31 tháng 8, 2015

Ăn rằm tháng Bảy

Ở quê tôi rằm tháng Bảy là một dịp để cúng kiếng ăn uống quan trọng trong năm. Từ hồi nhỏ tôi đã thuộc nằm lòng câu: Rằm tháng giêng ai siêng nấy cúng (là vì mới ăn suốt 3 ngày Tết Nguyên đán xong, cái bụng chưa kịp đói, cái miệng chưa thèm ăn nên không buồn cúng); Nhưng đến rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười thì 10 người 10 cúng.
Vì thế dù là không sống ở quê nhưng đúng trưa thứ 5 ngày 14 rằm tháng Bảy, tôi đã trân trọng dâng hương hoa lễ vật lên ban thờ cúng ba tôi. Vừa xong thì có điện thoại Nguyễn Quang Ngọc: Mày kêu thằng Nguyên nữa lên Bình Phước ăn rằm với trang trại của tao. Tôi hỏi đi khi nào về. Chủ nhật về. OK. Sẵn dịp tôi đang có tuần nghỉ hè cuối cùng. Vậy là đi. Ngu gì không đi. Có xe đưa rước, được ăn được chơi, được thoát khỏi Thành phố. Tôi lập tức nghĩ ngay đến bữa cỗ với lòng con heo mọi và những xâu thịt nướng ướp lá mắc mật cháy xèo xèo trên lửa than cao su mà thèm. Gọi cho thằng Nguyên, hắn trả lời ngay: chuyện nhỏ.
Vậy là 13h30 chúng tôi rời Tp trên chiếc Mazda 5 chỗ của Ngọc. Ngày 14 rằm tháng Bảy, tháng cô hồn nên xe cộ chạy trên đường khá thoáng đãng. Ngọc nhấn ga thoải mái. Lướt qua Thủ Dầu Một, lướt qua Bình Dương, 4 giờ 30 phút chiều chúng tôi đã đặt chân xuống trang trại rộng 30 ha cao su của Ngọc ở Bình Phước. Phía sau giếng hai chú công nhân trẻ của trang trại đang xẻ thịt một con heo mọi nặng hơn 30 kí. Ở trang trại của Ngọc, ngay giữa rừng cao su là một khu chuồng chuyên nuôi heo mọi luôn thường trực hơn chục con với đủ mọi lứa tuổi. Vì thế hễ có dịp là lại một chú heo mọi ra đi. Tôi đã nhiều lần được đánh chén món ăn được xem là truyền thống này của trang trại.
Tình, một đồng đội cũ C20 có nhà ở cách trang trại của Ngọc hơn chục cây số cũng đã kịp có mặt. Vậy là trong bữa cỗ rằm tháng Bảy này có một nhóm bốn tên lính của C20 Sư đoàn 341 từng chung chiến hào với nhau 40 năm trước là Ngọc, Nguyên, Tình và tôi.
Trong lúc Ngọc đang ra tay chỉ đạo quân lính với tư cách ông chủ thì tôi cùng với Tình, Nguyên bấm nhau ra bờ sông Bé ngắm cảnh và ngồi hóng gió mát rượi.
Con Sông Bé oai hùng từng đi vào thơ ca nhạc họa của thời chiến tranh chống Mĩ đang mùa nước nổi chảy tràn bờ với phù sa đỏ rực như nước sông Hồng mùa lũ.
Đám đàn ông con trai nấu ăn tuy vụng nhưng được cái nhanh. Chỉ hơn tiếng sau chúng tôi gồm khoảng 20 người cả khách lẫn chủ đã xếp bàng trong căn nhà lớn của trang trại. Vẫn là những món ăn truyền thống từ heo mọi như tiết canh (chỉ có tiết canh làm từ heo mọi của trang trại tôi mới dám ăn vì chắc chắn nó là heo sạch, làm sạch), lòng heo luộc, thịt nướng lá mắc mật và cháo. Ngọc chỉ đạo cánh nhà bếp là nấu ít món thôi nhưng món nào cũng phải thật nhiều và thật ngon. Ăn cho đã.  Hai thùng bia lon không ai buồn đụng tới, chúng tôi nhậu thịt heo mọi với một can 5 lít rượu gạo của Tình xách từ nhà hắn sang.
Ngon, no và say túy lúy.
Ăn xong đã 9 giờ tối. Trăng 14 của rằm tháng Bảy đã kịp treo tròn vành vạnh giữa sân. Bốn bề là rừng cao su đen sẫm. Nguyên nghe theo Tình rủ rê về nhà Tình ngủ. Tôi với Ngọc xách chiếu ra sân nằm hóng mát và ngắm trăng. Đời tưởng không còn gì thú bằng.
Trưa hôm sau, đúng 15 rằm, anh Hà, anh trai của Ngọc có căn biệt thự thiệt đẹp ở trên lộ 14 cách trang trại 12 cây số mời cả bọn chúng tôi sang nhà anh ăn rằm. Lại rồng rắn kéo nhau đi ăn.
Chiều tối hôm đó thì đến lượt Thượng tá Tình mời về nhà ăn rằm tiếp. Tình nói là  đáng lẽ nhà hắn cúng rằm bữa trưa nhưng biết có chúng tôi lên nên hắn đã bảo vợ con chuyển sang cúng rằm buổi chiều để rước cho được mấy đồng đội cũ về nhà cùng ăn rằm. Chiều bạn thế quá bằng chiều vong.
Tôi cứ nghĩ nhà Tình cũng ở giữa rừng cao su xanh tốt ngút ngàn của đất Phú Giáo, Bình Phước vì thấy hắn cũng sở hữu đến gần chục ha cao su nhưng theo Tình thì đây đã là địa phận của thị xã Đồng Xoài.
Một cái rằm tháng Bảy mà bọn tôi ăn đến 3 bữa liền nhau trong hai ngày 14 và 15.
Không đã mới lạ.
Hôm sau thì Nguyên có việc nên về Sài Gòn trước. Chỉ còn lại tôi với ông chủ trang trại Ngọc. Tôi theo hắn đi thăm thú khắp khu rừng cao su. Hai thằng tôi ra dọc bờ sông Bé hái măng tầm vông, hái đủ cá loại rau tập tàng, rau rừng về ăn sống và luộc chấm mắm ruốc. Tôi mua một mớ cá rẻ như cho của những người đánh bắt cá trên sông Bé về chiên xù.
Toàn những thức lạ miệng và khóai khẩu. Ăn no vẫn không ngán.
Sáng chủ nhật hôm qua, tôi và Ngọc lên xe về sớm. Nhưng chúng tôi không về thẳng Sài Gòn mà đi về phía Biên Hòa để ra ngã ba xa lộ đi về Bà Rịa ghé Long Hải thăm anh Mậu Đàn là bạn học cùng lớp đại học với tôi để có dip tắm biển và nhậu với anh Mậu Đàn một chầu hải sản. Nhà anh Mậu Đàn là một căn villa thoáng mát rộng rãi ngay gần chợ Long Hải, một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng nơi tôi đã có vài ba chuyến về đây nghỉ mát mỗi dịp hè về. Do đã gọi điện báo trước, khi tôi và Ngọc vào nhà đã thấy bà xã anh Mậu Đàn nhắc nhở hai chú rửa ráy tay chân rồi ngồi nhậu cho nóng. Gì chứ ba món hải sản là phải ăn nóng bốc khói mới ngon. Bà xã anh Đàn đúng là một bà nội trợ đảm đang. Dọn ra đầy một bàn chỉ dành cho anh em chúng tôi ăn nhậu, còn chị xin phép vào xem chương trình đường lên đỉnh ưa thích trưa chủ nhật đang phát trên TV. Mà thực ra thì có ngồi lại, chắc chắn chị cũng không chịu nổi cuộc ăn nhậu chuyện trò rôm rả ồn ào của 3 anh em chúng tôi, toàn những thằng cựu chiến binh một thời ăn to nói lớn.
Tôi với anh Đàn thì học chung một lớp đại học khóa 12 khoa văn trước khi tôi đi lính, đã nhậu với nhau nhiều lần. Nhưng với Nguyễn Quang Ngọc và anh Mậu Đàn thì đây là lần đầu tiên hai người diện kiến nhau. Vậy mà hai lão có vẻ hợp rơ nhau. Chuyện trò nâng li lên đặt chén xuống cứ nghe rôm rốp.
Nhậu xong chúng tôi lăn ra ngủ một giấc thẳng cẳng đến 3 giờ chiều thì chào từ biệt vợ chồng anh Mậu Đàn ra về. No say rồi quên luôn cả chương trình tắm biển. Kệ. Gì chứ biển thì vẫn muôn đời còn đấy. Lần này không tắm thì lần sau lại xuống. Đi đâu mà vội.
Trở về Thành phố với nước mã hồi. Ngọc cho xe chạy trên đường cao tốc Sài Gòn – Dầu Giây với tốc độ cả trăm km/h. Chỉ hai tiếng là đã đến vòng xoay Hàng Xanh. Kết thúc chuyến đi ăn rằm tháng Bảy Sài Gòn - liên tỉnh miền Đông suốt 4 ngày 3 đêm của tôi và Ngọc.
Vui và no say đã đời.

                                 Sông Bé đang vào mùa nước nổi, nước dâng tràn bờ


  Nguyên và Tình đang tạo dáng dưới bóng rặng tầm vông trên bờ sông Bé


                                     Nguyên và Sơn


                                                Tình và Sơn


                                         Cỗ rằm ở trang trại chiều 14 bắt đầu được dọn 


Ăn xong tôi và Ngọc trải chiếu ra sân nằm hóng gió và ngắm trăng rằm tháng Bảy trên trang trại. Đúng là cảnh trăng thanh gió mát


Những bữa ăn sau rằm trên trang trại của tôi và Nguyễn Quang Ngọc với rau tập tàng và măng tầm vông luộc: Rau tập tàng ăn sống, măng tầm vông luộc chấm mắm ruốc. 


Đĩa thịt heo kho thì không đụng đũa nhưng con cá chép to bụng đầy căng trứng bắt từ sông Bé lên thì hết sạch


Trên đường về Bà Rịa Ngọc và tôi rẽ vào nghỉ và thăm thú nhà bè Long Sơn, cách Long Hải chừng 20km. Đây là một trong những chốn nghỉ ngơi và ăn hải sản ngon bổ rẻ nổi tiếng nằm trên sông Thị Vải. Những nhà hàng kết bè ngay trên sông Thị Vải lộng gió vào những ngày nghỉ luôn hút khách từ Sài Gòn xuống.


                 Ông chủ trang trại Nguyễn Quang Ngọc đang ra nhà bè Long Sơn



Ở đây có trưng bày một tác phẩm điêu khắc kì công từ bộ gốc rể của một cây gì đó rất to bày kín cả một gian nhà khiến tôi và Ngọc không ngớt trầm trồ ngắm nghía


Ngọc tạo dáng bên bộ rễ giờ đã là một tác phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ 


                                 Tôi cũng ngồi vô chụp nhưng không tạo dáng
   


     

26 tháng 8, 2015

Cội rễ


                                                                           Chử Anh Đào

            Thời thơ ấu của người ta, trừ số ít trường hợp, phần lớn là sống với cha mẹ ông bà nơi quê nhà với những thương yêu, giáo dục, dạy dỗ và những phong tục lề thói hàng nghìn năm. Đây là khoảng thời gian hình thành nhân cách, tư cách, cá tính, thói quen bền vững nhất. Lớn lên, đi học, làm ăn, công tác, người Hà Giang lấy vợ tận Cà Mau, kết hôn sinh sống xứ người Úc, Pháp, Mĩ, Hà Lan... mấy nghìn vạn dăm; thành đạt, làm quan chức không thiếu thứ gì nhưng những thói quen, sở thích buổi bình minh nơi chôn nhau cắt rốn thì dù tự giác hay tự phát cũng khó lòng mà bỏ được.
            Tập kí sự lịch sử "Hoàng- Lê nhất thống chí" của nhóm Ngô gia văn phái ghi lại: Bắc bình vương Nguyễn Huệ ra Bắc hà phò Lê phạt Trịnh với tướng mạo oai phong lẫm liệt, không ai dám nhìn thẳng vào mặt. Nhưng vị tướng trăm trận trăm thắng lẫy lừng này khi được vua Lê Hiển Tông mời vào điện Hiển Thọ đã để lộ một cử chỉ quê mùa: Vua ân cần mời mãi, Bình (Nguyễn Huệ) mới khép nép ngồi xuống góc sập, hai chân buông thõng xuống đất. Khi nhà vua có ý định gả công chúa Ngọc Hân cho, Bình cười to và nói ngay: Ta vâng mệnh đại huynh (Nguyễn Nhạc) ra đây dẹp giặc, giờ lại cưới vợ, về trong ấy bọn trẻ nó cười cho. Tuy nhiên ta mới biết con gái Nam hà, lần này thử một chuyến xem con gái Bắc hà có tốt không? Đây là khẩu khí của một anh nông dân, không thể dùng vào ngoại giao. (Những người làm sử viết ra nhằm mục đích coi thường: Bắc bình vương Nguyễn Huệ chẳng qua chỉ là một anh nông dân . Nhưng tính khách quan của hình tượng mang lại sự ngợi ca theo quan điểm nhân dân: Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải.)
           Trong đời thường, có thể dẫn ra nhiều trường hợp như thế.
          N.Đ, ông giáo viên làm thơ. Còn nhớ có lần đi mua hàng, ông ta lựa chọn rất kĩ, săm soi lật, lựa, chọn tới mức người bán hàng sốt ruột. Không những thế, chán chê, ông thản nhiên sang hàng bên cạnh mua thứ mà bên này cũng có. Tôi ngạc nhiên. Ông ghé vào tai tôi: "Cái ấy ở bên này rẻ hơn một giá. Ông thông cảm. Tôi là dân Nghệ mà lại."
            Một ông đường đường là chủ nhiệm khoa một trường bậc đại học. Nhà cao cửa rộng, phương tiện sinh hoạt tối tân, hiện đại, trang bị cá nhân toàn hàng hiệu. Nhưng ra đường hễ thấy sợi dây thun, cái đinh ốc, bù loong, mảnh xốp, túi nilon...là lượm ngay, quyết không cho chúng nó thoát. Vì theo ông: Sẽ có lúc cần đến chúng. Đúng là cái đuôi của nghìn năm khốn khó, đói nghèo trong rơm rạ.
            Một bà cụ già gốc Nam bộ nhưng ra PLei Ku từ những năm năm mươi thế kỉ trước. Con đàn cháu đống nhưng đi làm ăn và sinh sống ở xa. Đứa Đà Nẵng, đứa Sài Gòn, Hà Nội, đứa Phần Lan...Chúng xây nhà cho Cụ ở PLei Ku với nội thất hiện đại. Toalet có bình nóng lạnh, bể tắm, bồn cầu Ý. Mặc! Quanh năm, bất kể mưa nắng đêm ngày, Cụ vẫn thủy chung với cái nhà cầu cuối vườn- cái nhà cầu miệt vườn miền Tây không mái che, thưng sơ sài xung quanh bằng miếng tôn cao khoảng hai gang tay trơ gan cùng tuế nguyệt dọc các dòng kinh xáng hay hầm cá mỗi nhà.
            Một ông sếp cỡ bự, thường xuyên tiếp khách ở những nhà hàng sang trọng. Nhưng không có ngoại lệ, cao lương mĩ vị, của ngon vật lạ gì cũng mặc. Dứt khoát phải một chén ớt trái (ớt hiểm càng tốt), một chén mắm ruốc và một đĩa vả, sung mặc định. May mà các nhà hàng quen đã biết ý ông nên hễ nhìn thấy ông là y chang các thức ấy được đưa lên trước tiên. Tôi còn chứng kiến hai lần ông để nguyên comple trèo lên cây vả quả sai trĩu trịt ở nhà hàng T.Đ.X và T.T.
            Một ông vào PK năm hai mươi tuổi. Giờ đã ngấp nghé lục tuần. Con cháu đã đặc giọng phố núi. Còn ông, ngoài "hương âm vô cải", dứt khoát không pha trộn, đổi thay mà còn một say mê khác. Ông lập một góc bếp riêng gồm đủ thứ: tương, cà ghém, trám, măng nứa, mẻ, riềng, mắm tôm, măng ngâm ớt, mơ, sấu, tai chua, cá thính...Bữa ăn nhà ông là dân ca ba miền, đủ các thang âm điệu thức: chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi...Một lần con ông thắc mắc: Có gì ngon lành trong miếng cà ghém mặn tới mức muối phải gọi bằng cụ mà bố háo hức thế? Ông bảo: Hồn vía cố hương đấy con ạ. Rồi ngâm ngợi: Đành rằng canh cải nấu gừng/ Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai...
                                                                                                            C.A.Đ

                                                                                                       PK26.8.15


Ngôn ngữ quanh ta

                                                                            Chử Anh Đào

            Chức năng của ngôn ngữ là để tư duy và giao tiếp. Trừ rất ít những người có kiến thức chuyên ngành, còn lại đa số chúng ta sử dụng ngôn ngữ theo thói quen tự phát. Thấy người ta dùng thì mình dùng. Nói, viết mà người khác hiểu được là tốt rồi. Tuy nhiên thói quen này cũng tiềm ẩn một nguy cơ: Không hiểu nghĩa của từ sẽ dẫn đến dùng từ sai. Xin đưa ra một số nghĩa gốc của từ mà có thể bạn chưa biết hoặc mang lại cho bạn những thú vị bất ngờ mà những dịp trước chưa có điều kiện đề cập:
            - "Nam mô": có khi đọc là "nam vô". Từ có gốc tiếng Phạn "namuh" có nghĩa là "chắp tay, cúi đầu". Trong khẩu ngữ hiện nay, " nam mô" còn có nghĩa "mất", "quên đi cho rồi".
            - "A di đà": gốc tiếng Phạn."A" là "vô", "di đà" là "lượng"." Phật sáng suốt không thể lường được. "Trong cúng lễ hoặc đi chùa, chắp tay cúi đầu chào nhau, người ta thường nói "a di đà Phật".
            - Áo "cà sa": gốc tiếng Phạn "Kasaya", có nghĩa là "màu sắc xấu xí". Nhà sư sống kham khổ, phải mặc áo thô. Áo cà sa ở nước ta là áo nâu sồng, năm thân, tay thụng. (Áo thụng nhiều màu sắc không phải là áo cà sa)
            - "Á hậu": "người đẹp thứ 2 trong cuộc thi". Thực ra từ này dùng sai nhưng vì đã lâu nên được chấp nhận. Trong cuộc thi sắc đẹp, người đứng đầu là hoa hậu (hoàng hậu trong các loài hoa). Theo đà, người ta gọi người đứng thứ 2 là " á hậu". Nhưng " á hậu" chỉ có nghĩa là vợ thứ 2 của vua.
            - "Bikini": "bộ đồ tắm hai mảnh của phụ nữ". Đây là từ chuyển nghĩa. "Bikini" là tên một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình dương, nơi Mĩ dùng để thử vũ khí nguyên tử năm 1946, gây chấn động thế giới, không khác gì kiểu ăn mặc gần như lõa thể của phụ nữ công khai giữa đám đông ở bãi tắm biển. Bây giờ là thường. Nhưng hồi mới xuất hiện, bộ đồ tắm này cũng làm ngả nghiêng thế giới. Và người ta gọi nó là "bikini".
            - "Bí thư": "tài liệu mật", "người giữ tài liệu mật". Nay dùng theo các nghĩa:
            + Người được đoàn thể bầu ra, đứng đầu ban chấp hành, lãnh đạo toàn diện.
            + Cán bộ các bộ, chủ yếu là ngoại giao
            + Thư kí riêng.
            - " Tần tảo": "tên hai loại rau dại mọc ven suối". Người bình dân hay hái về nấu canh. Giờ có nghĩa chỉ phẩm chất tốt đẹp của ngưởi phụ nữ nghèo chịu thương chịu khó.
            - "Đế quốc": "nước có vua". Nay chỉ nước lớn xâm lược các nước nhỏ, yếu nhằm mở rộng lãnh thổ, bóc lột sức lao động và khai thác tài nguyên, biến các nước bị xâm lược thành thuộc địa.
            - "Tệ":[ ] "tiền Trung Quốc", như Đollar của Mĩ và một số nước, Ruble của Nga, Mark của Đức, Franc của Pháp..." Tệ" đầu tiên có nghĩa là "vải lụa". Sau đó là "của cải". Theo thứ tự đẳng cấp, ngọc được coi là "thượng tệ", vàng là "trung tệ", gấm vóc là "hạ tệ". Từ đời nhà Hán tới nay, "tệ" luôn mang nghĩa là "tiền".( Không phải vì ghét Trung Quốc bành trướng mà ta gọi tiền của họ là "tệ" như cách hiểu của một số người). Một từ Trung Quốc đang dùng làm kí hiệu, có nghĩa "đồng bạc" là "nguyên" [ ] Ví dụ: thập" nguyên" là 10 "tệ".

                                                                                                                        C.A.Đ


23 tháng 8, 2015

Đi chơi nhà bạn ở Biên Hòa

Sáng nay chủ nhật nhân tiện có các bạn học cùng lớp đại học là Nguyễn Duy Xuân từ Buôn Ma Thuột xuống và Minh Khôi từ Thanh Hóa vô, vợ chồng Thu - Huệ đưa ra sáng kiến cả bọn cùng đi Biên Hòa thăm nhà mới của Vương Mỹ Lý mới dời đô từ Nghệ An vô.
7h cả hội tập trung ở Gò Vấp rồi lên đường với chiếc Toyota Yaris mới cáu cạnh của nhà Thu Huệ do chính tay Thu cầm lái. Xe chạy bon bon trên đại lộ Phạm Văn Đồng, một trong những con đường mới mở đẹp nhất Thành phố, thấy thơ thái lạ thường. Chợt nghĩ cuộc đời bạn bè vậy là cũng sướng. Như tôi ra Vinh có xe Ngọc Nga đưa đi đó đây, ở SG giờ đã có xe Thu Huệ đưa đi chơi.
 Vương Mỹ Lý cũng là bạn học thời cùng lớp 16D khoa văn mới làm xong căn nhà ở Biên Hòa thật khang trang, đẹp đẽ. Hai vợ chồng nhà Lý bán hết cơ ngơi ở Nghệ An, dời vô đây làm căn nhà mới ở với con cháu. Cuối đời ở tuổi lục tuần mà dám quyết đoán vậy cũng là ngang với một cuộc vượt biên vĩ đại.

Trong niềm vui gặp gỡ, cả nhà Lý đón đám bạn cùng lớp từ SG ra với một bữa cơm thịnh soạn. Vui nhất vẫn là những câu chuyện cũ thời sinh viên với tiếng cười giòn tan vang lên suốt bữa. 

 Trong phòng khách căn nhà mới của Lý ở Biên Hòa. Trái sang: Xuân, Huệ, Thu, Khôi, Sơn 


 Hàng trước trái sang: Lý, Khôi, Huệ. Hàng sau: Thu, Sơn, Xuân. Gần 40 năm trước, cả 6 tên cùng học một lớp đại học, lớp 16D khoa văn, ĐHSP Vinh (khóa 1975-1979)

                             Trái sang: Xuân, Huệ, Thu


 Trước nhà Lý, 3 cô nàng 40 năm trước, giờ tất cả đã thành bà nội, bà ngoại: Khôi, Lý, Huệ


 Trái sang: Nam chồng Lý (cũng là SV trường Vinh khóa 16 khoa Hóa), Khôi, Lý, Huệ, Thu, Sơn


                              Trái sang: Khôi, Lý, Huệ, Thu, Sơn, Xuân


                    Phía trước nhà Lý với chiếc Toyota Yaris của Thu - Huệ


14 tháng 8, 2015

Dặm ngàn hương cốm, dặm ngàn thương

(Đọc "Dặm ngàn hương cốm Mẹ" của Nguyễn Tham Thiện Kế; NXB. Phụ nữ; H.2011)

                                                                                     Chử Anh Đào

            Tôi được tác giả đưa cho cuốn sách này mà không có chữ kí và lời đề tặng trong một buổi sáng hanh hao nắng bên sông Hồng mùa nước nổi mênh mang bờ bên phía giáp sông Đà một đường kẻ chỉ xa mờ và muôn trùng con sóng ộp oạp như vỗ lên những mái ngói mốc thếch của thành phố Việt Trì. Tôi dẹp ngay một giây phật lòng vừa lóe lên. Kệ! Miễn là có sách, được đọc mà không mất tiền mua. Lại chợt liên tưởng tới các nghệ nhân tạc tượng mồ Tây Nguyên. Họ chỉ sung sướng thăng hoa trong quá trình sáng tạo...  Còn cái sự chân tình pha chút khủng khỉnh của bạn văn trong lần sơ giao cũng chẳng lấy làm lòng.
            Chưa đi hết bối rối thì cái li rượu nhỏ bằng pha lê có chân phía bên kia bàn đã reo lên một tiếng "keng" với li của tôi. Cái li bên trong những ngón tay búp măng trắng muốt dài và đẹp như lời một bài hát của Trịnh, như của một nghệ sĩ pianô. Và cái cách nâng li rượu thật quí phái, sang trọng mà sau khi đọc xong cuốn sách của Ông tôi mới hiểu phần nào.



            Trước hết, tôi hả hê sung sướng vì ngay từ trang đầu tiên cho đến khi khép lại tác phẩm, tác giả xưng "Tôi" viết hoa để trần thuật và giải bày cảm xúc. Phá lệ chính tả để làm một chữ "Tôi" viết hoa giữa thanh thiên bạch nhật. Điều này như hành động của một anh hùng. Nó là một minh triết. Nói quá vì tư tình ư? Thì hãy nhìn vào lịch sử nhân loại mà xem. Hành trình mất mươi nghìn năm con người đi lên cũng bởi những cái Tôi cá nhân xuất sắc không trộn lẫn, dám làm ,dám chịu và ngạo nghễ khẳng định ta đây giữa đời sống. Mờ mờ nhân ảnh đám đông chỉ là thói a dua phản động, kéo lùi lịch sử của những chế độ xã hội nhăm nhăm rình rập thủ tiêu cá nhân không đội trời chung với độc tài, chuyên chế. Xin nhỏ một giọt nước mắt cho những kiếp người bản thân mình sống hẳn hoi, sờ sờ ra đấy mà chỉ dám xưng  "chúng ta", "chúng tôi" để dễ bề tỏ ra khách quan tăng uy tín cho mình và đổ lỗi cho người khác trong tương lai nhãn tiền.
            "Dặm ngàn hương cốm..." là tập tùy bút gồm hai mươi lăm bài viết về những cái đã qua. Chỉ đọc tên tác phẩm ở mục lục cũng thấy điều đó: "Cọ ngàn xưa...", "Niệm khúc...", "ngôi nhà cổ đã mất", "hoa đào năm cũ", "Nhớ dưới mưa xuân", "chút hồi ức về miền thơ ấu"... Nhưng những cái cũ càng này không phải nằm trong bảo tàng kí ức mà nó đang đồng hành rực cháy, ám ảnh, thiêu đốt trước hết là tác giả và những người đọc nó. Nó không già không chết mà mãi tươi non để con người soi mình và sống tốt đẹp hơn. Một dẫn chứng ngẫu nhiên: "Họ không giúp được gì cho nhau nữa, nhưng khi sống, họ đã lắng nghe nhau..Sự có mặt của nhau đã làm giàu có thêm thế giới bình an trong họ nơi trần thế" (tr 293)
            Về mặt đề tài, trừ số ít viết về Hà Nội- thành phố có những liên hệ máu thịt với dòng họ và bản thân tác giả, còn lại là loạt bài về nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở vùng đất Tổ vua Hùng Phú Thọ. Với tôi, như bắt gặp những tiếng reo của các địa danh: Bạch Hạc, Việt Trì, Thanh Sơn, Phù Ninh, Liên Hoa, Trạm Thản, Gia Thanh, An Thái, Kim Đức ... Những cái tên như ngậm nhạc trong miệng vì đơn giản là có tuổi thơ tôi. Nơi "Tôi lớn lên quả trám đã bùi/ Rễ si buông cước lá sòi rưng rưng/ Tôi chưa với tới trái bàng/ Kiễng chân chóng mặt cầu vồng lên năm" (HT) Nơi có nhà Thủ- chị ruột bố tôi lấy chồng ở chợ Phú Lộc có cây đa tám cội mà mỗi lần tôi hồi bảy, tám tuổi cùng bà nội ngược chơi lại được mua phở lợn mậu dịch năm hào cho ăn; sau tiếng kẻng nghỉ trưa của Hợp tác lại thì thõm lê la bên những dộc ruộng chằm bắt trạch về kho trám chua làm bữa.
            Có những gì ở miền quê ấy? Đó là thiên nhiên nhễ nhại một triền đồi sỏi đá Trung du trong cái nắng xiên khoai với cây cọ lẻ đi rong bên sườn đồi. Đó là những sản vật dân dã có lẽ cùng tuổi với Hùng vương thứ nhất. Những quả trám, những cọ, những dọc, những khoai, những sắn, những chè, những dứa, những mít, những sung... dân dã được gọi tên bằng những từ Việt cổ, bằng phương ngữ: nhậy cọ, ken, cóm, ruộng rộc, hom sắn, bị xổi, bị hẩu, làm hèm, cái néo, thóc cum...  gắn bó nghìn đời với các thế hệ chủ nhân của nó. Nhưng diệu kì thay, dưới ngòi bút tài hoa và cái nhìn độc đáo của Thiện Kế, những thân thuộc, ta tưởng chừng biết rất kĩ về chúng, chẳng có gì để nói thêm lại hiện ra tinh khôi với những chiều kích mới. Thấm thía những câu thơ của M.Evtusenko về tội lỗi dương dương tự đắc của người đời:"Chúng ta tưởng biết kĩ càng sâu sắc/ Nhưng thử hỏi thực tình ta đã biết gì đâu". Ở phương diện này, NTTKế là bậc thầy. Nhờ có Ông mà tôi- một kẻ phàm phu mới biết ngửi thế nào là hương cốm, rượu cốm nếp cái hoa vàng, rượu sen, trà ốc, tằm rụt, cách chọn nơi đào giếng...; lại cũng mới biết cá Anh Vũ- một đặc sản tiến vua, một món ăn quí tộc nếu dưới một kilôgam chưa chính danh thì phải gọi là con Buột, nhiều người nhầm loài cá này với cá Dầm xanh; mới biết quả dọc không phải chỉ dùng nấu canh mà còn có thể rửa tay tẩy nhựa chè. Tầm ngầm lục lại trí nhớ xem "cải sót" là gì? Những món ăn dân dã, dưới bàn tay chế biến vô cùng tỉ mẩn, công phu theo những tính toán và những tuân thủ nghiêm ngặt như là một nghi lễ, thành Đạo của mẹ, của bà, của chị và của những thường dân mà kiếp sống lẫn cùng cây cỏ, vô danh từ buổi được mẹ khai sinh oa oa tiếng khóc chào đời cho đến khi nằm xuống bỗng trở nên cao lương mĩ vị, tỏa thơm ngào ngạt khắp không gian và tâm hồn người ẩm thực. Sâu xa hơn, những phận sắn, phận người... dù phải trải qua thiên ma bách chiết, bị dày vò, bị băm, bị cắt, bị chặt, bị cho vào lửa, bị nhấn xuống bùn... nhưng sau mỗi lần như thế lại hiện ra sáng ngời những phẩm chất mới cao đẹp tiềm ẩn trong bản chất mà sự sống phải biết ơn, cần tới.Tôi thầm nghĩ: những trang viết loại này của tác giả xứng đáng kiêu hãnh ngẩng cao đầu bên những bậc thầy Vũ Bằng, Thạch Lam và Nguyễn "lư đồng mắt cua". Tôi tin quan niệm đúng đắn của mình, rằng nghệ sĩ là người nhặt một cọng cỏ lên và làm cho nó trở thành bất tử. Trong DNHCM, những nhận xét trực tiếp của người viết hay qua miệng nhân vật cũng mang lại cho người đọc những suy ngẫm và bài học về cuộc sống và kinh nghiệm sống. Tỉ dụ: "Dẫu là vua cá thì cũng chẳng thoát khỏi mùi tanh". "Cỏ cây cũng như con người, chỗ này thì là vàng, ở chỗ kia thì lại là ống bơ gỉ". "Vạn vật cũng như con người...Chăm gì, bón gì, tưới gì cũng không bằng thuận lẽ tự nhiên". "...thứ hương của kẻ quân tử thì chỉ có quân tử mới cảm nhận được". "không chỉ sung sướng mới có sức lưu giữ một số phận". Cây đã cong, dù to, dùng vào việc thẳng thì trước sau nó cũng vẹo vọ (ý)...Những suy ngẫm này của những số phận kinh lịch từng trải cay đắng nhiều hơn ngot ngào thốt ra từ tâm can nên không hề cao đạo, dạy bảo mà giản dị là tỏ bày nên có sức thuyết phục lớn lao.
            Ai đã làm cho những vật vô tri vô giác như củ khoai củ sắn, quả sung, quả dọc, tàu lá chuối tươi hơ lửa, cái cối gạo ven suối, cái mõ trâu, những chiếc lá khô, ngọn khói... trở nên có hồn, có thân phận và cuộc sống như người? Chính là tác giả, là người Mẹ, người u già,  những người chị, linh mục, sư già...Họ sống với quan niệm nguyên thủy và nhân văn: vạn vật hữu linh. Chính vì vậy họ sợ vô tình xúc phạm và làm cho chúng đau. Tác giả đã hơn một lần ngập ngừng không nỡ bước lên thảm hoa xoan trải mùa xuân trước ngõ. Ông cũng thương nhìn sợi khói như một sinh linh. Hái hoa thiên lí, Mẹ sợ làm đau những chiếc lá  nên phải lựa thế tay. Mẹ cũng sợ nếu thô bạo sẽ làm đau cái xe đạp cà tàng cà khổ. Ông già Đông Chắt khấn cây mít già trong vườn trước khi nó bị đốn hạ; đau đớn, sợ hãi trước một cánh rừng bị tàn sát bằng sự vô cảm... Họ mong muốn chúng trở nên hữu ích và thành bạn của con người. Đúng như ước nguyện, cỏ cây hoa lá trong tác phẩm tràn trề nhân tính. Chúng trở thành bằng hữu an ủi vỗ về con người trong một đời khốn khó. Tất cả đã trở thành tinh hoa trong DNHCM mà một người tử tế như tôi tự nhận đã quì xuống. Và kết tinh của mọi tinh hoa ấy là tinh hoa Mẹ. Sẽ mãi không bao giờ quên hình tượng một người mẹ như từ nguyên mẫu trong tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ họ Tô bước thẳng vào cõi trần gian tăm tối. Một người mẹ lẽ ra đài các kiêu sa, xứng đáng được hưởng hạnh phúc trong nhung lụa do cha ông lao động cật lực mà có; hào hoa thanh lịch tới từng chi tiết nhỏ nhất trong mỗi công việc, cứ như đụng vào bất kì thứ gì thì chúng cũng sẽ kết thành hoa thơm trái ngọt. Mẹ là hiện thân, là tường minh của lời nhắn nhủ ông cha: giấy rách phải giữ lấy lề. Bất kì hoàn cảnh nào, dù bình địa ba đào, nương dâu bãi bể cũng không làm Mẹ đổi khác! Người Mẹ nghĩa tình đã bao dung, tha thứ, chịu đựng, vượt qua mọi gian khổ, hi sinh trong cơn bĩ cực với cứu cánh tối thượng vì chồng con và những người máu chảy ruột mềm, những người dưng chẳng phải một giọt máu đào yêu quí. Xúc động biết bao, ngay cả khi bây giờ đứa con đã lên lão mà vẫn da diết một ước mơ: "...con chỉ có một sở nguyện lớn lao đến vô lý, rằng giá như bây giờ được trở lại ngày xưa. Để Mẹ lại tất bật sắm sanh lo Tết..." Hình tượng Mẹ là ánh hào quang tỏa ngời những trang sách.
            Đáng lẽ đây phải là những dòng đầu theo nguyên tắc Thi pháp học để đóng đinh tính dõng dạc của một khoa học đã và đang bị chính trị cưỡng bức vì những lí do ngu muội, lừa đảo, rằng trong tác phẩm nghệ thuật, hình thức mang tính nội dung; hình thức tác phẩm từ bố cục, kết cấu, thời gian, không gian nghệ thuật, giọng điệu, quan niệm, cái nhìn nghệ thuật của tác giả...chính là nội dung. Cũng như trong đời sống, ngôn ngữ của một người nào đấy sẽ khiến người ta nghĩ đến tư cách, vốn sống, vốn văn hóa... của người đó. Nhưng người viết bài này vì đã quá mến yêu, khâm phục mà "bước qua lời nguyền" để trở về theo lối săm soi các "tính" truyền thống hơn nửa thế kỉ qua. Như một lời sám hối, vẫn phải dẫn ra đây một số câu văn mà tác giả đã sáng tạo, đã phục sinh cho lời nói, đầu thai cho ngôn ngữ nghệ thuật, dạy cho tôi những cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ...về lối thể hiện rưng rưng mà sâu kín trên nguyên tắc tính người với ưu tiên trước hết là lòng nhân ái "người biết yêu người":
 - "Đậu phụ mới xuống tay, nướng than củi róc nước, thái lát mỏng nêm vào nồi loáng thoáng như tà áo lụa nhìn xa trong sương mù" (tr 71).
 - "Và mùi hương mộc dịu, nhu mỳ chạm khẽ vào cảm giác khiến ta cay cay sống mũi y như gặp hương sữa mẹ phai ra từ miệng con trẻ lúc cuối chiều" ( tr 79).
 - "Nhìn khói lên mau hay thưa vào giờ nấu bữa, người ta đoán được ngôi làng trước mặt giàu nghèo. Khói niềm vui, khói sợ hãi...khói trong veo, thanh bần, san sẻ. Khói của kẻ xa nhìn về chân trời quê tưởng ra màu khói ấm..." (tr 174).
 - "Châu chấu cào cào dẫn dụ Tôi giấc mơ bời bời mây trắng qua kẽ lá. Dế trũi nhảy, dế chọi cũng gáy giữa cỏ gà búp trắng báo mưa. Tôi ngủ nơi lòng bà nồng cay hương trầu, vẫn giật thột lửa vạ đuốc hun ong vàng ngụt cháy lan nửa vườn chè phủ rơm rạ dưỡng mùn. Tôi hờ gọi ông bà nát tâm can." (tr 276).
 - "Tôi có con sông thơ giữa rừng thường xanh nơi khẩn hoang ngạt ngàn hoa dại trắng dòng trong. Bờ cát mật viền cỏ, trái trám chua rụng điểm dấu chân nai. Thuyền bẹ hoa chuối rừng thắm đỏ xuôi đi giấc mơ con trẻ về thủ đô Tháp Rùa, que kem ngũ sắc..." (tr 105).
            Có thể dễ dàng tìm thấy những đoạn văn như thế ở bất kì trang nào trong "Dặm ngàn hương cốm Mẹ" của Nguyễn Tham Thiện Kế. Nó có sự trang trọng của thơ Đường lại tíu tít, te tái Hồ Xuân Hương nhưng trước hết nó là Tác giả.
            Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh xã hội về mặt triết học thì đang vận động phát triển nhưng thực tiễn còn quá nhiều ngổn ngang. Một bộ phận lớn thường xưng là "tinh hoa, đỉnh cao trí tuệ, đạo đức, văn minh" đang suy thoái và hùng hồn chứng minh những điều ngược lại. Cơ sở văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc tan rã từng mảng lớn. Những chuyện đau lòng tày trời cả nghìn xưa không có thì nay hiện hữu công nhiên làm cho những người tốt phải sợ hãi. Nhưng tôi cứ khăng khăng nghĩ rằng cùng với những cuốn sách như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Chó Bi đời lưu lạc", "Côi cút giữa cảnh đời" của Ma Văn Kháng... "Dặm ngàn hương cốm Mẹ" là món ăn tinh thần quí giá (hiển nhiên rồi) và là liều thuốc hiệu quả để xã hội hoàn lương, nhất là ở phương diện trân trọng sự sống, độ lượng, bao dung, thương mến con người.
            Nâng trên tay cuốn sách, tôi thấy ngát xanh những cánh đồng lúa đã qua thì con gái rờn rợn đuổi nhau về phía cuối trời. Và tình Mẹ quyện cùng hương cốm ắt còn thơm mãi với thời gian./.
                                                PLei Ku14.8.15
                                                  C.A.Đ

            

Sài Gòn xấu

Có lần Trần Kỳ Trung từ Hội An vô, tôi chở Trung đi lòng vòng Thành phố hai thằng vừa đi vừa nói chuyện oang oang bất kể xung quanh người đông đặc như kiến.
Tôi hỏi Trung: là nhà văn ông giải thích giùm tôi vì sao dù đã đổi tên Sài Gòn sang Tp. HCM từ 40 năm nay nhưng cái tên con người đó hầu như chỉ lưu hành trên văn bản hành chính, còn lại dân tình đều vẫn gọi Thành phố bằng cái tên thân thuộc là Sài Gòn. Phải chăng thực chất trong lòng mỗi con người Thành phố, Sài Gòn là cái tên không thể bỏ, không thể đổi.
Trung bảo: máu thịt rồi ông ạ. Cái gì đã thành máu thịt thì người ta vẫn giữ mãi. Còn cái tên mà người ta không muốn gọi thì cũng có nghĩa là người ta không chấp nhận. Tôi mà có quyền, tôi ra quyết định đổi tên gọi Thành phố trở lại với tên cũ ngay trong vòng 15 giây. Ông không để ý chứ trên các báo ra hàng ngày cũng đang có xu hướng Sài Gòn hóa đấy. Theo quy luật, cái gì của Xêda thì cuối cùng cũng phải trả lại cho Xêda thôi. Sài Gòn có là gì thì cuối cùng cũng vẫn là Sài Gòn.
Rồi bỗng dưng ông nhà văn nổi tiếng xứ Quảng vốn là đồng nghiệp mô phạm với tôi hồi còn dạy ở QNU bức xúc: mà ụ má nó chứ, báo chí thời nay hễ cái gì hay ho thì gọi là TP. HCM; còn cái gì xấu xí, tệ nạn thì nó gọi là Sài Gòn.
Tôi hồ nghi: có thiệt không.

Ông nghe nhé: Vào các dịp hội lễ thì viết: Tp. HCM rực rỡ cờ hoa…; Thành phố HCM lộng lẫy chào năm mới;  Đêm hoa đăng Tp. HCM…v.v. Ví dụ này nhiều lắm, dẫn cả ngày không hết.

Nhưng nói đến cái xấu, cái tệ nạn của Thành phố thì nó phang ngay vô hai chữ Sài Gòn trong những cái tít đậm đà: Chỉ một trận mưa đường phố Sài Gòn thành sông, Người Sài Gòn ngập ngụa lội trên đường sau cơn mưa chiều nay; Phố đèn đỏ ở Sài Gòn; Giới trẻ Sài Gòn trong cơn say đập đá; rồi: Cướp giật lộng hành trên đường phố Sài Gòn…v.v.  

Ông thấy chưa. Có phải là Sài Gòn gắn liền với cái xấu còn HCM thì gắn với lộng lẫy lung linh xinh tươi này khác không nào.

Nó viết thế có khác gì ngày xưa ông Việt Phương từng mai mỉa: Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ; Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ

Đúng là Sài Gòn thì xấu thiệt.

 

  Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (Không thấy ai gọi là Nhà thờ Đức Bà TP.HCM)



Cô em gái Hà Thị Lan vừa ở quê vô chơi cũng nói cho em lên thăm Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
  

   

8 tháng 8, 2015

Những "Làng ma" tôi đã đi qua


                                                                            Chử Anh Đào

            Những nơi mới tới lần đầu bao giờ cũng mang lại cho ta nhận thức và tình cảm mới. Nhưng lại có những nơi mà hàng trăm lần đã đến vẫn giữ nguyên tình cảm tinh khôi mới mẻ ban đầu. Làng ma (Plei Atâu) của người JRai, Bah Nar là trường hợp như thế.
            Làng là đơn vị hành chính- văn hóa hạt nhân của người JRai, Bah Nar. Người Jrai, Bah Nar quan niệm thế giới có ba tầng: Giàng (yang) người và ma (atâu) Người chết biến thành ma. Nhưng từ khi nằm xuống tới lúc bỏ mả (pơ thi) để về cõi vĩnh hằng thì ma vẫn có cuộc sống như người với đời sống tinh thần và các nhu cầu trần thế tương tự. Vì vậy nghĩa địa là một bộ phận của làng, thường nằm ở phía tây của làng, hướng của cõi ma.
            Người JRai, Bah Nar chia tay với người chết bằng hình thức địa táng. Tháng đầu, ngày nào người thân cũng mang cơm nước ra mộ. Vài tháng sau, khi xong một lễ nhỏ mà tùy điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà sự chăm sóc này có thể thưa hơn. Ngoài việc ăn uống quanh khu mộ có thể phải bàn về vệ sinh nhưng "cảnh quan môi trường" nơi đây rất đáng để cho các tộc người khác học tập. Ở các nghĩa địa truyền thống (để phân biệt với hiện tại) nhà mồ có chiều cao, kích thước, diện tích mặt bằng tương đối đều nhau, trang trí cùng một mô típ với của cải chia cho người đã khuất bên trong hàng rào và các tượng mồ như người ôm mặt, mẹ bồng con, hoạt động tính giao nam nữ, khỉ, chim, chó...ngoài hàng rào nhà mả. Nhà mả được xây dựng bằng hai vật liệu chính là gỗ phía dưới và gianh lợp mái. Làng ma thường nằm trên khu đất bằng phẳng hoặc trên một triền đồi thoai thoải dưới bóng những cây rừng tỏa cành lá sum suê có quanh năm trong lành gió hát và thi thoảng là tiếng chim rừng xanh như ngọc rót thương nhớ vào thời gian bất tận. Làng ma chỉ trở nên hoang tàn khi khu đó đã bỏ mả hoàn toàn. Khi đó con người giao lại cho Tự nhiên. Cỏ dại, dây leo mọc lên. Những mái gianh xô lệch, khụy xuống như người đeo gùi vượt dốc hết hơi. Hoặc gần tới tận cùng của sự hủy diệt, tàn phá là lơ thơ dăm ba viên đá mổ côi và vài cột Klao như những dấu "phẩy" run rẩy đánh vào hoàng hôn chập choạng bầm màu máu bò.
            Và theo lẽ tự nhiên, con người lại lập những làng ma mới!
          Trên dưới vài chục năm trở lại đây, cùng với sự thay đổi theo hướng tích cực, hướng đi lên của đời sống xã hội, làng ma cũng khoác lên mình tấm áo mới.Vẫn ngay ngắn, sạch sẽ, linh thiêng trầm mặc nhưng giờ là những ngôi mộ xây bằng đá, gạch men, có chân dung người chết và các câu đối chữ Hán hai bên; có lô gô tôn giáo hình chữ "vạn", chữ "thập", ngôi sao và trăng lưỡi liềm. Rồi cặp chó hoặc sư tử gạch men đứng ngồi quanh mộ. Rồi tượng lính ta, lính Tây vác súng, cán bộ cắp sổ đi họp, máy bay, xe tăng...như một mùa ra trận. Tôi đi hai ngày hai đêm qua các làng ma ở phía đông- nam của tỉnh: Ia Xiêm, Đê Gu, Ia MLá, Đăk Bằng, Iar Tô, Ia Sao, Ia Bol...chỉ gặp được một người đàn bà ôm mặt khóc, một con khỉ và một con chim tượng mồ kích thước nhỏ nhoi, khiêm tốn như suýt bị bỏ quên bằng chất liệu gỗ. Nghe nói có 20 tượng gỗ công an bắt được của bọn ăn cắp tượng mồ đang nằm trong văn phòng huyện (Cũng nghe nói những tượng gỗ dân gian Tây Nguyên khi "vượt biên" trót lọt sẽ có giá từ hai tới hai mươi nghìn đô la). Những tượng gỗ như những người thân lâu ngày hầu như đã biến mất vì thị hiếu thẩm mĩ như món nộm nuốt vội vàng, sống sít và làm gì còn rừng còn gỗ mà tạc tượng. Một nỗi niềm như là nuối tiếc, như là xót xa, thương nhớ dâng lên.
            Mùa mưa ở các huyện phía đông nam tới chậm. Những cơn mưa còn dùng dắng chia tay với biển mãi tận cuối chân trời, chỉ vần vũ phía ấy lưa thưa mấy đám mây đen như lời hứa của một người mải chơi bất tín. Nắng vẫn còn đổ lửa xuống các thung lũng lòng chảo. Chúng tôi bước vào làng ma ở Buôn Đê trong hành trình cuối của đợt " phượt". Đây là làng ma " tân cổ giao duyên". Vẫn những nhà mồ cũ xen lẫn những ngôi mộ mới khang trang hiện đại có cả tivi cho người chết. Vẫn những đường nhỏ ngang hàng thẳng lối. Hoang hoải mùi rượu ghè và mùi khói nướng thịt xen lẫn rậm rịch bước chân vòng xoang của lễ Pơ thi mấy hôm trước còn quện trong đâu đây cảnh vật. Lạ thay, tự nhiên không khí nơi đây mát lành tựa như vừa được uống dòng nước trong bầu của cô gái làng Tung Tóc đưa cho. Tôi dựa lưng vào một gốc cây cổ tích thế kỉ nào- gốc cây mà người mẹ chết, người mẹ hóa thân cho đứa con được sống, thanh thản và tin tưởng như sau khi vượt dặm đường xa trở về dựa cột nhà mình. Tôi vừa nhìn thấy một sợi dây như tua khố muôn màu nối niềm mến yêu thương nhớ khôn nguôi của những làng người với những làng ma mà ở khía cạnh văn hóa, họ là những hình thức tồn tại khác nhau nhưng đều bất tử như nhau./.
                                                          KRông Pa-PK 8/8/15
                                                                     C.A.Đ

            

4 tháng 8, 2015

Bàng quan hay sợ hãi

Khác với những vùng miền khác, nhất là với Hà Nội hay các tỉnh miền Trung,  người  Sài gòn có một thói quen là không bao giờ nói chuyện chính trị dù trong các cuộc nhậu nhẹt hay trà dư tửu hậu, ngay cả trong các cuộc họp chi bộ là nơi những người được gọi là đồng chí với nhau rất xứng đáng để nới chuyện chính trị, họ cũng lãng tránh.
Điều này thật khác với dân Bắc, nơi mà ngay cả một ông xe ôm cũng có thể nói chuyện say sưa và đầy hiểu biết với bạn về nhân sự cấp trung ương từ tổng bí thư đến thủ tướng thậm chí cả ghế các bộ trưởng cứ như là họ vừa rời cuộc họp bộ chính trị ra vậy. Có lần ra Vinh, tôi đi nhậu với mấy ông bạn học thì chủ đề của cuộc nhậu dài suốt buổi là chuyện nhân sự từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, cấp trường. Thậm chí nói chuyện nhân sự trường Vinh chán còn mở rộng ra đến cả nhân sự trường ĐH Hà Tĩnh. Chuyện chính trị, chuyện nhân sự cần với người Bắc và người Trung như là máu thịt để sống, như là khí trời để hít thở của họ.
Nhưng ở Sài Gòn, trong mọi cuộc gặp gỡ dù rất thân tình với những con người thân thiết, bạn có thể nghe được đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới biển, từ chuyện làm ăn đến chuyện chơi bời trai gái; nhưng bạn không bao giờ có thể nghe được từ họ những câu chuyện về chính trị hoặc về nhân sự.
Nếu bạn hỏi một người Sài Gòn về tên ông bí thư, tên ông chủ tịch thành phố là gì thì chắc chắn là họ sẽ không kể ra được.
Điều này như là một mặc định với người Sài Gòn.
Vì sao vậy.
Có nhiều lời giải thích khá giống nhau là người Sài Gòn chỉ lo làm ăn và hưởng thụ cuộc sống. Họ không có thói quen và thời gian để bàn ba chuyện chính trị khiến họ bị nhức đầu và vô bổ. Ai làm bí thư. Ai làm chủ tịch Thành phố. Ai tổng bí thư. Ai chủ tịch, thủ tướng của đất nước thì cuộc sống của họ cũng vẫn vậy, chẳng vì ông này hay ông kia làm mà họ có thêm được sự thay đổi gì. Hơi sức đâu quan hoài cho mệt.
Đó là một sự bàng quan thú vị. Nó như một sự bơ đời.
Nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân sâu xa của sự bàng quan đó là nỗi sợ hãi cố hữu của người Sài Gòn, một nỗi sợ hãi xuất hiện từ 40 năm trước kể từ ngày 30 tháng tư năm 1975. Khi mà những người cs vào nắm chính quyền và thực thi một chính sách cai trị xã hội với nhiều chuyên chế và khắc nghiệt về chính trị. Trong xã hội cs, ai nói trái, thậm chí là chỉ nói khác với chính quyền đồng nghĩa với chống đối lại chính quyền. Huống chi cái gốc gác đầy mặc cảm khi mình bị chính quyền cai trị mới xem là ngụy – ngụy quân, ngụy quyền vẫn ăn sâu trong tâm khảm họ. Chỉ cần bạn nhỡ mồm đã bị ghi tên vô sổ đen, thậm chí kiếm cớ cho bạn vào tù ra khám. Vậy thì họ không dám dây vào ba chuyện chính trị đầy dẫy nguy hiểm là vì nỗi sợ hãi. Khi nào họ cũng thấy mình đang sống trong sợ hãi nên tự thấy cần lãng tránh xa chuyện chính trị. Dính vào nó không sớm thì muộn cũng mang vạ vào thân.

Bàng quan hay sợ hãi. Cả hai hay chỉ là một vế của vấn đề. Như với tôi là ở vế sau – nỗi sợ hãi và hèn nhát dù tôi và cả nhà tôi chẳng ai dính đến từ ngụy.