôi tới khu cán bộ
thăm thầy. Lúc bấy giờ, trường mới chuyển từ nơi sơ tán về được một thời gian
nên cơ sở vật chất còn tạm bợ. Trừ giảng đường đúng hơn là các phòng học được
xây theo kiểu nhà cấp 4 còn thì nhà ở của cán bộ, giáo viên và kí túc xá sinh
viên đều làm bằng tranh tre nứa lá. Trên mỗi dãy nhà, ba bốn cặp
tre to giằng chéo qua mái chắc là để chống bão, đầu mỗi cây tre nhô cao như mũi
chông, xiên thẳng lên bầu trời. Có lẽ đấy là hình ảnh ấn tượng đọng lại trong
kí ức một thời sinh viên của tôi về ngôi trường đại học trên mảnh đất mà trước
đó không lâu còn nóng bỏng khói lửa chiến tranh.
Nơi ở và
làm việc của thầy là một nửa gian nhà được ngăn bằng phên nứa, vừa đủ để đặt
cái giường một, cái tủ gỗ nhỏ và bộ bàn ghế. Gọi là bộ bàn ghế cho oai nhưng
thực ra chỉ mỗi cái bàn mộc và một cái ghế tựa. Giá có thêm vài ba cái ghế nữa
thì cũng chẳng biết để vào đâu. Khách đến chơi thì cái giường một bỗng biến
thành “xa lông” bất đắc dĩ.
Tôi để ý
thấy dưới gậm giường chất đủ thứ, nhưng ấn tượng nhất là mớ củi khô. Hèn gì lúc
sáng ngồi trong lớp học, qua khung cửa sổ nhìn ra khu bãi hoang bên cạnh, tôi
thấy bóng dáng một người đàn ông, đầu đội nón lá, lúi húi gom nhặt từng cành
cây dại đã khô. Đó là thứ mà có lẽ thầy là người duy nhất ở trường này chịu khó
tìm kiếm làm chất đốt, bởi thời bao cấp đến que củi cũng phải phân phối bằng
tem phiếu. Chúng tôi hỏi thầy sao không ăn cơm tập thể cho tiện. Thầy bảo cái
bụng mình nó khó tính lắm, cơm thì khi sống, khi nhão, bo bo, bắp hạt thì nhá
không được, hại cái dạ dày quá nên đành phải chịu khó nấu lấy thôi. Lúc ấy tôi
chỉ là một cậu bé ở quê mới ra tỉnh, cái sự hiểu biết còn nông như đít đĩa, sau
này ngẫm lại mới thấy xót xa. Thời ấy, cả hàng xã, hàng huyện mới có một thầy
giáo dạy đại học, thế mà cuộc sống của các thầy sao cơ cực quá. Đó là những kỉ
niệm thật khó phai mờ trong cuộc đời tôi. Sau này chúng tôi tiếp bước thầy, lại
cũng cảnh cơm niêu nước lọ. May mà đất nước đã kịp đổi thay.
Làng tôi
chỉ cách làng thầy một con đê Tả Lam. Làng thầy ở phía ngoài bãi sông, gọi là
xóm “Vụng” bởi cạnh làng có cái đầm to tướng, mùa hè nở đầy hoa sen.
Buổi trưa nào bọn trẻ chúng tôi cũng rủ nhau đi tắm vụng, khi về lấy lá
sen làm nón che cái nắng gay gắt tháng sáu và thế nào cũng tìm cách trộm cho
bằng được nếu không là một bông hoa, thì cũng là một gương sen đã ních hạt. Tôi
đã ra nhà thầy đôi ba lần. Đó là những lúc mẹ tôi dẫn tôi đến nhờ ông cụ cắt
may khi thì quần áo mới để đón tết, khi thì cái xắc đựng sách vở chuẩn bị vào
năm học mới. Con đường ngoằn nghèo rụng đầy lá tre khô và hình như có leo một
con dốc nho nhỏ bởi những ngôi nhà ở xóm Vụng thường phải đắp cao nền để tránh
lũ. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông cụ thân sinh của thầy. Đó là
một ông lão dáng tầm thước, nho nhã, lúc nào cũng bận quần áo lụa, đi guốc mộc.
Nhìn ông râu tóc như cước, gương mặt hơi gầy bởi tuổi già nhưng phúc hậu, tôi
cứ ngờ ngợ. Về tới nhà, tôi lục tìm cuốn sách của nhà xuất bản Kim Đồng lần giở
các trang. Ủa, sao lại giống ông thế nhỉ ?
Tôi
không biết gì nhiều về gia đình thầy, vì lớn lên là đã xa nhà, xa quê biền biệt
cho đến hôm nay, nhưng tôi hiểu đó là một gia đình gia giáo. Tôi cảm nhận được
cái nho nhã, hiền từ, phúc hậu từ ông bà cụ thân sinh hiển hiện trên gương mặt,
tính cách của những người con trong đó có thầy. Có cái gì trùng hợp chăng khi
sau này thầy chọn cho mình nghề giáo và hơn thế nữa là giáo viên dạy Hán-Nôm.
Bây giờ
không còn xóm Vụng nữa. Phong trào “thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang
sơn” những năm bảy tám mươi của thế kỉ trước đã đưa cả xóm vào trong đồng.
Nhà thầy giờ gần nhà tôi hơn. Thi thoảng về quê, tôi lại sang thăm thầy cô.
Thời gian in dấu trên gương mặt hai người nhưng nét nho nhã truyền thống của
gia đình và chất nhà giáo vẫn đậm trong mỗi lời nói, cử chỉ. Tôi học thầy những
năm tháng ở đại học nhưng tôi còn được học cô hồi ở phổ thông. Cô là giáo viên
chủ nhiệm khi tôi vào lớp 8. Có lẽ chất văn trong huyết mạch của tôi được
truyền từ cảm hứng của cô – một giáo viên trẻ mới ra trường, qua những bài
giảng văn thuở ấy ?
Nhớ lại
cách đây mấy năm, thầy vào thỉnh giảng ở Đại học Tây Nguyên. Ấy là khi thầy vừa
mới nghỉ hưu, anh bạn tôi làm chủ nhiệm khoa Sư phạm bên ấy muốn tạo điều kiện
cho thầy kết hợp chuyện giảng dạy với thăm thú Tây Nguyên. Hôm vợ chồng tôi đến
thăm, thầy khoe bữa nay nghỉ hưu rồi, thư thả mới có dịp đi xa thế này. Đây là
lần đầu tiên mình vô Tây Nguyên đấy, mà cũng là lần đầu tiên được đi máy bay.
Chao ôi, tôi thầm nghĩ, cả một đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, không
một chút bon chen, tính toán, đến khi nghỉ hưu rồi mới được nếm chút ít hạnh
phúc mà lẽ ra một giảng viên đại học lâu năm như thầy phải được hưởng từ lâu,
từ khi đang còn trên giảng đường đại học.
Thầy lúi
húi mở cặp sách, đoạn rút ra một tập giấy báo và nói với tôi, mình có cái này
cho cậu. Thầy vẫn giữ cách xưng hô với học trò như thế, như cái ngày chúng tôi
còn là những cô cậu mới ngơ ngác nhập trường. Tôi đón lấy và mở xem. Thì ra đây
là những tác phẩm của thầy đăng trên tạp chí chuyên ngành. Có những bài vừa mới
đăng trước lúc thầy vào Tây Nguyên không lâu. Tôi xúc động thật sự, bởi ý
nghĩa sâu xa của món quà độc đáo này. Thầy không tự đề cao mình, bởi đó không
phải là bản tính của thầy. Cũng không phải thầy tặng tôi quà vì thầy không nghĩ
thế. Thầy muốn gửi đến học trò một lời nhắc nhở mà khi xưa thầy đã từng nói
trên bục giảng: làm thầy không bao giờ được tự bằng lòng với chính mình.
Sau này đọc, nghiền ngẫm những bài viết ấy của thầy, tôi mới cảm nhận được cái
sắc sảo, thâm thúy của một người am hiểu văn tự, văn hóa của ông cha, và càng
thấu hiểu cái “thông điệp” mà thầy ngầm nhắn gửi cho mình. Ngày trước
khi chớm tuổi thanh xuân, tôi học thầy những tri thức để hành nghề. Bây giờ ở
cái tuổi “tri thiên mệnh” tôi vẫn học thầy, học những điều tưởng như
mình đã biết. Thế hệ những người như thầy là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.
Những con người như thế đang vắng bóng dần trên các giảng đường đại học. Tri
thức và nhân cách, đấy là tài sản vô giá mà thầy muốn trao lại cho các thế hệ
học trò cả khi không còn đứng trên bục giảng nữa.
Chúng
tôi tôn kính và khâm phục thầy, không phải ở cái oai của học hàm, học vị. Thầy
không phải giáo sư, cũng không là tiến sĩ. Những thứ cao siêu ấy có người đeo
đầy mình nhưng vẫn không che lấp được khoảng trống về tri thức và nhân cách. Có
lẽ những nhà giáo còn phảng phất một chút “gàn” của ông đồ xứ Nghệ xưa như thầy
không thích cái sự phô trương. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Thầy chỉ muốn
được là chính mình. Khi nghỉ hưu vì tuổi tác, thầy vẫn là một nhà giáo, “nhà
giáo nhân dân” đúng nghĩa của cụm từ này. Rời xa phố thị ồn ã, thầy lại về
với làng quê máu thịt của mình, về với những người nông dân chân chất, quê mùa,
chia sẻ câu chuyện với hàng xóm qua đọi nước, củ khoai nhưng không quên giành
thời gian cho cái nghiệp mà thầy đã đeo đuổi suốt đời. Lại nghiên cứu, viết bài
rồi lại lọ mọ ra bưu điện gửi đi các báo.
Ngày Nhà
giáo năm nay, thầy sắp bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, cái tuổi đáng lẽ ra
chỉ biết vui vầy cùng con cháu và chén rượu cuộc cờ với bầu bạn. Nhưng không,
thầy vẫn như con tằm miệt mài rút ruột nhả tơ, cháy hết mình cho cuộc sống.
Tết
Nhà giáo
Tháng
Mười Một, Nhâm Thìn
Nguyễn
Duy Xuân
Thầy của Hà Tùng Sơn và tôi
Chử Anh Đào
Kính tặng thầy Nguyễn Cảnh Phức
Đã là xa lắm rồi các gia đình ở phố không còn dùng bếp củi, bếp than, bếp dầu mà dùng bếp điện, bếp ga tiện lợi. Nhưng sáng nay- một buổi sáng dã ngoại đầu mùa khô, khi mà cành lá chúng tôi vun lại để nhóm lửa còn sũng nước của cơn mưa cuối mùa mấy ngày trước lâu chịu bắt lửa, khói mù mịt, cay nồng xộc vào mũi tôi như một kỉ niệm chưa xa. Và tôi nhớ tới thầy.
Thầy quê Nghệ. Dáng người rất phổ thông, bình thường, không gì đáng để ý, người đời dễ quên ngoài cặp mắt tinh anh, xếch và luôn ánh cười. Cái cười bằng miệng bị khóa lại bởi đôi môi mím chặt thì lại toát ra bằng mắt, đa nghĩa gấp nhiều lần. Quanh năm thầy đánh đôi giày cô sơ ghin- một loại giày sĩ quan cao cổ của Nga rất dày và cứng đi cùng năm tháng. Quần áo ka ki màu cỏ úa xoàng xĩnh không là ủi. Chỉ có cái túi quần luôn căng phồng ( sau này chúng tôi mới phát hiện ra thay vì là mu soa thì Người nhét cả cái khăn mặt vào đấy. Đều đặn chiều thứ bảy thầy dắt xe đạp “ Thống Nhất”- cái xe mà “ tất cả mọi thứ đều kêu, trừ cái chuông”, xà cột bên hông, lỉnh kỉnh một ba lô căng phồng sau poocbaga lên đường về quê. Trông thầy giống một ông cán bộ chính sách ở huyện vùng cao, chả có dấu hiệu gì của trí thức hạng nặng, giảng viên một trường có uy tín đứng đầu miền Trung và danh giá trong cả nước.
Thầy dạy chúng tôi môn Hán- Nôm. Thầy bảo: người ta nói Hán- Nôm là tử ngữ. Nhưng cả một nghìn năm di sản văn hóa ông cha nằm cả đấy. Chói lọi như “ Nam quốc sơn hà”, “ Hịch các tì tướng”, “ Bạch đằng giang phú”, “ Bình Ngô đại cáo”…đều viết bằng chữ Hán. Giờ đây các cụ Bùi Duy Anh, Lê Thước, Bùi Kỉ…đã về cõi. Lại cái đận chiến tranh biên giới 1979, ghét bọn Tàu xâm lược quá, ta giải thể các khoa Trung văn ở các trường đại học. Nhiều thầy giáo phải giải nghệ. May lắm thì về làm bảo vệ kiêm đánh trống ở trường cấp 3…Thành ra môn này bây giờ có một khoảng trống. Các ông là những người bây giờ góp phần lấp đầy khoảng trống ấy. Chúng tôi sợ. Sao lịch sử lại chọn những thằng chân đất mắt toét làm điểm tựa? Lại đè đầu cưỡi cổ mà giao nhiệm vụ nặng như núi Thái Sơn cho chúng tôi? Nhưng nói gì thì nói, môn này thực sự là nỗi kinh hoàng của những người học. Hết thảy mọi người đều toát mồ hôi hột vào mùa đông và run như cầy sấy vào mùa hè bời bời gió Lào dội lửa xuống muôn loài, nóng tới mức “ đực – cái cũng không nghĩ tới nhau” ( Nguyễn Tuân)- mà méo mồm vẽ chữ, y như AQ của Lỗ Tấn khi xưa cố khuyên một vòng tròn thay chữ kí trước khi lên giàn xử giảo. Chúng tôi viết chậm, viết sai, thầy không cáu giận, coi thường mà ân cần chỉ bảo. “ Không sao cả, Thánh cũng có lúc nhầm, lúc sai”- thầy an ủi những Thi, những Hạnh- hai ông “ vua quên” và “ quan quên” của lớp. Thầy đem chuyện Ngu Công dời núi để ngụ ngôn về sự kiên trì. Tất cả những “ Tử viết”, “ Tử Cống vấn viết”, “ Thế thiên hành hóa”, “ Dư thường văn chi”, “ chi, hồ, giả, dã…” rối như canh hẹ, như chông như chà, như ngổn ngang qua trầm kích triết được thầy diễn giảng bằng một thữ ngôn ngữ tiếng Việt cực kì trong sáng và dễ hiểu. Những đầu óc u tối “ mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” của chúng tôi được khai sáng, những con ếch ngồi đáy giếng được mở rộng tầm nhìn, được ngụp lặn tha hồ trong cái mênh mông bể Sở của tri thức cổ văn dân tộc. Thầy thổi hồn vào các con chữ đã có mấy nghìn năm tuổi để chúng tôi thêm hiểu cha ông mình.
Thầy là người rất chăm chỉ nhặt nhạnh. Tất cả
những thứ trên đường đi, từ mẩu dây thun, cái đinh, con ốc, bù loong…đều không
thoát khỏi con mắt và đôi tay thầy. Thầy dồn nhiều công sức tới mức chúng tôi
nghĩ: hễ cứ thấy ai lúi húi bên đường đi thì ắt hẳn là thầy. Có lần bắt gặp thầy
đang khom khom xúc rửa mấy cái bì ni lon bên vòi nước công cộng, thầy không lấy
làm mắc cỡ, cũng chẳng thanh minh thanh nga mà cảnh báo: “ Các cậu đừng cười tớ.
Cười người hôm trước hôm sau người cười. Sẽ có lúc phải cần đến nó.” Mấy hôm
sau anh Thi đóng rương cho cô bồ ở lớp đại học đến phòng thầy xin đinh thật! Thầy
định nghĩa củi là tất cả những gì cháy được mà không độc. Trung thành với quan
niệm này, thế giới trong mắt thầy là thế giới củi. Có lần tôi gặp thầy ở chợ
Quyết về, một tay là cái túi xác rắn, một tay là tòng teng một đoạn tre khô, vừa
đi vừa ngửa mặt cả cười. Ngày ra trường, bạn Thân trong lớp cưới vợ, thầy
mừng đôi uyên ương một bó củi tiết kiệm tổng hợp. Cảm động biết bao. Bó củi thấm
đẫm mồ hôi và nhọc nhằn công sức của bao tháng ngày gom góp không mệt mỏi của
thầy.
Thầy nhìn tất cả các khía cạnh của cuộc
sống dưới góc độ của cái hài. Những năm của thập niên 80 của thế kỉ trước là những
năm cơ khổ. Con người như đang sống một kiếp nào khác chứ không phải là người.
Tháng bốn lần dậy từ một, hai giờ sáng xếp hàng mua lương thực. Ba phần tư là
bo bo- cái thứ ăn vào, lúc thải ra còn làm được thức ăn chăn nuôi gà vịt nữa.
Thầy chế bo bo thành năm món: luộc, hấp, rang, xào, cháo. “ Cứ như thế rồi hết
tuần, hết tháng, hết năm…hết đời!” Một lần thầy trúng quả được phân phối mua một
cái áo may ô ba lỗ. (Thời ấy “ bắt phanh trần phải phanh trần, cho may ô mới được
phần may ô”. Được phân phối áo là cả cái lộc lớn) Áo, cái nào chẳng giống cái
nào mà thầy lật qua lật lại, chọn, lựa, tuyển cả tiếng đồng hồ. Cô bán căng tin
sốt ruột: “ Ông này phiền quá”. Thầy bảo: “ Thì mình tên là Phức mà lại.” Lớp
có cô Ngọ kiểm tra không làm được bài, năn nỉ: “ Thầy thông cảm. Em còn bận con
cái.” Thầy cười cười: “ Cô bận con đực thì có.” Đến chơi nhà ông tổ trưởng, bí
thư chi bộ. Vòng vo thế nào lại đi vào chủ đề vĩ mô: sự tiến hóa của loài người
qua các thời đại. Đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt…thì đúng rồi. Thầy bổ sung
thêm: “ Theo tôi thời đại này là thời đại đồ…đểu” Ông kia mời thầy ra khỏi nhà.
Người ra đi đầu còn ngoảnh lại: “ Thấy chưa, tôi nói có đúng không?” Tóm lại lẽ
ra đáng khóc thì thầy lại cười. Cái cười thể hiện tư thế chủ động của người đứng
cao hơn hoàn cảnh, vượt lên trên hoàn cảnh. Nó đem lại một sức mạnh nào đấy để
tự tin mà sống.
Mười lăm năm, đúng bằng một đời Kiều lưu lạc, tôi ra Vinh chuẩn hóa cao học.Vượt qua những vận đổi sao dời, bãi bể nương dâu, thầy tiếp tôi bằng nguyên vẹn nụ cười thủa trước. Vẫn gian nhà tập thể 9 mét vuông. Vẫn bể nước gắn bằng năm viên ngói xi măng bên dãy bếp thấp le te mịt mù những khói phía trước. Thầy nắm chặt tay tôi hồi lâu rồi hai thầy trò cùng đi chợ. Thầy giành trả tiền. Ví của thầy không ốm o còm cõi như trước mà ninh nich những tờ hai chục, năm chục. Mua hết các thứ, còn năm nghìn hành tỏi mà thầy lại đi hai sạp hàng khác nhau. Tới nhà, đã gần 12 giờ trưa, trời chang chang nắng. Ngay cổng sau cũng có bia bán nhưng thầy lại làm một cuộc trường chinh gần một cây số nữa. “ Đó là chỗ quen, rẻ được cả nghìn đồng một chai”- thầy bảo thế.
Trong xoong còn gần nửa tô hoa chuối xào lòng lợn. Thầy do dự và hỏi: Đ. có dùng được món này không? Tôi thưa: thầy coi em là loại người nào? ( Tôi dứt khoát không như một số người hiện nay khi thăng quan tiến chức lại kiêng món này món nọ, phải dứt khoát không ăn một món nào đấy mới thành nhân cách lớn lao(!)
Mười lăm năm, đúng bằng một đời Kiều lưu lạc, tôi ra Vinh chuẩn hóa cao học.Vượt qua những vận đổi sao dời, bãi bể nương dâu, thầy tiếp tôi bằng nguyên vẹn nụ cười thủa trước. Vẫn gian nhà tập thể 9 mét vuông. Vẫn bể nước gắn bằng năm viên ngói xi măng bên dãy bếp thấp le te mịt mù những khói phía trước. Thầy nắm chặt tay tôi hồi lâu rồi hai thầy trò cùng đi chợ. Thầy giành trả tiền. Ví của thầy không ốm o còm cõi như trước mà ninh nich những tờ hai chục, năm chục. Mua hết các thứ, còn năm nghìn hành tỏi mà thầy lại đi hai sạp hàng khác nhau. Tới nhà, đã gần 12 giờ trưa, trời chang chang nắng. Ngay cổng sau cũng có bia bán nhưng thầy lại làm một cuộc trường chinh gần một cây số nữa. “ Đó là chỗ quen, rẻ được cả nghìn đồng một chai”- thầy bảo thế.
Trong xoong còn gần nửa tô hoa chuối xào lòng lợn. Thầy do dự và hỏi: Đ. có dùng được món này không? Tôi thưa: thầy coi em là loại người nào? ( Tôi dứt khoát không như một số người hiện nay khi thăng quan tiến chức lại kiêng món này món nọ, phải dứt khoát không ăn một món nào đấy mới thành nhân cách lớn lao(!)
Lai rai nhậu. Thầy nói chuyện vui rằng mấy năm nay dễ thở hơn vì
có việc làm thêm: đi dạy ở các trung tâm, phiên dịch. Nhưng tiền thì bao nhiêu
cho vừa, vả lại chưa chắc có tiền đã sướng. Năm ngoái mua lại cái Drem cũ, máy
lì lắm, chỉ được cái nổ rất to, không cần còi. Ống pô thì phun ra cả khói và lửa.
Về quê như mang cả âm thanh đạn bom hồi chiến tranh phá hoại. Tháng trước tông
phải bò nhà ông chú. Bò gãy cẳng, người sái vai. Thôi thì cứ xe đạp vừa túc tắc
vừa thể dục cho nó lành… Chuyện vui mà giọng thầy nghe xa vắng, như có trộn cả
“ thế tứ giao di” trong đó.
Khi tôi khoe mình cũng có những ham muốn
chưa nguội lạnh, viết được mấy cuốn sách và mấy công trình nghiên cứu, thầy
khen giỏi và buông một câu như tiếng thở dài: “ Mình bây giờ lão giả an tri rồi”.
Nghe mà thương quá. Mình nói: “ Em vẫn làm theo lời cảnh báo của Lão Tử mà thầy
dạy chúng em: họa, không gì lớn bằng không biết đủ”
Ngẫm ra có những cái tốt đẹp trên cõi đời này tồn tại rất lâu bền. Không có thời gian và lực lượng thù địch nào tàn phá nổi. Thầy tôi là một trường hợp vậy chăng?
Khói lên, bên phía trời xa kia hình như là bóng thầy tôi đang lặng lẽ tỏa ngời./.
Ngẫm ra có những cái tốt đẹp trên cõi đời này tồn tại rất lâu bền. Không có thời gian và lực lượng thù địch nào tàn phá nổi. Thầy tôi là một trường hợp vậy chăng?
Khói lên, bên phía trời xa kia hình như là bóng thầy tôi đang lặng lẽ tỏa ngời./.
Plei Ku. Viết lại
11-11-2011
C.A.Đ
Xin chia sẻ bạn nhé!
Trả lờiXóaCảm ơn TT đã chia sẻ.
Xóa