Kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du
Ths. Chử Anh Đào
Dựa vào phong tục
"xá tội vong nhân" ngày rằm tháng bảy âm lịch trong dân gian, mượn
lời nhà Phật, Nguyễn Du viết "Văn tế thập loại chúng sinh" (Còn gọi
là "Văn chiêu hồn" bằng ngôn ngữ dân tộc) Tác phẩm bộc lộ những cảm
nghĩ của nhà thơ về một vấn đề lớn: Vấn đề cái chết. Và mượn cái chết để nói
chuyện đời sống, chuyện con người.
Chưa biết Nguyễn
Du viết "Văn chiêu hồn" vào năm nào nhưng chắc là Ông viết trong tâm
trạng buồn rầu lo lắng. Mùa thu thường gợi cho Nguyễn Du nỗi buồn man mác xa
vắng nhưng chưa khi nào thơ Nguyễn Du lại có một ngày thu não nuột như trong
"Văn chiêu hồn". Cảnh vật nhuốm một màu chết chóc, âm ỉ những tiếng
than khóc không thôi. Những màu bạc của ngàn lau, màu vàng của lá rụng, mưa dầm
sùi sụt, lác đác sương sa...Chút tà dương còn sót lại trên những hàng cây càng
làm tăng vẻ hiu quạnh não nùng. Cảnh trời thu này chưa chắc là cảnh có thật mà
chỉ là cảnh hiện lên trong tâm trạng buồn lai láng của Nguyễn Du. Nó là tâm
trạng của cảnh đời một thời. Cảnh đời mà Nguyễn Du đang sống đã gợi trí tưởng
tượng của Ông về những cô hồn ở thế giới bên kia. Thời đại của Nguyễn Du là
thời đại tan vỡ của chế độ phong kiến: nội chiến, ngoại xâm, thiên tai, dịch
tễ, đói rét liên miên...Trong một tình hình như vậy, giá trị, phẩm giá, tính
mạng con người không còn nghĩa lí gì. Đầy rẫy khắp nơi là những cái chết vạ vật
đầu đường xó chợ, bờ bụi, trận mạc. Những cảnh chết đó không phải là chỉ của
người cùng dân mà là cảnh chung cho cả những người giàu sang quyền thế. Cái thế
giới cô hồn người chết mà Nguyễn Du tưởng tượng trong tác phẩm của mình chẳng
qua chỉ là hình ảnh tập trung của vô số cô hồn sống nhan nhản khắp nơi trong cuộc
đời thực bấy giờ- một cuộc đời đầy hỗn loạn, bất trắc, rẻ rúng với giá trị con
người.
"Văn chiêu hồn”
không kể lại số phận cá nhân như của nàng Tiểu Thanh,cũng không phải chuyện “Gia
Tĩnh triều Minh” mấy trăm năm trước mà là chuyện điêu đứng của mọi người Việt thời Nguyễn Du đang sống.
Cuộc sống đã đến lúc không thể chịu đựng thêm được nữa. Chính vì vậy, giá trị
tố cáo của tác phẩm còn mạnh mẽ hơn cả “ Truyện Kiều”.
"Văn chiêu hồn" làm theo
lời người nhà Phật nói với chúng sinh, cầu nguyện cho chúng sinh được giải
thoát. Đối với nhà Phật, con người không có đẳng cấp xã hội. không có sự khác
nhau trong nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ. Tất cả đều là những nạn nhân đau khổ
vì chìm đắm trong bể Tham, Sân, Si trần thế, cho nên họ rất đáng thương. "Văn chiêu hồn" nói với đủ loại người ở các bậc thang xã hội trên dưới khác nhau nhưng thái độ
của Nguyễn Du với từng loại người là rất rạch ròi, phân minh.
Đối với những cô
hồn trước kia là người giàu sang, quyền thế, với cái chết của họ, Nguyễn Du
cũng động lòng trắc ẩn. Tác giả cũng coi họ là nạn nhân của xã hội đang tan
vỡ.Ở vào một thời kì li loạn như thời Nguyễn Du, tai họa không chừa một ai; cái
chết tuyệt tự là không phân biệt, không chừa đẳng cấp nào. Đối với cái chết
thì: “Còn chi ai quí, ai hèn/ Còn chi
mà nói kẻ hiền, người ngu”. Xã hội đã
tạo nên cái chết phổ biến, khiến mọi người bình đẳng trước nó…Nhưng khi nhìn
lại lối sống của từng loại người này, Nguyễn Du không xúy xóa mà còn vạch rõ
phải trái, chỉ trích, lên án. Ví như nói về cuộc sống của loại quan văn lớn, rõ
ràng Nguyễn Du có giọng mỉa mai. Bọn “mũ cao áo rộng” này cầm quyền quyết định sự sống
chết của bao người trong tay, chỉ cần vảy ngòi bút chấm son…Chữ nghĩa càng
nhiều thì càng lắm mưu mô hiểm độc; chức càng cao, quyền càng lớn thì oán thù
cũng theo đó mà chồng chất lên:
Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm
Cuộc sống tàn ác
của họ đi đến kết quả là:
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Đối với những võ
tướng lớn, những kẻ vì tham ấn nguyên nhung mà bài binh bố trận, tạo nên cảnh “
gió mưa sấm sét đùng đùng”, Nguyễn Du vạch
tội họ: “Dãi thây trăm họ làm công một
người”. Không thể đòi hỏi hơn ở giọng điệu chỉ trích đầy căm ghét của nhà
thơ với lối sống của những hạng người thuộc tầng lớp xuất thân của Ông!
Đối với người hèn
yếu nhất, bị đày đọa nhất, kiếp sống lao khổ nhất trong quần chúng, lòng thương
xót của ND thật vô hạn, không gợn chút ẩn ý nào.
Trong xã hội cũ,
bị khinh rẻ nhất là những người đàn bà bán thân nuôi miệng. Khác hẳn với cách
nghĩ của những nhà Nho đương thời và của rất nhiều người thời đại sau nữa giải
thích những người buôn nguyệt bán hoa là do bản tính của họ, Nguyễn Du hiểu vì cảnh
ngộ lỡ làng đã xô đẩy những người con gái xấu số sa chân vào nghề ô nhục mà bỏ
phí hạnh phúc của tuổi thanh xuân. Nguyễn Du thông cảm sâu sắc nỗi bàng hoàng ngơ ngác
của người con gái giang hồ trở về già sống trong cảnh tồi tàn không nơi nương
tựa và bi kịch một khi họ nằm xuống:
Ngẩn
ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá biết là cậy ai
Sống đã chịu
một đời phiền não
Chết lại nhờ
hớp cháo lá đa
Đau đớn thay
phận đàn bà!
Lòng thương mến
của Nguyễn Du rộng mở với tất cả những hạng người bị chà đạp, đặc biệt là lòng ưu ái
với quần chúng lao động. Vấn đề cơm áo, đói rét, lao động vất vả…là những vấn
đề trung tâm của quần chúng. Trong “ Truyện Kiều” gần như không có thì đây nổi
lên nhức nhối. Nguyễn Du thông cảm với cảnh đói rét không chịu được :“Ruột héo khô da rét căm căm”. Nhà thơ
thông cảm với cảnh làm ăn gian nan trên mặt sông mặt bể, giông tố bất thường để
nỗi “đem thân vùi lấp vào lòng kình nghê”;
thông cảm với nỗi đau của đôi vai bầm máu dưới đồn tre gánh nặng mưa nắng dãi
dầu…Sau này, những năm cuối thế kỉ XX, trong bài thơ "Tiếng Việt",
Lưu Quang Vũ đã viết:"Tiếng tủi cực
kẻ ăn cầu ngủ quán/ Thành Nguyễn Du
vằng vặc nỗi thương đời".
“Văn chiêu hồn” có những
lời, những câu nói theo lời nhà Phật nhưng âm điệu chung vẫn là giọng nói hữu
tình của người mang nặng yêu thương căm giận trong đời sống trần thế. Tình cảm
của nhà thơ không vì yêu cầu của bài văn tế chúng sinh mà xóa nhòa hay lẫn lộn
giữa yêu và ghét.
"Văn chiêu hồn” đặt vấn đề
xã hội to lớn. Thực chất là vận mạng điêu đứng của mọi tầng lớp người trong xã
hội phong kiến đang đổ vỡ. Khách quan mà nói thì ở đây cũng như trong “Truyện
Kiều”, vấn đề Nguyễn Du đặt ra là vấn đề chế độ. Cần thay đổi chế độ thì vận mạng
con người mới được đảm bảo! Nhưng Nguyễn Du không biết thế nào là chế độ;càng
không thể nghĩ cách nào để thay đổi chế độ. Nỗi đau khổ đã có hàng mấy muôn năm.
Nhà thơ tin là không có cách nào xóa đi được.
Trong thời đại
mình, Nguyễn Du không tin sức một ông vua, một ông quan nào có thể cứu đời;
càng không tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân có thể tự cứu mình. Nhà thơ
đành phải nhờ vào phép của nhà Phật. Mở đầu tác phẩm là lời kinh cầu nguyện.
Kết thúc vẫn nhắc lại lời kinh ấy. Tác giả ca ngợi phép Phật đủ sức soi sáng
cho những cô hồn chìm đắm trong mê muội và dẫn dắt tất cả họ lên con đường siêu
thoát. Tác giả nói như thế nhưng hình như không lấy gì làm tin lắm vì bao oan
khổ đều có thật, đầy rẫy trong cuộc đời mà hào quang cứu khổ của Phật thì còn ở
mãi tận đâu đâu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới