12 tháng 3, 2020

Ra trận (Phần II)


Trích Hồi kí Nguyễn Trung Ngọc

          1. Trái tim tuổi trẻ

Thế hệ thanh niên ngày nay đã không còn quen với hai tiếng “ra trận” nữa, họ chỉ cảm nhận qua những thước phim, những trang sách báo... Nhưng với thế hệ chúng tôi, cái chữ đó ở tuổi thanh niên gần như ai cũng biết và nhiều người thì còn nếm trải. Tháng 9 năm 1972, vừa kết thúc năm thứ nhất, một lứa sinh viên chúng tôi đã lên đường ra trận.
          Đợt tuyển quân ở ĐHSP Vinh lần ấy diễn ra rất nhanh gọn và “thành công”: Nếu đầu khoá, những học sinh tốt nghiệp phổ thông đậu vào trường khá hiếm hoi  thì cuối năm học ấy, những người đi tuyển quân lại “được mùa” to. Hầu hết sinh viên tham dự đều trúng tuyển. Chỉ lác đác đôi người sợ khói lửa chiến trường mà không sợ tổn thương danh dự đã “làm mẹo” để ở lại mà thôi. Tiền tuyến đang cần gấp. Chiến dịch giải phóng Quảng Trị vừa phải chịu mất một lứa lính sinh viên tinh nhuệ. Phần đa lũ sinh viên chúng tôi lúc bấy giờ sức khoẻ có thể có người còn loại B nhưng tinh thần thì đều “A hoa” cả. Các trường Đại học trong cả nước cũng nô nức lên đường, một khí thế ra trận không biết rồi có bao giờ lặp lại nữa không:
         
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
          Mà lòng phơi phới dậy tương lai”;
         
“Đốt cháy Trường Sơn đánh Mĩ cũng không sờn”;

“Dáng anh đi và vành mũ tai bèo…”

Sau này, nhắc lại những ngày tháng ấy, nhiều đứa chúng tôi đều nói giống nhau: Hồi đó nếu không trúng tuyển có ở lại chắc chẳng bụng dạ nào mà học nữa, “sách vở tao cũng dẹp hết rồi”. Đi thôi, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”
Tôi nhớ mãi buổi tập hợp đoàn quân sắp thành hình ở khoa gồm toàn bộ CBGD và sinh viên nhập ngũ. Thầy Nguyễn Duy Bình nói chuyện với chúng tôi. Giọng Thầy sang sảng: “Thưa các bạn! Ngày mai các bạn sẽ lên đường. Đồng bào Miền Nam, đồng đội ở chiến trường đang chờ các bạn tiếp sức, cả nước đang bước sang giai đoạn cuối để dành toàn thắng…” Đoạn cuối bài phát biểu bỗng Thầy hạ giọng, nghẹn ngào: “Các…em đi chân cứng đá mềm, nhà trường, khoa, tất cả các thầy cô, cán bộ công nhân viên và các bạn sinh viên ở lại dõi theo từng bước đi của các em, chờ các em ngày chiến thắng trở về!”
Sao thân thương đến thế mà cũng oai hùng đến thế! Nhớ trường lớp, nhớ bè bạn, thầy cô đến nao lòng nhưng không một ai trong đám sinh viên chúng tôi tỏ ra chùn bước. Chúng tôi đã ra trận!

Thời hiện tại của những người lính sinh viên ĐHSP Vinh nhập ngũ đánh Mĩ năm xưa 

Đoàn huấn luyện tân binh ở Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn đón chúng tôi về một xóm nhỏ bìa rừng. Một sáng mùa thu 1972, chúng tôi từ giã chiếc áo trắng sinh viên để khoác lên mình bộ quân phục, tập hợp trên khoảnh đất mới được san phẳng đầu rừng, “ra mắt” đại đội mới: C12 – D4 – Đoàn 22A – QK4. Bắt đầu từ đó ngày nào cũng hát vang khúc quân hành: “Vừng đông đã hửng sáng…”; “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh”…
Mấy tháng luyện quân ở rừng núi Nghĩa Thuận chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng có lẽ gần hai trăm sinh viên nhập ngũ khoá ấy sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời mình từng chi tiết nhỏ. Chúng tôi bỏ lại sau lưng lớp học đại học của thời kì sơ tán với hầm, hào, lán, luỹ; với những bữa cơm sinh viên ở nhà ăn tập thể không thể giản đơn hơn; với những chiều dưới gốc đa làng nơi sơ tán túm tụm tán chuyện vui, cười rung cả lá; với những bước chân thong thả bên người bạn gái ngày mới làm quen…Để rồi bước vào quãng đời làm lính, gắn bó với chiếc ba lô và cây súng trên vai, lấp lánh ngôi sao trước mũ, đi về phía trước…
Ai biết được ngày về? Ai sẽ ngã xuống? (Đã ra trận không thể nào không có). Ngày ấy chúng tôi đã không hề tính toán. Những chàng trai mười tám, đôi mươi bấy giờ chỉ biết nhìn về phía trước, “Chiến trường còn gọi ta còn hành quân xa…” Tôi cùng các bạn đã sát cánh bên nhau, dâng trọn những năm tháng đẹp nhất của đời mình cho đất nước. Không vui sao được! Không tự hào sao được! Chúng ta đã sống xứng đáng với cha ông, với nhân dân của một dân tộc không chịu làm nô lệ. Ngày tôi đi chiến trường, bố tôi viết thư cho tôi và bảo: “Bố mẹ thương con lắm! Con là đứa con trai yêu quí nhất. Và bố có một niềm tin sắt đá rằng: Con Trai bố không bao giờ hèn nhát”. Đấy! sau lưng chúng tôi khi ấy có một “hậu phương” như vậy! cả nước ta như vậy! Chúng tôi đã được sống những ngày rất đẹp.
Mấy tháng huấn luyện tân binh nhanh chóng trôi qua. Những chàng sinh viên dáng dấp thư sinh đã trở thành những chiến binh cứng cáp. Ở tiểu đội tôi có hai thằng khoẻ mạnh là Lê Quang Phương và Đỗ Xuân Ngôn cứ trông như là mấy thằng lính Đức. “Đổ mồ hôi ở thao trường để không đổ máu ở chiến trường”. Tất cả lũ lính sinh viên chúng tôi học nhanh và nắm chắc các bài tập chiến thuật và điều lệnh quân đội. Mười lời thề danh dự đã thuộc làu. “Khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì cũng phải thi hành một cách nhanh chóng và chính xác”. Lên đường! Những ngày qua, gian lao thật, vất vả thật nhưng chỉ là tập trận. Giờ mới là lúc ra trận. Cả đại đội được phân ra nhiều ngã. Lại một cuộc chia li mới, cuộc chia li của những người đồng đội từng huấn luyện với nhau, giờ mỗi người một nơi đi nhận nhiệm vụ mới. Tôi may mắn lại trở thành không may mắn nhất: Là một trong những người đầu tiên Ban chỉ huy đại đội gọi lên nhận nhiệm vụ mới, tôi được lấy đi học lớp quân lực tại trung đoàn. Tôi nói không may mắn vì tôi không thích làm “lính cậu” mà chỉ muốn được “ra trận” thực thụ, về đơn vị chiến đấu như bọn thằng Sơn, thằng Ngôn, thằng Phương, thằng Ngọc…trở thành lính trinh sát của F341 anh hùng. Chúng nó may mắn được ở với nhau cho đến tận khi kết thúc chiến tranh, lại được cùng nhau tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau 30/4 còn rủ nhau đến hiệu ảnh giữa Sài Gòn chớp những bức ảnh vai khoác súng, ngực ưỡn ra cho rõ cái phù hiệu “Quân quản thành phố” để rồi sau này khoe với người yêu “chiến tích”, ngày trở về trường.
Học xong lớp quân lực, tôi cùng mấy đứa nữa được điều về Quân khu để đi thành lập một trung đoàn trực thuộc mới – Trung đoàn 79, tiền thân của lữ đoàn công binh Hải Vân sau này. Trung đoàn bộ lúc ấy thiếu người nhiều nên Tôi và Hoàng Mạnh Truật phải “bỏ nghề” Quân lực sang làm Quân nhu. Còn một tên nữa cùng về 79 là Nguyễn Minh Khâm thì được bố trí làm quản lí của E bộ. Đấy là những ngày buồn chán nhất trong đời lính của tôi. Cũng là tại tôi “hơi khác”, “ngu ngơ”, nhiễm cái tinh thần Paven Coocsaghin hơi nặng, chỉ một mực muốn hành quân “ra trận”. Nếu ở vào bây giờ, một thằng lính tân binh như tôi bỗng được nhấc làm quân nhu Trung đoàn mà không phải ra chiến trường, có lẽ thế nào cũng có người cho là con cháu của một “ông to” nào đó. Nắm trong tay kho Quân nhu Trung đoàn thời chiến có đủ cả “thượng vàng hạ cám” nhưng lấy một vài gói bột giải khát hay vài miếng lương khô tôi cũng tự yêu cầu làm phiếu xuất hẳn hoi. Truật thì đã đành, nó là con một sĩ quan vừa hi sinh, có thể người ta ưu ái. Còn tôi chỉ là lính trơn chẳng là gì cả mà cứ điều quanh quẩn trong E bộ: Lúc Quân lực, khi Quân nhu, lúc lại suýt về “Đội tuyên truyền văn hoá” của Trung đoàn.
Truật quê ở huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, học lớp 12 B, khoa Văn với cô Cẩm Nam xinh đẹp, hoa khôi khoá ấy. Về sau Cẩm Nam kết duyên với anh Lê Văn Tùng, một cán bộ giảng dạy trẻ của khoa. Tôi còn nhớ chuyện vui  này: Có một lần bố Cẩm Nam là một cán bộ quân đội “có quân hàm”, đi chiếc xe com-măng-ca ghé thăm con gái ở Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu. Hôm ấy khoa đang có việc gì đó tập trung cả mấy khoá ở cái sân vận động lớn. Cha con Cẩm Nam chỉ gặp nhau ít phút rồi chia tay. Tiễn bố lên xe, Cẩm Nam đón nhận một nụ hôn ấm áp của ông lên trán. Giữa cái sân rộng nên rất nhiều người được chứng kiến. Tiếng một nam sinh từ hàng sau thốt lên: “Ôi! Ông ấy sướng thật…” Cả đám người cười vang.
Tính Truật hiền lành, chu đáo. Trong số bạn bè ở trường cùng nhập ngũ, hắn ở với tôi lâu nhất và có lẽ vì thế mà có nhiều kỉ niệm chung nhất. Tôi không bao giờ quên, một chiều mùa đông u ám, Truật nhận thư nhà báo tin người cha thân yêu của mình đã ngã xuống ở chiến trường Miền Nam. Hắn ôm lấy bức thư vào ngực gục xuống, hai vai rung lên bần bật. Tôi chẳng biết làm gì hơn, ngồi xuống bên bạn, nhìn hắn khóc. Những giọt nước mắt đã lâu lắm không chảy ướt nhoà khuôn mặt hiền hậu. Dĩ nhiên thời bấy giờ Truật cũng chỉ âm thầm nhận tin sét đánh từ gia đình như vậy và khóc một mình bên một người bạn là tôi. Thời chiến, Bộ Đội không có phép! Ôi…chiến tranh! 
Một lần, đi xem văn công Trung đoàn biễu diễn phục vụ một đơn vị đi C, tôi bỗng thấy một nữ quân nhân – diễn viên ngâm bài thơ của mình trên sân khấu, loại thơ “động viên” kiểu anh Lành:
“Đất chuyển mình theo những bánh xe quay
Đêm Miền Trung gió mùa về hun hút
Chúng tôi đến đây một ngày giá rét
Và gặp anh đang ở thao trường…”
Ngay sau đêm biểu diễn, anh Cẩm Hải làm trưởng đoàn văn công lúc ấy dẫn một “Em” bận quân phục xinh xắn đến gặp tôi: “Chào đồng chí! Tôi dẫn diễn viên đến gặp tác giả đây và gửi lời gợi ý của Chủ nhiệm chính trị muốn đồng chí về đoàn công tác”. Giờ nói có thể có nhiều người không tin: mấy ngày sau tôi suy nghĩ và quyết định xin từ chối nhiệm vụ đó bởi lúc bấy giờ tôi rất “kỵ” con gái. Mà ở đoàn văn công thì phần đa là các “nàng”. Nói là Văn công cho oai chứ thực ra chỉ là Trung đoàn giao cho anh Cẩm Hải, một giáo viên của trường Cao đẳng nhạc hoạ nhập ngũ, biết sáng tác và đạo diễn, tập hợp những hạt nhân văn nghệ của các đơn vị về E bộ thành “Đội tuyên truyền văn hoá” để “khuấy động” phong trào “tiếng hát át tiếng bom” lúc đó. Nhưng phải thừa nhận cái khí thế “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” của những năm đó đã khiến người ta làm nên nhiều chuyện. “Đội tuyên truyền văn hoá” vậy mà cũng có nhiều chương trình biểu diễn lay động sâu xa tinh thần người chiến sĩ. Mặc dù thằng Khâm hồi đó vẫn nhạo tôi: “Ngọc sắp chuyển sang tuyên huấn rồi, sang với đội quân được người ta khen “Sờ vú đàn ông còn hơn xem Văn công trung đoàn”. Hắn nói vậy chứ tôi còn nhớ có lần “Văn công trung đoàn” biểu diễn cho E bộ xem. Thiếu ánh sáng, mấy chiếc xe của ban chỉ huy, của các ban đều được đưa đến đậu phía sau nổ máy và chiếu đèn lên sân khấu. Vậy mà người xem đông nghịt. Dân ở xã Quảng Hợp nơi Trung đoàn bộ đóng đi xem về cứ tấm tắc “Sao bộ đội diễn các hoạt cảnh cũng như hát và ngâm thơ hay vậy”. Cũng có thể, thời ấy thiếu thốn quá: thiếu ăn, thiếu cả văn nghệ nên “sờ vú đàn ông” tí cũng sướng. Còn nhớ năm ấy có một đại đội TNXP Hoằng hoá, Thanh Hoá đóng gần trục đường 22A để phục vụ thông tuyến con đường ác liệt này. Biết Truật là đồng hương, nhiều buổi trưa chúng tôi muốn nghỉ một tí mà không nghỉ được, các cô “đồng hương” của Truật cứ vào ríu rít đến hết giờ. Dạo ấy tôi và Truật là hai lính quân nhu ở với nhau trong nhà một Mạ Quảng Bình đã già, rất nghèo và cô đơn vì chồng mất sớm. Đại đội TNXP đóng gần chúng tôi ấy chính là đơn vị của Tám Cô hi sinh một cách đáng thương trong hang núi bên đường 20. Thực ra, đường 22A chỗ chúng tôi cách “đường 20 quyết thắng” cũng chẳng là bao nếu tính khoảng cách của một chiếc F4 lượn lấy toạ độ bổ nhào.
Còn một chuyện “cổ tích” này nữa: Có một lần, tôi và Truật đi công tác ra Quân khu nhận nhu yếu phẩm cho đơn vị. Truật có hẹn trước các “đồng hương” sẽ ghé vào mang hộ thư ra bưu điện trung tâm gửi cho nhanh hơn. Khi xe ghé vào trước cổng cái lán lụp xụp của đơn vị TNXP thì diễn ra một cảnh tượng thật lạ lùng: Cả một đám con gái đông từ trong ùa ra vây kín xe. Có mấy cô cầm cả đoạn sào trên tay chọc giơ lên cao những chiếc áo con phụ nữ, miệng hét to: Các anh bộ đội ơi!...Đồng hương Truật ơ…ơi…ơi! Ngày ấy người ta gọi đó là hội chứng êchtơri (hay điên tình), thường thấy ở những tập thể đông phụ nữ mà thiếu nam giới. Chiến tranh là thế! (Cho nên đồng đội cũ của tôi là N.Q.N có mơ màng mãi về “xá lị Hà Tran” thì cũng chẳng có gì khó giải thích: Xem “Từ dòng Kiến Giang đến dinh Độc Lập”).
Tôi kể chuyện này cho hai ông bạn vong niên không đi lính cùng nghe. Một ông bảo: “Hồi ấy mà tùm lum như bây giờ thì các ông cũng không nói chuyện đánh đấm gì, lo về mà giữ con là vừa. Ông kia thì bảo: “Hồi ấy hay quá nhỉ! Tiếc quá….”
Nói chuyện “kỵ phụ nữ”, còn có lần Chính uỷ Trung đoàn gọi tôi lên để giao nhiệm vụ mới là điều tôi về làm quân lực của tiểu đoàn 2 do Anh Hùng quân đội Cao Tất Đắc chỉ huy, gồm toàn lính nữ, mới từ Lào về. Nghe qua trao đổi của Chính uỷ, tôi vội “xin cối xin chày”: “Nếu có điều đi, xin Thủ trưởng cho tôi được về đơn vị chiến đấu”. Thế mà một lần nữa, ông chấp thuận.
Mấy vị trí ở E bộ, chẳng có nơi nào tôi “yên tâm công tác”. Có một lần tôi còn nói với Truật: “Mày giúp tao, Tao phải trốn đi đơn vị khác. Có lẽ đợi khi có một đơn vị tăng nào đi qua, tao nhảy lên tháp pháo nhập đoàn quân ra trận. Bảo họ là lính lạc ngũ, xin trở lại tiền tuyến ai mà không cho. Ra tiền phương chứ có phải đào ngũ đâu mà sợ!” Truật cười, chuyện này thì hắn tỉnh hơn tôi: “Mày nói định phấn đấu vào Đảng, đi vậy, hồ sơ nằm lại đây, cái gốc Đoàn viên của mày cũng mất nói gì là Đảng”. Tôi thấy hắn có lí nên không dám nghĩ tới phương án “ra trận” phiêu lưu ấy nữa. Rất nhiều chuyện thời chúng tôi giờ kể lại cho thanh niên cứ như chuyện cổ tích. Chuyện những ngày đầu ra trận của tôi có lẽ cũng thuộc loại đó.
Nhưng rồi cái tôi muốn đã thành hiện thực. Trung đoàn 79 được Quân khu điều động một đại đội độc lập đi làm “nhiệm vụ đặc biệt” ở nước bạn Lào. Tôi viết đơn xin ban chỉ huy được “xuống đơn vị chiến đấu”. Và tôi được toại nguyện. Vậy là, quãng đời quân ngũ của tôi bước sang một giai đoạn mới: Ra chiến trường!


2. Trường sơn Tây anh đi

Mùa Đông năm 1973, Chúng tôi hành quân bằng một đoàn xe Gas 63 theo quốc lộ 8 vượt qua Trường Sơn Tây.
“Trường Sơn Đông nắng Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”
Lần đầu tiên tôi biết “Đông nắng, Tây mưa” của dãy Trường sơn hùng vĩ. Khi đoàn quân qua tiền tiêu, vượt đỉnh Trường sơn, một khung cảnh thần tiên hiện ra trước mắt: Mùa khô, bên Trường Sơn Đông mưa sụt sùi, dầm dề đã lâu còn phía Trường Sơn Tây nắng đang chiếu những tia sáng màu vàng xuyên qua kẽ lá của núi rừng nước bạn. Mưa – Nắng gặp nhau tạo thành một bức mành giữa không trung lay động trước gió, lúc lấn sang đất Lào, lúc chạy về đất Việt, đẹp lung linh kì ảo, khiến tôi phải thốt lên: “chao ôi! Đẹp quá…”Giây phút ấy có lẽ ít ai trong đời may mắn gặp như đoàn quân chúng tôi hôm đó. Những chiếc xe hai cầu mấy ngày liền trườn lên mái phía Đông nhầy nhoẹt trong mưa dầm mùa đông giờ được hạ ga xuôi xuống mái Tây chạy bon bon, tung bụi mù mịt. Rừng Lào mênh mông, dân cư thưa thớt, đoàn xe của chúng tôi như bị nuốt chửng vào đại ngàn Trường Sơn, “băng qua muôn núi ngàn sông”, đi mãi...
Chúng tôi đổ quân trên một bãi đất rộng bên này con sông Nậm thơn để “hạ trại”. Đang là vùng giải phóng do bộ đội Pha-thet Lào chiếm giữ nên khá thoải mái, không cần phải cảnh giác, giữ gìn nhiều. Cả đơn vị đóng quân lại đây chừng một tuần để củng cố, tập huấn thêm về chuyên môn vì nhiều việc chúng tôi chưa hề biết gì. Quân khu nhận nhiệm vụ từ Bộ quốc phòng rồi giao lại cho đơn vị tôi đi khảo sát, định hình một tuyến đường mới nối từ Trung lên thượng Lào, như là một “Đường Trường Sơn thứ hai” bên nước bạn, dự phòng chiến tranh còn có thể kéo dài.
Đại đội phải xóc lại biên chế. Tôi được phân vào bộ phận kĩ thuật “con cưng” gồm có 2 kĩ sư cầu đường từ Quân khu được phái đi đặc nhiệm. Họ đều là sĩ quan. Một người là trung uý Tánh, kĩ sư của Phòng công binh Quân khu. Người nữa là trung uý Liêm, mới tốt nghiệp Đại học bách khoa chưa lâu, con rể của thượng tá Lư, tư lệnh Mặt trận Trung Lào thời bấy giờ. Liêm người miền Nam, còn trẻ, trắng trẻo và rất đẹp trai nhưng ít nói. Tôi đã mừng vì có “ông bạn cấp trên” mới tốt nghiệp đại học, “gần gũi” với mình để trao đổi, chuyện trò. Nhưng rồi chỉ chưa đầy một tháng sau, khi chúng tôi đi sâu dần vào vùng địch hậu thì anh Liêm có điện của Mặt trận gọi ra “nhận nhiệm vụ mới”. Thời ấy còn rất vô tư nhưng mấy thằng lém lỉnh trong đại đội cũng biết mỉm cười... Người thứ ba được cử đến sẽ trở nên thân thiết với tôi sau này là Trần Minh. Minh mới là trung sĩ nhưng lại là nhân viên kĩ thuật quan trọng mà Quân khu cử đến. Minh hơn tuổi tôi một chút nhưng chúng tôi vẫn gọi nhau là “mày – tao”. Hắn người Nam Đàn, rất có hoa tay và đặc biệt là làm gì cũng hết sức cẩn thận, chu đáo. Minh lại rất nhẹ nhàng, hay chiều bạn nữa. Có lần, sau mấy ngày hành quân ròng rã, chân tôi sưng to không đi được nên rớt lại sau đơn vị. Minh kèm theo tôi, mang luôn cả chiếc ba lô của tôi trước bụng, động viên tôi dấn bước. Khi đó trên người tôi chỉ còn lại chiếc máy đeo bên hông chừng bảy cân, khẩu AK với đủ cơ số đạn đi chiến trường và chiếc bi đông, túi thuốc cá nhân, hai quả lựu đạn, dao găm đeo ở cái thắt lưng to thắt giữa bụng nên tôi vẫn có thể lê bước về được điểm trú quân. Lúc này trông Minh quả như một con lạc đà, lặc lè dấn bước. Hắn chẳng to lớn gì nhưng thật khoẻ vì cũng đã qua lính mấy năm rồi. Còn tôi, vì là một thằng lính sinh viên lại mấy lâu ngồi ghế cơ quan E bộ nên không trụ nổi. 
          Chính Minh đã chỉ dẫn, bày vẽ cho tôi để tôi có thể phụ trách chiếc máy đo góc ngoặt sau này hỗ trợ hắn cầm máy thuỷ chuẩn đưa lại những con số cần thiết. Suốt mấy tháng ròng, ngày nào tôi và Minh cũng miệt mài cùng cái máy với sự cộng tác của ba tiểu đội làm việc theo một qui trình chặt chẽ: Toán đầu đi trinh sát địch tình và dò xem có mìn cài bẫy không; Toán thứ hai dùng dao chặt phát những cây, lá làm vướng tầm ngắm máy của tôi và Minh; Toán cuối cùng hỗ trợ cho tôi và Minh dùng máy đo độ cao, góc ngoặt đưa về cho kĩ sư Tánh và Liêm thiết kế trên bản đồ. (Khi trung uý Liêm được điều về BTL mặt trận thì công việc vẽ bản đồ dồn hết cho trung uý Tánh).
Đoàn quân chúng tôi tiến dần về hướng Thượng Lào. Nếu công việc tôi vừa kể trên diễn ra ở nơi bình yên thì cũng không có gì đáng nói nhưng đây là chiến trường, là mặt trận. Ai từng trải qua những năm tháng chiến trường mới hiểu được nỗi gian lao và sự khủng khiếp của con người khi cứ đứng chênh vênh trên bờ vực của cái chết mà sự chịu đựng có thể nói là tột cùng. Tôi có một thằng bạn vốn cũng là cựu chiến binh – sinh viên, tên là Đoàn Đức Hiếu, sau chuyển đi học NAQ và trở thành PGS – Tiến sĩ Triết, tâm sự rằng: Hồi hoạt động ở rừng Trường Sơn, một đồng đội của hắn cũng là sinh viên Đại học sư phạm Vinh, nhập ngũ trước tôi một đợt, tên là N.V.D có một chuyện “tối mật”: Một hôm, lúc hai thằng đi hái rau tàu bay với nhau D nói với Hiếu: “Kinh khủng quá mày ạ. Chết tao không sợ nhưng khổ quá tao không còn chịu nổi nữa. Chuồn thôi! Mày đi cùng tao không?” Thấy chuyện nghiêm trọng, thằng bạn tôi hoang mang: “Đi đâu bây giờ?” “ – Về thành phố”. “ – Đào ngũ a?” “– Tao không thể chịu thêm được nữa. Cứ thế này, không chết vì đạn rồi cũng chết vì sốt rét, đói khát thôi”. Thằng bạn tôi từ chối rồi trở về nơi đóng quân một mình. Mấy hôm sau có một chiếc trực thăng của địch bay rà sát xuống nơi chốt giữ của đơn vị. Tiếng loa “tâm lí chiến” vang lên: “Hỡi các cán binh Bắc Việt! Các bạn đừng uổng phí tuổi xuân. Hãy trở về với quê hương, với gia đình các bạn…”. Điểm chốt của trung đội thằng bạn tôi phải nhanh chóng chuyển sang một ngọn đồi khác và chịu thiếu đi một tay súng từ đó.
Chiến tranh lùi xa dần. Mọi chuyện của chiến tranh cũng quên dần. Chuyện của N.V.D cũng đã là quá vãng. Tôi kể lại chuyện này chỉ là muốn làm rõ cái gian khổ của bộ đội những năm ấy chứ cũng không có ý gì hơn.
Trở lại chuyện đơn vị tôi. Hoạt động giữa ngút ngàn Trường Sơn chưa được bao lâu, trong đại đội bắt đầu lác đác có những người bị sốt rét. Căn bệnh quái ác, “đặc sản” của rừng núi này đã làm cho những chàng trai khoẻ mạnh nhất cũng phải khuỵu xuống. Với chúng tôi lúc đó, không có bệnh xá, không có bác sĩ (chỉ có y tá đại đội) nên thằng nào bị sốt thì chỉ biết nằm trên võng mắc giữa rừng, chịu sự hành hạ của những cơn sốt. Có lẽ nhiều người đã từng nghe kể về những bộ xương nằm nguyên trên võng của những chiến sĩ vì đi công tác lẻ bị cơn ác tính, chỉ kịp mắc võng nằm lại giữa rừng rồi không thể dậy được nữa.
Đi C, lính ta ngán nhất bị vấp mìn và bị phục kích bởi lũ Phỉ Vàng Pao. Ở Lào, bọn Phỉ tự cho nó là lính thiện chiến nhất, một lính Phỉ địch ba lính Pha thet. Tuy nhiên chúng vẫn sợ bộ đội Việt Nam nên thường dùng cách đánh úp, đánh du kích để tiêu hao lực lượng ta và làm ta chùn bước. Một lần, một đơn vị bộ binh đi trước, hỗ trợ chúng tôi làm nhiệm vụ. Đang đêm họ bị Phỉ đánh úp. Sau khi “xử” được người lính gác, chúng lén đến gần rồi bất ngờ xả súng liên hồi vào chỗ đóng quân. Tuy thương vong không nhiều nhưng chúng làm cho bộ đội mình sau đó mất đi rất nhiều những đêm bình yên với giấc ngủ.
 Sau chuyện đó, chỉ huy tiểu đoàn bộ binh lúc đó là thượng uý Thanh nổi giận, sáng hôm sau kéo quân bao vây bản Huei siêng, cho nã pháo cối bắn tung nhiều cái chòi và phạt ngang nhiều cây cối ven bản để thị uy, cảnh cáo. Theo tin của điệp báo ta, bản này có rất nhiều con em đi làm Phỉ. Dân bản này sợ mất vía. Đến nỗi sau đó, có một hôm tôi đang chăm chú ngắm máy bên bờ suối, một bà mang gùi từ trong bản ra rừng đụng ngay đầu ống kính của tôi,  sụp xuống lạy như tế sao, chắc tưởng cái máy của tôi là một thứ vũ khí tối tân nào đó. Tôi phải đỡ bà dậy, trấn an mãi, bà mới dám rón rén đi tiếp.
Nhưng cũng Chính bản này, một tuần sau đó có một người phụ nữ vì chuyện sinh nở mà chết cả con lẫn mẹ. Họ đã không ngần ngại đặt vấn đề với đơn vị tôi để cho y tá Đồng, người Yên Thành, dùng một con dao Mẹo rất sắc mổ đưa đứa con chết lưu trong bụng ra để dân bản chôn cất riêng hai mẹ con ngoài rẫy. Tục của họ là vậy. Bản này đã mang cả một con lợn to biếu lại chúng tôi để đền ơn. Lâu lắm rồi, hôm đó chúng tôi mới được một bữa thịt tươi, ăn ngon chưa từng thấy.             
Càng vào sâu vùng địch, chúng tôi càng phải đối diện với nguy hiểm nhiều hơn. Ở chiến trường đôi khi có chuyện bắn nhầm chính quân ta. Tôi đã một lần suýt vậy. Đơn vị hết gạo ăn, tôi và một số đồng chí nữa được cử đến một cái “kho tự giác” giữa rừng sâu để lấy gạo. Lại phải giải thích mấy chữ này một chút: Ở phía trường Sơn Tây (Trường Sơn Đông thì tôi không rõ), trên những cung đường giao liên, có những đoạn nằm giữa rừng sâu, quân ta làm những cái chòi để cất gạo ở đó gọi là “kho tự giác”. Tự giác nghĩa là đơn vị nào thiếu thì cứ đến đấy để lấy không phải hoá đơn xuất nhập gì cả. Kho cạn lại có dân công hoả tuyến tiếp thêm. Dĩ nhiên là có một sự “Điều hành” thế nào đó của Mặt trận để đảm bảo gạo thường xuyên có và đảm bảo an toàn cho bộ đội. Tôi kể chuyện này, em tôi bảo: “Vậy thì các anh tha hồ ăn no còn gì. Muốn lấy bao nhiêu gạo thì lấy!” Xin thưa rằng, đúng là “muốn lấy bao nhiêu thì lấy” nhưng vấn đề là “không thể lấy”. Thế mới tài! Tôi cho đây cũng là một cái mẹo hay của bên hậu cần. Cái “kho tự giác” ấy được rải dọc cung đường theo một khoảng cách rất “khoa học”: Chẳng chú bộ đội nào lại dại (hay nói đúng hơn là dám) mang gạo quá định mức vì đường hành quân quá vất vả. Nhiều khi còn phải vứt bớt những thứ có thể vứt như áo ấm khi trời không quá lạnh, nói gì đến mang thêm. Chẳng có sức để lấy thêm, dù là chỉ một nắm gạo. Rất nhiều lính mới trong đó có tôi đã mắc sai lầm này một lần: Trên một cung đường khét tiếng là dốc cao và khó đi ở Thượng Lào, trước ngày vượt đèo, mấy cựu binh từng biết đã khuyên chúng tôi nên mang bớt áo quần vào bản đổi gà vịt mà ăn cho khoẻ sức để hành quân. Chẳng tên nào chịu làm theo, ai cũng nghĩ gắng thêm một chút để mang về làm quà cho người thân (đấy là lần chúng tôi đi bộ ròng rã nửa tháng để về nước). Ai dè chỉ mới lên dốc được chừng một tiếng đồng hồ thì cả đứa khoẻ nhất cũng phải “đầu hàng”, tự vứt đi những thứ có thể để “hoàn thành nhiệm vụ”. Chăn, áo ấm vứt ra, rải đầy con dốc. Dân nghèo của Lào nắm được qui luật này, lên chờ sẵn ở đèo cao “cửa khẩu” này để “nhận quà”.
Trở lại chuyện suýt bắn nhầm nói trên. Hôm ấy, Tôi gùi sau lưng cả một ba lô gạo đầy nên phải còng lưng đi chúi về phía trước. Đến một lối đi hẹp phải chui trong lau lách, tôi phải cúi thấp đầu để tránh những lá lau cứa vào mặt. Đến một chỗ ngoặt, vừa ngẩng đầu lên thì ngay trước mặt là một tốp lính mặc quần áo rằn ri nguỵ trang, tay cầm ngang một loại súng lạ bước tới chỉ còn cách tôi chừng năm bước. Ngay lập tức, tôi bật khoá an toàn khẩu AK trước bụng, hướng nòng vào đối phương. Chưa kịp siết cò thì một tiếng chào rất bình tĩnh:”Chào đồng chí!”. Hú hồn! Một tí nữa thôi, không biết chuyện gì đã xảy ra. Tốp lính ấy là của một đơn vị đặc công vừa đi tiểu Phỉ ở Mường Mộc trở về.
Nhiều khi lại có chuyện vui chiến trường kiểu khác. Một lần tôi và Minh được giao nhiêm vụ đi đón hai lính Pha thet đến đơn vị để họ dẫn đường giúp ta vượt qua một chặng rất nguy hiểm bị cài đầy mìn. Được báo là hai chiến sĩ người Lào đã gần đến chỗ đơn vị đóng, chúng tôi chỉ cần đón họ và đưa vào cứ. Ra đến điểm hẹn cách chỗ đóng quân chừng ba cây số nhưng chưa thấy người, tôi và Minh đang quanh quẩn thì phát hiện một cái hang sâu bên lèn đá. Cửa hang chi chít những vết đạn, cây cối xung quanh gãy nát chưa kịp đâm chồi lại. Đến gần nhìn vào thấy trong hang toàn vỏ hộp nhãn hiệu Mĩ vứt lỏng chỏng, trên một phiến đá còn loang lổ những vết máu. Tôi đánh bạo định vào trong thì Minh kéo lại: “Cẩn thận! Khéo bị cài mìn!” Rồi hai thằng nấp vào sau tảng đá trước cửa hang đánh tiếng hét thật to cả bằng tiếng Việt và tiếng Lào: “Có ai không?” (Mi khôn bọ?). Không có động tĩnh gì ngoài một con tắc kè thấy động chạy vào trong hang. Sẵn một đoạn cành cây gãy nằm gần đấy Minh nhặt lên ném đại vào trong. Một tiếng nổ long trời, Chắc là tiếng của mìn clâymo, khói bụi trong hang mù mịt, đất đá ở trong bay ra rào rào…Chỉ tí nữa thôi tôi đã nằm lại cái hang đó với một mớ xương thịt tan tành. Khi rời hang để trở lại điểm hẹn, cả hai thằng tôi mới phát hiện trên một đám đất cách hang chừng hai mươi mét mấy ngôi mộ mới. Lại gần thấy mấy cái cọc gỗ đơn sơ được vạt phẳng một bên làm mộ chí ghi dòng chữ: Nguyễn Văn A, đơn vi….; Trần đình B, đơn vị…v….v… Hồi đó hai chúng tôi đã bảo nhau: Những mộ này nếu để lâu, mối ăn mất “mộ chí”, cây mọc trùm lên nữa, tìm được thật không dễ. Không biết đến bây giờ những đồng đội ấy của tôi đã được đưa về đất Mẹ chưa?
Thoáng thấy bóng người đi tới, tôi và Minh ẩn vào sau bụi cây quan sát: Hai người mặc quân phục, Khoác súng AK, da sốt rét rừng tái đen, môi thâm sì nhìn chẳng giống gì người Việt. Chắc mẫm đây là hai chiến sĩ Pha Thet đang đợi, Minh nhắc tôi chú ý rồi bước ra chào: “Xam bái!” Không ngờ phía bên kia đáp lại bằng tiếng Nghệ rất rõ: “Các đồng chí thấy chúng tôi giống người Lào à? mới sang phải không?” Rồi họ hỏi chúng tôi có nghe tiếng mìn nổ vừa nãy không. Tôi nói lại chuyện đã xảy ra. Một người kể cho tôi và Minh nghe hai tuần trước họ vừa bắt gọn một toán Phỉ trong hang sau một trận đấu súng ác liệt và chính họ đã cài lại quả mìn trước khi rút đi. Hai bên chào nhau và họ quay trở lại. Hoá ra đó là hai cựu binh lính tỉnh đội Nghệ An sang Lào đã nhiều năm đi tìm hiểu vụ nổ. Họ đi rồi, hai thằng tôi ôm nhau cười như nắc nẻ: Thấy người Việt lại dùng tiếng Lào mà chào!                 
Chờ thêm chừng mười lăm phút nữa tôi và Minh mới đón được hai chiến sĩ Pha Thét. Có người dẫn đường, ngay chiều hôm ấy chúng tôi xoá hết dấu vết nơi đóng quân để vượt cung đường đã nói. Đi được chừng một cây số đường suối (lội dọc theo suối) thì hai chiến sĩ Lào dẫn đại đội tôi leo lên một sườn núi cây cối đã chết khô toàn bộ đứng trơ trụi không lá. Mỗi người được yêu cầu tìm một cành có nhiều lá khô mang theo, đề phòng có máy bay địch đi trinh sát thì nguỵ trang. Sau này chúng tôi mới biết cánh rừng này tháng trước sau chừng hai mươi phút chiếc “bà già” của địch lượn vè vè ở đây thì ngày hôm sau cây trút hết lá và chết đứng. Chúng định nhử bộ đội ta đi tránh khoảng trống này để lọt vào một bãi mìn dài cả cây số.
Dẫn đội quân tình nguyện chúng tôi vượt qua “đoạn đường chết”, hai chiến sĩ Pha thet chia tay quay lại đường cũ. Tôi và Minh bắt tay họ, tự nhiên thấy tràn dâng một thứ tình cảm đồng đội mới lạ: Đồng đội cùng chung một chiến hào nhưng là ở hai nước khác nhau. Tôi hỏi người lính Pha thét lớn tuổi hơn: “Đường về đơn vị các anh còn xa không?”. Anh ta cười rất hồn nhiên: “Xong nhiệm vụ rồi, tôi không về đơn vị nữa”. Rồi chỉ vào người lính đi cùng còn rất trẻ, lại bập bẹ tiếng Việt: “Chỉ có…anh…này…về đơn vị thôi…còn tôi sẽ về bản. Tôi đi cả năm nay rồi, giờ đến mùa rẫy phải về làm rẫy đã, và chờ đến khi vợ đẻ con thì trở lại đơn vị”. Cả bọn chúng tôi ngơ ngác không hiểu được, phá lên cười. Về sau này mới biết, Bộ đội Pha thet Lào không có kỉ cương như mình, họ khoác quân phục theo thời vụ và đi lính như dân công vậy thôi. Ban đêm họ rủ nhau bỏ doanh trại vào bản hút thuốc phiện, chơi tán gái là thường. Có lần, thằng Tiến và thằng Bang người Nghi Lộc vào bản về còn ôm bụng cười rũ rượi kể cho bọn tôi nghe: Hai thằng vừa chứng kiến hai lính Pha thet ngồi hai bên khung cửi của một em Lào lum rất xinh, cùng thò tay “vọc vậy” bên trong chiếc áo Thổ cẩm của cô nàng. Ở họ, con gái không kiêng cự phần ngực nhiều nhưng lại không cho con trai nắm tay.                 
Tôi còn chứng kiến một lần khác, thằng Cậy người Thọ Xuân, Thanh hoá rủ tôi vào một bản khá đông dân để đổi bán tiền Lào. Cậy đã có vài lần qua Lào nên hắn rất thạo tiếng và quen giao tiếp với người dân. Tôi thấy hắn vẫy một cô gái đến gần nói gì đó rồi đưa cho cô ta một cái gói nhỏ bọc giấy báo. Bỗng cô gái đứng ngay chỗ ba người dưới chân cầu thang, cởi hết xiêm y, phơi cả bộ ngực đồ sộ rồi mở gói lấy cái vật ở trong là một chiếc áo con phụ nữ ra để ướm thử. Tôi ngượng chín mặt. Mấy tên cựu binh từng trải nó lì lợm quá, chẳng nể gì tôi cả. Về sau tôi nói với Cậy, hắn cười: Tao biết bọn con gái Lào nó thích thứ này mang bên ta sang lắm. Được giá nhất đấy! Mà lại nhẹ nhàng, bỏ lẫn vào quân trang được. Ôi, một thời đi chiến trường lại biết thêm bao chuyện kinh tế, văn hoá mới lạ…         
Mùa khô khép dần lại. Sống giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi sợ mùa mưa thực sự. Ai đã từng hoạt động ở Trường Sơn Tây vào mùa mưa hẳn khó quên những trận mưa rừng, không phải là trận nữa, mà là những ngày, những tháng mưa kinh hoàng. Mưa đến nhão nhoét cả núi đồi, mưa đứt cả đường đi, mưa không ngước mặt lên nổi, mưa tầm tã với những cơn kéo dài cả ngày không hề ngớt. Nước từ các triền núi đổ xuống khe suối ào ào rồi dâng lên thành dòng lũ đen đục cuốn theo không biết bao nhiêu là cây khô, rác rưởi cả mùa khô trữ lại, cuồn cuộn đổ ra sông lớn, chảy về đồng bằng. Tôi nói sợ mùa mưa không phải là sợ ướt lạnh, sợ nước. Bộ đội được huấn luyện, được trải qua, tất cả đều quen rồi. Trời có trút nước làm lũ lớn cắt đứt đường đi, giữa dòng nước chảy cuồn cuồn chúng tôi vẫn vượt qua một cách nhẹ nhàng. Dẫu rằng hi hữu có anh chàng nào đó vì chủ quan, vì quá vụng về có thể bị dòng nước cuốn vào một bờ cây, một vách lèn sâu nào đó để rồi thành liệt sĩ mà ít có cơ hội tìm được thi thể nữa. Lính ta sợ mùa mưa vì nằm lại giữa rừng không làm gì được, cứ chống chọi với mưa suốt ngày này tháng khác, ê ẩm, chán chường…Tôi nhớ mãi một lần hành quân giữa mùa mưa ở vùng rừng Trung Lào: Mưa tầm tã cả tháng trời, mặt đất đụng nơi nào cũng ứa nước, đôi giày hành quân nhiều khi sục hẳn xuống vũng bùn nhổ mãi không lên. Đã thế mùa mưa vắt rừng nhiều không kể xiết. Dù đã dùng thuốc chống vắt bôi trắng cả giày, cả nửa dưới ống quần, chúng vẫn liều bám vào rồi bò ngược lên chui cả vào người, vào cổ. Nhiều lúc đang đi thấy lành lạnh dưới rốn, sờ tay vào thì máu ướt đầm cả bàn tay còn chú vắt no căng tròn rơi xuống dưới đũng quần tìm mãi chẳng được nữa. Mấy chú lính dân thành phố cả đời chưa biết vắt đỉa là gì cứ hét lên như phải bỏng.
Có hôm hành quân đến cuối ngày đang mệt rã rời tưởng được dừng chân mắc võng nghỉ lại thì lại được lệnh nhanh chóng vượt khỏi “toạ độ nguy hiểm”. Đấy, cái gian khổ của chiến trường còn đáng sợ hơn cả sự hi sinh là vậy! Lại đi, thêm cả tiếng đồng hồ lết trong bùn lầy để đến nơi có thể trú lại. Chỗ dừng chân đêm ấy của chúng tôi là một cao điểm chênh vênh trên một sườn dốc tưởng chừng không thể dốc hơn. Phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Đến mức tôi phải nhắc đi nhắc lại mấy lính mới trong tiểu đội buộc lại dây võng thật chắc chắn, đề phòng lăn xuống không thoát được. Vậy mà, dù đã muộn, bộ đội chúng tôi vẫn nhanh chóng cùng nhau kéo tăng che mưa, đi tìm củi khô giữa trời mưa không ngớt, bắc bếp thổi cơm ăn để đủ sức kéo dài giấc ngủ qua đêm. Đúng là con người chúng ta có thể làm được tất cả miễn là chúng ta không chịu bó tay. Có lần tôi kể chuyện này cho cả nhà nghe, cậu con trai tôi chất vấn: Bố nói như chuyện thần thoại, đêm tối giữa rừng sâu mưa không ngớt thế bố và đồng đội lấy đâu ra củi chứ? Vậy mà bộ đội Trường Sơn đã viết nên những chuyện cổ tích như thế đấy. Thật ra, dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy, nếu biết nghĩ chúng ta vẫn tìm được cách vượt qua. Trong những khu rừng già, củi khô rất nhiều và có những cây khô được tán lá che khuất, mưa chỉ làm ướt nhẹ phía ngoài, chẻ ra lấy phần bên trong vẫn đốt cháy như thường. Bộ đội Trường Sơn chúng tôi thực tế đã thổi được cơm ăn giữa rừng mưa như vậy.
Những tháng mưa nát đất rồi cũng qua đi. Trời chuyển lạnh về đêm còn ban ngày lại nắng như thiêu đốt. Rừng Lào thật đặc biệt: Đã mưa là mưa thối đất còn đã tạnh là tạnh hẳn. Vài cơn mưa lác đác cuối mùa rồi cũng hết. Mặt đất uống đầy nước mùa mưa se dần rồi khô cứng lại. Vắt rừng nhờ vậy mà cũng chui đi đâu hết. Chúng tôi đã có thể thoải mái trải tăng bạt trên thảm lá khô nằm cho thẳng lưng lại sau cả mấy tháng trời chỉ có thể gò lưng trên cánh võng. Mùa khô, có cảm giác rừng Trường Sơn thơm mùi lá rụng. Ở những cánh rừng rậm, lá trút xuống đầy mặt đất tạo nên một thảm dày, lấy tăng, võng giải lên trên là lũ lính chúng tôi có được cái ổ nằm ấm hơn rất nhiều so với nằm võng. Nằm đất trong rừng chỉ ngán một nỗi là vẫn rờn rợn nhỡ giữa đêm có rắn rết trườn vào tìm hơi ấm của người. Thú rừng thì ít phải lo hơn vì đơn vị đêm nào cũng đã có lính gác. Có một dạo, hoạt động ở vùng Thượng Lào nổi tiếng là có nhiều Phỉ Vàng Pao, nhưng ban đêm đến phiên gác tôi không sợ gặp địch mấy mà chỉ sợ gặp dân: Nhỡ mình giết oan một người Lào vô tội? Vì là vùng trọng điểm, đại đội có qui định: Đêm gác nếu có người vào khu rừng trú quân, không đáp lại đúng ám hiệu là bắn ngay (không bắn chỉ thiên). Cầm súng trong tay, nép vào một bạnh cây Săng lẻ đầu cửa rừng, tôi chỉ lo có người dân thường nào đó chẳng may có việc cần đi vào vùng Bộ đội Việt Nam đang đóng sau sáu rưỡi chiều. Hồi huấn luyện ở núi rừng Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn chúng tôi cũng từng thức đêm canh giấc ngủ cho cả đơn vị thế này nhiều nhưng khi ấy chỉ là “diễn” chứ không phải làm thật như bây giờ. Tôi có thể sẽ phải giết người trong phút chốc, dù đó chỉ là một người dân hiền lành, khốn khổ vì đã không đáp lại được ám hiệu đưa ra hay là một người thuộc chiến tuyến bên kia.
Còn nhớ một lần, tôi nhận phiên gác từ 1 đến 2 giờ sáng. Ám hiệu đêm ấy là: Hỏi – Lạc Xao; Đáp – Mường Mộc. Suốt từ đầu đến gần hết giờ, phiên gác diễn ra bình yên. Còn 5 phút cuối tôi đang chuẩn bị thu súng để đổi gác thì nghe tiếng bước chân đạp trên lá khô từng bước dè dặt. Hướng nòng súng về phía có tiếng động, tiếng bước chân vẫn se sẽ tiến lên. Tôi ra ám hiệu không to nhưng giữa rừng sâu trong đêm nghe rất rõ: “Lạc Xao!” Không gian lặng ngắt không một âm thanh đáp lại. Tôi bật khoá súng để chuẩn bị siết cò thì một tiếng “éc”…vẳng ra, chú lợn chắc khá to nhảy cẩng lên rồi biến mất trong đêm. (Có thể đây là một con lợn dân Lào vẫn thường thả hoang vào rừng đợi lớn rồi bắt về làm thịt). Nếu đấy là một con người thì chắc chắn khó tránh khỏi loạt đạn AK tôi vãi ra, dù là Phỉ Vàng Pao hay người dân oan uổng nào. Mãi sau này, khi chiến tranh kết thúc, tôi vẫn thầm cảm ơn Trời Phật đã không bắt tôi nhúng tay giết chết một người nào. Sau đó, trong một buổi giao ban, chính tôi đã đề nghị nên có cách bảo vệ ban đêm sao cho an toàn hơn, không chỉ cho Bộ đội mình mà cho cả người dân nước bạn. Nhưng Chính trị viên đại đội không đồng ý, nói chắc nịch: “Không được đâu! Vẫn phải vậy thôi, thà bắn nhầm còn hơn…”
Chiến trường thật đáng sợ.
Đường chúng tôi đi là một con đường thật đặc biệt. Đơn vị di chuyển đến đâu thì hình hài con đường được xác định đến đó. Nhà văn lớn của Trung Quốc – Ông Lỗ Tấn – có nói: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Chẳng qua là do người ta đi mãi mà thành đường đó thôi”. Chúng tôi chính là những người đã đạp những dấu chân đầu tiên để tạo nên con đường đang nói tới. Nói là đường nhưng thực ra đó chỉ là một lối nhỏ được phát quang cây cối xuyên mãi vào rừng già, xẻ dọc mái tây Trường Sơn mà đi theo toạ độ của lính trinh sát công binh dựa trên la bàn kết hợp với mắt nhìn thực địa. Cái lối nhỏ ấy khi vượt lên một sườn đồi lau lách um tùm, khi lách qua một con suối nhỏ róc rách chảy ra dòng nước từ khe núi cao tưởng chừng không có nước nơi nào trong mát hơn. Phần lớn con đường bị hút vào giữa rừng sâu, ngút ngàn tre nứa và muôn loài gỗ quí. Có những cây lim, cây săng lẻ, cây pơ mu to cả bốn, năm người ôm không xuể, cao vút nhìn không thấu ngọn. Đi trong những khu rừng già nhiều gỗ là chặng đường bọn lính chúng tôi hứng thú nhất. Dưới những gốc cây to thường rất sạch, không vướng vít gai góc lau sậy, lại ít có bóng mặt trời lọt xuống nên mát rượi trong những ngày nắng rát. Dừng chân nơi đây giờ nghỉ trưa để đốt cơm lam hay giở lương khô ra ăn thì thật là lí tưởng giữa mùa khô. Gian khổ tận cùng nhưng chúng tôi cũng có được những phút giây thơ mộng, lãng mạn mà sau này chắc khó tìm lại được. Có một lần, Hoàng Hoa – một anh chàng cao to, da trắng, tóc xoăn, làm quản lí của đại đội, rất hay làm thơ, mắc võng nằm ngược chiều cách tôi mấy mét. Tôi đang thiu thiu định ngủ thì tự nhiên hắn chồm dậy trên võng: “Khung cảnh đẹp quá ông Ngọc ơi! Tôi nằm ngắm cánh rừng nãy giờ, nhìn sang ông nằm trên võng, thấy bộ ria mọc dày càng làm nổi rõ khuôn mặt thư sinh da trắng. Tôi mà là con gái nhỉ? Ha…ha…Đời lính cũng có lúc hay phết”. Rồi hắn cất tiếng hát dù sai hết nhạc và bịa lời lung tung: “Dừng chân…bên suối võng đưa, nhìn vòm cây…chao ôi là đẹp. Nếu tớ là con gái, sẽ…yêu giữa Trường Sơn”. Rồi nhằm vào tôi, hắn nhại thơ Hồng Nguyên:
Đằng nớ vợ chưa?
Đằng nớ?
Tớ còn học dở!
Cả lũ cười, rừng võng đung đưa…
Dạo ấy ở rừng, lại bận việc quá tôi cứ để râu ria mọc dày. Có Hoàng Hoa gợi hứng, tôi không ngủ nữa, lấy cuốn sổ ra viết tiếp bài thơ đang viết dở:
          Đường ta qua rừng già không in dấu
          Lối ta đi ai hiểu được nơi này
Đầu dây võng vết hằn là duy nhất
          Ghi trong rừng ngày bộ đội qua đây.
         
Nhưng gian khổ vẫn là chủ đạo. Gian khổ vẫn còn nhiều lắm. Tuyến đường thọc sâu về phía Thượng Lào được khoảng một trăm cây số thì chúng tôi nhận được điện của Mặt trận lưu ý có thể đụng địch. Đơn vị hoạt động phải tuyệt đối bí mật. vậy là lại bước vào những ngày căng thẳng. Nơi đóng quân của chặng này là một cánh rừng lá thấp. Thông thường, cứ khoảng chừng ba cây số thì đại đội chuyển chỗ đóng quân một lần. Tuy nhiên hầu hết thời gian trong ngày các bộ phận kĩ thuật và chiến đấu đều đi tuyến hết chỉ còn lại một nửa ban chỉ huy, bộ phận hậu cần và một tiểu đội cảnh vệ. Không dám ở gần suối to dễ đụng chạm với địch, toàn đơn vị thu gọn vào một dải đất hẹp bên một khe nước nhỏ nối liền với một ngọn núi cao, đề phòng có chuyện bất trắc thì rút lên chiếm cao điểm. Bếp Hoàng Cầm được vận dụng một cách tuyệt đối. A hậu cần trở nên vất vả nhất vì chuyện “nấu không khói”, lại phải dọn dẹp thật sạch sẽ, cất dấu lương thực phẩm kín đáo mà không được chặt bất cứ cành cây nào trong khu vực trú quân. Khổ nhất là chuyện tắm rửa. Khi bẩn quá không chịu nổi chúng tôi mới tắm một lần. Chỗ tắm là một vũng nước giữa con suối cạn rò rỉ ra đôi tia nước từ trong khe đá, sâu không hơn chiếc soong quân dụng của nhà bếp. Để gội đầu hay tắm phần trên cơ thể phải dùng chiếc ăng gô mang theo múc nước té lên mới đỡ bị dính cát. Chui trong lùm cây để tắm cho kín đáo, nhiều hôm tắm xong vết muỗi đốt đầy mình. Cái khe nhỏ có thể tắm được ấy cách chỗ đóng quân có đến vài trăm mét. Đi tắm bao giờ chúng tôi cũng phải mang theo súng, bật sẵn cả khoá an toàn, dựng ở gốc cây sát bên vũng nước để đề phòng…   
Rồi còn bao nhiêu những chuyện oái ăm khác mà không phải là cuộc sống nơi chiến trường thì chúng ta không bao giờ gặp. Là người đi vạch đường nhưng rồi cũng có lúc chúng tôi đã không tránh được lạc lối giữa đại ngàn mịt mùng. Nhóm lạc rừng hôm đó có sáu người nhưng tôi không còn nhớ rõ từng đứa. Chỉ biết là có tôi và Minh – hai “kĩ sư thực hành” và mấy chiến sĩ đi hỗ trợ, trong đó có thằng Hùng đen người chín Nam sau này ở lại lâu trong quân đội, lên đại tá rồi về hưu là tôi nhớ được. Hắn nhỏ con nhưng có sức khoẻ thật tuyệt, cái sức dẻo dai bền bỉ ấy. Đến lúc tôi đã đói lả, toàn thân bủn rủn không lê nổi bước chân nữa mà hắn vẫn xông xáo chạy lên chạy xuống những triền dốc mong tìm được chút dấu vết của đường về. Giờ kể ra chuyện này cũng thấy hơi xấu hổ: Thực ra lần ấy chúng tôi lạc đơn vị không phải là dài ngày mà chỉ vì tôi chịu đựng kém quá nên thành ra nghiêm trọng. Mẹ tôi bảo tôi là thằng háu đói. Chỉ qua bữa ăn mà không có gì lót dạ, dù chỉ là một nắm ngô rang, là vã mồ hôi nhớt rồi chảy cả nước dãi và mệt nhũn ra. Có lẽ đó là hiện tượng hạ đường huyết vẫn thấy ở một số người.
Hôm đó, vì mải đo cho xong mấy góc ngoặt ngoắt nghoéo đi qua một lũng sâu, chúng tôi quên cả thời gian. Khi những cột tiêu được điền đầy đủ số liệu đóng vào vị trí xong thì trời đã tối sập xuống. Bộ phận xoi tuyến, định hướng thường đi trước chúng tôi chừng một trăm mét đã rút ra từ lúc nào. Cả nhóm vội vã lội tắt qua một sườn dốc cây mọc lúp xúp dưới đất nhưng phía trên là những tán cây to rậm rạm rất khó xác định phương hướng. Đành phải dùng cái cách hơi mạo hiểm là bắn súng kêu cứu. Tôi lên đạn khẩu AK rồi hướng thẳng nòng súng lên trời điểm ba phát rời nhau theo qui định: Pằng…Pằng…Pằng! Ba viên đạn lửa vút lên giữa bầu trời đã bắt đầu sẩm tối, âm thanh vang động cả núi rừng nhưng chỉ phút chốc lại chìm trong im lặng. Cả bọn hồi hộp vểnh tai chờ nghe tiếng súng của đơn vị đáp trả nhưng vô vọng. Tôi bắn tiếp ba viên nữa. Lại hồi hộp chờ. Lại vẫn chỉ là im lặng. Rồi bóng đêm nhanh chóng trùm kín cả núi rừng. Trời tối nhanh ngoài tưởng tượng, có thể là vì phía tây có ngọn núi quá cao che lấp mặt trời sớm. Ai từng lạc rừng mới biết cái cảm giác bối rối rồi hoang mang khi càng lúc càng trở nên bế tắc, bất lực. Nhất là chúng tôi lại lạc vào buổi chiều tà, thời gian không chút ủng hộ.
Tôi và vài người nữa đói lả dần, Người khoẻ như Hùng cũng đã tắt lịm ý chí. Nhìn phía nào cũng thấy núi bao bọc cao vút. Chúng tôi đành buông xuôi phương án tìm đường về, chấp nhận hoàn cảnh chịu lạc đơn vị giữa rừng sâu mịt mùng để tìm phương án trụ lại qua đêm. Không còn cách nào khác là phải làm theo kinh nghiệm đi rừng là khi bị lạc, hoàn toàn mất phương hướng thì cứ lần theo mái núi xuống khe để tìm nguồn nước. Rất may, không lâu lắm thì chúng tôi tìm ra được một con suối nhỏ với những tảng đá to sạch sẽ đủ cho cả nhóm ngồi, lấy nước uống và rửa ráy. Cũng vừa lúc lượng nước đựng trong bi đông của mỗi người dùng trong ngày đã cạn. Cả bọn thi nhau vục xuống suối giải khát rồi rửa ráy chân tay mặt mũi mong vực lại chút sức đã cạn. Cái lạnh của rừng đêm bắt đầu buông xuống càng làm cho bụng cồn cào hơn vì đói. Đói hoắt hoeo, đói khủng khiếp, đói như chưa bao giờ đói thế. Không thể chịu đựng thêm sự hành hạ của cơn đói, chúng tôi bổ đi mỗi người một ngả mò mẫm trong đêm may ra tìm được thứ gì lót dạ. Cả bọn có được một chiếc đèn pin. Minh và tôi dùng đèn leo ngược lên một vách núi thấp thoáng bóng mấy chiếc lá của một cây khộp khá lớn, hi vọng tràn trề. Ruột cây khộp là loại thức ăn đẳng cấp cho người lạc rừng. Nó có vị ngòn ngọt có thể ăn no được. Hai thằng chúng tôi leo được tận gốc thì toát cả mồ hôi nhưng sướng quá sáng cả mắt khi xác định đúng một cây khộp đầy đặn có thể đủ cho cả nhóm dùng bữa. Rút ra hai con dao găm sắc bén, tôi và Minh tìm cách để hạ cây. Than ôi! Những bẹ lá khộp bọc quanh thân đã khô trở nên dai cứng như gỗ pít dùng làm má phanh ô tô, hai chiếc dao găm trở nên vô dụng. Những chiếc dao tông có nhãn hiệu Trung Quốc rất sắc được trang bị để chặt cây, đẽo cột mốc, nhóm đi trước đã mang về hết. Hai thằng chúng tôi loay hoay một hồi rồi tiu nghỉu quay xuống suối trong sự thất vọng của cả nhóm. May Hùng vác về được một cây chuối rừng to, cả bọn xúm lại đặt lên một tảng đá giữa suối, bóc những bẹ già ở ngoài cho đến khi lộ ra phần lõi bên trong trắng nõn, to bằng ống tre thì cắt thành từng khúc chia nhau ăn ngấu nghiến. Chưa bao giờ có thứ thức ăn nào ngon như cái ruột cây chuối rừng hôm ấy. Ăn đến ngang ngang bụng, Hùng có sáng kiến dùng dao thái nhỏ như ở quê nhà vẫn thường thái ăn cho lợn rồi bỏ vào chiếc ăng gô, thêm mấy hạt muối còn sót lại và đun lên. Tưởng sẽ được món ngon, nào ngờ cây chuối để vậy còn dễ ăn chứ đun lên lại chỉ có cái mùi thức ăn lợn, lợm không sao nuốt được. Dẫu sao, cả bọn chúng tôi đã có một bữa ăn cây chuối rừng đủ ấm dạ dày để có thể ngồi chống chọi qua đêm với cái lạnh thấu xương giữa mùa khô của rừng Lào. Đêm mùa khô ở Lào rất lạnh, vùng núi cao có thể có băng giá. Trong khi đó ban trưa lại rất nóng.
Càng về khuya, trời càng giá buốt. Mấy chúng tôi ngồi thành hai hàng trên phiến đá giữa suối tựa lưng vào nhau cho đỡ rét và cũng là để đề phòng nhỡ có Phỉ hay có hổ báo gì thì vùng dậy thật nhanh. Mỗi đứa đều ôm súng trước bụng, không dám rời khỏi tay. Không ai ngủ được nhưng cũng không dám nói chuyện vì ban đêm giữa rừng sâu tịch mịch âm thanh vọng đi rất xa, còn phải đề phòng. Tất cả im lặng ngồi chống chọi với muỗi, với đêm tối như có ai bưng kín mắt. Nhưng rồi, chừng 2 – 3 giờ sáng, không trụ được với giá lạnh, cả bọn quyết định nổi lửa. Chúng tôi lấy cành khô (thứ này giữa đại ngàn thì vô tận) chất thành một đống to cạnh suối rồi châm mồi và ngồi vây quanh hơ ấm những bàn tay đã tê cóng. Ngọn lửa bùng lên soi rõ những khuôn mặt hốc hác, râu tóc như cũng dài hơn. Hình như chỉ có đôi mắt là vẫn sáng hay bởi ánh lửa rọi vào mà tôi thấy trong con ngươi của mỗi người đồng đội đều cháy lên ngời sáng. Có bếp lửa làm bạn, tự nhiên chúng tôi thấy đỡ cô đơn hẳn. Cả một vùng hoang vắng giữa rừng sâu sáng lên trong ánh lửa bập bùng. Hơi ấm ngọn lửa làm mỗi chúng tôi linh hoạt hẳn lên. Tôi cười bảo cả bọn: “ Chúng ta ngồi ở đây, hai bên là vách núi cao, lại có bếp lửa soi sáng, nếu có địch từ phía trên nhìn thấy, chỉ cần chúng tương một quả lựu đạn xuống giữa đám thì chắc đơn vị cũng sẽ không tìm ra xác bọn ta nữa”. Cả sáu người cùng cười, không thấy ai sợ nữa. Minh nói: “Thì chúng cũng phải ngủ chứ, đêm khuya lạnh bỏ mẹ…” Có lẽ nhờ có bếp lửa mà đêm bớt dài đi. Đôi người còn ôm tựa khẩu AK dựng trước vai ngủ được ít nhiều…
Tôi cũng thiu thiu được chút ít thì giật mình khi có tiếng một con chim Từ Qui kêu khá gần ở sườn núi bên cạnh: “Bóp thì bóp”… “Bóp thì bóp”…Không ngủ được nữa, tôi cứ dõi theo tiếng đôi chim đi ăn đêm kêu thật não nùng, tự nhiên thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ và mấy đứa em da diết. Mấy năm trước (1968) Nhà tôi chuyển từ Đức Thọ lên vùng núi sâu Hương Sơn làm kinh tế mới. Lần đầu nghe tiếng chim Từ Qui thấy rất lạ nên đã bắt bố kể cho nghe về sự tích loài chim này:
“Xưa, có hai chị em nhà nọ rất yêu thương nhau. Họ lớn lên trong sự đùm bọc của bố mẹ dưới một mái nhà thật hạnh phúc. Đến tuổi trưởng thành, cả hai đều là những cô gái, chàng trai xinh đẹp, khoẻ mạnh. Một hôm hai chị em cùng ra suối tắm. Người em trai không cưỡng được mình trước vẻ đẹp và sức xuân đang trỗi dậy của người chị, cậu ta đã có ý sàm sỡ. Người chị tức giận bỏ về, vừa đi vừa doạ người em: – Chị sẽ về mách chuyện này với bố! Người em vừa sợ vừa xấu hổ không dám về nhà nữa, trốn thẳng vào rừng rồi chết hoá thành một con chim cô đơn. Con chim – người em trai vẫn mặc cảm về tội lỗi của mình không dám xuất hiện ban ngày mà phải chờ đêm xuống mới dám một mình đi tìm mồi trên những ngọn núi xa xăm.
Người chị trở về nhà không thấy em theo về nữa, biết chuyện không lành quay lại tìm, tìm mãi cũng chẳng thấy em đâu. Cô đi tận vào rừng sâu rồi cuối cùng cũng hoá thành một con chim khác. Hai chị em ở lại rừng sâu dưới hình hài hai con chim, một trống một mái. Người ta gọi chúng là chim Từ Qui. Hai con chim này trốn rất kín vào ban ngày, không ai thấy được. Chỉ ban đêm chúng mới đi tìm mồi trong những cánh rừng sâu. Con trống từ ngọn đồi bên kia, con mái từ đồi bên này hướng về phía nhau và cứ nhích lại dần. Tiếng con trống kêu não nề: “Trắng thì bóp” như lời thanh minh của người em đối với chị. Còn chim mái thì gọi thống thiết giữa đêm khuya: “Bóp thì bóp” vì sợ mất đi đứa em trai thương yêu của mình. Khi hai con chim gặp nhau thì cũng là lúc trời rạng sáng…”
Tôi ngồi dưới khe sâu nghe tiếng hai con chim đã rất gần nhau biết là trời sắp sáng liền đứng lên xách súng và dao găm, dặn Minh, rồi men xuống mé đồi phía dưới con suối dùng dao đào một cái hố nhỏ…Giải quyết xong cho cái bụng đau lâm râm suốt đêm thì cũng là lúc ánh sáng ban mai đủ cho chúng tôi nhìn rõ quang cảnh xung quanh sau một đêm dài như cả thế kỉ sáu chàng lính Việt lọt thỏm giữa rừng sâu nước bạn không một tín hiệu nhỏ liên lạc với bên ngoài.
Đợi có ánh mặt trời, xác định lại phương hướng, cả toán chúng tôi chéo lên sườn dốc phía đông mà đi. Vừa đi vừa phân công nhau tìm kiếm dấu vết. Hùng khoẻ nhất nên leo lên được một ngọn cây khá cao để nhìn ngắm địa hình nhưng hắn chỉ lắc đầu thất vọng. Lại mải miết đi. Quanh quẩn hết cả buổi sáng vẫn chưa tìm được manh mối đường về. Càng lúc bụng càng đói dữ. Tôi lại ra mồ hôi nhớt và mắt hoa lên, bụng thì đau lâm râm không ngớt. Phải mạo hiểm tiếp dùng cách bắn súng báo lạc đường gọi đồng đội tiếp cứu. Tôi vừa hạ súng xuống để lên đạn thì nghe vọng từ xa đến ba phát giống tiếng AK của mình. Chĩa thẳng nòng súng lên trời, tôi điểm lại ba phát vang động cả khu rừng và dõng tai nghe. Cả bọn cùng reo lên: Phía kia đáp lại bằng ba phát nữa, rõ là tiếng súng AK của bộ đội mình đúng theo khoảng cách ám hiệu qui định. Lần theo phía có tiếng súng chúng tôi tiến dần lại. Đi được một quãng lại bắn ba phát. Phía bên kia cũng vậy, thỉnh thoảng lại dùng âm thanh của súng để giữ không lạc nhau. Chúng tôi lần theo tiếng súng nhích lại dần và gặp nhau ở một eo núi chỉ có cỏ gianh mọc thưa thớt. Từ xa đã thấy Thịnh Ba Đùi (Biệt danh của trung sĩ Thịnh người Hà Tây) đi cùng “cựu binh nhất” Tiến Béo mang theo cả một bao tượng nhét đầy cơm nắm do đơn vị cử đi tìm sáu anh em chúng tôi. Vừa gặp, Thịnh reo lên và nói oang oang: “Đ.mẹ! Tưởng các ông bị chúng xơi tái cả rồi chứ. Đại đội không ai nghĩ là tổ máy đi tiêu đường lại lạc đường. Mà tổ các ông không còn thì bọn tôi được về nước là cái chắc. Mẹ kiếp!” Rồi hắn cười ha hả, ôm chặt lấy tôi: “Ông phải về để cùng tôi đi cặp chơi giải bóng chuyền trung đoàn nữa chứ!” Ở đơn vị, tôi vẫn thường chơi bóng chuyền với thằng “Ba Đùi” này. Hắn có cái biệt danh “Ba Đùi” hình như cũng là từ chuyện chơi bóng. Đùi hắn to, đẹp như đùi ếch và nhảy đập bóng như trời giáng nhưng chỉ thích tôi đi chuyền hai, làm cây nêu cho hắn. Thịnh nguyên là lính thu dung. Hắn đã từng đào ngũ một lần cũng từ chiến trường C nên khá thạo địa hình rừng núi. Nhưng thực ra hắn sống cũng tử tế và rất tình cảm với đồng đội của mình. Thịnh và Tiến rất mừng vì đã tìm được đồng đội vội mở bao tượng lôi ra từng nắm cơm gói trong lá chuối đưa cho chúng tôi. Ăn nắm cơm với ruốc thịt sau một ngày đêm nhịn đói, nuốt đến đâu tôi như tỉnh ra đến đấy. Có lẽ từ ngày mẹ sinh chưa bao giờ tôi có được một bữa ăn sướng đến như vậy. Mỗi đứa chúng tôi được chia hai suất, đứa nào cũng ngấu nghiến nuốt hết trong chớp nhoáng. Thịnh và Tiến nhìn sáu đứa tôi ăn vừa cười vừa thương ứa nước mắt. Tôi hiểu thêm thế nào là tình đồng đội ở chiến trường...                             
Cứ thế đường chúng tôi đi trải dài dọc theo hai tỉnh Bôlikhămxay và Xiêngkhouang: Đi trong gian khổ, trong đạn mìn, trong những cánh rừng đầy chất độc, lúc nào cái chết cũng rình rập ở bên để kịp hoàn thành nhiệm vụ khi mùa mưa lại đến. Tuyến đường trong hình dung mà chúng tôi có nhiệm vụ khảo sát đã kéo dài cả mấy trăm cây số từ Trung lào chạy về miền Thượng Lào. Càng đi dốc càng cao dần, núi non càng hiểm trở. Nhiều nơi chúng tôi phải treo người  trên những vách đá dựng đứng để ngắm, để lấy số liệu rồi viết, vẽ, ghi dấu…định hình tuyến đường sẽ đi. Nếu ở vùng Tây Bắc nước ta con đường lên Lũng Cú, Hà Giang khi thi công đã có hàng trăm thanh niên ưu tú hi sinh thì con đường này ở nước bạn Lào nếu được mở chắc cũng phải đổ nhiều mồ hôi và máu. Được đồng đội hỗ trợ nhiều nhưng Minh và tôi vẫn là người vất vả nhất ở những đoạn đường đi qua vách đá tai mèo quái đản này. Nhiều hôm loay hoay cả buổi mới mang được máy móc lỉnh kỉnh lên đặt trên một vách đá cao để đo độ cao hay một góc ngoặt của tuyến đường sẽ mở. Leo lên còn dễ còn để xuống không có cách nào hơn là chọn những cây leo dài rồi mang hết máy móc, súng đạn sau lưng, đu mình thả dần xuống, cứ y như dân Tây đi thám hiểm. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi vẫn thấy khó tin những ngày tháng ấy tôi và đồng đội của mình đã vượt qua được gian khổ tột cùng để làm nên một kì tích thầm lặng là đi dọc Trường Sơn Tây, xuyên qua cả những cánh rừng chưa hề có dấu chân người đặt tới, trong suốt gần một năm trời, để lấy những số liệu đầu tiên hình thành nên con đường lịch sử sau này trên đất nước bạn Lào.
Sau chuyến đi C ấy, Chi bộ đại đội kết nạp tôi vào Đảng. Người ta định tổ chức “kết nạp tại trận” nhưng vì liên quan vấn đề gì đó về thủ tục nên phải chờ đến khi về nước. Tôi trở thành Đảng viên vào một ngày mùa thu của năm 1974, khi tôi vừa tròn hai mươi tuổi. Lễ kết nạp diễn ra tại nơi đóng quân vùng biên giới Việt – Lào của đơn vị. Thiêng liêng, xúc động nghẹn ngào, những giọt nước mắt lăn xuống gò má xạm đen vì sốt rét. Hồi ấy chúng tôi đã vào Đảng như thế! Tôi giơ cao nắm tay thề suốt đời trung thành với Đảng, với Tổ quốc thân yêu của mình. Để rồi đúng 40 năm sau, vừa khi về hưu sau 35 năm giảng dạy ở Đại học Vinh, tôi lặng lẽ nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng về trao cho người bạn đời của mình và cũng ứa nước mắt nghẹn ngào: “Em có thể cất giữ cái này như một kỉ niệm của đời anh, để con cháu sau này nó hiểu. Còn cái đảng này, anh từ bỏ nó. Anh chỉ có thể trung thành với nhân dân và chính nghĩa! Những tưởng đảng là tập hợp của những người chân chính, những Con Người của Chủ nghĩa Nhân văn cao cả, trí tuệ và trong sáng, mạnh mẽ và rất tử tế. Nhưng sự thật không phải thế. Anh đã nhầm…”
Năm ngoái, tôi bỏ thời gian cả tuần, chúi mũi trên google tìm xem có con đường nào bên Lào như tôi hình dung không. Thật thú vị, đường Phontan – Xiêng khouang dài 365km chính là con đường năm xưa đơn vị công binh đặc nhiệm chúng tôi đã đặt những dấu chân đầu tiên. Những địa danh như Hueisieng, Vieengthong, MuangMo, MuangMoc nằm trên đường đi chính là minh chứng cho việc sau này người ta đã thi công đúng như chúng tôi đã vạch ra trên bản đồ bốn mươi sáu năm về trước. Ngày ấy con đường chúng tôi khảo sát có tên gọi là đường 78 (Nối đường 7 và đường 8), do Bộ Quốc phòng đặt tên và chỉ mới tồn tại trong tài liệu mật quân sự. Cuối mùa xuân 1974, trên đường trở về nước tôi đã viết những dòng thơ về nó:
Mây trắng phủ đèo cao ta đi
Có đỉnh Trường Sơn nào chân mình chưa đạp tới?
Những chiến sĩ công binh hành quân hoài không mỏi
Tôi làm thơ ghi lại chiến công này
78 ơi! Đường đi bao xa
Qua bao suối sông sâu? Qua mấy đèo mây phủ?
Đường không thẳng, đá tai mèo gian khổ
Không có nơi nào không qua!
Về sau tôi có gửi bài thơ đến toà soạn Tạp chí văn nghệ quân đội nhưng không thấy đăng nên ngày đầu phôi thai của con đường và những gì cán bộ chiến sĩ đại đội chúng tôi đã làm mãi mãi nằm trong im lặng. Có thể bấy giờ người ta vẫn cần giữ bí mật con đường…
Tôi đã nuôi ý chí thực hiện một chuyến du lịch bằng xe riêng tự lái đi dọc con đường gắn bó với tuổi thanh xuân của mình. Nhưng cho đến nay, đó vẫn mới chỉ là mơ ước. Cậu con trai của tôi làm báo, đã từng đi dọc vùng Trung – Thượng Lào bảo tôi: Đường dốc cao lắm, hiểm trở lắm. Các con không muốn để bố đi như vậy. Để rồi con sẽ tìm cho bố một phương án khác. Nhưng tôi thì chỉ muốn tự đi bằng xe của mình, thăm lại chiến trường xưa.
Và tôi đang tìm bạn!                     
 Hôm nay, Cho tôi được nói một câu thế này trong cuốn sách riêng của mình: Chắc là tôi có quyền một chút để tự hào, những năm tháng của tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất chúng tôi đã biết đem nó hiến dâng cho đất nước. Để rồi ngày nay trên mặt trận mới, tôi lại cùng các bạn, các đồng đội của mình tiếp tục đem chút sức còn lại đấu tranh bảo vệ lí tưởng cao đẹp thực sự chúng tôi đã theo đuổi từ thời tuổi trẻ, đứng về phía nhân dân và chính nghĩa.
                                                                                 Đầu năm 2019
                                                                                      NTN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới