30 tháng 10, 2015

Mùa này trên Vĩnh Sơn

                                                         Thân tặng anh Huỳnh Hiến

Cách đây 26 năm, vào tháng 12 năm 1984, người dân Bình Định được sống trong không khí náo nức của ngày khởi công công trình thủy điện Vĩnh Sơn, một công trình lớn mở đầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trên quê hương Bình Định nói chung và của huyện miền núi giàu truyền thống cách mạng Vĩnh Thạnh nói riêng.
      Trong sự náo nức và hân hoan chào đón công trình thủy điện lớn của tỉnh nhà, trong âm vang tiếng mìn phá đá mở đường, trong ì ầm tiếng những đoàn xe đi giữa những con đường rừng mới mở, các văn nghệ sĩ  Bình Định đã có nhiều tác phẩm ngợi ca công trình mới.  Trong số đó nổi bật lên bài thơ Mùa này trên Vĩnh Sơn của tác giả Huỳnh Hiến. Một bài thơ giàu nhạc tính và từ ngữ biến tấu rất lãng mạn.
     Theo lời kể của nhà báo Huỳnh Hiến, vào ngày khởi công Thủy điện Vĩnh Sơn, trong vai trò là đạo diễn, anh cùng nhóm phóng viên văn nghệ Đài Truyền hình Quy Nhơn lúc bấy giờ trực thuộc Bộ văn hóa Thông tin lên Vĩnh Sơn thực hiện một chương trình ca nhạc với khung cảnh và lời ca tiếng hát của chính những người cán bộ, công nhân trên công trường. Từ không khí hào hùng của công trình lớn cùng với niềm tự hào về sự đổi thay của quê hương, tứ thơ của Mùa này trên Vĩnh Sơn ra đời. Nhà báo Huỳnh Hiến với những ngày sống trong lán trại công trường, trong tâm trạng của anh công nhân Thủy điện Vĩnh Sơn rời quê biển Quy Nhơn lên sống giữa núi rùng Vĩnh Thạnh, nhớ biển, nhớ người yêu, khiến cho những câu thơ đầu tiên xuất hiện như một lẽ tự nhiên:
                               Xa em anh thấy nhớ
                               Một ngày ta bên nhau
                               Một ngày nghe biển hát
                               Gió ngọt ngào qua mau
      Rồi mạch thơ cứ thế tuôn trào. Những lời thơ sáng đẹp của Huỳnh Hiến đã làm nên những câu thơ đẹp để có được cả một bài thơ đẹp.  Đến bây giờ, sau hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua, những câu thơ hồn hậu, ấm áp tình người vẫn để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc. Và mỗi lần đọc lại, tôi vẫn như thấy được sự xuất thần của Huỳnh Hiến khi anh viết những câu thơ trong trẻo mà giàu hình tượng: ...Hoa vàng nở sáng rừng; Nắng như sương ướt lá ... Hoặc: Mưa tràn trắng mặt đường; Sáng như gương lấp lánh... Những câu thơ mà chỉ cần đọc to lên đã thấy nhịp điệu ngân nga như một bản tình ca. Và hình ảnh công trình Thủy điện Vĩnh Sơn cũng hiện ra rất rõ:
                                  Em ơi em có nhớ
                                  Lên cùng anh Vĩnh Sơn
                                  Xem dòng Lơ Pin đổ
                                  Hiểu lòng hồ Đak Phan
     Cứ da diết mãi như thế, cả  bài thơ là lời bày tỏ tình cảm của anh công nhân Thủy điện Vĩnh Sơn với người yêu ở thành phố biển. Đó là hình ảnh của một anh công nhân vừa giàu tình cảm, vừa rất có trách nhiệm với công trình lớn của quê hương: 
                                Em ơi em có nhớ
                                Lên cùng anh ta xây
                                Một công trình rạng rỡ
                                Một mặt trời nơi đây
                                Thương em nhiều -  chưa nói
                                Nhờ dòng sông Kôn xanh                           
                                Đóa lan rừng anh gửi
                                Tỏ lòng hoa thay anh. 


Nhà báo - đạo diễn truyền hình Huỳnh Hiến, đầu tiên bên trái, cùng các đồng nghiệp ở đài BTV
  
      Huỳnh Hiến làm thơ không nhiều. Thơ anh thường thiên về tính triết lí,  suy luận, mang đậm chất suy tư về cuộc sống. Nhưng riêng ở Mùa này trên Vĩnh Sơn, Huỳnh Hiến đã sáng tác nên một bài thơ đậm chất trữ tình.
     Do sự thành công của Mùa này trên Vĩnh Sơn mà bài thơ sau này đã xuất hiện ở nhiều ấn phẩm trong và ngoài tỉnh. Trong đó đáng kể nhất là ở tập thơ Người áo vải do NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2000.  
      Cũng theo lời của nhà báo Huỳnh Hiến, bài thơ Mùa này trên Vĩnh Sơn ban đầu chỉ có bảy khổ với mỗi khổ có bốn câu. Nhưng trong một lần gặp gỡ với nhạc sỹ Vũ Trung, ngay khi vừa tiếp xúc với bài thơ,  những giai điệu của một bản tình ca đã ngân nga ở nơi người nhạc sỹ tài hoa này. Với nhịp hai - bốn, Vũ Trung gần như đã phổ nhạc ngay cho bài thơ cất cánh.  Và để cho ca khúc được hoàn chỉnh, tác giả phần nhạc là Vũ Trung đã đề nghị với tác giả phần lời là Huỳnh Hiến sáng tác thêm cho sáu khổ thơ nữa để bài hát có đủ cả lời một lẫn lời hai.  Rồi cứ như thế, Vũ Trung đã đưa nguyên toàn bộ  phần lời của bài thơ vào trong ca khúc của mình, không hề thêm bớt một lời nào, để từ đó, quê hương Bình Định có được một bài hát hay và nhanh chóng đi vào các chương trình ca nhạc trên sân khấu, trên làn sóng phát thanh, truyền hình cũng như trong các hội diễn văn nghệ. Năm 1985, Mùa này trên Vĩnh Sơn đạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về công trình Thủy điện Vĩnh Sơn do Sở văn hóa Thông tin Nghĩa Bình tổ chức.  Cũng trong năm 1985, bài hát cũng đã được in trong tập ca khúc Bài ca Vĩnh Sơn do Nhà Văn hóa Trung tâm Nghĩa Bình và Ban Quản lí Công trình Thủy điện Vĩnh Sơn xuất bản..
      Mới đây, trong những ngày đầu năm 2010 này, nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã chi tiền tác quyền cho các tác giả để một lần nữa dàn dựng và đưa ca khúc Mùa này trên Vĩnh Sơn đi tham gia hội diễn văn nghệ của ngành điện lực. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định sự thành công cũng như sức sống mãnh liệt của bài thơ và bài hát Mùa này trên Vĩnh Sơn sau hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua.   

     MÙA NÀY TRÊN VĨNH SƠN
              I
Xa em anh thấy nhớ
Một ngày ta bên nhau
Một ngày nghe biển hát
Gió ngọt ngào qua mau

Mùa này trên Vĩnh Sơn
Hoa vàng nở sáng rừng
Nắng như sương ướt lá
Thác đổ rền vang xa

Mùa này trên Vĩnh Sơn
Mưa tràn trắng mặt đường
Sáng như gương lấp lánh
Mát dịu trời quê hương

Tiếng chim reo ríu rít
Hương rừng treo trên cây
Mở đường lên chót vót
Ngang tầm tay mây bay

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh Vĩnh Sơn
Xem dòng Lơ Pin đổ
Hiểu lòng  hồ Đak Phan

Em ơi em có nhớ
Lên cùng ta anh xây
Một công trình rạng rỡ
Một mặt trời nơi đây

Thương em nhiều - chưa nói
Nhờ dòng sông Kôn xanh
Đóa lan rừng anh gửi
Tỏ lòng hoa anh thay
              II
Xa em anh thấy nhớ
Một ngày ta quen nhau
Một ngày nghe biển hát
Thúc giục lòng anh sao

Mùa này trên Vĩnh Sơn
Mưa ngàn trắng mặt đường
Sáng như gương lấp lánh
Mát cả trời quê hương

Tiếng chim reo ríu rít
Hương rừng treo trên cây
Mở đường lên chót vót
Ngang tầm tay mây bay

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh Vĩnh Sơn
Em là con sông nhỏ
Chảy về hồ Đak Phan

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh ta xây
Một con đường rộng mở
Cuộc đời đẹp nơi đây

Thương em nhiều chưa nói
Nhờ dòng sông Kôn xanh
Đóa lan rừng anh gửi
Tỏ lòng hoa thay anh.

Quy Nhơn, tháng 3 năm 2010
HTS

     Huỳnh Hiến trước mộ Hàn Mạc Tử ở Tp. Quy Nhơn, tháng 6 năm 2010


28 tháng 10, 2015

Yêu, ghét và cách giải quyết các vấn đề xã hội trong "Văn chiêu hồn"

 Kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du

                                                                    Ths. Chử Anh Đào

     Dựa vào phong tục "xá tội vong nhân" ngày rằm tháng bảy âm lịch trong dân gian, mượn lời nhà Phật, Nguyễn Du viết "Văn tế thập loại chúng sinh" (Còn gọi là "Văn chiêu hồn" bằng ngôn ngữ dân tộc) Tác phẩm bộc lộ những cảm nghĩ của nhà thơ về một vấn đề lớn: Vấn đề cái chết. Và mượn cái chết để nói chuyện đời sống, chuyện con người.
       Chưa biết Nguyễn Du viết "Văn chiêu hồn" vào năm nào nhưng chắc là Ông viết trong tâm trạng buồn rầu lo lắng. Mùa thu thường gợi cho Nguyễn Du nỗi buồn man mác xa vắng nhưng chưa khi nào thơ Nguyễn Du lại có một ngày thu não nuột như trong "Văn chiêu hồn". Cảnh vật nhuốm một màu chết chóc, âm ỉ những tiếng than khóc không thôi. Những màu bạc của ngàn lau, màu vàng của lá rụng, mưa dầm sùi sụt, lác đác sương sa...Chút tà dương còn sót lại trên những hàng cây càng làm tăng vẻ hiu quạnh não nùng. Cảnh trời thu này chưa chắc là cảnh có thật mà chỉ là cảnh hiện lên trong tâm trạng buồn lai láng của Nguyễn Du. Nó là tâm trạng của cảnh đời một thời. Cảnh đời mà Nguyễn Du đang sống đã gợi trí tưởng tượng của Ông về những cô hồn ở thế giới bên kia. Thời đại của Nguyễn Du là thời đại tan vỡ của chế độ phong kiến: nội chiến, ngoại xâm, thiên tai, dịch tễ, đói rét liên miên...Trong một tình hình như vậy, giá trị, phẩm giá, tính mạng con người không còn nghĩa lí gì. Đầy rẫy khắp nơi là những cái chết vạ vật đầu đường xó chợ, bờ bụi, trận mạc. Những cảnh chết đó không phải là chỉ của người cùng dân mà là cảnh chung cho cả những người giàu sang quyền thế. Cái thế giới cô hồn người chết mà Nguyễn Du tưởng tượng trong tác phẩm của mình chẳng qua chỉ là hình ảnh tập trung của vô số cô hồn sống nhan nhản khắp nơi trong cuộc đời thực bấy giờ- một cuộc đời đầy hỗn loạn, bất trắc, rẻ rúng với giá trị con người.
    "Văn chiêu hồn” không kể lại số phận cá nhân như của nàng Tiểu Thanh,cũng không phải chuyện “Gia Tĩnh triều Minh” mấy trăm năm trước mà là chuyện điêu đứng  của mọi người Việt thời Nguyễn Du đang sống. Cuộc sống đã đến lúc không thể chịu đựng thêm được nữa. Chính vì vậy, giá trị tố cáo của tác phẩm còn mạnh mẽ hơn cả “ Truyện Kiều”.



      "Văn chiêu hồn" làm theo lời người nhà Phật nói với chúng sinh, cầu nguyện cho chúng sinh được giải thoát. Đối với nhà Phật, con người không có đẳng cấp xã hội. không có sự khác nhau trong nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ. Tất cả đều là những nạn nhân đau khổ vì chìm đắm trong bể Tham, Sân, Si trần thế, cho nên họ rất đáng thương. "Văn chiêu hồn" nói với đủ loại người ở các bậc thang xã hội trên dưới khác nhau nhưng thái độ của Nguyễn Du với từng loại người là rất rạch ròi, phân minh.
    Đối với những cô hồn trước kia là người giàu sang, quyền thế, với cái chết của họ, Nguyễn Du cũng động lòng trắc ẩn. Tác giả cũng coi họ là nạn nhân của xã hội đang tan vỡ.Ở vào một thời kì li loạn như thời Nguyễn Du, tai họa không chừa một ai; cái chết tuyệt tự là không phân biệt, không chừa đẳng cấp nào. Đối với cái chết thì: “Còn chi ai quí, ai hèn/ Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu”. Xã hội đã tạo nên cái chết phổ biến, khiến mọi người bình đẳng trước nó…Nhưng khi nhìn lại lối sống của từng loại người này, Nguyễn Du không xúy xóa mà còn vạch rõ phải trái, chỉ trích, lên án. Ví như nói về cuộc sống của loại quan văn lớn, rõ ràng Nguyễn Du có giọng mỉa mai. Bọn “mũ cao áo rộng” này cầm quyền quyết định sự sống chết của bao người trong tay, chỉ cần vảy ngòi bút chấm son…Chữ nghĩa càng nhiều thì càng lắm mưu mô hiểm độc; chức càng cao, quyền càng lớn thì oán thù cũng theo đó mà chồng chất lên:
                                    Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm
     Cuộc sống tàn ác của họ đi đến kết quả là:
                                    Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
     Đối với những võ tướng lớn, những kẻ vì tham ấn nguyên nhung mà bài binh bố trận, tạo nên cảnh “ gió mưa sấm sét đùng đùng”, Nguyễn Du vạch tội họ: “Dãi thây trăm họ làm công một người”. Không thể đòi hỏi hơn ở giọng điệu chỉ trích đầy căm ghét của nhà thơ với lối sống của những hạng người thuộc tầng lớp xuất thân của Ông!
     Đối với người hèn yếu nhất, bị đày đọa nhất, kiếp sống lao khổ nhất trong quần chúng, lòng thương xót của ND thật vô hạn, không gợn chút ẩn ý nào.
    Trong xã hội cũ, bị khinh rẻ nhất là những người đàn bà bán thân nuôi miệng. Khác hẳn với cách nghĩ của những nhà Nho đương thời và của rất nhiều người thời đại sau nữa giải thích những người buôn nguyệt bán hoa là do bản tính của họ, Nguyễn Du hiểu vì cảnh ngộ lỡ làng đã xô đẩy những người con gái xấu số sa chân vào nghề ô nhục mà bỏ phí hạnh phúc của tuổi thanh xuân. Nguyễn Du thông cảm sâu sắc nỗi bàng hoàng ngơ ngác của người con gái giang hồ trở về già sống trong cảnh tồi tàn không nơi nương tựa và bi kịch một khi họ nằm xuống:
                                    Ngẩn ngơ khi trở về già
                                   Ai chồng con tá biết là cậy ai
                                    Sống đã chịu một đời phiền não
                                    Chết lại nhờ hớp cháo lá đa
                                    Đau đớn thay phận đàn bà!
     Lòng thương mến của Nguyễn Du rộng mở với tất cả những hạng người bị chà đạp, đặc biệt là lòng ưu ái với quần chúng lao động. Vấn đề cơm áo, đói rét, lao động vất vả…là những vấn đề trung tâm của quần chúng. Trong “ Truyện Kiều” gần như không có thì đây nổi lên nhức nhối. Nguyễn Du thông cảm với cảnh đói rét không chịu được :“Ruột héo khô da rét căm căm”. Nhà thơ thông cảm với cảnh làm ăn gian nan trên mặt sông mặt bể, giông tố bất thường để nỗi “đem thân vùi lấp vào lòng kình nghê”; thông cảm với nỗi đau của đôi vai bầm máu dưới đồn tre gánh nặng mưa nắng dãi dầu…Sau này, những năm cuối thế kỉ XX, trong bài thơ "Tiếng Việt", Lưu Quang Vũ đã viết:"Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán/ Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời".
     “Văn chiêu hồn” có những lời, những câu nói theo lời nhà Phật nhưng âm điệu chung vẫn là giọng nói hữu tình của người mang nặng yêu thương căm giận trong đời sống trần thế. Tình cảm của nhà thơ không vì yêu cầu của bài văn tế chúng sinh mà xóa nhòa hay lẫn lộn giữa yêu và ghét.
    "Văn chiêu hồn” đặt vấn đề xã hội to lớn. Thực chất là vận mạng điêu đứng của mọi tầng lớp người trong xã hội phong kiến đang đổ vỡ. Khách quan mà nói thì ở đây cũng như trong “Truyện Kiều”, vấn đề Nguyễn Du đặt ra là vấn đề chế độ. Cần thay đổi chế độ thì vận mạng con người mới được đảm bảo! Nhưng Nguyễn Du không biết thế nào là chế độ;càng không thể nghĩ cách nào để thay đổi chế độ. Nỗi đau khổ đã có hàng mấy muôn năm. Nhà thơ tin là không có cách nào xóa đi được.
      Trong thời đại mình, Nguyễn Du không tin sức một ông vua, một ông quan nào có thể cứu đời; càng không tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân có thể tự cứu mình. Nhà thơ đành phải nhờ vào phép của nhà Phật. Mở đầu tác phẩm là lời kinh cầu nguyện. Kết thúc vẫn nhắc lại lời kinh ấy. Tác giả ca ngợi phép Phật đủ sức soi sáng cho những cô hồn chìm đắm trong mê muội và dẫn dắt tất cả họ lên con đường siêu thoát. Tác giả nói như thế nhưng hình như không lấy gì làm tin lắm vì bao oan khổ đều có thật, đầy rẫy trong cuộc đời mà hào quang cứu khổ của Phật thì còn ở mãi tận đâu đâu./.

                                                                                                C.A.Đ 

                          Tác giả bài viết Chử Anh Đào ngoài cùng bên phải 


27 tháng 10, 2015

Những mẩu chuyện nhỏ

Thỉnh thoảng trong bữa ăn, vợ tôi lại đem câu chuyện lần đầu tiên đi xe ôm ở Sài Gòn ra kể.
Chuyện rằng hồi mới định cư ở TP, một lần đi chợ Tân Sơn mua đồ xong đang trong cảnh tay xách nách mang, vợ tôi tìm xe ôm để kêu về. Thấy trên vỉa hè có 3 chú thanh niên với 2 cái xe máy đang túm tụm nói chuyện, nghĩ đó là mấy anh  xe ôm vợ tôi mới kêu cho về chung cư TSN. Một trong 3 thanh niên liền chỉ vào một thanh niên khác: Chạy xe chở cô về xíu mày! Thanh niên kia liền dắt xe nổ máy rồi đưa cho vợ tôi cái nón bảo hiểm: Cô ngồi lên xe con chở về. Cẩn thận vợ tôi hỏi: Bao nhiêu tiền vậy cháu. Thanh niên nói: Con chở cô về chứ tiền bạc gì đâu. Vậy cháu không phải xe ôm à? Không cô, hôm nay được nghỉ nên tụi con đi chơi, cả bọn đang chờ thêm đứa bạn nữa tới để cùng đi nên rảnh đưa cô về thôi.
Vợ tôi nghi ngại ngồi lên xe chú thanh niên xa lạ và được đưa về tận nhà mà không mất một đồng nào. Xuống xe chưa kịp nói lời cảm ơn thì chú thanh niên đã rồ máy phóng đi giữa ồn ĩ phố phường.
Câu chuyện khiến vợ tôi ngạc nhiên và nhớ mãi. Tôi nói luôn: mấy cậu thanh niên dễ thương đó mà ở trường ba là có thể đề nghị chi bộ ra nghị quyết kết nạp vô đảng ngay được.  
Lần khác cũng vợ tôi đi khám bệnh ở BV Thống Nhất bằng xe buýt. Đó là lần đầu tiên ở Sài Gòn vợ tôi sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại. Trước đó con gái dặn dò mẹ đi xe buýt phải cẩn thận, nhất là chú ý tránh mất cắp, tránh bị móc ví tiền và giật điện thoại, vân vân… Tóm lại ở đất Sài Gòn này một khi đã đi ra đường và lên xe buýt thì tuyệt đối không được tin ai hết.
Phải nói là dân Sài Gòn rất hay đi xe buýt. Người ta nói sống ở Thành phố mà không biết sử dụng xe buýt thì chưa phải là người thành phố. Mà xe buýt ở Sài Gòn nhiều thật, tuyến đường nào cũng có xe buýt chạy như nối đuôi nhau. Tôi cũng đã nhiều lần đi xe buýt và thấy rất an toàn và tiện lợi, lại rẻ tiền nữa, chỉ có 6 ngàn đồng mà đi xuyên cả Thành phố.
Buổi sáng đầu giờ xe buýt tuyến 65 chạy từ Trường Chinh đến CMT8 rất đông người khiến vợ tôi càng cảnh giác với cái giỏ xách trong đó có đủ bóp ví điện thoại…  Qua ngã tư Bảy Hiền thì đến trạm dừng ở BV Thống Nhất. Vợ tôi định bước xuống thì có một chị đứng bên cạnh cùng xuống kéo tay lại dặn: Cô bước xuống nhớ đi ngược lại với chiều xe chạy nhé, nếu bước xuống mà đi cùng chiều với xe dễ bị té nguy hiểm lắm. Vợ tôi làm theo và thấy an toàn hẳn; rồi lấy làm cảm động lắm về một bài học thắm đậm tình người giữa chốn phố phường xa lạ.
Có lần tôi lên dự một cuộc họp ở Trường đại học Kinh tế trên Nguyễn Đình Chiểu quận 3. Họp xong đã 5 giờ chiều trời chợt đổ cơn mưa to. Tôi xách cặp đứng ở bậc tam cấp tiền sảnh mà không làm sao ra nhà để xe được. Nước này thì đành phải chờ tạnh mưa thôi dù áo mưa có sẵn dưới cốp xe. Tôi đang đứng ngắm nhìn màn mưa mù mịt đầy trời với nỗi lòng thất vọng vì kiểu này không biết bao giờ cho ngớt thì một nữ sinh viên rất trẻ lưng mang ba lô chắc là vừa tan buổi học chiều ra đến bên tôi với chiếc ô căng sẵn: Thầy có cần ra nhà giữ xe không ạ. Có em. Vậy thầy đi với em ạ. Tôi cảm kích vô cùng. Nhà để xe của trường Kinh tế cách tiền sảnh khoảng ba chục mét. Cô sinh viên nhỏ nhắn cố ý dành cho tôi phần nhiều của chiếc ô vì thế mà tôi không bị ướt tẹo nào. Đến nơi tôi nói lời cảm ơn em. Chuyện nhỏ mà thầy. Chưa dứt lời cô bé đã vụt đi ra cổng giữa màn mưa Sài Gòn xám xịt.    
Những câu chuyện như thế đó đây xuất hiện quanh ta khiến ta thấy cuộc đời này vẫn đẹp sao. Ai nói người Sài Gòn vô cảm vô tâm, ai nói dân thành phố chỉ có lừa lọc và gian xảo. Giữa bộn bề cuộc sống nếu để ý và may mắn, ta vẫn thấy đó đây những mẩu chuyện, những con người khiến lòng ta ấm mãi. Thiết nghĩ, chúng ta cứ những tấm gương sáng đời thường ấy mà học hỏi và làm theo, hà cớ gì phải đi học những thây ma ở đâu đâu.




21 tháng 10, 2015

Thơ thẩn là cái chi chi

Mấy bữa nay làng văn nước ta thật ê mặt. Trong lúc vụ chị Phan Quế Mai bị nghi vấn chôm của anh Ngô Xuân Phúc bài Tổ quốc gọi tên chưa ngã ngũ lại đến vụ Phan Huyền Thư bị nghi chôm bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan để chế tác thành Bạch lộ.
Nghe cứ nhắng nhít cả lên.
Tôi đọc những thông tin này và tự hỏi vì sao thơ lại có thể khiến con người ta lú lẫn đi như thế. Nó có làm ra tiền bạc, ô tô nhà lầu gì đâu mà dễ dàng sai khiến con người ta – toàn những kẻ có chữ nghĩa – thành những kẻ thi tặc nhỉ. Ăn cắp mà lại sờ sờ giấy trắng mực đen, mà lại chường hết ra cho bàn dân thiên hạ biết và xoi mói.
Chẳng thà ăn cắp công trình của người  khác để làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ thì vẫn còn có lí vì mấy cái học vị đó có thể mang lại chức danh, địa vị. Chứ thơ mà cũng đi ăn cắp thì đúng là ngớ ngẩn. Xã hội không có thơ, bao nhiêu người không làm ra một câu thơ nào mà có ai chết đâu. Nói vậy bởi xưa nay trong mắt tôi những ông bà làm thơ thường là ngu ngơ (trừ ông Tố Hữu nhờ làm thơ tụng ca sếp mà vô đến bộ chính trị, lên đến phó thủ tướng phụ trách kinh tế, và vì thế mà ông ta đã làm cho nền kinh tế nước nhà sụp đổ). Tôi nhớ hồi học cao học, có ông nhà thơ học trước tôi một khóa người lúc nào cũng bốc mùi hôi rình, mỗi lần đi qua ông ta tôi phải nín cả thở nhưng hễ thấy mấy em sinh viên xúm xít chung quanh là hắn lại e hèm, hấp háy mắt rồi lim dim đọc những câu thơ tình vô nghĩa mà hắn ta cứ tưởng là sâu sắc nước đời lắm. Đại loại như:
Anh tặng em một trời sim tím
Nhơn nhớt đêm, nhơn nhớt đường về, tan tác đàn chim
Tôi thấy rõ thơ lão ta rặt một loại tán gái. Từ đó tôi định nghĩa một bộ phận không nhỏ (mượn từ anh tổng trọng) thơ tình đích thị là thơ tán gái.
Rồi mấy lão giám đốc, mấy tay gọi là nhà khoa học nửa mùa nhờ làm ăn bất chính mà có tiền in những tập gọi là thơ để tăng thêm danh tiếng. Để được gọi là nhà chính trị làm thơ, nhà khoa học làm thơ; là kẻ có tâm hồn nghệ sĩ. Đó đích thị là những kẻ rởm đời, là trưởng giả học làm sang, là những tên trọc phú thừa tiền thiếu chữ nghĩa.
Tôi làm nghề dạy văn nên không có buổi lên lớp nào mà không đọc ít nhất từ một vài câu thơ đến một vài bài thơ cho học trò nghe. Đọc rồi phân tích, bình giảng. Dĩ nhiên đó là những câu thơ bài thơ mà tôi tâm đắc nhất. Không thích tôi đã không đọc. Không thích tôi đã không đem ra giảng dạy. Có ai bắt một giảng viên đại học phải đọc những câu thơ dở cho sinh viên của mình nghe đâu.
Nhưng ở đây, kẻ cắp lại là mấy chị nhà thơ kia. Với tôi phụ nữ chỉ cần đẹp xinh là đủ. Phụ nữ mà còn thông minh nữa thì thật nguy hiểm cho xã hội. Tiếp xúc nhiều, tôi nghiệm ra một chân lí: người phụ nữ càng thành đạt ngoài xã hội bao nhiêu thì họ càng bất hạnh trong cuộc sống gia đình bấy nhiêu (may mà tôi viết những dòng này vào hôm nay ngày 21 tháng 10 chứ nếu mà viết vào hôm qua ngày phụ nữ VN thì đã bị đi tù rồi). Ai kia sao không biết nhưng với tôi, tôi sẵn sàng đổi một triệu người phụ nữ thông minh chỉ để lấy một người phụ nữ đẹp.
Tôi thấy mấy chị Phan Huyền Thư,  Phan Quế Mai kia cũng thuộc loại phụ nữ đẹp. Vậy là quá đủ rồi. Hà cớ gì các chị lại còn dây vào cái gọi là thơ ca chi cho khổ để bây giờ đã khổ lại còn thêm cả nhục.
 Gì chứ thơ như kiểu Tổ quốc gọi tên, Bạch lộ… một tối ngồi gõ bàn phím rồi thò thụt qua hàng tôi cũng làm được vài bài. Mà lại không cần thó của ai hết.
Không có thơ, xã hội đã rối ren lắm rồi. Có thơ xã hội rối càng thêm rối. Chỉ một câu thơ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà của ông nguyễn Xuân Sanh mà nghe bí rì rị cả hơn nửa thế kỉ nay, xin các vị thi tặc đừng làm cuộc sống chán chường thêm nữa.
Thơ thẩn là cái chi chi.

                                         Ăn cắp thơ rồi phô bày cả ra đây. Ngu.


15 tháng 10, 2015

Tôi yêu Tổ quốc tôi


Ở Sài Gòn những chương trình biểu diễn nghệ thuật có thường xuyên ở các nhà hát của Tp, hầu như diễn ra quanh năm nhưng tôi rất ít đi xem. Bởi chương trình nào cũng rưa rứa như nhau, nhàm chán và thậm chí cả phản cảm. Tuy nhiên khi có các chương trình của bạn bè, học trò thực hiện hoặc tham gia nếu đã có mời gọi thì tôi đều vui vẻ nhận lời và đến rất đúng giờ. Như năm ngoái có cô học trò khóa 5 QNU hiện sống tại Hoa Kì về nước làm chương trình ở nhà hát Bến Thành, trước đó nữa là chương trình ở nhà hát Quân đội tôi đều đi xem rất nhiệt tình.
Tối qua cũng vậy, tại nhà hát Hòa Bình, một chương trình ca nhạc tầm cỡ có cái tên rất chính trị Tôi yêu Tổ quốc tôi do Hội Thanh niên VN và Báo Thanh Niên tổ chức để giới thiệu và trao thưởng cho các ca khúc được giải  trong cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề Tôi yêu Tổ quốc tôi do Hội LHTNVN tổ chức. Bạn học đại học với tôi là Nguyễn Duy Xuân, GV Trường CĐSP Buôn Ma Thuột có bài thơ Tổ quốc được nhạc sĩ  Phạm Minh Thuận sống ở Bình Dương phổ nhạc và đạt giải khuyến khích trong số 11 ca khúc đạt từ giải nhất, ba, tư và khuyến khích. Vậy là chú Duy Xuân cũng sướng hung rồi. Tự dưng bài thơ mình viết ra có người đem phổ nhạc rồi đạt giải lại được công diễn trong một chương trình nghệ thuật lớn tại một nhà hát lớn nhất, sang trọng nhất của Sài Gòn là nhà hát Hòa Bình. Lại còn được vinh dự lên sân khấu cùng tác giả phần nhạc nhận hoa và bằng khen nữa. Chẳng thế mà Xuân đã cất công từ Buôn Ma Thuột xuống để chứng kiến bài thơ của mình được cất cánh bay xa trong ca khúc do Phạm Minh Thuận phổ nhạc.
Xuống đến SG Xuân gọi cho tôi, rồi thật ngẫu nhiên là cùng lúc sáng hôm qua một ông bạn học cùng lớp với tôi và Xuân là Nguyễn Xuân Sùng cũng mới từ QB vô thăm con. Vậy là chiều qua, tôi rời nhiệm sở sớm 30 phút lên chợ Phạm Văn Hai nơi Sùng đang ở thăm con chở Sùng về nhà chơi, bảo vợ dọn cho hai thằng tôi ăn cơm sớm rồi lên nhà hát HB cho thong thả.
Chương trình mở màn lúc 20h nhưng được truyền hình trực tiếp trên VTV6 nên mọi người đến nhà hát rất nghiêm túc và đúng giờ.
Nhà hát Hòa Bình với hai ngàn ghế ngồi tối qua lấp kín chỗ. Giấy mời được phát cho hàng trăm SV Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng và Đại học Công nghệ - HUTECH nên ngay cả trên lầu cũng không còn chỗ trống.
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi xem một chương trình ca nhạc với 11 tiết mục mà tiết mục nào trong phần lời ca cũng có những từ như  Tổ quốc, Đất nước, Việt Nam,  biển đảo, yêu nước, quê hương… vang lên đều đều với một tông ngang ngang rền vang như nhau. Thì đúng là như vậy vì các nhạc sĩ khi sáng tác đều chăm chăm cố gò vào một chủ đề là tôi yêu Tổ quốc nên phải thế thôi (trừ bài hát Tiếng Việt của Lưu Đức Hòa, một công nhân VN đang lao động xuất khẩu ở Cộng Hòa Séc phổ bài thơ cùng tên của Lưu Quang Vũ đạt giải nhất cuộc thi là khác hẳn tông vì mang hơi hướng của làn điệu ca trù Bắc Bộ.
Được cái may là chương trình với sự tham gia toàn những ca sĩ tên tuổi như Phạm Minh Tâm, Uyên Linh, Đan Trường, Thanh Thúy, Hồ Ngọc Hà… nên bài hát có dở, có ngang phè phè mấy cũng thành hay. Trên sân khấu rất sang trọng và hoành tráng của nhà hát Hòa Bình, mỗi khi thấy Đan Trường, Hồ Ngọc Hà xuất hiện là đám sinh viên ngồi trên lầu cao lại hồn nhiên reo hò cổ vũ rền vang. Lũ trẻ thật đáng yêu làm sao.
Tuy nhiên, phải công bằng mà nói dù chỉ là đạt giải khuyến khích nhưng bài thơ Tổ quốc của Nguyễn Duy Xuân khi được Phạm Minh Thuận phổ nhạc với phần trình diễn của Nguyễn Hoàng Anh – The Voice Kids và đội Sơn ca Nhà Thiếu nhi quận Ba phải nói là thực sự rộn ràng và trữ tình. Lần đầu tiên tôi tận mắt xem và nghe chú bé Nguyễn Hoàng Anh – ngôi sao The Voice Kids biểu diễn, thật sôi nổi và cuốn hút. Theo tôi, ca khúc Tổ quốc của Thuận – Xuân khi so sánh với mấy giải bên trên thì nghe hay hơn nhiều. Nếu làm giám khảo cuộc thi, tôi sẽ xếp Tổ quốc ở giải ba, ít ra thì cũng giải tư mới đúng (đó là tôi nói vô tư và khách quan, không phải nói vì nó là bài của bạn mình). Tôi và Sùng ngồi ở hàng ghế thứ 3 – dãy C nên xem rất rõ. Sùng cũng công nhận là ca khúc Tổ quốc của Thuận - Xuân nghe hay hơn hẳn. Những câu thơ của Xuân trong bài thơ Tổ quốc nay đã thành lời ca trong ca khúc Tổ quốc cuả Thuận nghe thật hùng tráng mà vẫn thiết tha qua giọng ca sôi nổi của Nguyễn Hoàng Anh – The Voice Kids và đội Sơn ca Nhà Thiếu nhi quận Ba:
Tan trường b đón con
Ng
i sau xe, con hi
B
 ơi, T quc là gì ?
- Ôi con trai bé bng
Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi...
90 phút biểu diễn và trao giải trôi qua, ra khỏi nhà hát đã hơn 10 giờ đêm, tôi chở Nguyễn Xuân Sùng về trên những con đường Sài Gòn như 3-2, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ khởi nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi… còn sũng nước sau một trận mưa to. Khi đi hết đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì qua cầu Công Lý, tôi nhắc Sùng về vụ cách đây hơn nửa thế kỉ, vào tháng 5 năm 1964 anh Trỗi đã đặt mìn dưới gầm cầu này định giết ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara. Sùng bảo cây cầu của người ta vĩ đại thế này mà đòi giật cho sập, chẳng hiểu nó nghĩ thế nào nữa.

Vậy là tôi đã có một đêm sống trọn vẹn với bạn bè từ phương xa đến. Hay là nói như Khổng Tử trong sách Luận ngữ: Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ.

Ca khúc Tổ quốc của Nguyễn Duy Xuân được Phạm Minh Thuận phổ nhạc với phần trình diễn của cậu bé tóc xù Nguyễn Hoàng Anh – The Voice Kids, thí sinh rất được yêu thích sau cuộc thi Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên và đội Sơn ca Nhà Thiếu nhi quận Ba trong tràn ngập màu cờ Tổ quốc. 

   
         Nguyễn Duy Xuân ngoài cùng bên phải trên sân khấu nhà hát Hòa Bình

Trước giờ biểu diễn. Trái sang: Tạ Hòa (bạn đồng nghiệp với Xuân), Nguyễn Xuân Sùng, Hà Tùng Sơn, Nguyễn Ngọc Toàn Phó TBT báo Thanh niên, Nguyễn Duy Xuân, Vợ Xuân, Hồng Diệu - tác giả phần lời bài hát Tổ Quốc gọi Chúng Tôi Lên Đường - cùng đạt giải khuyến khích với Xuân từ Hà Nội bay vô dự chương trình. 



Sùng và Sơn đang chăm chú xem chương trình.  Ảnh chụp qua màn hình TV





8 tháng 10, 2015

Nguyễn Du - Khối mâu thuẫn lớn ý thức hệ khổng lồ

Tiến tới kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du
                      
                                                                        Ths. Chử Anh Đào

   Nho, Phật, Đạo (Lão) giáo là ba tôn giáo ngoại lai được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Các triều đại phong kiến nước ta tuy lúc này lúc khác đề cao một trong ba đạo nhưng vẫn cho phép cả ba đạo này cùng hiện hữu (Tam giáo đồng nguyên).
   Là một đứa con của xã hội phong kiến, Nguyễn Du không thể không chịu ảnh hưởng sâu sắc những tư tưởng, những viên đá tảng triết học của thời đại. Điều đáng lưu ý ở đây là sự ảnh hưởng không diễn ra một chiều, thụ động mà đầy mâu thuẫn. Những mâu thuẫn này giằng xé, vật vã suốt cả cuộc đời, làm tâm hồn nhà thơ đớn đau rớm máu.
    Mở đầu "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã treo lên thuyết "Tài- Mệnh tương đố" (Mặc dù tác phẩm không phải là một tiểu thuyết luận đề):
                                    Trăm năm trong cõi người ta
                        Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau
    Và nhà thơ cũng không quên đóng lại ở cuối tác phẩm:
                                    Cho hay muôn sự tại Trời
                        ...Chữ Tài, chữ Mệnh dồi dào cả hai
            "Truyện Kiều" cũng vịn vào quan niệm Phật giáo:
                                    Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

“Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc Việt Nam” tranh sơn dầu của  họa sĩ Lê Anh Tuấn 

   Trong rải rác các tác phẩm của mình, Nguyễn Du làm cho người đọc tin tưởng rằng Ông là tín đồ trung thành của cả ba đạo Nho, Phật, Lão.
      Trước hết, cuộc đời là "Trời" của Nho Giáo:
                                    - Sụt lở cũng do ý Trời
                                    - Nguy hiểm, nghiêng đổ đều do ý Trời
     "Trời" là ông tổ của vạn vật. Đời người là có "Mệnh", là sự thực hiện "Mệnh Trời". Con người phải làm theo "Mệnh" của mình, phải "Lạc Thiên tri Mệnh"."Mệnh" là cái gì vô hình mà khắc nghiệt vô cùng. Nó có sức mạnh vạn năng, chi phối tất cả.
     Cuộc đời là giấc mộng của Đạo giáo:
                                    - Cuộc đời trăm năm, buồn thay chỉ là chốc lát.
                                    - Thế sự như mây nổi, thật đáng buồn.
    Cuộc đời là bể khổ. Khổ vì ở trong vòng luân hội, nghiệp chướng. Để khắc phục nó cần phải có Tâm:
                                    - Thiện căn bởi tại lòng ta.
     Nguyễn Du tin vào Trời, vào "Mệnh" nhưng Ông lại hỏi Trời:
                        -Vốn chẳng có văn chương nào ghét được số mệnh
                        Làm sao trời đất lại ghen lầm người?
     Nguyễn Du ca ngợi các trung thần nghĩa sĩ nhưng chính nhà thơ lại viết:
                        - Giữ lòng trung tín nhưng gặp nguy hiểm vẫn không đủ để tin cậy.
                        - Biết bao người quá trung thành với người mình thờ
     Thường bị thiên hạ cười là ngu.
    Trên đường đi sứ, tới động Nhị Thanh, Nguyễn Du thấy "lòng này thường định không xa đạo Thiền". Nhưng Ông lại chế giễu thói mê tín:
                        - U mê mà theo Phật thì Phật trở thành ma.
     Nguyễn Du tìm đến rượu như để tận hưởng, để quên đời ("Lúc sống không uống cạn hồ rượu/ Chết rồi ai rưới rượu lên mồ cho?"). Nhưng lại chê cây rượu Lưu Linh "chẳng làm nên được trò trống gì":
                        - Sao bằng cứ tỉnh để xem việc đời
     Như những cánh bèo trôi dạt rất đáng thương.
    Thời đại Nguyễn Du là sự sụp đổ không phương cứu vãn của tập đoàn Lê- Trịnh, các giá trị văn hóa truyền thống bị băng hoại đến tận gốc (Quân lính gọi Chúa là giăc, trấn lột áo bào của Vua, bắt Chúa nộp cho quân Tây Sơn... "Hoàng- Lê nhất thống chí"). Đó còn là thời đại của sự quật khởi các phong trào quần chúng mà đỉnh cao là Tây Sơn. Trong hoàn cảnh ấy, người trí thức chỉ thật sự trở nên có ích khi đứng về phía quần chúng. Con đường ấy, Nguyễn Du đã không lựa chọn. Vì thế Ông trở nên bế tắc, mâu thuẫn ngay trong những cái tưởng đã ăn sâu vào máu thịt của mình là các tôn giáo chính thống đã tồn tại từ hàng nghìn năm. May thay, chỉ có tấm lòng nhân ái với những kiếp người cơ khổ, những phận tài hoa bạc mệnh... vằng vặc như một vầng trăng sáng trên non Hồng và tài năng xuất chúng đã đưa Ông trở thành nhà thơ bậc nhất của văn học nước nhà, mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam và bạn bè yêu qúi./.
                                                                                                            C.A.Đ