3 tháng 3, 2020

Vũ Hán không chỉ có covid


Có lẽ trước đại dịch corona ít người Việt Nam quan tâm đến Vũ Hán. Chỉ đến khi trở thành tâm điểm của dịch covid thì không ai trên thế giới này không biết đến Vũ Hán.
Nhưng tôi thì từ 40 năm trước kể từ khi bắt đầu nghiệp dạy môn VHTQ đã rất biết dù chưa một lần đặt chân đến Vũ Hán, chỉ vì nơi này có Lầu Hoàng Hạc, một di tích lịch sử văn hóa gắn với bài thơ Hoàng Hạc lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu đời nhà Đường.
Lầu Hoàng Hạc ban đầu là một cái đài quan sát được xây từ triều nhà Ngô (thời đại Xuân Thu) trên bờ nam sông Trường Giang, thuộc địa phận TP. Vũ Hán.
Ðài quan sát này tồn tại được 50 năm thì nước Ngô bị diệt vong (nửa cuối thế kỉ thứ V trước công nguyên). Từ đấy nó không còn ý nghĩa quân sự nữa. Nhưng do nằm ở nơi phong cảnh hùng vĩ, lầu Hoàng Hạc đã trở thành một thắng cảnh lừng danh. Suốt hai ngàn năm trăm năm nay nó là niềm tự hào của người dân Vũ Hán.
Các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, danh sĩ bao đời như Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Nhạc Phi, Tô Thức... và cả Mao Trạch Ðông, đã nhiều lần đến đây và tốn không ít giấy mực để ngợi ca cảnh đẹp này.
Có cơ hội tôi sẽ đến Vũ Hán. Đến với Lầu Hoàng Hạc.

HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

LẦU HOÀNG HẠC
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
(Tản Đà dịch)
Lầu Hoàng Hạc ở Vũ Hán 



2 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới