8 tháng 10, 2015

Nguyễn Du - Khối mâu thuẫn lớn ý thức hệ khổng lồ

Tiến tới kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du
                      
                                                                        Ths. Chử Anh Đào

   Nho, Phật, Đạo (Lão) giáo là ba tôn giáo ngoại lai được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Các triều đại phong kiến nước ta tuy lúc này lúc khác đề cao một trong ba đạo nhưng vẫn cho phép cả ba đạo này cùng hiện hữu (Tam giáo đồng nguyên).
   Là một đứa con của xã hội phong kiến, Nguyễn Du không thể không chịu ảnh hưởng sâu sắc những tư tưởng, những viên đá tảng triết học của thời đại. Điều đáng lưu ý ở đây là sự ảnh hưởng không diễn ra một chiều, thụ động mà đầy mâu thuẫn. Những mâu thuẫn này giằng xé, vật vã suốt cả cuộc đời, làm tâm hồn nhà thơ đớn đau rớm máu.
    Mở đầu "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã treo lên thuyết "Tài- Mệnh tương đố" (Mặc dù tác phẩm không phải là một tiểu thuyết luận đề):
                                    Trăm năm trong cõi người ta
                        Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau
    Và nhà thơ cũng không quên đóng lại ở cuối tác phẩm:
                                    Cho hay muôn sự tại Trời
                        ...Chữ Tài, chữ Mệnh dồi dào cả hai
            "Truyện Kiều" cũng vịn vào quan niệm Phật giáo:
                                    Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

“Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc Việt Nam” tranh sơn dầu của  họa sĩ Lê Anh Tuấn 

   Trong rải rác các tác phẩm của mình, Nguyễn Du làm cho người đọc tin tưởng rằng Ông là tín đồ trung thành của cả ba đạo Nho, Phật, Lão.
      Trước hết, cuộc đời là "Trời" của Nho Giáo:
                                    - Sụt lở cũng do ý Trời
                                    - Nguy hiểm, nghiêng đổ đều do ý Trời
     "Trời" là ông tổ của vạn vật. Đời người là có "Mệnh", là sự thực hiện "Mệnh Trời". Con người phải làm theo "Mệnh" của mình, phải "Lạc Thiên tri Mệnh"."Mệnh" là cái gì vô hình mà khắc nghiệt vô cùng. Nó có sức mạnh vạn năng, chi phối tất cả.
     Cuộc đời là giấc mộng của Đạo giáo:
                                    - Cuộc đời trăm năm, buồn thay chỉ là chốc lát.
                                    - Thế sự như mây nổi, thật đáng buồn.
    Cuộc đời là bể khổ. Khổ vì ở trong vòng luân hội, nghiệp chướng. Để khắc phục nó cần phải có Tâm:
                                    - Thiện căn bởi tại lòng ta.
     Nguyễn Du tin vào Trời, vào "Mệnh" nhưng Ông lại hỏi Trời:
                        -Vốn chẳng có văn chương nào ghét được số mệnh
                        Làm sao trời đất lại ghen lầm người?
     Nguyễn Du ca ngợi các trung thần nghĩa sĩ nhưng chính nhà thơ lại viết:
                        - Giữ lòng trung tín nhưng gặp nguy hiểm vẫn không đủ để tin cậy.
                        - Biết bao người quá trung thành với người mình thờ
     Thường bị thiên hạ cười là ngu.
    Trên đường đi sứ, tới động Nhị Thanh, Nguyễn Du thấy "lòng này thường định không xa đạo Thiền". Nhưng Ông lại chế giễu thói mê tín:
                        - U mê mà theo Phật thì Phật trở thành ma.
     Nguyễn Du tìm đến rượu như để tận hưởng, để quên đời ("Lúc sống không uống cạn hồ rượu/ Chết rồi ai rưới rượu lên mồ cho?"). Nhưng lại chê cây rượu Lưu Linh "chẳng làm nên được trò trống gì":
                        - Sao bằng cứ tỉnh để xem việc đời
     Như những cánh bèo trôi dạt rất đáng thương.
    Thời đại Nguyễn Du là sự sụp đổ không phương cứu vãn của tập đoàn Lê- Trịnh, các giá trị văn hóa truyền thống bị băng hoại đến tận gốc (Quân lính gọi Chúa là giăc, trấn lột áo bào của Vua, bắt Chúa nộp cho quân Tây Sơn... "Hoàng- Lê nhất thống chí"). Đó còn là thời đại của sự quật khởi các phong trào quần chúng mà đỉnh cao là Tây Sơn. Trong hoàn cảnh ấy, người trí thức chỉ thật sự trở nên có ích khi đứng về phía quần chúng. Con đường ấy, Nguyễn Du đã không lựa chọn. Vì thế Ông trở nên bế tắc, mâu thuẫn ngay trong những cái tưởng đã ăn sâu vào máu thịt của mình là các tôn giáo chính thống đã tồn tại từ hàng nghìn năm. May thay, chỉ có tấm lòng nhân ái với những kiếp người cơ khổ, những phận tài hoa bạc mệnh... vằng vặc như một vầng trăng sáng trên non Hồng và tài năng xuất chúng đã đưa Ông trở thành nhà thơ bậc nhất của văn học nước nhà, mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam và bạn bè yêu qúi./.
                                                                                                            C.A.Đ

                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới