26 tháng 8, 2015

Ngôn ngữ quanh ta

                                                                            Chử Anh Đào

            Chức năng của ngôn ngữ là để tư duy và giao tiếp. Trừ rất ít những người có kiến thức chuyên ngành, còn lại đa số chúng ta sử dụng ngôn ngữ theo thói quen tự phát. Thấy người ta dùng thì mình dùng. Nói, viết mà người khác hiểu được là tốt rồi. Tuy nhiên thói quen này cũng tiềm ẩn một nguy cơ: Không hiểu nghĩa của từ sẽ dẫn đến dùng từ sai. Xin đưa ra một số nghĩa gốc của từ mà có thể bạn chưa biết hoặc mang lại cho bạn những thú vị bất ngờ mà những dịp trước chưa có điều kiện đề cập:
            - "Nam mô": có khi đọc là "nam vô". Từ có gốc tiếng Phạn "namuh" có nghĩa là "chắp tay, cúi đầu". Trong khẩu ngữ hiện nay, " nam mô" còn có nghĩa "mất", "quên đi cho rồi".
            - "A di đà": gốc tiếng Phạn."A" là "vô", "di đà" là "lượng"." Phật sáng suốt không thể lường được. "Trong cúng lễ hoặc đi chùa, chắp tay cúi đầu chào nhau, người ta thường nói "a di đà Phật".
            - Áo "cà sa": gốc tiếng Phạn "Kasaya", có nghĩa là "màu sắc xấu xí". Nhà sư sống kham khổ, phải mặc áo thô. Áo cà sa ở nước ta là áo nâu sồng, năm thân, tay thụng. (Áo thụng nhiều màu sắc không phải là áo cà sa)
            - "Á hậu": "người đẹp thứ 2 trong cuộc thi". Thực ra từ này dùng sai nhưng vì đã lâu nên được chấp nhận. Trong cuộc thi sắc đẹp, người đứng đầu là hoa hậu (hoàng hậu trong các loài hoa). Theo đà, người ta gọi người đứng thứ 2 là " á hậu". Nhưng " á hậu" chỉ có nghĩa là vợ thứ 2 của vua.
            - "Bikini": "bộ đồ tắm hai mảnh của phụ nữ". Đây là từ chuyển nghĩa. "Bikini" là tên một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình dương, nơi Mĩ dùng để thử vũ khí nguyên tử năm 1946, gây chấn động thế giới, không khác gì kiểu ăn mặc gần như lõa thể của phụ nữ công khai giữa đám đông ở bãi tắm biển. Bây giờ là thường. Nhưng hồi mới xuất hiện, bộ đồ tắm này cũng làm ngả nghiêng thế giới. Và người ta gọi nó là "bikini".
            - "Bí thư": "tài liệu mật", "người giữ tài liệu mật". Nay dùng theo các nghĩa:
            + Người được đoàn thể bầu ra, đứng đầu ban chấp hành, lãnh đạo toàn diện.
            + Cán bộ các bộ, chủ yếu là ngoại giao
            + Thư kí riêng.
            - " Tần tảo": "tên hai loại rau dại mọc ven suối". Người bình dân hay hái về nấu canh. Giờ có nghĩa chỉ phẩm chất tốt đẹp của ngưởi phụ nữ nghèo chịu thương chịu khó.
            - "Đế quốc": "nước có vua". Nay chỉ nước lớn xâm lược các nước nhỏ, yếu nhằm mở rộng lãnh thổ, bóc lột sức lao động và khai thác tài nguyên, biến các nước bị xâm lược thành thuộc địa.
            - "Tệ":[ ] "tiền Trung Quốc", như Đollar của Mĩ và một số nước, Ruble của Nga, Mark của Đức, Franc của Pháp..." Tệ" đầu tiên có nghĩa là "vải lụa". Sau đó là "của cải". Theo thứ tự đẳng cấp, ngọc được coi là "thượng tệ", vàng là "trung tệ", gấm vóc là "hạ tệ". Từ đời nhà Hán tới nay, "tệ" luôn mang nghĩa là "tiền".( Không phải vì ghét Trung Quốc bành trướng mà ta gọi tiền của họ là "tệ" như cách hiểu của một số người). Một từ Trung Quốc đang dùng làm kí hiệu, có nghĩa "đồng bạc" là "nguyên" [ ] Ví dụ: thập" nguyên" là 10 "tệ".

                                                                                                                        C.A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới