21 tháng 10, 2015

Thơ thẩn là cái chi chi

Mấy bữa nay làng văn nước ta thật ê mặt. Trong lúc vụ chị Phan Quế Mai bị nghi vấn chôm của anh Ngô Xuân Phúc bài Tổ quốc gọi tên chưa ngã ngũ lại đến vụ Phan Huyền Thư bị nghi chôm bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan để chế tác thành Bạch lộ.
Nghe cứ nhắng nhít cả lên.
Tôi đọc những thông tin này và tự hỏi vì sao thơ lại có thể khiến con người ta lú lẫn đi như thế. Nó có làm ra tiền bạc, ô tô nhà lầu gì đâu mà dễ dàng sai khiến con người ta – toàn những kẻ có chữ nghĩa – thành những kẻ thi tặc nhỉ. Ăn cắp mà lại sờ sờ giấy trắng mực đen, mà lại chường hết ra cho bàn dân thiên hạ biết và xoi mói.
Chẳng thà ăn cắp công trình của người  khác để làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ thì vẫn còn có lí vì mấy cái học vị đó có thể mang lại chức danh, địa vị. Chứ thơ mà cũng đi ăn cắp thì đúng là ngớ ngẩn. Xã hội không có thơ, bao nhiêu người không làm ra một câu thơ nào mà có ai chết đâu. Nói vậy bởi xưa nay trong mắt tôi những ông bà làm thơ thường là ngu ngơ (trừ ông Tố Hữu nhờ làm thơ tụng ca sếp mà vô đến bộ chính trị, lên đến phó thủ tướng phụ trách kinh tế, và vì thế mà ông ta đã làm cho nền kinh tế nước nhà sụp đổ). Tôi nhớ hồi học cao học, có ông nhà thơ học trước tôi một khóa người lúc nào cũng bốc mùi hôi rình, mỗi lần đi qua ông ta tôi phải nín cả thở nhưng hễ thấy mấy em sinh viên xúm xít chung quanh là hắn lại e hèm, hấp háy mắt rồi lim dim đọc những câu thơ tình vô nghĩa mà hắn ta cứ tưởng là sâu sắc nước đời lắm. Đại loại như:
Anh tặng em một trời sim tím
Nhơn nhớt đêm, nhơn nhớt đường về, tan tác đàn chim
Tôi thấy rõ thơ lão ta rặt một loại tán gái. Từ đó tôi định nghĩa một bộ phận không nhỏ (mượn từ anh tổng trọng) thơ tình đích thị là thơ tán gái.
Rồi mấy lão giám đốc, mấy tay gọi là nhà khoa học nửa mùa nhờ làm ăn bất chính mà có tiền in những tập gọi là thơ để tăng thêm danh tiếng. Để được gọi là nhà chính trị làm thơ, nhà khoa học làm thơ; là kẻ có tâm hồn nghệ sĩ. Đó đích thị là những kẻ rởm đời, là trưởng giả học làm sang, là những tên trọc phú thừa tiền thiếu chữ nghĩa.
Tôi làm nghề dạy văn nên không có buổi lên lớp nào mà không đọc ít nhất từ một vài câu thơ đến một vài bài thơ cho học trò nghe. Đọc rồi phân tích, bình giảng. Dĩ nhiên đó là những câu thơ bài thơ mà tôi tâm đắc nhất. Không thích tôi đã không đọc. Không thích tôi đã không đem ra giảng dạy. Có ai bắt một giảng viên đại học phải đọc những câu thơ dở cho sinh viên của mình nghe đâu.
Nhưng ở đây, kẻ cắp lại là mấy chị nhà thơ kia. Với tôi phụ nữ chỉ cần đẹp xinh là đủ. Phụ nữ mà còn thông minh nữa thì thật nguy hiểm cho xã hội. Tiếp xúc nhiều, tôi nghiệm ra một chân lí: người phụ nữ càng thành đạt ngoài xã hội bao nhiêu thì họ càng bất hạnh trong cuộc sống gia đình bấy nhiêu (may mà tôi viết những dòng này vào hôm nay ngày 21 tháng 10 chứ nếu mà viết vào hôm qua ngày phụ nữ VN thì đã bị đi tù rồi). Ai kia sao không biết nhưng với tôi, tôi sẵn sàng đổi một triệu người phụ nữ thông minh chỉ để lấy một người phụ nữ đẹp.
Tôi thấy mấy chị Phan Huyền Thư,  Phan Quế Mai kia cũng thuộc loại phụ nữ đẹp. Vậy là quá đủ rồi. Hà cớ gì các chị lại còn dây vào cái gọi là thơ ca chi cho khổ để bây giờ đã khổ lại còn thêm cả nhục.
 Gì chứ thơ như kiểu Tổ quốc gọi tên, Bạch lộ… một tối ngồi gõ bàn phím rồi thò thụt qua hàng tôi cũng làm được vài bài. Mà lại không cần thó của ai hết.
Không có thơ, xã hội đã rối ren lắm rồi. Có thơ xã hội rối càng thêm rối. Chỉ một câu thơ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà của ông nguyễn Xuân Sanh mà nghe bí rì rị cả hơn nửa thế kỉ nay, xin các vị thi tặc đừng làm cuộc sống chán chường thêm nữa.
Thơ thẩn là cái chi chi.

                                         Ăn cắp thơ rồi phô bày cả ra đây. Ngu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới